0
Tải bản đầy đủ (.docx) (183 trang)

Câu hỏi và giả thuyết nghiên cứu

Một phần của tài liệu PHÁP LUẬT VIỆT NAM VỀ CHỨNG CỨ ĐIỆN TỬ. (Trang 46 -49 )

CHƯƠNG 1 TỔNG QUAN VỀ VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU

1.3 Câu hỏi và giả thuyết nghiên cứu

Mục tiêu của luận án đã được xác định ở phần trước, hướng đến thực hiện các nghiên cứu để chỉ ra những nguyên nhân dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong việc thu thập, chấp nhận, sử dụng chứng cứ điện tử trên nền tảng pháp luật Việt Nam hiện có. Đồng thời, đề xuất thay đổi, bổ sung, chỉnh sửa các điều luật trong hệ thống pháp luật Việt Nam có liên quan đến chứng cứ điện tử, cho phù hợp với yêu cầu của việc sử dụng chứng cứ điện tử. Trên cơ sở tham khảo các tài liệu có liên quan trong và ngoài nước, cũng như phân tích lý thuyết nền tảng, hệ thống pháp luật thực định, cho chúng ta thấy rằng, muốn đạt được mục tiêu nghiên cứu, đề tài cần phải chỉ rõ hiện thực, nguyên nhân, của các vấn đề bất cập trong thu thập, chấp nhận, sử dụng chứng cứ điện tử do pháp luật Việt Nam hiện có tạo nên. Nghĩa là pháp luật của Việt Nam có liên quan đến chứng cứ điện tử, cần phải có khuynh hướng tác động tích cực, mở đường cho tiến trình thu thập, đánh giá, chấp nhận và đi đến sử dụng chứng cứ điện tử thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm chứng minh sự thật của một sự kiện pháp lý. Nhằm bảo đảm tính công khai, minh bạch trong sử dụng chứng cứ điện tử, tính công bằng, bình đẳng cho các chủ thể tham gia tố tụng, góp phần đưa công lý đến với xã hội Việt Nam ngày một tốt hơn. Như vậy, để đạt được mục tiêu nghiên cứu, luận án phải giải quyết được các câu hỏi nghiên cứu như sau:

Câu hỏi nghiên cứu 1: Quá trình thu thập chứng cứ điện tử được pháp luật Việt Nam điều chỉnh như thế nào là phù hợp, cân bằng lợi ích của các chủ thể có liên quan, giải quyết được các thách thức do quá trình toàn cầu hóa đặt ra. Một mô hình cho quy trình điều tra kỹ thuật số để thu thập chứng cứ điện tử như thế nào là hợp lý.

Giả thuyết nghiên cứu: Quá trình thu thập chứng cứ điện tử ở Việt Nam được Luật Tố tụng trong các lĩnh vực điều chỉnh chưa mang lại hiệu quả tích cực. Ngoài ra, quá trình này chịu sự tác động của rất nhiều vấn đề có liên quan đến quyền riêng tư, quyền tự do kinh doanh, quyền sở hữu và quản trị dữ liệu điện tử. Bên cạnh đó, do đặc thù của loại chứng cứ điện tử, việc thu thập còn phải chịu áp lực từ các thách thức từ chủ quyền quốc gia, năng lực công nghệ, năng lực chủ thể tham gia. Chính vì vậy, để bảo đảm thực thi công lý, công bằng xã hội, việc thu thập chứng cứ điện tử phải đáp ứng yêu cầu phục vụ chứng minh được sự thật của sự kiện pháp lý, đồng thời bảo vệ được quyền cơ bản của con người, giải quyết hiệu quả các thách thức đặt ra. Các mô hình quy trình điều tra kỹ thuật số thu thập chứng cứ hiện có, là nền tảng nghiên cứu cho việc xây dựng một mô hình mới khả dĩ chấp nhận được, đáp ứng đòi hỏi khách quan của sử dụng chứng cứ điện tử cho pháp luật Việt Nam.

Câu hỏi nghiên cứu 2: Việc đánh giá chấp nhận chứng cứ theo hệ thống pháp luật Việt Nam có phù hợp và hiệu quả cho chứng cứ điện tử không, nên có bộ tiêu chí như thế nào là phù hợp.

Giả thuyết nghiên cứu: Các quy định pháp luật chứng cứ của Việt Nam là sự giao thoa của Luật Tố tụng và luật nội dung trên các lĩnh vực. Ở đó việc công nhận chứng cứ dựa trên thuộc tính của chứng cứ: (1) Là những gì có thật; (2) hợp pháp nghĩa là được thu thập phù hợp với pháp luật cho phép; (3) có liên quan đến để chứng minh làm rõ sự kiện pháp lý. Nếu chỉ căn cứ trên thuộc tính này thì rất mơ hồ, như thế nào là có thật, liên quan đến mức độ nào thì chấp nhận, tính hợp pháp là pháp luật cho phép, nhưng có những Điều, Khoản pháp luật cho phép mà chưa được quy định chặt chẽ, ví dụ: Việc khám xét một hệ thống thông tin thì như thế nào là hợp pháp. Trong điều kiện chứng cứ điện tử thì tính sự thật của chứng cứ còn mơ hồ hơn, ví dụ: Làm sao biết chứng cứ điện tử, trình bày thông qua dữ liệu điện tử thu thập được là sự thật, trong khi độ tin cậy của dữ liệu điện tử còn phải xem xét, dữ liệu ban đầu chưa chắc là chưa bị sửa chữa thay đổi… rất nhiều vấn đề cần phải làm rõ. Vì vậy, trong trường hợp chấp nhận chứng cứ điện tử, cần phải dựa trên quy định của pháp luật, đặc biệt phải đáp ứng yêu cầu pháp lý, yêu cầu công nghệ, yêu cầu chứng minh. Cần nên rõ ràng, rành mạch để các chủ thể tham gia tố tụng nhận ra, chấp nhận một cách minh bạch, công khai góp phần bảo đảm công lý, công bằng xã hội. Một bộ tiêu chí và mô hình quy trình chấp nhận chứng điện tử, có thể là yêu cầu tất yếu khách quan của chấp nhận chứng cứ điện tử.

Câu hỏi nghiên cứu 3: Sử dụng chứng cứ điện tử theo pháp luật Việt Nam trong từng lĩnh vực khác nhau như thế nào, từng loại hình chứng cứ điện tử được sử dụng ra sao để đáp ứng được yêu cầu pháp lý mà vẫn bảo đảm được mục tiêu chứng minh làm rõ sự kiện pháp lý.

Giả thuyết nghiên cứu: Mục đích của chứng cứ điện tử là giúp cho người tham gia tố tụng chứng minh sự thật của vụ kiện, vụ án, Tòa án và các cơ quan tài phán khác ra phán quyết hợp lý khách quan, bảo đảm tính công tâm, sự thật của tình huống pháp lý tranh chấp. Chứng cứ điện tử thì rất đa dạng, phức tạp, rất nhiều định dạng khác nhau, sử dụng chứng cứ điện tử cho từng lĩnh vực cũng có yêu cầu khác nhau. Kết hợp chặt chẽ yêu cầu chứng minh, yêu cầu pháp lý, yêu cầu công nghệ, các kết quả khoa học của các ngành khác có liên quan, cũng như sử dụng ý kiến chuyên gia trong từng lĩnh vực của công nghệ hình thành chứng cứ điện tử, hoàn chỉnh nguyên tắc sử dụng chứng cứ điện tử. Trên cơ sở đó, sử dụng chứng cứ điện tử có hiệu quả, mang lại kết quả tích cực trong thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm và quyền chứng minh, để có được tính công bằng trong xét xử các vụ kiện, vụ án, hoặc tranh chấp các tình huống pháp lý khác của các chủ thể tham gia tố tụng.

Câu hỏi nghiên cứu 4: Pháp luật Việt Nam có liên quan đến chứng cứ điện tử, cần phải được sửa đổi, bổ sung như thế nào cho phù hợp với yêu cầu tồn tại khách quan của chứng cứ điện tử.

Giả thuyết nghiên cứu: Chứng cứ điện tử có được từ quá trình sử dụng công nghệ của con người, yếu tố công nghệ đóng vai trò quyết định trong phản ánh chứng cứ điện tử. Chúng ta có quyền khẳng định, không có công nghệ thông tin thì không có chứng cứ điện tử. Từ đó, cho phép hiểu rằng, các thuộc tính của chứng cứ điện tử phải có nội dung khác với thuộc tính của chứng cứ theo pháp luật Việt Nam hiện thời. Khái niệm chứng cứ được quy định trong hệ thống pháp luật Việt Nam là một định nghĩa dựa trên thuộc tính là không bao quát cho tất cả các loại hình chứng cứ, một thách thức không đồng bộ, không phù hợp cho tất cả các loại hình chứng cứ, trong đó chứng cứ điện tử là một điển hình. Từ đây, đã dẫn đến các hệ lụy khác cho việc thu thập, chấp nhận, sử dụng chứng cứ điện tử, pháp luật Việt Nam hiện thời cần phải được sửa đổi.

Tóm lại, sử dụng chứng cứ điện tử là một tiến trình qua nhiều công đoạn như thu thập, đánh giá và chấp nhận, sử dụng để chứng minh sự kiện pháp lý. Tiến trình này, bắt đầu khi có tình huống pháp lý tranh chấp cho đến khi được Tòa án hay các cơ quan tài phán khác có phán quyết cuối cùng. Do chứng cứ điện tử được hình thành từ việc đi tìm sự thật tồn tại khách quan, của quá trình tố tụng. Do vậy để có được chứng cứ điện

tử sử dụng trong quá trình giải quyết các vụ án, thì cần thiết phải xuất phát từ bước thu thập chứng cứ điện tử. Sau đó, các chủ thể tố tụng (đặc biệt là Tòa án) đánh giá, chấp nhận các tài liệu điện tử có được sử dụng làm chứng cứ hay không. Cuối cùng mới đến khâu Tòa án và các chủ thể tố tụng sử dụng chứng cứ điện tử để làm cơ sở thực hiện quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm chứng minh của mình trong vụ án nhằm đưa ra giả thuyết hợp lý, giúp Tòa án và các cơ quan tài phán khác ra phán quyết một cách chính xác, công bằng, đúng pháp luật.

Các vấn đề nghiên cứu thể hiện qua 4 câu hỏi nghiên cứu ở trên, có thể được tóm tắt qua mô hình nghiên cứu tổng quan sau:

Hình 1.3. Mô hình vấn đề nghiên cứu của đề tài (tác giả)

Một phần của tài liệu PHÁP LUẬT VIỆT NAM VỀ CHỨNG CỨ ĐIỆN TỬ. (Trang 46 -49 )

×