Chƣơng 1 : CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ THỂ LOẠI PHỎNG VẤN
2.5. Những khía cạnh nội dung phản ánh của tác phẩm phỏng vấn khắc
2.5.2. Tôn vinh nghề nghiệp và cá tính sáng tạo
Các tác phẩm PV khắc họa chân dung đã đề cập đến nhiều lĩnh vực, trong đó người được PV là những cá nhân xuất sắc trong lĩnh vực nghề nghiệp nào đó. Họ có thể là những nhà quản lý nhiều kinh nghiệm, nhà nghiên cứu chuyên môn học thuật, là giới văn nghệ sĩ, là đội ngũ doanh nhân và cả ở các lĩnh vực nghề nghiệp khác. Điểm chung ở họ là lòng đam mê với nghề, tài năng, sức cống hiến, cá tính sáng tạo và sự thành công. Từ đó giúp công chúng nhận diện những bộ phận tinh hoa trong xã hội; rút ra được những bài học kinh nghiệm quý báu về tinh thần, lề lối, nguyên tắc làm việc, tự trau dồi và rèn luyện bản thân theo gương những người nổi tiếng.
2.5.2.1. Nhà quản lý nhiều kinh nghiệm
Công việc quản lý luôn đòi hỏi nhiều tâm huyết và công sức, tầm nhìn bao quát, kinh nghiệm và sự ứng phó kịp thời trong nhiều tình huống. Những cuộc trò chuyện với người quản lý luôn thú vị và gợi mở được nhiều vấn đề đặt ra trong xã hội thuộc các lĩnh vực kinh tế, văn hóa – thể thao, giáo dục, y tế, quốc phòng. Theo khảo sát thì những nhà quản lý văn hóa – thể thao là khách mời thường xuyên nhất của những cuộc PV khắc họa chân dung.
Văn hóa thể thao luôn là mảng nổi bật được đông đảo dư luận quan tâm, vì vậy những phát ngôn của nhà quản lý văn hóa thường gây chú ý và có tầm lan tỏa rộng ra toàn xã hội. Chân dung những nhà quản lý văn hóa hiện lên trong các bài PV hiện lên đa dạng và có dấu ấn. Đó là ông Nguyễn Duy Hiền, Giám đốc Trung tâm Festival Huế trong bài phỏng vấn Tôi luôn là người “si
tình” với Huế (LĐCT số 12, 30/3/2012) - người đặt dấu mốc cho sự xuất hiện
của khái niệm “festival” tại Việt Nam, gắn bó với những kỳ festival Huế đặc sắc. Để làm được điều này, bên cạnh tài năng và óc tổ chức nhạy bén là tình yêu ông dành cho Huế đến si mê, muốn làm hết sức mình để quảng bá mảnh đất di sản này tới bạn bè quốc tế. Đó là Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ – Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch tỉnh Quảng Ngãi trong bài phỏng vấn Khao lề
thế lính Hoàng Sa - Một nghi lễ của lòng yêu nước được biết đến là người có
công nâng tầm và phổ biến nghi lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa của địa phương trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, thể hiện rất rõ những yếu tố lịch sử bảo vệ chủ quyền lãnh thổ trên biển Đông.
Đó còn là những nhà quản lý các đơn vị hoạt động nghệ thuật đầy tâm huyết và tài năng. Có thể kể đến NSƯT Trần Vương Thạch, nhạc trưởng, Giám
đốc Nhà hát giao hưởng và Vũ kịch TP HCM;Giám đốc Hãng phim Việt Ngọc
Hiệp, Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ Trương Nhuận và Giám đốc sân khấu Idecaf Huỳnh Anh Tuấn. Ở mỗi lĩnh vực, công việc quản lý có những yêu cầu riêng, đặc điểm riêng nhưng họ luôn biết vận dụng giữa yếu tố thị trường và giá trị nghệ thuật chân chính để làm tốt vai trò quản lý văn hóa của mình.
Nếu như những nhà quản lý văn hóa nâng niu và tìm cách lưu giữ các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể thì người quản lý về mảng y tế lại luôn đau đáu về sức khỏe người bệnh và tay nghề của y bác sĩ. Cuộc PV Anh hùng lao động, GS.TS Nguyễn Anh Trí – Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương diễn ra nhân dịp ông được đón nhận danh hiệu Anh hùng lao động vì đã có những đóng góp to lớn cho ngành y tế. Đó là một vị giám đốc luôn biết tạo điều kiện tốt nhất cho người bệnh khi ông cho phép mọi bệnh nhân điều trị tại Viện cùng người nhà đều được sấy quần áo hàng ngày miễn phí; luôn biết động viên tinh thần làm việc của các y bác sĩ khi Viện trưởng có phần thưởng riêng cho những y bác sĩ xuất sắc hàng năm. Vị giám đốc còn là tấm gương sáng trong phong trào hiến máu cứu người khi đã trải qua 6 lần hiến máu và ấp ủ kế hoạch mỗi năm hiến máu khoảng 3 lần.
Chân dung những nhà quản lý giáo dục tâm huyết với sự nghiệp trồng người cũng hiện lên đầy dấu ấn qua các bài PV khắc họa chân dung. Đó là
GS.TS Nguyễn Cảnh Toàn trong bài Trí thức không giấu mặt (ANTG GT số
56, tháng 9/2012) với những dấu mốc “đầu tiên” quan trọng của nền giáo dục Việt Nam: là người Việt Nam đầu tiên bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ ở nước ngoài, người khởi xướng ra phương pháp “đào tạo từ xa” ở Việt Nam. Đảm trách vị trí Thứ trưởng Bộ Giáo dục trong suốt một thời gian dài (1976– 1989), ông luôn quyết sách các vấn đề giáo dục dựa vào quy luật nội lực tự học, tự nghiên cứu, tự trau dồi nghề nghiệp. Đó là Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Hiền – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Dân lập Đoàn Thị Điểm (Hà Nội), nhà quản lý giáo dục xuất sắc với quan điểm giáo dục khá toàn diện: “Nếu chỉ dạy chữ thì rất dễ. Dạy làm người là rất khó, bởi phải có nhiều hoạt động thì mới rèn luyện được kỹ năng cho học sinh. Chính vì vậy, trong mỗi tiết giảng, bắt buộc thầy, cô phải lồng ghép dạy các em về vấn đề đạo đức”.
Ở lĩnh vực kinh tế, những nhà quản lý ít xuất hiện trên báo chí, nhất là trong những bài đối thoại dài để bộc bạch, tâm sự về công việc, về bản thân. Cuộc trò chuyện giữa phóng viên Chuyên đề ANTG GT–CT và Đại tá
Nguyễn Mạnh Hùng – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn viễn thông quân đội (Viettel) là một cuộc đối thoại hiếm hoi mà ở đó, nhà quản lý kinh tế của một tập đoàn lớn đã chia sẻ rất cởi mở về công việc quản lý của mình. Từ cách điều hành nhân sự có lý có tình của ông Hùng và Ban giám đốc Tập đoàn Viettel đã tạo nên “một đội ngũ nhân viên làm việc xả thân như trong thời chiến” đến những bí quyết kinh doanh của một tập đoàn lớn: Cần cù chịu khó, vươn đến những thị trường xa xôi và nghèo khó để kiếm tìm lợi nhuận. Điều quan trọng là phải luôn sáng tạo trong hướng kinh doanh, như câu nói của ông Hùng đã được đặt làm đầu đề cho bài báo: Họ làm gì thì mình làm khác đi
(ANTG GT-CT số 53, GT 6/2012). Qua bài PV có dung lượng lớn với phần trả lời nhiều cảm xúc và say mê của nhân vật, người đọc thấy được ở Đại tá Nguyễn Mạnh Hùng sự tinh nhạy, tài năng và bản lĩnh trong vai trò quản lý ở một tập đoàn viễn thông lớn.
2.5.2.2. Say mê nghiên cứu chuyên môn học thuật
Số lượng chân dung các nhà nghiên cứu chuyên môn học thuật nhiều thứ hai trong số các chân dung nhân vật được khắc họa qua PV. Đây cũng là mảng chân dung đa dạng nhất về ngành nghề. Họ có thể là nhà báo, nhà phê bình văn học, nhà nghiên cứu văn hóa, nhà sưu tập tiền cổ, nhà khoa học,…
Rất nhiều các nhà nghiên cứu khoa học tài năng được chọn là nhân vật trả lời PV khắc họa chân dung trên các báo chí. Qua những bài PV, chuyên môn, tài năng và những thành tựu nghiên cứu của họ đã vượt ra khỏi lĩnh vực họ công tác và vang danh ngoài xã hội. Đó là Giáo sư Hà Minh Đức cùng sự nghiệp khoa học đồ sộ với gần 50 công trình sách cá nhân đã xuất bản, trong đó có 12 công trình được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh, hai giải thưởng Nhà nước. Bên cạnh những nhà khoa học thuộc hàng “cây cao bóng cả” thì những nhà khoa học trẻ tuổi cũng được chú ý khắc họa chân dung. Tiến sĩ Vật lý Vũ Thị Hạnh Thu – giảng viên trẻ tài năng của Trường Đại học Khoa học tự nhiên TP HCM nổi bật với những công trình nghiên cứu về lĩnh vực làm sạch vi khuẩn trong nước và chống đọng nước bề mặt, đạt nhiều giải thưởng cấp
quốc gia. Là một nhà khoa học nữ trẻ tuổi nhưng chị không hề có cảm giác “lọt thỏm” mà thấy mình may mắn vì được các thầy ưu ái, giúp đỡ. (Nhà khoa
học thật sự thì không thể rảnh tâm – LĐCT số 50, 23/12/2012).
Chân dung những nhà khoa học nước ngoài cũng được báo chí chú ý khắc họa. Nhà Việt Nam học, nhà Đông phương người Nga Daria Mishukova có đến hơn 50 bài nghiên cứu về ngôn ngữ học và văn hóa Việt Nam, đồng thời có những đóng góp không nhỏ cho sự phát triển của ngành du lịch Việt Nam. Chị đã gắn bó cả một thời tuổi trẻ với Việt Nam và chọn Đà Nẵng – nơi đẹp nhất nhì Việt Nam để sinh sống.
Những nhà giáo vừa hồng vừa chuyên đã được chọn là nhân vật trong nhiều cuộc PV. Đó là thầy giáo Lê Bá Khánh Trình – một cây toán xuất sắc đã từng tham gia Cuộc thi IMO lần thứ 21 và đạt Huy chương Vàng và được giải đặc biệt do có cách giải độc đáo. Tốt nghiệp khoa Toán, Trường Đại học Tổng hợp Moskva và trở về nước giảng dạy tại Đại học KHTN – Đại học quốc gia TP HCM, phụ trách đội tuyển Toán của trường phổ thông năng khiếu Đại học quốc gia TP HCM. Người thầy giáo xuất sắc đã dẫn dắt nhiều thế hệ học sinh đạt được những thành tích cao trong các cuộc thi học sinh giỏi Toán quốc gia và quốc tế.
Nhân vật được chọn PV còn là những người muốn giới thiệu và phổ biến văn hóa Việt Nam ra thế giới và phổ biến văn hóa thế giới về Việt Nam. Nếu như GS. Ngô Như Bình trong bài PV Tôi đã mang theo tất cả để lên
đường (LĐCT số 24, 22/6/2012) được biết đến là một giáo sư người Việt có
20 năm qua giảng dạy tiếng Việt cho sinh viên Đại học Harvard, Mỹ thì dịch giả tài năng U80 Dương Tường là người kì công chuyển ngữ những tác phẩm lớn trên thế giới sang tiếng Việt. GS Ngô Như Bình luôn gắn hình ảnh Việt Nam với văn học và con người Việt Nam hiện đại, chứ không phải là hình ảnh đất nước gắn với chiến tranh trong suốt chiều dài lịch sử. Bởi đơn giản, theo ông, Việt Nam phải hấp dẫn thế giới bên ngoài bằng cái khác, vì chiến tranh
đã kết thúc từ lâu. Còn dịch giả tài năng Dương Tường với tinh thần làm việc quyết liệt dù đã ở tuổi 80 luôn chọn những tác phẩm khó nhằn, đồ sộ về tầm vóc để chinh phục những đỉnh cao văn chương. Với ông, công việc không có điểm dừng, bởi “dừng là chết”.
2.5.2.3. Văn nghệ sĩ tài năng
Văn nghệ sĩ được coi như nhiệt kế của xã hội, là bộ phận nhạy cảm nhất của xã hội. Bởi vậy những nhân vật văn nghệ sĩ được chọn PV với tài năng, sức cống hiến và ý thức làm nghề đều tạo được dấu ấn đậm nét trong lĩnh vực nghệ thuật mà họ hoạt động. Đó là những đạo diễn tài năng và tâm huyết, là cha đẻ của những bộ phim, vở kịch có chất lượng; diễn viên có năng khiếu diễn xuất và có những vai diễn để đời; những nhà văn, nhà thơ có tên tuổi luôn nặng lòng với con chữ; những nhạc công, ca sĩ tài năng; họa sĩ, nhà thiết kế thời trang có những hoạt động nghề sôi nổi và có sức ảnh hưởng lớn tới công chúng…
Một loạt các nhân vật được chọn PV là các nhà văn, nhà thơ gạo cội – những người đã góp phần tạo nên diện mạo văn học nước nhà như nhà văn Tô Hoài, Nguyễn Khải, nhà thơ Phạm Tiến Duật, Anh Ngọc… được lựa chọn PV. Bên cạnh đó những cây bút thế hệ sau cũng được đi sâu khắc họa bằng bút pháp PV: nhà thơ Phan Huyền Thư, nhà văn Nguyễn Đông Thức,… tạo nên diện mạo văn học Việt Nam các thời kỳ.
Danh hiệu nghệ sĩ nhân dân lần đầu tiên được trao ở mảnh đất Khánh Hòa cho nghệ sĩ tuồng Thu Hà – người được mệnh danh là vàng ròng của sân khấu tuồng. Được nuôi dưỡng trong cái nôi của nghệ thuật tuồng với người bố nuôi là NSƯT Bốn Hảo – ông chủ gánh tuồng, nghệ sĩ tuồng Thu Hà đã có nhiều vai diễn để đời, mang lại nhiều huy chương Vàng ở các cuộc thi. Cả cuộc đời say mê và gắn bó, thành công với nghệ thuật tuồng truyền thống, Thu Hà thuộc típ nghệ sĩ sống chết với nghề khi “nghĩ về tuồng, tôi thấy mình bốc lửa”.
Hồng Ánh – cô gái cầm tinh con rắn (1977) được đào tạo ngành múa nhưng lại ước mơ làm diễn viên và thực sự đã thành công trong nghề. Hồng Ánh
được mệnh danh là diễn viên của những phim đoạt giải, là một trong những diễn viên hàng đầu của điện ảnh Việt, nhưng vẫn chăm chỉ đi thử vai bởi đó là cách để cô nắm bắt cơ hội được làm việc trong một dự án phim lớn. Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 đã ở tuổi 75 nhưng vẫn miệt mài bên cây đàn, với những giờ dạy nhạc và tối tối vẫn chơi piano phục vụ công chúng sành nhạc – mọi hoạt động trong ngày của ông đều gắn với nghề một cách nghiêm túc nhất (TT-VHCT số 25, 21/6/2013).
Bên cạnh chân dung văn nghệ sĩ trong nước còn có sự xuất hiện của những người làm nghệ thuật đến từ nhiều nước trên thế giới, đem lại sự đa dạng, nét mới lạ cho những bài PV khắc họa chân dung. Đó là Lee Kirby – chàng trai người Anh được biết đến với danh hiệu “chàng trai Tây hát nhạc Việt”, cùng với cây đàn guitar, Lee Kirby đã rong ruổi khắp đất nước Việt Nam để cảm nhận về cuộc sống và chia sẻ với mọi người bằng tiếng hát. Lee muốn “quảng bá đất nước Việt Nam ra thế giới vì chính đất nước này đã dạy cho anh nhiều bài học ý nghĩa về cuộc sống. Đó là họa sĩ trẻ Nguyễn Thành Phong trong bài Tìm những
vẻ đẹp giản dị quanh mình (TT-VHCT số 26, 2/7/2014) sớm trở thành họa sĩ
truyện tranh nổi tiếng vào thời điểm không có nơi nào dạy vẽ về truyện tranh trong khi thị trường Việt Nam tràn ngập truyện tranh nước ngoài.
Cùng với xu hướng phát triển mạnh mẽ của ngành thời trang trên thế giới, những nhà thiết kế thời trang cũng hoạt động sôi động và có sức ảnh hưởng lớn tới công chúng. Chính vì vậy, chọn lựa họ cho những cuộc PV khắc họa chân dung là một cách đi hợp thời. Chàng trai 18 tuổi Lý Giám Tiền đã với tay tới được vị trí quán quân Cuộc thi Tìm kiếm nhà thiết kế thời trang Việt Nam. Giới thời trang đánh giá đây là kết quả tất yếu dành cho Lý Giám Tiền bởi những nỗ lực hết mình, niềm đam mê thời trang rõ ràng và kiên định ở người trẻ này (TT-VHCT số 29, 26/7/2014).
2.5.2.4. Doanh nhân thành đạt
Những doanh nhân xuất sắc cũng được các báo chú ý PV, thường đi từ góc tiếp cận vượt khó làm giàu. Đó là ông Nguyễn Mạnh Thản – Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Ao Vua trong bài PV Thành đạt trên
quê nghèo mới là khó (LĐCT số 28, 21/7/2012) - một doanh nhân đi tiên phong trong việc biến vùng núi Ba Vì hoang vu, cằn cỗi quê hương mình trở thành những địa điểm khu du lịch sinh thái, du lịch tâm linh hấp dẫn. Đó là ông Trần Công Chiến - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu, người luôn thể hiện sự tôn vinh và tri ân những con bò sữa và hết lòng xây dựng thương hiệu sữa Mộc Châu uy tín và chất lượng. Đó còn nữ doanh nhân thành đạt Mã Đào Ngọc Bích – Tổng giám đốc Công ty Thiên thần sắc đẹp Angel Beauty, người đã vượt khó vươn lên trở thành chủ một thương hiệu làm đẹp uy tín và những hoạt động từ thiện giúp đỡ người dân nghèo.