Cơ sở lý thuyết sử dụng chứng cứ điện tử

Một phần của tài liệu Pháp luật Việt Nam về chứng cứ điện tử. (Trang 130 - 132)

CHƯƠNG 1 TỔNG QUAN VỀ VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU

4.1Cơ sở lý thuyết sử dụng chứng cứ điện tử

Theo hệ thống Thông luật có 3 cấp độ để chứng minh phải đạt đến đó là: Chứng cứ ưu thế / preponderance of the evidence thường được sử dụng trong lĩnh vực dân sự;

chứng cứ rõ ràng, thuyết phục / clear and convincing evidence được sử dụng trong hình sự và cho một số trường hợp dân sự; chứng cứ chắc chắn không thể nghi ngờ gì nữa / proof beyond reasonable doubt được sử dụng trong lĩnh vực hình sự (Dubey, V., 2017). Cấp độ chứng cứ ưu thế, là nó có khả năng xây dựng một giả thuyết để chứng minh rằng một điều gì đó có nhiều khả năng xảy ra hơn những thứ còn lại (Demougin, D., & Fluet, C., 2006). Hệ thống Dân luật, về nguyên tắc không có sự khác biệt cho chuẩn chứng minh giữa lĩnh vực dân sự và hình sự; để Tòa án chấp nhận chứng minh là đúng, chủ thể thực hiện nghĩa vụ chứng minh phải lập luận khoa học, logic, thuyết phục để Thẩm phán tin rằng một sự thật đã được chứng minh. Không có tiêu chuẩn, cấp độ của sự chứng minh như Thông luật, nhưng với Dân luật có thể nói một yêu cầu duy nhất đó là niềm tin chắc chắn, dựa vào chứng cứ được sử dụng trong chứng minh là thuyết phục, tin cậy, trong suốt thời gian sử dụng chứng cứ để chứng minh sự thật (Engel, C., 2008).

Nền tảng của việc sử dụng chứng cứ điện tử chính là lý thuyết sử dụng chứng cứ, để chủ thể thực hiện nghĩa vụ chứng minh sự thật đã xảy ra trong một tình huống pháp lý nhất định. Lý thuyết chung về nghĩa vụ chứng minh (burden of proof) cho rằng, nghĩa vụ chứng minh được thể hiện qua 3 nghĩa vụ hình thành nên cấu trúc của vụ kiện dân sự, vụ án hình sự; đó là: Nghĩa vụ yêu cầu (burden of pleading), nghĩa vụ chứng minh nội dung hay còn được gọi là nghĩa vụ thuyết phục (burden of persuasion), nghĩa vụ chứng minh hình thức hay còn gọi là nghĩa vụ cung cấp chứng cứ (burden of

production) (Allen, R. J., 2014). Nghĩa vụ yêu cầu (burden of pleading), hiểu theo pháp luật Việt Nam là đề nghị buộc tội bằng cáo trạng của Viện Kiểm sát, bản án của Tòa án, bào chữa của luật sư, đơn chống án, đơn giảm nhẹ hình phạt của bị cáo trong lĩnh vực hình sự; trong dân sự, đơn khởi kiện của nguyên đơn hoặc đơn yêu cầu phản tố của bên bị đơn. Nghĩa vụ chứng minh hình thức là nghĩa vụ cung cấp chứng cứ của nguyên đơn hoặc người phản tố, người có nghĩa vụ quyền lợi liên quan trong vụ kiện dân sự; trong vụ hình sự, đó là việc cung cấp chứng cứ của cơ quan giữ quyền công tố, Hội đồng xét xử và các Luật sư giữ quyền bào chữa, hoặc tất cả những ai có chứng cứ trong một vụ án hình sự.

Bài viết về mục đích và nguyên tắc sử dụng chứng cứ trong tố tụng hình sự, dựa vào Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021) để xây dựng 3 nguyên tắc sử dụng chứng cứ là: Nguyên tắc khách quan, toàn diện và đầy đủ trong tố tụng hình sự; khi sử dụng chứng cứ phải tuân theo đúng những quy định của pháp luật; vật chứng là chứng cứ phải bảo đảm sử dụng nhiều lần; nhưng luận giải ba nguyên tắc này không có gì mới, chỉ dựa vào thuộc tính của chứng cứ, trùng lắp với kiểm tra, đánh giá chứng cứ và các quy định khác trong Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 chưa có luận cứ thuyết phục (Phạm Minh Tuyên, 2017). Bài viết “Bình luận nguyên tắc cung cấp chứng cứ và chứng minh trong Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015”, có nội dung sâu sắc về những vấn đề cụ thể, nhưng không khái quát được những nguyên tắc chung cho việc sử dụng chứng cứ trong tố tụng dân sự (Nguyễn Thị Thu Hà, 2018). Nghĩa vụ chứng minh trong tố tụng, chủ yếu là lý giải các thuật ngữ có liên quan đến nghĩa vụ chứng minh theo cách nhìn của pháp luật Việt Nam (Ngô Vĩnh Bạch Dương, 2015).

Quy định của pháp luật Việt Nam về chứng minh trong tố tụng gồm có nghĩa vụ chứng minh, quyền chứng minh, trách nhiệm chứng minh. Trong lĩnh vực hình sự, chủ thể bắt buộc phải thực hiện nghĩa vụ chứng minh là Cơ quan Điều tra, Viện Kiểm sát, Công tố viên, Hội đồng xét xử, Người bào chữa. Trong lĩnh vực dân sự và cơ quan tài phán khác, chủ thể là đương sự (nguyên đơn, bị đơn có yêu cầu phản tố hoặc nắm giữ chứng cứ của nguyên đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan). Quyền chứng minh là không bắt buộc chủ thể phải thực hiện, nhưng pháp luật cho họ có quyền, ví dụ bị can, bị cáo trong vụ án hình sự có quyền chứng minh mình vô tội. Bị đơn trong vụ kiện dân sự có quyền chứng minh để bảo vệ quyền lợi của mình, nhưng quyền này trở thành nghĩa vụ khi họ phản tố, hoặc họ không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn. Trách nhiệm chứng minh là công việc của Tòa án, Viện Kiểm sát trong vụ kiện dân sự. Từ đây, cho thấy quyền chứng minh, trong dân sự thực chất sẽ chuyển sang nghĩa vụ

chứng minh của bị đơn có yêu cầu phản tố, độc lập; trong hình sự chuyển sang nghĩa vụ chứng minh cho luật sư bào chữa. Trách nhiệm chứng minh thực chất cũng là nghĩa vụ chứng minh của Tòa án, vì Thẩm phán khi thực hiện nhiệm vụ chứng minh, buộc phải đưa ra sự phán quyết cuối cùng, Viện Kiểm sát cũng phải buộc đưa ra ý kiến tranh tụng trong vụ kiện dân sự. Tóm lại, theo phân tích ở trên, sử dụng chứng cứ là hoạt động chứng minh, trọng tâm của nó là hoạt động thực hiện nghĩa vụ chứng minh, gồm nghĩa vụ yêu cầu, nghĩa vụ nội dung và nghĩa vụ hình thức của các chủ thể có liên quan tham gia tố tụng.

Một phần của tài liệu Pháp luật Việt Nam về chứng cứ điện tử. (Trang 130 - 132)