0
Tải bản đầy đủ (.docx) (183 trang)

Nội dung yêu cầu công nghệ

Một phần của tài liệu PHÁP LUẬT VIỆT NAM VỀ CHỨNG CỨ ĐIỆN TỬ. (Trang 122 -125 )

CHƯƠNG 1 TỔNG QUAN VỀ VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU

3.4 Nội dung yêu cầu công nghệ

3.4.1. Mô hình điều tra kỹ thuật số

Có rất nhiều mô hình điều tra kỹ thuật số, hình 2.6 là mô hình điều tra kỹ thuật số thu thập chứng cứ điện tử ở cấp độ trừu tượng, nghĩa là mô hình chung cho tất cả các loại điều tra kỹ thuật số, với từng loại công nghệ, phương tiện sẽ có quy trình điều tra kỹ thuật số khác nhau. Ví dụ, đối với pháp y đám mây thì ta phải có quy trình công nghệ khác với pháp y IoT. Việc sử dụng pháp y nào là do yêu cầu chứng minh, yêu cầu công nghệ và yêu cầu pháp lý quyết định. Vấn đề còn lại là mô hình được chọn lựa có thích hợp không, đủ độ tin cậy, mang lại hiệu quả như thế nào, có bảo đảm tính toàn vẹn dữ liệu và các yêu cầu pháp lý khác hay không. Mô hình ấy có khả năng kiểm tra ngược, kiểm tra chéo hay không, đặc biệt cần phải tham khảo tiêu chuẩn quốc tế ISO/IEC 27043:2015 (E) (ISO/IEC-27043, 2015). Chính vì vậy, yêu cầu chuẩn hóa mô hình điều tra kỹ thuật số trên từng lĩnh vực, là yêu cầu cấp bách hiện thời đối với các cơ quan thực thi pháp luật của Việt Nam, đặc biệt trong hai lĩnh vực quan trọng là dân sự và hình sự.

3.4.2. Pháp luật hóa công cụ pháp y kỹ thuật số

Pháp luật hóa công cụ pháp y kỹ thuật số, trong điều kiện pháp luật Việt Nam hiện nay là một yêu cầu cấp bách, bởi lẽ, hiện nay nhu cầu xử lý các tình huống pháp lý trong hầu hết các lĩnh vực đều cần đến chứng cứ điện tử. Vì vậy, việc thu thập, hình thành chứng cứ điện tử phải sử dụng các công cụ pháp y kỹ thuật số. Trong khi đó, tất cả các công cụ pháp y kỹ thuật số hiện nay chưa được pháp luật Việt Nam công nhận, Việt Nam cũng chưa xây dựng được một khung tiêu chuẩn kỹ thuật cho loại công cụ này. Đây là một hiểm hoạ có thể xảy ra bất cứ lúc nào để dẫn đến oan sai, dẫn đến thiếu minh bạch, công bằng, công lý trong các cơ quan tài phán. Có làm được điều này, các chủ thể tham gia tố tụng mới có cơ sở để đánh giá độ tin cậy của chứng cứ điện tử. Các nước tiên tiến trên thế giới, đã thực hiện tiêu chuẩn hóa công cụ pháp y kỹ thuật số từ

lâu, ở Hoa Kỳ có Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ Quốc gia (NIST), Nhóm Công tác Khoa học về Bằng chứng Kỹ thuật số và Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế, họ đã đưa tiêu chuẩn, phương pháp để kiểm chứng các công cụ pháp y kỹ thuật số, xem đây là tiêu chuẩn kỹ thuật được luật hóa (ISO/IEC 27041, 2015). Việt Nam sớm thực hiện điều này, không phải chỉ để thực hiện nhu cầu trong nước, mà còn là chủ động hội nhập, tham gia sâu và tích cực trên trường quốc tế, để xây dựng bộ tiêu chuẩn kỹ thuật hợp lý, có như vậy chúng ta mới chủ động, không bị thụ động phải chạy theo lối chơi của người khác.

3.4.3. Kỹ thuật giám sát nguồn gốc chứng cứ điện tử

Đây là công việc làm xuyên suốt, từ khi bắt đầu của quy trình điều tra, đến khi đưa chứng cứ điện tử ra đến Tòa án, tất cả mọi hành vi của cá nhân, tổ chức có liên quan, tác động đến chứng cứ điện tử đều được ghi lại, nói chung những thông tin về đối tượng tác động và đối tượng bị tác động đều phải được ghi lại, đặc biệt trong giai đoạn thu thập chứng cứ điện tử. Công việc này đòi hỏi có một tổ chức độc lập giám sát từ khi bắt đầu cho đến khi kết thúc, luật Việt Nam giao cho Viện Kiểm sát. Ở nước ngoài, họ gọi tiến trình này là chuỗi hành trình lưu ký (chain of custody) hay còn gọi là kỹ thuật giám sát nguồn gốc chứng cứ, được định nghĩa là một quy trình được sử dụng để duy trì và ghi lại lịch sử tuần tự của hành vi (U.S. Department of Justice Office of Justice Programs, 2013). Công việc này là một chuỗi liên tục, từng hành vi, công đoạn đều được lập mô tả, biên bản cụ thể, chi tiết, để có thể dựa vào đây truy nguyên, tìm hiểu sự thật của chứng cứ điện tử được sản sinh ra như thế nào, giúp cho việc đánh giá chấp nhận chứng cứ điện tử đáng tin cậy hơn. Vòng đời của hành trình lưu ký, bắt đầu từ người phản ứng đầu tiên cho đến khi cơ quan tài phán chấp nhận hoặc không chấp nhận chứng cứ điện tử. Nếu không có chuỗi hành trình lưu ký này thì không thể có chấp nhận chứng cứ điện tử được.

3.4.4. Năng lực chủ thể thực hiện pháp y kỹ thuật số

Năng lực của chủ thể thực hiện pháp y kỹ thuật số cũng là một vấn đề rất quan trọng, để làm cơ sở đánh giá chấp nhận chứng cứ điện tử. Chủ thể pháp y kỹ thuật số phải là người có năng lực, kiến thức thật sự trên các lĩnh vực như công nghệ thông tin, luật và nghiệp vụ của họ. Mọi sự so sánh đều khập khiễng. Ở Việt Nam, pháp luật chưa có khái niệm pháp y kỹ thuật số, nhưng trên thực tế đã có sử dụng, nhất là trên lĩnh vực hình sự (Ngô Minh Dũng, 2021).

Ngoài tiến bộ về công nghệ thông tin và các tính năng ngày càng được tăng cường của các thiết bị điện tử (bao gồm cả các thiết bị thông thường được sử dụng

trong đời sống hàng ngày và các thiết bị được thiết kế đặc biệt cho mục đích phạm tội) khiến thủ đoạn của đối tượng phạm tội ngày càng trở nên tinh vi, một trong những trở ngại chính đối với việc thu thập, đánh giá, chấp nhận và sử dụng chứng cứ điện tử trong tố tụng ở Việt Nam và các quốc gia, là hạn chế về năng lực kỹ thuật số của các chủ thể thực hiện pháp y kỹ thuật số. Cán bộ tư pháp hình sự ở Việt Nam được tuyển chọn dựa trên yêu cầu về trình độ, năng lực cụ thể cho từng vị trí, ví dụ như Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán; họ am hiểu về kiến thức pháp luật nhưng không có kỹ năng số. Do đó, các cán bộ tư pháp hình sự thiếu các kinh nghiệm và kỹ năng thiết yếu đối với việc thu thập, đánh giá, chấp nhận và sử dụng chứng cứ điện tử.

Ngoài ra, cơ cấu và cách thức tổ chức của các cơ quan quản lý nhà nước cũng dẫn tới một số thách thức. Ví dụ, một số cơ quan không có kế hoạch phát triển nguồn nhân lực kỹ thuật số. Các cơ quan này, nhìn chung có tổ chức hoặc tham gia một số hội thảo, toạ đàm nhưng không có hoạt động nâng cao nhận thức thường xuyên và liên tục về kỹ năng số. Năng lực kỹ thuật số không chỉ là kiến thức trên lý thuyết, mà còn là sự hiểu biết về kỹ năng thực hành (cần thời gian để bồi đắp) và thái độ cởi mở, tiếp thu đối với việc sử dụng thiết bị điện tử. Bên cạnh đó, một số cơ quan chưa sẵn sàng cho việc nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật số, chuyển đổi sang sử dụng thiết bị điện tử hoặc chưa quen với thay đổi về quy trình nghiệp vụ. Một số cán bộ còn thiếu nhiệt huyết, chưa thực sự chú trọng đến việc phát triển năng lực kỹ thuật số của bản thân (Thapana Bhasathiti Sanyabutra, 2021).

3.4.5. Chất lượng phòng thí nghiệm pháp y kỹ thuật số

Tiêu chuẩn vận hành, yêu cầu chất lượng của phòng thí nghiệm pháp y kỹ thuật số là một đòi hỏi khách quan của quá trình pháp y kỹ thuật số, chất lượng của chứng cứ điện tử lệ thuộc rất lớn vào quy trình vận hành, chất lượng của phòng thí nghiệm pháp y kỹ thuật số (Kuchta, K. J., 2001). Ví dụ: Không có phòng chân không, phòng sạch thì không thể bảo đảm được chất lượng phục hồi vật lý ổ đĩa cứng, không có công cụ cắt sóng điện từ sẽ ảnh hưởng đến sự nguyên vẹn của dữ liệu điện tử. Quy trình vận hành tồi, chất lượng phòng thí nghiệm kém thì chất lượng chứng cứ điện tử sẽ bị ảnh hưởng là điều đương nhiên, nên không thể chấp nhận chứng cứ điện tử là điều hiển nhiên. Pháp luật Việt Nam chưa đề cập đến vấn đề này.

3.4.6. Kiểm tra tính nguyên vẹn về dữ liệu điện tử

Đây là công việc phục vụ cho việc kết luận của tiêu chí tính toàn vẹn trong yêu cầu pháp lý chấp nhận chứng cứ điện tử. Nếu dữ liệu điện tử phản ánh vật chất của chứng cứ điện tử nguyên vẹn, thì chứng cứ điện tử có tính toàn vẹn. Muốn kiểm tra

được tính nguyên vẹn của dữ liệu điện tử ta dựa vào các yếu tố, đó là lần theo chuỗi hành trình lưu ký, kiểm tra từng giai đoạn một kỹ thuật thực hiện là gì, năng lực chủ thể thực hiện như thế nào, công cụ thực hiện là loại nào, chất lượng phòng pháp y kỹ thuật số ra sao, quy trình điều tra kỹ thuật số có phù hợp không. Kiểm tra tính nguyên vẹn này cần được pháp luật quy định chặt chẽ, phục vụ việc giám sát chấp hành pháp luật. Pháp luật Việt Nam chưa có quy định về vấn đề này.

3.4.7. Nhân chứng chuyên gia trong lĩnh vực pháp y kỹ thuật số

Pháp luật Việt Nam chưa thấy quy định về nhân chứng chuyên gia trong lĩnh vực pháp y kỹ thuật số. Công việc này rất cần thiết. Nhân chứng chuyên gia có các loại: Một loại là nhân chứng chuyên gia độc lập không liên quan gì đến tình huống pháp lý được mời đến giải thích, chứng minh các chứng cứ điện tử có liên quan; loại thứ hai là có liên quan đến tình huống pháp lý, ví dụ như người quản trị hệ thống của một công ty bị tin tặc tấn công; loại thứ ba là chuyên gia của một doanh nghiệp là bên thứ ba có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ; loại thứ tư chuyên gia công nghệ thông tin là người trực tiếp hoặc hỗ trợ chủ thể điều tra chứng cứ điện tử. Tùy theo mức độ, loại chuyên gia cần được pháp luật Việt Nam luật hóa tiêu chí về trình độ, năng lực, tay nghề, kinh nghiệm để làm cơ sở cho sự giải thích chứng minh của họ, từ đó quyết định việc chấp nhận chứng cứ điện tử hay không (Chroeder, S. C., 2005). Trong lĩnh vực công nghệ thông tin, nhân chứng chuyên gia là rất quan trọng, phải là người có kiến thức chuyên sâu trong lĩnh vực mà họ làm chứng, bên cạnh đó họ cũng phải có phẩm chất đạo đức trong sáng, trung thực, khách quan là yêu cầu bắt buộc; pháp luật Việt Nam nên quy định chặt chẽ cho việc chấp nhận nhân chứng loại này.

3.4.8. Kết luận pháp y kỹ thuật số

Kết luận pháp y kỹ thuật số là một báo cáo với đầy đủ nội dung chi tiết, nó phải chứng minh lý giải được các chứng cứ thu thập được, đáp ứng yêu cầu pháp lý như thế nào, đáp ứng yêu cầu công nghệ ra sao, đặc biệt nó có đáp ứng được phần nào yêu cầu chứng minh tình huống pháp lý hay không, nó có hỗ trợ cho giả thuyết pháp lý nào hay không, hay có làm cơ sở cho việc tiếp tục tìm kiếm chứng cứ điện tử hay không. Kết luận pháp y kỹ thuật số hay báo cáo phải rõ ràng, rành mạch, dễ hiểu, không lạm dụng kỹ thuật. Chính báo cáo pháp y kỹ thuật số cũng là một cơ sở cân nhắc kỹ thuật quan trọng, để xem xét chấp nhận chứng cứ điện tử hay không.

Một phần của tài liệu PHÁP LUẬT VIỆT NAM VỀ CHỨNG CỨ ĐIỆN TỬ. (Trang 122 -125 )

×