Đa dạng hóa sản phẩm du lịch cộng đồng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu phát triển du lịch cộng đồng tại xã cẩm thanh, thành phố hội an, tỉnh quảng nam (đạo tạo thí điểm) (Trang 103 - 105)

6. Cấu trúc của luận văn

3.2. Các giải pháp cụ thể

3.2.4. Đa dạng hóa sản phẩm du lịch cộng đồng

Cẩm Thanh sở hữu nguồn TNDL phong phú, tuy nhiên các SPDL chưa mấy đa dạng, chưa khai thác hết tiềm năng có được. Ngoài tiềm năng về DL tự nhiên, nơi đây còn có điều kiện để phát triển DL văn hóa với các khu di tích lịch sử, làng nghề, nghệ thuật diễn xướng dân gian… Tuy nhiên, hoạt động DL tại đây chỉ mới tập trung chủ yếu tại Rừng dừa Bảy Mẫu mà bỏ qua các địa điểm lý thú khác. Vì vậy, cần xây dựng các chương trình kết nối các điểm DL như làng nghề tre dừa, vườn rau hữu cơ Thanh Đông, khu sinh thái Thuận Tình, xóm câu kiều, miếu tổ nghề yến, lăng ông, đình làng... cũng như khai thác các loại hình diễn xướng dân gian như bài chòi, hát bả trạo nhằm đa dạng hóa SPDL. Đồng thời, mở rộng không gian DL ra khỏi Vạn Lăng, Thanh Tam Đông sang cánh Thuận Tình, khu vực rừng dừa mới trồng dưới cầu Cửa Đại để giải tỏa áp lực của khu Rừng dừa hiện tại. Ngoài kết nối các điểm DL trong xã, cần mở rộng liên kết với các điểm DL trong

thành phố, tỉnh và các khu vực lân cận tạo nên nhiều tour, tuyến DL để du khách dễ dàng lựa chọn. Tuy nhiên, để thu hút CĐĐP tham gia và tạo điều kiện cho họ hưởng lợi từ DL, cần tổ chức, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ trong chương trình tour, tuyến và các doanh nghiệp DL phải sử dụng dịch vụ mà người dân cung cấp, có như vậy mới tạo được sự kết nối giữa CĐĐP và công ty DL, là cơ sở để duy trì và phát triển mô hình DLCĐ Cẩm Thanh.

Các tour DLCĐ, tuyến DL đường sông (Phố cổ Hội An - sông Thu Bồn - Rừng dừa Bảy Mẫu) hay tuyến xe đạp (phố cổ Hội An - làng quê Cẩm Thanh) vẫn là những SPDL độc đáo, hấp dẫn du khách, tạo điểm nhấn cho DLCĐ xã Cẩm Thanh. Vì vậy, tiếp tục khai thác lợi thế này, đồng thời, không ngừng sáng tạo ra các tour DLCĐ mới nhưng vẫn trên nền tảng là tái hiện sinh động cuộc sống sinh hoạt thường ngày của người dân làng quê Cẩm Thanh và đảm bảo rằng CĐĐP là nhân tố chính, là người cung cấp dịch vụ chính trong các tour DL này.

Homestay là loại hình lưu trú giúp cho du khách cảm nhận rõ nhất, chân thật nhất về đời sống sinh hoạt, văn hóa của cư dân tại vùng đất họ đặt chân đến. Tuy nhiên, hiện nay homestay Cẩm Thanh đã bị biến tướng đi khá nhiều, họ chú trọng vào tiện nghi, hiện đại mà quên đi giá trị ban đầu của loại hình lưu trú này. Vì vậy, cần phải có những chỉ đạo kịp thời để nhanh chóng khắc phục tình trạng này, đem lại ý nghĩa cốt lõi của homestay. Các hộ kinh doanh homestay phải đảm bảo đầy đủ các tiêu chí đưa ra và không ngừng trao dồi kỹ năng đón tiếp khách, nâng cao trình độ ngoại ngữ vì chủ yếu khách sử dụng dịch vụ này là khách nước ngoài. Điều quan trọng với những du khách lựa chọn loại hình này không phải là tiện nghi mà điều họ muốn khám phá là văn hóa, cuộc sống sinh hoạt của người dân, do đó, phải tạo cho du khách nhiều cơ hội để giao lưu, sinh hoạt và trải nghiệm mọi thứ.

Du khách đến Cẩm Thanh chủ yếu tham quan trong ngày hoặc sẽ trở về trung tâm Hội An để ăn uống, nghỉ ngơi. Việc cần làm để tăng hiệu quả khai thác DL tại đây là làm sao níu chân du khách ở lại lâu hơn, sử dụng dịch vụ nhiều hơn. DL tham quan kết hợp cắm trại qua đêm là hình thức khá hay đã được áp dụng

thành công tại Cù Lao Chàm. Buổi tối là cơ hội để du khách ca hát, nhảy múa và giao lưu với CĐĐP. Đêm đến có thể ra biển cùng ngư dân trải nghiệm câu cá, câu mực, nấu và thưởng thức tại chỗ. Sáng được ngắm bình minh, tận hưởng không khí trong lành từ gió biển. Vị trí thích hợp để khai thác loại hình này là bãi biển Cửa Đại, cách xã Cẩm Thanh không xa.

Xây dựng nhà CĐ để đón tiếp du khách là việc nên làm. Nhà DLCĐ sẽ là mô hình thu nhỏ xã Cẩm Thanh để du khách có cơ hội tìm hiểu, khám phá những điều thú vị về mảnh đất, con người Cẩm Thanh, vừa là không gian sinh hoạt văn hóa CĐ cư dân nơi đây. Tại đây sẽ trưng bày những kỉ vật, đồ lưu niệm, bản đồ DL… sẽ có người tiếp đón khách, có thuyết minh viên giúp du khách có cái nhìn tổng quan trước khi thực hiện chuyến hành trình khám phá vùng quê Cẩm Thanh. Các mặt hàng lưu niệm phải đảm bảo mẫu mã đẹp, bắt mắt, sản phẩm độc đáo, mang đậm nét đặc trưng của vùng và do chính người dân địa phương sản xuất. Buổi tối sẽ tổ chức gặp gỡ, giao lưu với du khách, biểu diễn bài chòi, hát bả trạo, uống rượu và thưởng thức đồ nướng hải sản… Du khách có thể sử dụng dịch vụ homestay, biệt thự DL hay khách sạn để lưu trú qua đêm tại đây.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu phát triển du lịch cộng đồng tại xã cẩm thanh, thành phố hội an, tỉnh quảng nam (đạo tạo thí điểm) (Trang 103 - 105)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(154 trang)