CHƯƠNG 1 TỔNG QUAN VỀ VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU
1.4 Phương pháp nghiên cứu
1.4.1 Phương pháp luận
Cơ sở phương pháp luận: Để đạt được những mục đích đề ra, trong quá trình nghiên cứu tác giả sử dụng phương pháp luận biện chứng duy vật, duy vật lịch sử của chủ nghĩa Mác - Lênin kết hợp với tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước và pháp luật.
Mục đích chính của pháp luật về tố tụng là bảo đảm phát hiện chính xác và xử lý nghiêm minh, kịp thời, khách quan và toàn diện để làm sáng tỏ sự thật của vụ án, góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ
chức, cá nhân; giáo dục mọi người nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật. Để làm sáng tỏ sự thật của vụ án đòi hỏi cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng phải thu thập các chứng cứ có liên quan đến vụ án. Hay nói cách khác, chứng cứ là phương tiện duy nhất để chứng minh trong tố tụng. Trong thời đại bùng nổ của công nghệ thông tin, dữ liệu điện tử trở thành một phần tất yếu trong các giao dịch, trao đổi thông tin trên môi trường Internet. Do đó, việc làm rõ cơ sở phương pháp luận của chứng cứ nói chung, chứng cứ điện tử nói riêng theo quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin đóng vai trò quan trọng trong việc làm sáng tỏ các nội dung liên quan đến luận án.
Cơ sở phương pháp luận của việc nghiên cứu về chứng cứ điện tử là triết học Mác – Lênin, đặc biệt là chủ nghĩa duy vật biện chứng. Chủ nghĩa duy vật biện chứng, nhất là học thuyết về nhận thức được sử dụng như là cơ sở phương pháp luận của chứng cứ điện tử thông qua những quan điểm cơ bản sau đây:
Thứ nhất, mọi sự vật, hiện tượng của thế giới khách quan luôn tồn tại trong mối quan hệ qua lại và chịu sự tác động lẫn nhau. Bằng sự tác động qua lại đó, sự tồn tại của sự vật, hiện tượng này luôn để lại “dấu vết” ở sự vật, hiện tượng khác. Sự tồn tại của chứng cứ điện tử cũng mang tính khách quan, khi chứng cứ điện tử hình thành và được sử dụng trong cuộc sống thì cũng để lại các “dấu vết” nhất định dưới nhiều hình thức khác nhau.
Thứ hai, học thuyết về nhận thức của chủ nghĩa duy vật biện chứng là cơ sở phương pháp luận đặc biệt quan trọng trong lý luận về chứng cứ nói chung và chứng cứ điện tử nói riêng trong pháp luật tố tụng ở nước ta. Tinh thần cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin về nhận thức là “Từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng và từ tư duy trừu tượng đến thực tiễn – đó là con đường biện chứng của nhận thức chân lý, của sự nhận thức hiện thực khách quan” (VI. Lênin, 1981). Học thuyết về nhận thức của chủ nghĩa duy vật biện chứng là sự phản ánh của thế giới khách quan trong ý thức con người, cách giải quyết vấn đề cơ bản của triết học là vật chất có trước và sau mới là ý thức. Ý thức của con người có khả năng phản ánh chính xác, toàn diện hiện thực khách quan là xuất phát điểm cực kỳ quan trọng cho lý luận về chứng cứ nói chung và chứng cứ điện tử nói riêng, cho hoạt động lập pháp về chứng cứ điện tử cũng như áp dụng các quy định pháp luật về chứng cứ điện tử trong thực tiễn (Nguyễn Ngọc Kiện và cộng sự, 2020).
Thứ ba, phương pháp biện chứng của học thuyết Mác – Lênin về nhận thức cũng có ý nghĩa quan trọng trong lý luận về chứng cứ điện tử. Phương pháp biện chứng
đặt nền móng cho việc áp dụng các quy luật của phép biện chứng duy vật vào quá trình thu thập, chấp nhận chứng cứ điện tử. Các nội dung quan trọng của phép biện chứng trong nhận thức như nguyên tắc toàn diện, đầy đủ, cụ thể, hệ thống... đóng vai trò quan trọng trong việc thu thập, chấp nhận chứng cứ điện tử để chứng minh các tình tiết trong vụ án (Nguyễn Ngọc Kiện và cộng sự, 2020).
1.4.2 Phương pháp nghiên cứu
Tác giả sử dụng các phương pháp:
- Phương pháp phân tích và tổng hợp được sử dụng xuyên suốt Luận án để nhận thức từ chi tiết đến khái quát vấn đề nghiên cứu. Cụ thể, về thu thập, chấp nhận và sử dụng chứng cứ điện tử, Luận án đã xem xét cơ sở khoa học, cơ sở pháp lý, làm sáng tỏ các ưu khuyết điểm của pháp luật hiện hành về vấn đề này. Trên cơ sở phương pháp này, luận án nghiên cứu một số vụ việc cụ thể để phân tích thực trạng thu thập, chấp nhận và sử dụng chứng cứ điện tử.
- Phương pháp đối chiếu, so sánh được sử dụng để tìm ra sự tương đồng và khác biệt giữa các quy định về thu thập, chấp nhận và sử dụng chứng cứ điện tử. Bên cạnh đó, luận án còn so sánh các quy định về thu thập, chấp nhận và sử dụng chứng cứ điện tử trong hệ thống Thông luật và Dân luật. Đồng thời, với phươg pháp này tìm ra điểm thống nhất và khác biệt vấn đề thu thập, chấp nhận và sử dụng chứng cứ điện tử trong pháp luật của các quốc gia với pháp luật Việt Nam.
- Phương pháp phân tích luật viết được sử dụng để làm rõ ý nghĩa của các khái niệm, thuật ngữ về thu thập, chấp nhận và sử dụng chứng cứ điện tử.
- Phương pháp thống kêđược sử dụng để tập hợp các quy định pháp luật có liên quan cũng như các báo cáo, vụ việc từ thực tiễn thu thập, chấp nhận và sử dụng chứng cứ điện tử.