0
Tải bản đầy đủ (.docx) (183 trang)

Khái niệm về thu thập chứng cứ điện tử

Một phần của tài liệu PHÁP LUẬT VIỆT NAM VỀ CHỨNG CỨ ĐIỆN TỬ. (Trang 58 -60 )

CHƯƠNG 1 TỔNG QUAN VỀ VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU

2.2 Nội dung thu thập chứng cứ điện tử

2.2.1 Khái niệm về thu thập chứng cứ điện tử

Quá trình thu thập chứng cứ trong hình sự gồm phát hiện, ghi nhận, thu giữ và bảo quản chứng cứ, trong dân sự thì chủ thể, biện pháp, mức độ, yêu cầu tiến hành thu thập chứng cứ khác lĩnh vực hình sự, nhưng ở góc độ trình tự, phương pháp thu thập thì như nhau (Đỗ Văn Đương, 2011). Tuy nhiên, do chứng cứ điện tử được hình thành trên nền tảng công nghệ, nên chứng cứ điện tử có đặc điểm khác với chứng cứ truyền thống. Vì vậy, việc thu thập chứng cứ điện tử được tiến hành với quy trình trong từng công đoạn có khác với việc thu thập chứng cứ truyền thống.

Dựa trên quy luật tự nhiên - xã hội, kết quả của khoa học sẵn có, kết hợp với yêu cầu chứng minh sự kiện pháp lý, chủ thể thu thập chứng cứ sử dụng biện pháp mà pháp luật cho phép tiến hành tìm kiếm, để phát hiện chứng cứ hoặc nguồn chứng cứ. Đối với chứng cứ điện tử ngoài những yếu tố trên, chủ thể thu thập chứng cứ còn phải hiểu biết về quy tắc của việc sử dụng phần cứng, lẫn phần mềm của công nghệ thông tin, để sử dụng công cụ, phương tiện phù hợp tìm kiếm, phát hiện chứng cứ điện tử. Không chỉ hiểu biết mà còn phải sử dụng được thiết bị điện tử và phần mềm.

Đơn cử, có một vụ cướp tiền ở ngân hàng, hung thủ đã bắn vào nhân viên ngân hàng, hiện trường có nhiều vết máu, hung thủ cướp được tiền và tẩu thoát. Khi thu thập chứng cứ đáp ứng yêu cầu chứng minh sự kiện pháp lý, điều tra viên phải tìm ra bì đạn, đầu đạn để giám định vũ khí, hung thủ là ai và nhiều thứ khác nữa. Thu thập dấu vết mẫu máu của nạn nhân và mẫu máu có tại hiện trường phục vụ truy nguyên. Điều tra viên ngoài việc vận dụng các biện pháp thu thập chứng cứ theo pháp luật cho phép, còn phải vận dụng sự hiểu biết của quy luật tâm lý con người để xác định lời khai người làm chứng. Quy luật tự nhiên, để có thể xác định hướng nổ súng của hung thủ, theo đó tìm phát hiện thêm dấu vết tội phạm. Đồng thời sử dụng thành tựu y khoa xác định được nhóm máu gen di truyền. Tại hiện trường có nhiều camera giám sát, điều tra viên phải tiến hành thu thập dữ liệu điện tử được lưu trữ trong thiết bị điện tử là camera. Như vậy, chủ thể thu thập phải biết sử dụng công cụ, phương tiện điện tử để thu thập, việc thu thập này lệ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng có yếu tố bắt buộc là phải nắm bắt, hiểu biết và sử dụng công nghệ số thành thạo (Carrier, B. and Spafford, E. H, 2003).

Có như vậy, khâu phát hiện mới đạt yêu cầu trong thu thập chứng cứ điện tử nói riêng và chứng cứ nói chung. Như vậy, để phát hiện được chứng cứ điện tử, chủ thể thu thập phải biết được chứng cứ ấy được con người tạo ra bằng công cụ, phương tiện gì, nó có thể tồn tại ở đâu, có thể tìm kiếm, phát hiện bằng công cụ gì.

Ghi nhận là sau khi phát hiện, chủ thể thu thập chứng cứ phải tiến hành ghi nhận lại, ví dụ ghi lời khai nhân chứng, lập biên bản thu giữ mô tả vật chứng, chụp hình, quay phim, lập biên bản thu giữ dấu vết… Đối với chứng cứ điện tử dạng tồn tại của nó là dữ liệu điện tử, nhưng biểu thị của nó rất đa dạng, có thể dưới dạng một văn bản word, pdf, âm thanh, hình ảnh, xml, log file… Hơn nữa dung lượng thường là lớn, có loại in được ra giấy, có loại phải sử dụng thiết bị điện tử có phần mềm mới đọc, nghe, nhìn, hoặc giải thích mới hiểu được. Trong quá trình ghi nhận đối với dữ liệu điện tử nếu còn nguyên vẹn thì chuyển sang giai đoạn sao chép thu giữ hoặc truy xuất thu giữ, nếu phát hiện bị xoá, thì sau khi sao chép phải phục hồi, trong trường hợp cần thiết phải phục hồi trước khi sao chép. Như vậy, đối với công đoạn ghi nhận trong trường hợp chứng cứ điện tử phải được tiến hành thành 3 công đoạn khác nhau đó là sao chép, phục hồi, truy xuất đưa dữ liệu điện tử vào một thiết bị điện tử để được thu giữ và một pha xem xét điều kiện nên giải quyết như thế nào.

Thu giữ chứng cứ, trong trường hợp chứng cứ điện tử là thu giữ thiết bị, phương tiện điện tử có dữ liệu điện tử cần lưu giữ, để khai thác có liên quan đến tình huống pháp lý mà chủ thể tham gia tố tụng phải chứng minh. Việc thu giữ phải đúng với trình tự thủ tục mà pháp luật cho phép, đồng thời phải đáp ứng các yêu cầu pháp lý. Với điều kiện như vậy việc thu giữ chứng cứ điện tử chính là lưu giữ dữ liệu điện tử vừa phải phù hợp yêu cầu pháp lý, vừa phải đáp ứng đúng với công nghệ mà đã tạo ra nó, có như vậy chứng cứ điện tử mới có giá trị sử dụng và giá trị pháp lý. Công đoạn này thường sử dụng công nghệ sao chép chống ghi ngược. Khi thu giữ, lưu giữ phải tiến hành phân tích, đánh giá để đi vào sử dụng hoặc bảo quản sử dụng.

Bảo quản chứng cứ, trong trường hợp bảo quản chứng cứ điện tử, nhiệm vụ trọng tâm chính là bảo quản dữ liệu điện tử, thiết bị điện tử có chứa dữ liệu điện tử là nguồn của chứng cứ. Việc bảo quản phải dựa trên yêu cầu công nghệ và yêu cầu pháp luật, nhằm không làm thay đổi, tổn thương, bảo đảm tính nguyên vẹn của dữ liệu điện tử; từ đó, mới có cơ sở chứng minh được tính toàn vẹn của chứng cứ điện tử.

Với phân tích như trên, cho phép chúng ta kết luận: Thu thập chứng cứ điện tử là một quá trình sử dụng công nghệ thông tin kết hợp với biện pháp nghiệp vụ, để thu thập dữ liệu điện tử nhằm đáp ứng yêu cầu chứng minh một tình huống pháp lý đã xảy

ra của chủ thể có nghĩa vụ, quyền và trách nhiệm chứng minh. Quá trình đó bao gồm các công đoạn cơ bản như tìm kiếm, phát hiện, sao chép, phục hồi, truy xuất, thu giữ, lưu giữ, phân tích, đánh giá và bảo quản dữ liệu cũng như thiết bị điện tử. Tác giả đề xuất Hình 2.1 mô phỏng sự liên kết của các công đoạn trong quá trình thu thập chứng cứ điện tử, dựa theo quá trình thu thập chứng cứ truyền thống. Sau khi nghiên cứu đầy đủ các vấn đề liên quan, chúng ta sẽ xây dựng mô hình quy trình điều tra thu thập chứng cứ điện tử, phản ánh đầy đủ bản chất của chứng cứ điện tử, thực thi thu thập chứng cứ điện tử. Hiểu rõ nội hàm của khái niệm thu thập chứng cứ điện tử, thiết nghĩ chúng ta cần tìm hiểu thêm bản chất của nó, để từ đó giải quyết thấu đáo các vấn đề tiếp theo có liên quan.

Hình 2.1 Mô phỏng quá trình thu thập chứng cứ điện tử (tác giả)

Một phần của tài liệu PHÁP LUẬT VIỆT NAM VỀ CHỨNG CỨ ĐIỆN TỬ. (Trang 58 -60 )

×