Sản phẩm du lịch cộng đồng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu phát triển du lịch cộng đồng tại xã cẩm thanh, thành phố hội an, tỉnh quảng nam (đạo tạo thí điểm) (Trang 63 - 75)

6. Cấu trúc của luận văn

2.3. Thực trạng hoạt động du lịch cộng đồng tại xã Cẩm Thanh

2.3.2. Sản phẩm du lịch cộng đồng

Hiện nay, các mô hình DLCĐ đang được khai thác tại Cẩm Thanh đó là DLST Rừng dừa Bảy Mẫu, kinh doanh dịch vụ lưu trú homestay, làng nghề tre dừa, làng rau hữu cơ và các tour DLCĐ. Hiện tại, hoạt động DLST tại Rừng dừa Bảy Mẫu được xem là điểm nhấn của DL Cẩm Thanh, là điểm DL đang hấp dẫn du khách. Các mô hình còn lại đã và đang được khai thác phục vụ DL nhưng chưa thực sự tạo ra được sự đột phá và đem lại hiệu quả như mong đợi.

Du lịch sinh thái Rừng dừa Bảy Mẫu và khu di tích Rừng dừa

- Giới thiệu Rừng dừa Bảy Mẫu và khu di tích Rừng dừa

Là vùng đệm khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm, Rừng dừa Bảy Mẫu có giá trị về sinh thái, cảnh quan đẹp và là nơi trú ngụ của nhiều loài chim, các thủy sinh vật vùng cửa sông ven biển, trong đó, có nhiều loài có giá trị như tôm, cua, ghẹ, các động vật thân mềm. Chính vì vậy, rừng dừa nước được xem là TNDL sinh thái có giá trị ở Cẩm Thanh nói riêng và vùng ven biển miền Trung nói chung. Rừng dừa nước có tên gọi là Rừng dừa Bảy Mẫu vì trước đây khu vực này có khoảng bảy mẫu dừa mọc tự nhiên xanh tốt. Qua thời gian, dừa nước sinh sôi nãy nở và phát triển rộng khắp. Thời kỳ hưng thịnh nhất của rừng dừa là vào những năm 1980, diện tích phân bố hằng trăm héc ta, nhưng sau đó, do việc phát triển mạnh của phong trào nuôi trồng thủy sản, làm muối và các hoạt động kinh tế - xã hội làm cho diện tích dừa bị thu hẹp. Đến năm 2010, tỉnh Quảng Nam thực hiện dự án “Phục hồi và phát triển rừng dừa”, đến nay diện tích rừng dừa khoảng trên 65 héc ta [33].

Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, rừng dừa nước trở thành căn cứ cách mạng, là nơi che giấu cán bộ góp phần lập nên những chiến công vang dội của quân và dân Cẩm Thanh. Dù bao nhiêu bom đạn dội xuống,

nước được ví như người dân Cẩm Thanh, luôn anh dũng, kiên cường trong chiến đấu và không ngại khó khăn, gian khổ vươn lên trong cuộc sống. Đây được xem là di tích lịch sử quan trọng của tỉnh Quảng Nam.

- Các hoạt động DL tại Rừng dừa

DL tại Rừng dừa Bảy Mẫu xuất hiện sớm nhưng diễn ra manh núm, mang tính tự phát. Từ năm 2010, DL nơi đây khởi sắc và bắt đầu phát triển từ năm 2012. Đến nay, Rừng dừa Bảy Mẫu trở thành điểm DLST hấp dẫn, được ví như “Nam Bộ giữa lòng phố cổ”. Đến đây, du khách được trải nghiệm các hoạt động thú vị như ngồi thuyền thúng tham quan rừng dừa kết hợp câu cá, câu tôm, nghe kể chuyện về di tích Rừng dừa và chiến tích chiến tranh của bà con Cẩm Thanh; xem biểu diễn lắc thúng; quăng lưới kéo cá, đua ghe; tham gia các trò chơi dân gian; tham gia tour DL vớt rác BVMT; đạp xe đạp tận hưởng vẻ đẹp yên bình nơi làng quê và thưởng thức những món ăn dân dã mang đậm hương vị vùng quê đất Quảng... Được hòa mình vào thiên nhiên sông nước, ngắm nhìn những rặng dừa nước vươn lên xanh ngắt một màu, không khí trong lành cùng với người dân thân thiện, mến khách, chắc hẳn du khách sẽ có được những trải nghiệm tuyệt vời tại vùng quê yên bình này.

Để hoạt động DL tại Rừng dừa diễn ra có tổ chức, đảm bảo chất lượng dịch vụ, nội quy hoạt động DL tại Rừng dừa được đưa ra bao gồm những quy định giành cho người kinh doanh dịch vụ và du khách; tổ DLCĐ tại thôn Vạn Lăng và Thanh Tam Đông được thành lập, làm cầu nối giữa người dân và chính quyền trong việc giám sát, tổ chức các hoạt động DL tại địa phương; thành phố cũng tổ chức các buổi nói chuyện, tập huấn kỹ năng phục vụ du khách cho người dân; những quy định về BVMT DL; quy định thời gian khai thác lá dừa, đồng thời, khuyến khích những hành động tốt và xử phạt, nghiêm cấm những hành vi vi phạm làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh DL của xã.

Nhằm chấn chỉnh trật tự kinh doanh, chống và xử lý nạn “cò mồi”, chèo kéo, bu bám du khách, xây dựng hình ảnh đẹp về DL Cẩm Thanh trong lòng du khách, ngày 31/10/2017, UBND thành phố và UBND xã Cẩm Thanh tổ chức lễ công bố Ban

quản lý DL và ban hành qui chế hoạt động của Ban quản lý khu DL văn hóa lịch sử sinh thái Rừng dừa Bảy mẫu. Cùng với đó, nhằm thực hiện tốt hơn công tác bảo tồn giá trị lịch sử văn hóa của Rừng dừa Bảy Mẫu cũng như tạo nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất phục vụ phát triển DLST tại Cẩm Thanh theo hướng phát triển bền vững, từ ngày 1/12/2017, xã Cẩm Thanh triển khai bán vé tại Khu di tích Rừng dừa Bảy Mẫu với giá vé là 30.000 đồng/khách. Khi mua vé, du khách được tham quan khu di tích lịch sử văn hóa Rừng dừa Bảy Mẫu; thưởng ngoạn cảnh quan, hệ sinh thái vùng ngập mặn cửa sông ven biển; khu sản xuất và trưng bày nghề truyền thống tre dừa; được xem trình diễn vãi chài và các hoạt động khác; được sử dụng nhà vệ sinh và được đảm bảo an ninh trật tự trong quá trình tham quan… Khu vực tổ chức bán vé tham quan rừng dừa bao gồm các thôn: Thanh Tam Đông, Vạn Lăng, Thanh Nhứt, Cồn Nhàn, Thanh Tam Tây. Nguồn thu từ vé tham quan được phân chia theo tỷ lệ 50% - 50%. Trong đó, 50% sẽ được nộp vào ngân sách nhà nước, cụ thể là xã Cẩm Thanh để đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng DL, sản phẩm DL tại khu Rừng dừa và xã Cẩm Thanh; 50% tổng phí tham quan còn lại dành cho hoạt động quản lý nhà nước về DL (Ban Quản lý du lịch Cẩm Thanh) đảm bảo môi trường điểm đến an toàn, thân thiện. Với việc ban hành quy định mua vé cho khách, đồng nghĩa khi khách bước xuống thuyền ngoài mức phí phải trả cho thuyền thúng (khoảng 80 - 100 nghìn đồng/thúng dành cho 2 người, đang chờ hiệp thương quyết định cuối cùng) sẽ phải trả thêm tiền vé 30 nghìn đồng/người. Trước sự kiện này, Ông Lê Hùng Linh - Phó Chủ tịch thành phố Hội An cho rằng: “Việc bán vé tham quan rừng dừa đáp ứng được nhiều mục tiêu, quản lý tốt hơn, có nguồn thu mỗi năm vài tỉ để tái đầu tư cho du lịch Cẩm Thanh”. Để phục vụ tốt hơn cho du khách khi bán vé tham quan, công tác xây dựng cơ sở hạ tầng như cầu tàu cho ghe thuyền cập, nhà vệ sinh, bãi đổ xe… cũng được tiến hành xây dựng và đã đi vào hoạt động.

Nhìn chung, hoạt động DL tại Rừng dừa đã thu hút sự tham gia của cư dân địa phương xã Cẩm Thanh, trong đó tập trung ở thôn Vạn Lăng và Thanh Tam Đông. Nhờ sự khởi sắc về DL mà những năm gần đây, cuộc sống của người dân nơi đây được cải thiện đáng kể, cơ sở hạ tầng của xã cũng được đầu tư, nâng cấp. Mặc dù xã

Cẩm Thanh đã có những động thái tích cực trong việc chấn chỉnh hoạt động DL tại Rừng dừa, tuy nhiên, việc phát triển DL quá nóng tại Rừng dừa không tránh khỏi những tác động xấu như chất lượng dịch vụ chưa đảm bảo; giá cả dịch vụ chưa có sự nhất quán; mở loa gây ồn ào trong khu sinh thái Rừng dừa; tùy tiện ngắt bỏ lá dừa, làm ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường; người dân hoạt động DL một cách tự phát; tình trạng cò mồi vẫn còn hoạt động; hiện tượng “bê tông hóa” rừng dừa để xây dựng trái phép các khu sinh thái, hàng quán làm suy giảm diện tích và mất mĩ quan vốn có của Rừng dừa... Trong 9 tháng đầu năm 2017, các lực lượng chức năng của xã đã kiểm tra, nhắc nhở 120 trường hợp, xử lý vi phạm hành chính 24 trường hợp, tạm giữ một số phương tiện hành nghề và phạt tiền 1 triệu 800 ngàn đồng [52]. Theo số liệu của chính quyền địa phương, hiện có khoảng 32 đối tượng “cò mồi” hoạt động công khai và đã xuất hiện những trường hợp manh động, tranh giành khách gây mâu thuẫn và đánh khách khi không sử dụng dịch vụ theo yêu cầu của “cò”… Để tháo gỡ những bất cập trước mắt và phát huy thế mạnh về DLST, đòi hỏi sự quyết liệt và quan tâm hơn nữa của các cấp chính quyền cũng như sự gắn kết chặt chẽ giữa các bên liên quan để từ đó tìm ra những hướng đi đúng đắn, đảm bảo phát triển DLST bền vững tại Rừng dừa cũng như đối với xã Cẩm Thanh.

Dịch vụ lưu trú homestay

- Giới thiệu dịch vụ homestay Cẩm Thanh

Homestay là dịch vụ lưu trú tại nhà dân. Sử dụng dịch vụ này, du khách sẽ ăn, ở và sinh hoạt cùng gia đình người dân địa phương như các thành viên trong gia đình. Đây là cơ hội để du khách có thể khám phá những nét đẹp văn hóa, phong tục, tập quán tại vùng đất mà mình đặt chân đến. Nhiều vùng miền trên đất nước ta, homestay được xem là dịch vụ chủ yếu của loại hình DLCĐ, trong đó đặc biệt là các tỉnh vùng núi Tây Bắc như Lào Cai, Hòa Bình, Lai Châu…

Hội An là một trong những địa điểm được yêu thích bởi dịch vụ homestay. Loại hình lưu trú này nở rộ ở Hội An trong những năm gần đây và thu hút sự chú ý của nhiều du khách bởi sự mới mẻ và dân dã. Theo đó, ở Cẩm Thanh, homestay cũng

được chính quyền địa phương khuyến khích hoạt động. Cũng như Hội An, homestay ở đây thu hút du khách dựa trên các tiêu chí vui vẻ, thân thiện, nhiều cây xanh trong khuôn viên. Tính đến năm 2016, toàn xã có 36 cơ sở dịch vụ, trong đó có 17 homestay có thiết kế không gian đẹp mắt, chủ yếu là khai thác vẻ hoang sơ của địa phương kết hợp với phòng ở đầy đủ tiện nghi, tạo thành một không gian nghỉ dưỡng lý tưởng cho du khách [52].

- Hoạt động du lịch tại homestay

Đến với homestay Cẩm Thanh, du khách được trải nghiệm cuộc sống thường ngày với gia đình chủ nhà như trồng rau, tưới nước, bắt cá, cắt lúa, chăn trâu… Người chủ đóng vai trò như một hướng dẫn viên, nói chuyện và cung cấp cho du khách nhiều thông tin thú vị về phong tục, tập quán ở làng quê Cẩm Thanh. Khách DL đến với Cẩm Thanh quanh năm, nhưng nhiều nhất là khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau. Khách lưu trú phần lớn là khách nước ngoài, thời gian lưu lại tương đối dài, thường thì từ 3 tuần đến 2 tháng, tập trung nhiều từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau.

Nhiều homestay mở ra giải quyết được công ăn việc làm cho người dân, vừa khai thác được vẻ đẹp của địa phương để phát triển kinh tế, vừa để quảng bá hình ảnh Cẩm Thanh một cách hiệu quả. Tuy nhiên, số lượng homestay mở ra nhiều làm “méo mó” bản chất ban đầu của mô hình này. Nhiều chủ hộ đầu tư kinh phí quá lớn, biến các homestay trở thành các khu nghỉ dưỡng cao cấp chứ không còn là những khu lưu trú CĐ. Bà Nguyễn Thị Trang - chủ homestay Luna (thôn Thanh Đông, xã Cẩm Thanh) chia sẻ: “Homestay bây giờ đã biến tướng đi ít nhiều, những homestay thật sự thì cách bài trí và cơ sở vật chất rất đơn giản, chủ yếu là giúp KDL khám phá và trải nghiệm văn hóa địa phương. Tuy nhiên, nhiều chủ đầu tư bây giờ chú trọng vào phòng nghỉ, còn việc để cho du khách khám phá và trải nghiệm thì không nhiều lắm”. Đây cũng là ý kiến chung của nhiều chủ homestay ở Cẩm Thanh. Trước vấn đề này, thành phố đã tiến hành kiểm tra và ngừng hoạt động một số cơ sở homestay kinh doanh không đúng quy định, đi sai bản chất ban đầu, đồng thời tạm

ngừng cấp phép kinh doanh homestay mới nhằm tạo điều kiện cho loại hình này phát triển đúng hướng và thực sự là loại hình DLCĐ, đáp ứng được yêu cầu và định hướng phát triển DL bền vững của thành phố.

Làng nghề tranh tre dừa truyền thống - Giới thiệu làng nghề tre dừa

Tre dừa vốn là hình ảnh thân thuộc, gần gũi với mỗi người dân Việt Nam trong cuộc sống lẫn trong chiến đấu. Ngày nay, với sự phát triển của đất nước, những lũy tre, rặng dừa không còn được nhìn thấy nhiều. Thế nhưng, có một làng nghề tre dừa tồn tại qua bao đời nay như một kho tàng lưu giấu kỉ niệm ở một làng quê thanh bình - làng nghề tre dừa Cẩm Thanh. Sự tồn tại song song của làng nghề tre dừa cùng với hệ sinh thái rừng dừa nước đã tạo nên một không gian văn hóa thu hút du khách trong và ngoài nước đến nghiên cứu, tham quan và thưởng lãm.

Theo các bậc cao niên trong làng, nghề làm tranh tre dừa Cẩm Thanh được hình thành cách đây hơn 200 năm, theo dấu chân của những lái buôn ghe bầu từ Nam bộ đến. Thuở ban đầu, cư dân đan tre dừa chỉ với mục đích làm tranh che nắng, che mưa. Dần dần, do nhu cầu làm nhà, nhiều gia đình đã bén duyên với nghề. Một thời, tranh tre dừa của làng theo những chuyến thuyền đi khắp các miền đất nước. Theo ông Trần Rô, trưởng thôn Thanh Tam Đông cho biết: “Trong xã có hơn 25% số hộ sinh sống bằng nghề tre dừa nứa, trong đó tập trung nhiều nhất là thôn Thanh Tam Đông. Làng nghề phát triển đã tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương giúp bà con ổn định cuộc sống”.

Trải qua năm tháng tồn tại và phát triển, nghề truyền thống này cũng có lúc tưởng như lụi tàn, mai mọt do sự phát triển của nhiều vật liệu xây dựng mới với giá rẻ, bền ra đời thay thế dần vật liệu làm nhà bằng tranh dừa. Nhưng những năm gần đây, nhu cầu khôi phục, xây dựng mới các ngôi nhà truyền thống, hàng quán, hàng thủ công mỹ nghệ bằng chất liệu tranh tre dừa ngày càng nhiều, các sản phẩm làm từ tre dừa ngày càng phong phú, nhờ đó nghề truyền thống tranh tre dừa ở Cẩm Thanh đã có cơ hội khôi phục lại và phát triển.

- Hoạt động du lịch tại làng nghề tre dừa

Năm 2013, cùng với sự khởi sắc của DL nơi đây, khu trung tâm làng nghề tre dừa hoàn thành và bàn giao cho xã Cẩm Thanh tổ chức khai thác, quản lý với kỳ vọng tạo điểm nhấn cho vùng DLST sông nước này. Khu trung tâm làng nghề tre dừa nứa xã Cẩm Thanh rộng 1,5ha, với nguồn vốn đầu tư khoảng 4 tỷ đồng ra đời trước cơn sốt đầu tư DL phát triển. Thương hiệu làng nghề tre dừa cũng đã được Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ [52]. Quá trình tạo tác sản phẩm và cả sản phẩm họ làm ra trở thành những SPDL độc đáo phục vụ khách tham quan, tạo điểm nhấn cho làng nghề. Trung tâm này có vai trò như một trạm dừng chân, vừa là khu DLST sông nước, vừa là hình ảnh thu nhỏ của một làng nghề tập trung.

Du khách đến với làng nghề có thể tận mắt chứng kiến hoặc trực tiếp tham gia các công đoạn làm tranh tre dừa, được giới thiệu, tìm hiểu những nét độc đáo về làng nghề và chụp ảnh lưu niệm. Những sản phẩm thủ công từ tre dừa là những món quà lưu niệm đặc trưng như đèn lồng, nơm cá, thuyền nan, đũa tre, mũ, ống hút, ốp lưng điện thoại… và những vật dụng phục vụ cuộc sống như nhà mái lợp bằng tre, dừa, tủ, bàn, ghế, giường tre, đồ thủ công mỹ nghệ dùng cho mục đích trang trí… Du khách đến đây có thể thoải mái lựa chọn cho mình những món quà ưng ý với sự gia công tỉ mỉ và tinh xảo bởi những bàn tay tài hoa của các nghệ nhân tre dừa Cẩm Thanh.

DL phát triển đã tạo điều kiện đưa sản phẩm tre dừa Cẩm Thanh đến gần hơn

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu phát triển du lịch cộng đồng tại xã cẩm thanh, thành phố hội an, tỉnh quảng nam (đạo tạo thí điểm) (Trang 63 - 75)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(154 trang)