UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC KẠN
2.3.1. Khái quát cơ chế hoạt động của Uỷ ban Nhân dân tỉnh Bắc Kạn
Cơ chế hoạt động của Uỷ ban Nhân dân tỉnh Bắc Kạn được xác lập dựa trên các Luật tổ chức HĐND và UBND năm 2003, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 và các văn bản pháp quy hướng dẫn thi hành hai đạo luật này. Ở cấp địa phương, liên quan trực tiếp đến vấn đề này có các Quyết định số 2289/2011/QĐ - UBND ngày 10/12/2011 và Quyết định số 22/2016/QĐ - UBND ngày 12/8/2016 của UBND tỉnh Bắc Kạn ban hành quy chế làm việc của UBND tỉnh.
Dựa trên các văn bản pháp luật nêu trên, lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Kạn do HĐND tỉnh bầu ra, hiện nay có Chủ tịch UBND tỉnh và 03 phó Chủ tịch UBND tỉnh. Các cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh bao gồm: 1. Sở Nội vụ; 2. Sở Tư pháp; 3. Sở Kế hoạch và Đầu tư; 4. Sở Tài chính; 5. Sở Công thương; 6. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; 7. Sở Giao thông vận tải; 8. Sở Xây dựng; 9. Sở Tài nguyên và Môi trường; 10. Sở Thông tin và Truyền thông; 11. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; 12. Sở Văn hoá, thể thao và Du lịch; 13. Sở Khoa học và Công nghệ; 14. Sở Giáo dục và Đào tạo; 15. Sở Y tế; 16. Ban dân tộc; 17. Ban quản lý Khu công nghiệp. 18. Cục thuế tỉnh. 19. Thanh tra tỉnh; 20. Cục thống kê. 21. Kho bạc nhà nước. 22. Ngân hàng Nhà nước. 23. Công an tỉnh. 24. Bộ chỉ huy
quân sự tỉnh. 25. Văn phòng Uỷ ban Nhân dân tỉnh. 26. UBND 7 huyện và 01 thành phố Bắc Kạn. (* Nguồn: Cổng thông tin điện tử UBND tỉnh Bắc Kạn)
Theo Điều 2 Quyết định số 22/2016/QĐ – UBND ngày 12/8/2016 của UBND tỉnh, UBND tỉnh Bắc Kạn làm việc theo các nguyên tắc sau: 1.Nguyên tắc tập trung dân chủ, vừa bảo đảm phát huy vai trò lãnh đạo của tập thể Ủy ban Nhân dân, vừa đề cao trách nhiệm cá nhân của Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và Ủy viên UBND tỉnh. 2. Giải quyết công việc theo quy định của pháp luật, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; bảo đảm sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự giám sát của HĐND cùng cấp trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao. 3. Trong phân công giải quyết công việc, mỗi việc chỉ được giao cho một cơ quan, đơn vị, một người phụ trách và chịu trách nhiệm chính, cấp trên không làm thay công việc của cấp dưới, tập thể không làm thay công việc của cá nhân và ngược lại. Thủ trưởng cơ quan được giao công việc phải chịu trách nhiệm về tiến độ và kết quả công việc được phân công. 4. Bảo đảm tuân thủ trình tự, thủ tục và thời hạn giải quyết công việc theo đúng quy định của pháp luật, chương trình, kế hoạch và Quy chế làm việc. 5. Bảo đảm phát huy năng lực và sở trường của cán bộ, công chức; đề cao sự phối hợp công tác, trao đổi thông tin trong giải quyết công việc và trong mọi hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được pháp luật quy định. 6. Bảo đảm dân chủ, rõ ràng, minh bạch và hiệu quả trong mọi hoạt động.
Điều 3 Quyết định số 22/2016/QĐ - UBND quy định rõ về nhiệm vụ, quyền hạn và cách thức giải quyết công việc của UBND tỉnh, theo đó: a) UBND tỉnh quyết định các vấn đề tại phiên họp bằng hình thức biểu quyết. Thành viên UBND có quyền biểu quyết tán thành, không tán thành hoặc không biểu quyết. b) UBND tỉnh quyết định áp dụng một trong các hình thức biểu quyết sau đây: - Biểu quyết công khai; - Bỏ phiếu kín. c) Quyết định của UBND tỉnh phải được quá nửa tổng số thành viên UBND tỉnh biểu quyết tán thành. Trường hợp số tán thành và số không tán thành ngang nhau thì quyết định theo ý kiến biểu quyết của Chủ tịch UBND tỉnh. d) Đối với một số vấn đề do yêu cầu cấp bách hoặc không nhất thiết phải tổ chức thảo luận, biểu quyết tại phiên họp UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh quyết
định việc biểu quyết của thành viên UBND tỉnh bằng hình thức gửi phiếu ghi ý kiến. Việc biểu quyết bằng hình thức phiếu ghi ý kiến thực hiện theo quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 3 Quy chế này. Chủ tịch UBND tỉnh phải thông báo kết quả biểu quyết bằng hình thức gửi phiếu ghi ý kiến tại phiên họp UBND tỉnh gần nhất.