Tính hợp pháp

Một phần của tài liệu Pháp luật Việt Nam về chứng cứ điện tử. (Trang 117 - 120)

CHƯƠNG 1 TỔNG QUAN VỀ VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU

3.3 Nội dung yêu cầu pháp lý

3.3.3. Tính hợp pháp

Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định78. Chứng cứ trong vụ việc dân sự là những gì có thật được đương sự và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác giao nộp, xuất trình cho Tòa án trong quá trình tố tụng hoặc do Tòa án thu thập được theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và được Tòa án sử dụng làm căn cứ để xác định các tình tiết khách quan của vụ án cũng như xác định yêu cầu hay sự phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp79. Như vậy chúng ta đều thấy yêu cầu của chứng cứ theo pháp luật Việt Nam là phải có tính hợp pháp, có nghĩa là các hoạt động thu thập chứng cứ, đánh giá chấp nhận, sử dụng chứng cứ phải tuân thủ theo Bộ luật Tố tụng Hình sự và Bộ luật Tố tụng Dân sự. Chứng cứ điện tử là loại chứng cứ nên cũng phải có tính này. Tuy vậy, với pháp luật Việt Nam hiện thời, chứng cứ điện tử khó mà có được tính hợp pháp nếu không quan tâm khắc phục những thiếu sót pháp lý.

Vấn đề quyền riêng tư, Điều 21 Hiến pháp năm 2013 quy định “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn. Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác. Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác”. Để đáp ứng được yêu cầu thu thập chứng cứ trong lĩnh vực hình sự, pháp luật cho phép khám xét người, chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện, tài liệu, đồ vật, thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm, dữ liệu điện tử80; khám xét chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện81; thu giữ phương tiện điện tử, dữ liệu điện tử82; thu giữ thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm tại cơ quan, tổ chức bưu chính, viễn thông83.

Nếu chúng ta vận dụng Điều 192, 195 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021) xem máy tính, điện thoại thông minh như phương tiện, đồ vật để ra lệnh khám xét thì đó là một sự vận dụng tùy tiện. Quy định như vậy là chưa đủ để cho phép thu thập chứng cứ điện tử ở máy tính, hệ thống máy tính, điện thoại, vì chúng ta đều biết hiện nay máy tính, điện thoại thông minh chứa rất nhiều thông tin thuộc về quyền riêng tư mà Hiến pháp bảo vệ, nó không phải của chỉ một người mà có liên quan

78 Điều 86 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021). 79 Điều 93 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015.

80 Điều 192 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021). 81 Điều 195 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021). 82 Điều 196 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021). 83 Điều 197 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021).

đến nhiều người khác. Nếu không có lệnh khám xét máy tính, điện thoại mà tự động xâm nhập khám xét thì vi phạm Hiến pháp, việc thu thập dữ liệu điện tử, trong trường hợp hệ thống máy tính đang hoạt động cũng cần phải được cho phép, vì có như vậy mới bảo đảm được quyền riêng tư của người khác. Với quy định của pháp luật hiện nay thì đa phần chứng cứ điện tử ở Việt Nam đang sử dụng là không hợp pháp, ngoại trừ được tự nguyện giao nộp, hoặc cung cấp của cơ quan công quyền. Câu chữ trong các điều luật nêu trên có liên quan đến chứng cứ điện tử cũng cần phải được xem lại, ví dụ “khám xét người ... dữ liệu điện tử”84 dữ liệu điện tử ta không thể khám xét được mà phải tìm kiếm, thu thập, khai thác và phân tích thông tin mà nó mang.

“Phương tiện” ở đây nói rõ là phương tiện trong lĩnh vực nào. Luật Việt Nam thì có rất nhiều, nhưng để ứng xử hiệu quả với chứng cứ điện tử, thì không có một văn bản pháp quy nào mang lại hiệu quả, cho việc thực thi tính hợp pháp của chứng cứ điện tử. Sở dĩ lâu nay, cái gọi là chứng cứ điện tử được sử dụng trong các vụ án hình sự mà có hiệu quả là do: Ngầm chấp nhận giữa các cơ quan tố tụng, phớt lờ những sai phạm khác, xem nhẹ tính chất hợp pháp, chú trọng tính liên quan và tính xác thực; vai trò vị trí của luật sư trong tố tụng hình sự Việt Nam rất hạn chế. Trong lĩnh vực dân sự, sử dụng chứng cứ điện tử được chấp nhận, hay không là chuyện không tưởng đối với Thẩm phán, vì căn cứ để chấp nhận không được hướng dẫn, niềm tin vào tính hợp pháp, tính xác thực chứng cứ không có.

Muốn tính hợp pháp được thực hiện nghiêm, việc đầu tiên là vấn đề pháp y cần phải thay đổi nhận thức, pháp y không đồng nghĩa giám định, không đồng nghĩa giám định tâm thần, giám định y khoa, giám định tử thi, hay chỉ có trong lĩnh vực y học. Pháp y nội hàm của nó bao quát hơn nhiều, rộng lớn hơn nhiều. Khoa học pháp y áp dụng khoa học tự nhiên, vật lý và xã hội để giải quyết các vấn đề pháp lý. Thuật ngữ pháp y đã được gắn với nhiều lĩnh vực khác nhau: Kinh tế, nhân chủng học, nha khoa, bệnh học, độc chất học, côn trùng học, tâm lý học, kế toán, kỹ thuật và pháp y máy tính (Marasa, M. H., Mirandab, M. D., 2014). Do yếu tố lịch sử nên người ta thường gọi là pháp y máy tính nhưng thực tế thuật ngữ pháp y kỹ thuật số là chính xác hơn. Pháp y kỹ thuật số là hoạt động thu thập, phân tích và báo cáo dữ liệu kỹ thuật số theo cách được pháp luật chấp nhận (Pande, J., & Prasad, A., 2015). Theo tác giả, pháp y kỹ thuật số là một tiến trình ứng dụng công nghệ thông tin kết hợp với các biện pháp điều tra để thu thập chứng cứ điện tử, phục vụ cho công tác xét xử của Tòa án, các cơ quan tài phán khác. Chính vì vậy, pháp luật Việt Nam cần nên sớm thay đổi nhận thức và luật

hóa vấn đề này. Nên chăng, cần có quyết định trưng cầu điều tra pháp y kỹ thuật số, để nó sớm trở thành một biện pháp điều tra kỹ thuật số một cách hợp pháp, có như vậy, chứng cứ điện tử thu được qua biện pháp pháp y kỹ thuật số mới có tính hợp pháp. Đồng thời, vấn đề Pháp y trong luật pháp Việt Nam cũng cần được xây dựng thành Luật, thật rõ ràng cụ thể.

Trong mục nghĩa vụ cung cấp chứng cứ điện tử của bên thứ ba ở Chương 2, chúng ta đã trình bày rất rõ về nghĩa vụ cung cấp chứng cứ điện tử của bên thứ ba. Ở phần này, không nên lặp lại, nhưng để bảo đảm tính pháp lý của chứng cứ điện tử, pháp luật nên quy định rõ ràng và minh bạch, có chế tài công bằng, tương xứng, để thu thập chứng cứ điện tử từ bên thứ ba gặp được nhiều thuận lợi, hiệu quả. Đồng thời, phải đáp ứng yêu cầu bình đẳng cho tất cả các chủ thể tham gia tố tụng trong mọi lĩnh vực, bởi lẽ, khi đó việc cung cấp chứng cứ điện tử của bên thứ ba sẽ được hợp pháp, ràng buộc trách nhiệm pháp lý, thể hiện tính hợp pháp của chứng cứ.

Tính hợp pháp là một yêu cầu bắt buộc trong việc chấp nhận chứng cứ điện tử của pháp luật Việt Nam. Chứng cứ điện tử không hợp pháp thì không được chấp nhận, dù cho nó có giá trị sử dụng đến đâu cũng bị từ chối và nếu việc thu thập vi phạm pháp luật vẫn bị xử lý theo pháp luật hiện hành.

Một phần của tài liệu Pháp luật Việt Nam về chứng cứ điện tử. (Trang 117 - 120)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(183 trang)
w