Thực hiện pháp luật về công khai, minh bạch trong quản lý dự án đầu tư xây dựng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thực hiện pháp luật về công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động của ủy ban nhân dân tỉnh từ thực tiễn ở tỉnh bắc kạn luận văn thạc sỹ, đại học quốc gia hà nội, việt nam (Trang 56 - 59)

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC KẠN

2.3.4. Thực hiện pháp luật về công khai, minh bạch trong quản lý dự án đầu tư xây dựng

đầu tư xây dựng

Theo quy định của Luật PCTN năm 2012, năm 2018, trong quản lý dự án đầu tư xây dựng, phải CKMB các nội dung như: a) Báo cáo tiền khả thi, báo cáo khả thi, báo cáo đánh giá tác động kinh tế - xã hội; các mục tiêu, dự kiến kết quả, các nhóm hoạt động chính và đối tượng thụ hưởng trong quá trình lập dự án; b) Quyết định phê duyệt dự án, kế hoạch thực hiện dự án; c) Báo cáo tiến độ, báo cáo kết quả thực hiện dự án, báo cáo đánh giá thực hiện dự án và báo cáo kết thúc dự án.

Liên quan đến vấn đề trên, trong 5 năm (từ 2014 đến 2018), UBND tỉnh Bắc Kạn đã thực hiện đúng quy định trên. Đối với các dự án do UBND tỉnh làm chủ đầu tư, UBND tỉnh giao Ban quản lý các dự án tỉnh xây dựng hồ sơ dự án, gồm: báo cáo tiền khả thi về khả năng có thể thi công công trình; báo cáo đánh giá tác động kinh tế - xã hội, dự kiến kết quả, các hoạt động chính và đối tượng thụ hưởng công trình, dự án lấy ý kiến nhân dân địa phương nơi dự kiến triển khai công trình, dự án và trình HĐND tỉnh xem xét, phê duyệt. Khi được HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết đầu tư (dài hạn, trung hạn, ngắn hạn) đối với danh mục các công trình, dự án, UBND ban hành quyết định phê duyệt đầu tư công trình, dự án và giao đơn vị làm chủ đầu tư quản lý quá trình thi công. Đối với các dự án, công trình dưới 500 triệu đồng thực hiện việc chỉ định nhà thầu; các công trình, dự án trên 500 triệu đồng mở thầu công khai (theo Luật đấu thầu). Khi đơn vị trúng thầu tổ chức Lễ khởi công để công bố công khai giá trị kinh tế, xã hội của công trình, đơn vị tư vấn thiết kế, đơn vị thi công, đơn vị giám sát... để các tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết, quản lý. Để tăng cường CKMB trong quản lý đầu tư xây dựng, xây dựng cơ bản (XDCB), ngày 22/5/2017, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 703/QĐ-UBND phê duyệt Đề án Quản lý đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2017 – 2020.

Kết quả thực hiện trong giai đoạn 2014 – 2018, như sau:

- Năm 2014: Tổng vốn đầu tư phát triển được giao: 1.624.348 triệu đồng, số kế hoạch vốn đã giải ngân: 1.589.990 triệu đồng. Trong đó: Nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương được giao: 242.400 triệu đồng, giải ngân đạt 230.000 triệu đồng; nguồn vốn Trung ương hỗ trợ có mục tiêu được giao: 222.400 triệu đồng, giải ngân đạt 200.000 triệu đồng.

Nhìn chung, công tác XDCB năm 2014 thực hiện theo đúng quy định hiện hành, tiến độ thực hiện các nguồn vốn đầu tư XDCB năm 2014 đạt khá. Tuy nhiên, công tác đầu tư XDCB vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Nhiều chương trình, dự án do đình hoãn theo Chỉ thị 1792/CT-TTg ngày 15/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ còn dang dở, chưa hoàn thành, gây khó khăn cho người dân trong giao thông, không đảm bảo an toàn giao thông.

- Năm 2015: Kết quả giải ngân ước đạt 838.672 triệu đồng/1.030.388 triệu đồng, đạt 81,4% kế hoạch, trong đó nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương giải ngân đạt 220.000 triệu đồng, đạt 90,4% so với kế hoạch; nguồn vốn Trung ương hỗ trợ có mục tiêu giải ngân đạt 250.000 triệu đồng, đạt 93% so với kế hoạch.

- Năm 2016: Tổng vốn đầu tư phát triển được giao hết năm 2016 là 1.392 tỷ đồng, đã giải ngân 1.120,7 tỷ đồng, đạt 90%. Thực hiện Nghị quyết số 60/NQ-CP của Chính phủ ngày 08/7/2016 của Chỉnh phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2016, UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị tổ chức thực hiện theo quy định, điều chỉnh kế hoạch vốn năm 2016 của 08 dự án với tổng giá trị là 23.015 triệu đồng.

- Năm 2017: Thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh về kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2016 – 2020, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án Quản lý đầu tư XDCB từ nguồn vốn NSNN trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 – 2020. Tổng số vốn đầu tư trên địa bàn tỉnh ước đạt 4.376 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư NSNN do địa phương quản lý: 1.390.868 triệu đồng, đã giải ngân 1.110.000 triệu đồng, đạt 80% kế hoạch.

- Năm 2018: Tổng vốn đầu tư đạt trên 4.500 tỷ đồng, trong đó tổng vốn đầu tư do địa phương quản lý: 1.951 tỷ đồng, kết quả giải ngân ước đạt 1.710 tỷ đồng, đạt 88% kế hoạch.

Từ thực tế nêu trên, có thể rút ra một số nhận xét như sau:

- Ưu điểm:

+ Các dự án, công trình thực hiện đúng quy định về việc mời thầu, mở thầu theo quy định của Luật xây dựng, Luật đấu thầu và các văn bản hướng dẫn thi hành. 100% công trình, dự án trị giá trên 500 triệu đồng đều được đấu thầu để chọn ra nhà thầu có năng lực để thi công. Các công trình sử dụng ngân sách đều được HĐND tỉnh phê duyệt.

+ Cơ bản các dự án, các công trình thi công được tư vấn, thiết kế; thi công đúng tiến độ, đúng thiết kế, được giám sát, từng bước nâng cao chất lượng. Trước khi bàn giao đều được chủ đầu tư, đơn vị thi công, giám sát thi công, chính quyền địa phương và ban giám sát cộng đồng nghiệm thu.., phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

- Hạn chế:

+ Việc mời thầu, mở thầu nhiều công trình chưa thật khách quan, vẫn còn tình trạng “quân xanh”, “quân đỏ” trong đấu thầu công trình, làm ảnh hưởng đến nguồn lực của nhà nước.

+ Quá trình xây dựng dự án, đánh giá tác động của các công trình chưa thật khoa học; chưa coi trọng việc lấy ý kiến người dân địa phương nơi có dự án, còn bị ảnh hưởng nhiều từ ý chí chủ quan của chủ đầu tư, nên khi đưa vào sử dụng không phù hợp hoặc những công trình thật sự cấp thiết thì chậm được đầu tư (ví dụ, công trình khắc phục ngập úng phường Sông Cầu, phường Phùng Chí Kiên, thành phố Bắc Kạn, tình trạng ngập úng đã xảy ra ngay sau khi cải tạo, nâng cấp đường trục 41m thành phố Bắc Kạn năm 2007 nhưng đến 2017 mới được đầu tư).

+ Dự án đầu tư xây dựng sau khi được quyết định, phê duyệt chưa được công bố công khai rộng rãi để nhân dân biết, giám sát, chủ yếu được công bố trong các hội nghị triển khai, lễ khởi công công trình...

+ Sự tham gia, giám sát của đại diện nhân dân trong quá trình thi công còn mang tính hình thức, chủ yếu mới chỉ được cơ cấu cho đủ thành phần, chưa phát huy được vai trò của Ban giám sát, Ban Thanh tra nhân dân, nên chất lượng một số công trình không đảm bảo, nhanh xuống cấp, nhất là đối với công trình nông thôn mới (ví dụ như ở xã Sỹ Bình, huyện Bạch Thông, xã Hà Hiệu, Thượng Giáo, huyện Ba Bể…)

+ Việc quyết toán công trình cũng chủ yếu là các bên thực hiện; sự tham gia của nhân dân chỉ có tại buổi công bố bàn giao. Việc gắn biển công trình chỉ có tên công trình, chủ đầu tư, đơn vị giám sát thi công mà không có nội dung về giá trị công trình.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thực hiện pháp luật về công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động của ủy ban nhân dân tỉnh từ thực tiễn ở tỉnh bắc kạn luận văn thạc sỹ, đại học quốc gia hà nội, việt nam (Trang 56 - 59)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(117 trang)