Cơ sở lý thuyết

Một phần của tài liệu Pháp luật Việt Nam về chứng cứ điện tử. (Trang 56 - 58)

CHƯƠNG 1 TỔNG QUAN VỀ VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU

2.1.2Cơ sở lý thuyết

Mặc dù, khái niệm thu thập chứng cứ không được các hệ thống pháp luật Anh, Mỹ, Pháp, Đức định nghĩa, hoặc nêu thành điều luật rõ ràng, nhưng các hệ thống pháp luật khác nhau đều có các biện pháp phục vụ cho yêu cầu thu thập chứng cứ. Với hệ thống Thông luật, hệ thống pháp luật Mỹ có rất nhiều biện pháp phục vụ cho việc thu thập chứng cứ, trong dân sự lẫn hình sự. Ví dụ các Quy tắc trong Tiêu đề V. Tiết lộ và khám phá (Title V. Disclosures and discovery), Quy tắc Tố tụng Dân sự của Mỹ (U.S. Goverment, 2019). Ngoài ra, Quy tắc 16. Khám phá và khám xét (Discovery and Inspection), Tiêu đề IV. Sự buộc tội và chuẩn bị xét xử (Title IV. Arraignment and Preparation for Trial), Quy tắc Tố tụng Hình sự Mỹ (U.S. Goverment, 2021). Trong hệ thống pháp luật hệ thống Dân luật không có khái niệm tiết lộ, khám phá.

Tại Pháp, luật Dân sự Pháp không có khái niệm khám phá (Martin Oudin, 2015) nhưng có quy định rất nhiều biện pháp phục vụ cho thu thập chứng cứ, ví dụ biện pháp điều tra (Investigations) được quy định trong Luật Tố tụng Dân sự của Pháp từ Điều 204 đến Điều 231. Ngoài ra, trong Chương VIII. Thu giữ, Đánh chặn viễn thông, Tìm kiếm có sự hỗ trợ của máy tính, Sử dụng các thiết bị kỹ thuật, Sử dụng các nhà điều tra bí mật và tìm kiếm của Luật Tố tụng Hình sự Đức cũng nhằm mục đích thu thập chứng cứ.

Tóm lại, như phân tích ở trên từ Thông luật, Dân luật, pháp luật trên lĩnh vực dân sự hay hình sự bằng cách này hay cách khác, đều hướng đến việc thu thập chứng cứ, thông qua các biện pháp được quy định trong các luật tố tụng, thực chất của những biện pháp này là thực hiện quá trình điều tra, với các tên gọi khác nhau. Ví dụ thuật ngữ khám phá qua nghiên cứu các quy tắc trong Luật Tố tụng Dân sự và Luật Tố tụng Hình sự Mỹ, có thể hiểu, khám phá là một loại công cụ tố tụng được sử dụng bởi một chủ thể tham gia trong một vụ kiện dân sự hoặc vụ án hình sự, được thực hiện trước khi xét xử, để thu thập chứng cứ cần thiết phục vụ cho việc thực hiện quyền, trách nhiệm hay nghĩa vụ chứng minh. Như vậy, quá trình khám phá thực chất cũng là một quá trình điều tra nhằm mục đích thu thập chứng cứ. Rõ ràng, cả hình sự, dân sự các chủ thể tham gia tố tụng muốn có chứng cứ, thì phải thông qua các biện pháp điều tra để thu thập chứng cứ, dưới nhiều hình thức, biện pháp, phương pháp, mức độ thực hiện, quyền hạn thực hiện, mức độ can thiệp của Nhà nước, cơ quan tư pháp là hoàn toàn khác nhau. Tuy nhiên, chúng có một điểm chung là cần phải được hợp tác, quản lý của cơ quan tư pháp và với biện pháp tương xứng (Grimm, H. P. W, 2018).

Do đặc thù của chứng cứ điện tử, là một loại hình chứng cứ có nguồn từ dữ liệu điện tử rất dễ bị thay đổi, khó bảo đảm được tính nguyên vẹn của dữ liệu điện tử, làm cho tính toàn vẹn của chứng cứ điện tử có thể bị xâm hại, thậm chí trong một số trường hợp không có bản gốc để đối chiếu so sánh. Việc thu thập chứng cứ điện tử có ảnh hưởng rất lớn đến quyền, lợi ích hợp pháp của nhiều tổ chức, cá nhân khác nhau, có khi các đối tượng ấy không liên quan đến tình huống pháp lý, nên yêu cầu cần phải được quản lý của cơ quan tư pháp và áp dụng những biện pháp tương xứng là yêu cầu khách quan cần thiết, để bảo đảm được quyền, lợi ích và nghĩa vụ của các bên liên quan trong một vụ án, vụ kiện. Pháp luật Việt Nam trong lĩnh vực dân sự tại Điều 97 quy định về xác minh, thu thập chứng cứ của Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015, lý giải của bình luận khoa học luật tố tụng dân sự (Trần Anh Tuấn, 2017). Ngoài ra, Điều 88 về thu thập chứng cứ, Điều 107 về thu thập phương tiện điện tử, dữ liệu điện tử trong Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021) cũng lý giải về các vấn đề mới trong Bộ luật này và các vấn đề về chứng cứ điện tử.

Chính vì vậy, trong chương này tác giả dựa trên cơ sở khoa học, cơ sở lý thuyết, hệ thống pháp luật thực định, vừa trình bày ở trên để tìm hiểu, xây dựng khái niệm, bản chất của quá trình thu thập chứng cứ điện tử, xây dựng nguyên tắc, phương pháp, biện pháp thu thập chứng cứ điện tử phù hợp, tương xứng. Đồng thời, tác giả đánh giá tác

động của các tác nhân ảnh hưởng đến quá trình thu thập chứng cứ điện tử, kết hợp với việc chấp nhận kết quả pháp y kỹ thuật số như là một biện pháp để điều tra thu thập chứng cứ điện tử, xây dựng mô hình cho quy trình điều tra thu thập chứng cứ điện tử giúp các cơ quan tư pháp quản lý một cách có hiệu quả quá trình điều tra thu thập chứng cứ điện tử.

Một phần của tài liệu Pháp luật Việt Nam về chứng cứ điện tử. (Trang 56 - 58)