Phần 4 Kết quả nghiên cứu và thảo luận
4.3. Một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện đề án gắn giáo dục
4.3.2. Đối với các trung tâm giáo dục thường xuyên
Dạy nghề xã hội đang là một hướng mở và bền vững của các trung tâm giáo dục thường xuyên. Do đó việc quy định tất cả học sinh tham gia học hệ bổ túc trung học phổ thông đều phải học nghề là cần thiết. Để thực hiện tốt mục tiêu này, các trung tâm giáo dục thường xuyên cần chuẩn bị tốt các điều kiện về mọi mặt nhằm nâng cao chất lượng gắn dạy văn hóa với dạy nghề bảo đảm học sinh vừa tốt nghiệp văn hoá vừa có bằng trung cấp nghề trong tay, có cơ hội để tìm được việc làm.
4.3.2.1. Công tác tuyển sinh và chương trình giảng dạy
Công tác tuyển sinh
Cần xây dựng đội ngũ làm công tác tuyển sinh. Đội ngũ tuyển sinh đóng vai trò hết sức quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả và chất lượng công tác tuyển sinh vì thế cần huy động đội ngũ này một cách tối đa, với thành phần đa dạng bao gồm:
Đối với bộ phận làm công tác tuyển sinh chuyên trách phải xây dựng và triển khai kế hoạch quảng bá, tư vấn và tuyển sinh tất cả các hệ đào tạo trong nhà trường kể cả chính qui, vừa học vừa làm, liên thông, liên kết, dạy nghề và hoạt động suốt năm học.
Đối với cán bộ, giáo viên, yêu cầu phải có trách nhiệm tham gia. Để thực hiện yêu cầu này, trung tâm phải đề ra những biện pháp như giao khoán chỉ tiêu hồ sơ đăng kí xét tuyển, nhập học, có các hình thức khen thưởng, động viên kịp thời đối với những cán bộ, giáo viên vận động được nhiều học sinh tham gia nhằm tạo ra một không khí thi đua, phấn đấu trong mỗi cán bộ, giáo viên trong công tác tuyển sinh.
sinh qua việc động viên các em quảng bá các ngành nghề đào tạo và chất lượng đào tạo của nhà trường đến người thân, bạn bè đồng thời có chế độ khen thưởng đối với học sinh vận động được nhiều người vào học ở trung tâm.
Tranh thủ các tổ chức đoàn thể của trung tâm, các hội cha mẹ học sinh, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn. Bên cạnh phát huy vai trò của lực lượng trong trung tâm, việc tranh thủ các lực lượng khác trên địa bàn là hết sức cần thiết. Một mặt đó là lực lượng có điều kiện hàng ngày tiếp xúc trực tiếp với các đối tượng học sinh và phụ huynh, mặt khác tiếng nói của họ có thể tác động tốt hơn đến sự quyết định lựa chọn con đường học tập của các học sinh.
Đồng thời với việc huy động tối đa lực lượng tham gia công tác tuyển sinh, cần đa dạng hóa các hình thức quảng bá, tư vấn tuyển sinh. Quảng bá, tư vấn là một trong những biện pháp nhằm đưa thông tin trực tiếp hay gián tiếp đến với đối tuợng học sinh và những người có liên quan. Muốn vậy, việc quảng bá, tư vấn phải được thực hiện bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng và thường xuyên qua các hình thức như tuyên truyền trên các kênh phát thanh, truyền hình, các pa-nô, áp-phích và đặc biệt là đưa các thông tin trực tiếp đến các đối tượng qua việc tư vấn qua điện thoại, tư vấn qua email.
Với đối tượng là người dân tộc thiểu số việc tư vấn trực tiếp có hiệu quả cao hơn so với các hình thức tư vấn khác. Bởi qua đó các thông tin được truyền tải một cách chi tiết, cụ thể, dễ hiểu. Hơn nữa, đối tượng người dân tộc thiểu số ít có điều kiện tiếp cận với các thông tin tuyển sinh thông qua các hình thức khác nên hình thức tư vấn trực tiếp càng có vai trò hết sức quan trọng để thông tin có thể đến với người dân một cách đầy đủ nhất.
Thực hiện khảo sát nhu cầu đào tạo của địa phương có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm giúp các cơ sở đào tạo có cơ sở để lựa chọn ngành nghề đào tạo, định hướng cho học sinh tham gia học nghề, đáp ứng việc phân luồng lao động, giải quyết công ăn việc làm, đảm bảo an sinh xã hội.
Quán triệt công tác khảo sát, tìm hiểu nhu cầu đào tạo của địa phương, nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác này, phân công nhiệm vụ cụ thể, chỉ đạo sát sao đối với từng bộ phận trong quá trình thực hiện. Phối kết hợp với chính quyền địa phương, Phòng LĐTB&XH, cơ sở đào tạo nghề trong quá trình điều tra, khảo sát nhu cầu đào tạo, thống kê nhu cầu học tập của người học. Lựa chọn ngành nghề đào tạo phù hợp, tổ chức tư vấn đào tạo nghề cho HS tại các trung tâm giáo dục thường xuyên.
Thông tin, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng đại chúng và đặc biệt là quán triệt, giáo dục, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong mỗi cán bộ, giáo viên, học sinh của trung tâm. Thực hiện mỗi người là một tuyên truyền viên giới thiệu về các ngành nghề đào tạo của trung tâm.
Công tác khảo sát phải được thực hiện định kỳ và thường xuyên về nhu cầu đào tạo, tìm hiểu đặc điểm của người học, các đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn, khả năng có việc làm hoặc tự tạo việc làm của người học nghề sau khi ra trường. Những thông tin thu được là cơ sở cho việc tăng hoặc giảm đối với từng nghề để đạt được sự cân bằng trong đào tạo nghề và phân luồng lao động.
Tổ chức xây dựng kế hoạch, nội dung, chương trình đào tạo đáp ứng đa dạng nhu cầu người học. Trên cơ sở điều tra, khảo sát, tìm hiểu nhu cầu đào tạo của địa phương làm cơ sở cho việc xây dựng nội dung, chương trình ĐT phù hợp với đặc thù học sinh, đặc điểm từng địa phương, nhu cầu nguồn nhân lực.
Cần nghiên cứu trước kế hoạch học văn hóa của các trung tâm giáo dục thường xuyên và xây dựng kế hoạch liên kết đào tạo một cách cách khoa học, phù hợp với kế hoạch học văn hóa của các trung tâm GDTX. Xây dựng nội dung, chương trình đào tạo phù hợp với đặc điểm, trình độ học sinh.
Định kỳ khảo sát về nhu cầu đào tạo của địa phương, đặc điểm của người học, truyền thống canh tác, các đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn để đánh giá nội dung, chương trình đào tạo. Nếu chưa phù hợp cần có các biện pháp để thay đổi nội dung, chương trình đào tạo tương ứng.
Tổ chức các cuộc hội thảo về nội dung, chương trình đào tạo nhằm nâng cao chất lượng các chương trình đào tạo, tổ chức biên soạn giáo trình, tài liệu giảng dạy, thẩm định và nghiệm thu đưa vào giảng dạy. Theo dõi thường xuyên, chặt chẽ việc thực hiện chương trình, kế hoạch đào tạo, thực hiện quy chế đào tạo.
Đổi mới chương trình giảng dạy
Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên là cơ sở quan trọng để nâng cao chất lượng đào tạo nghề, chất lượng nguồn nhân lực đào tạo nghề. Chất lượng nguồn nhân lực có ảnh hưởng rất lớn đến khả năng nắm được những cơ hội việc làm, khả năng đáp ứng yêu cầu công việc, ảnh hưởng đến thu nhập của lao động. Vì thế cần thực hiện nhiệm vụ đào tạo một số nghề công nghệ cao, dịch vụ chất lượng cao và phục vụ cho kinh tế nông nghiệp, nông thôn, ngành nghề có chuyên
môn kỹ thuật cao, lựa chọn nghề đào tạo có trọng tâm, trọng điểm. Đa dạng hóa ngành đào tạo, kết hợp đào tạo dạy nghề ngắn hạn, truyền nghề, cần gì học nấy với đào tạo nghề bậc cao, phục vụ cho yêu cầu tại chỗ về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, vừa đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động xã hội khu vực và xuất khẩu lao động.
Các trung tâm cần quan tâm tổ chức thực hiện toàn diện các chương trình giáo dục của trung tâm bao gồm chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông, đồng thời bảo đảm cập nhật kiến thức, kỹ năng về công nghệ, kỹ thuật cho học sinh trong dạy nghề.
Trong dạy nghề cần đổi mới phương pháp dạy học, chú trọng phương pháp dạy học theo hình thức tổ chức nhóm nhằm phát huy năng lực của người học, phù hợp với đối tượng người dân tộc thiểu số. Nhằm tạo hứng thú học tập cho học sinh cần tổ chức hội thảo các chuyên đề để phát huy tính chủ động, tích cực của học sinh trong quá trình tham gia thảo luận. Coi trọng trang bị lý thuyết gắn liền với thực hành để nâng cao năng lực thực tiễn cho người học, nhất là đối với đối tượng học sinh dân tộc thiểu số với năng lực tiếp thu hạn chế. Xây dựng giáo trình trình đào tạo phù hợp với tâm lý, năng lực của đối tượng học sinh dân tộc thiểu số, trong đó chú ý cách diễn đạt dễ hiểu, đồng thời đáp ứng được với nhu cầu của thị trường lao động.
Hộp 4.8. Hộp gắn dạy lý thuyết với thực hành
Nguồn: Điều tra của tác giả, 2015
Nguồn: Điều tra của tác giả (2015 )
Theo em sau khi học xong phần lý thuyết, nhà trường cần có đầy đủ trang thiết bị, vật tư thực hành kịp thời để chúng em được tiếp cận và thực hành ngay, có như vậy việc liên hệ giữa lý thuyết và thực hành sẽ thực tế hơn và hiệu quả đạt được sẽ cao hơn.
Học sinh Giàng A Chành, lớp Kỹ thuật xây dựng ở Trung tâm giáo dục thường xuyên Huyện Xín Mần
4.3.2.2. Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề, đội ngũ giáo viên
Khai thác, sử dụng tối đa cơ sở vật chất hiện có của các trung tâm giáo dục thường xuyên. Sử dụng các trang thiết bị, vật tư thực hành hiện có của cơ sở một cách khoa học, hiệu quả, đảm bảo cung ứng vật tư thực hành đúng, đủ theo kế hoạch đào tạo của các lớp. Tận dụng trang thiết bị của các cơ sở sản xuất, các trang trại, ruộng vườn của người dân trên địa bàn.
Các trung tâm giáo dục thường xuyên chủ động bố trí phòng học, phòng thực hành cho các lớp nghề, bố trí nhà lưu trú cho giáo viên giảng dạy. Tranh thủ các dự án của tỉnh, của trung ương để tăng cường, bổ sung thêm phương tiện, thiết bị đào tạo nghề.
Xây dựng dự án dài hạn từ 3 đến 5 năm trong việc nâng cấp, mua sắm thay thế các phương tiện, thiết bị đào tạo nghề, xây dựng quy chế sử dụng và khai thác các máy móc, thiết bị, phòng máy, vật tư thực hành.
Có kế hoạch sử dụng vật tư thực hành cho từng lớp theo từng môn học, mô đun, phòng tài chính, phòng quản lí thiết bị dạy nghề đảm bảo cung ứng đầy đủ thiết bị vật tư đảm bảo đúng kế hoạch. Bộ phận quản lí thiết bị dạy nghề phân loại thiết bị vật tư thực hành để thực hiện việc thu hồi thiết bị vật tư thực hành, tái sử dụng một cách chính xác, đầy đủ; kiểm kê tài sản, định kỳ bảo dưỡng, sửa chữa, thanh lý thiết bị hư hỏng, không còn giá trị sử dụng. Các đơn vị được giao vật tư, máy móc, thiết bị có trách nhiệm quản lí, bảo quản thiết bị, vật tư thực hành, thu hồi vật tư thực hành có thể tái sử dụng nộp về phòng quản lí thiết bị dạy nghề. Liên hệ với các cơ sở sản xuất, tận dụng nguồn trang thiết bị tiên tiến tại các cơ sở sản xuất và môi trường thực hành thực tế như trang trại, ruộng vườn của người dân trên địa bàn để cho học sinh có thể vừa được tham gia học tập kinh nghiệm, vừa được thực hành thực tế đồng thời có thể phổ biến kiến thức khoa học mới cho người dân trên địa bàn,.
Tăng cường các mối liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn trong việc thực hành, thực tập của học sinh. Xây dựng các phong trào thi đua làm đồ dùng dạy học, khuyến khích, động viên, khen thưởng kịp thời những cán bộ giáo viên tự tạo ra các thiết bị, phương tiện dạy học. Tổ chức cho giáo viên tham quan học hỏi kinh nghiệm tại các nhà xưởng, các trường nghề có những trang thiết bị hiện đại, tiên tiến.
Tích cực tham mưu và đề xuất với các cấp lãnh đạo để tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang bị thêm các thiết bị phục vụ dạy học bổ túc trung học phổ thông tương đương với các trường trung học phổ thông công lập, các trang thiết bị dạy nghề tương đương với các cơ sở dạy nghề, dạy kỹ thuật nghiệp vụ, trong đó đặc biệt là các phòng chức năng như phòng bộ môn, phòng lab, phòng nghe nhìn, phòng tự học thực hành, xưởng thực hành nghề, máy móc, thiết bị hiện đại, thư viện, thực hành tin học, thiết bị đào tạo từ xa và kết nối dạy học trực tuyến. Thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa, thay thế và mua mới bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị để bảo đảm hiệu quả sử dụng cao nhất.
Cơ sở vật chất mà đặc biệt là máy móc, thiết bị dạy thực hành đóng vai trò hết sức quan trọng quyết định đến chất lượng đào tạo. Bởi vậy cần phải đầu tư những máy móc thiết bị phù hợp với chương trình đào tạo, phù hợp với máy móc thiết bị của các doanh nghiệp đang hoạt động. Có như vậy sau khi sinh viên tốt nghiệp mới có đủ năng lực đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động và nhanh chóng tìm được việc làm phù hợp trong thị trường lao động.
Để bảo đảm nguồn vốn đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, cần sử dụng hợp lý nguồn ngân sách nhà nước cấp hàng năm để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất. Đồng thời thực hiện có hiệu quả công tác xã hội hóa giáo dục nhằm tăng cường nguồn vốn hỗ trợ cho các họat động đầu tư cơ sở vật chất, trong đó coi trọng dự toán chi phải tiết kiệm, hợp lý, đúng qui định hiện hành và đảm bảo tính hiệu quả của mục tiêu nguồn vốn.
Tăng cường và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ cơ hữu. Củng cố, nâng cao chất lượng và năng lực của các trung tâm giáo dục thường xuyên theo hướng xây dựng đội ngũ giáo viên đảm bảo cơ cấu hợp lý giữa giáo viên dạy văn hóa, giáo viên dạy nghề, hướng nghiệp và thực hành để các trung tâm đủ khả năng thực hiện nội dung giáo dục thường xuyên theo quy định của pháp luật. Cụ thể là đảm bảo đủ các tổ như tổ hành chính - tổng hợp, tổ giáo vụ, tổ dạy văn hóa, tổ hướng nghiệp - dạy nghề, ngoại ngữ và tin học, tổ chuyên đề và các tổ chuyên môn khác.
Nâng cao ý thức trách nhiệm, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và tay nghề cho đội ngũ giáo viên, kể cả giáo viên cơ hữu và giáo viên thỉnh giảng. Thực hiện có chất lượng hơn kế hoạch bồi dưỡng thường xuyên hàng năm của trung tâm, tạo điều kiện (kinh phí, thời gian) cho cán bộ, giáo viên học tập với nhiều hình
thức để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tham gia tập huấn, bồi dưỡng. Tổ chức tập huấn tại chỗ cho giáo viên về kỹ năng, phương pháp dạy học tích cực, kết hợp tham quan học tập ở các trung tâm giáo dục thường xuyên tiên tiến trong nước và ngoài nước.
Để làm tốt công tác bồi dưỡng giáo viên, các trung tâm giáo dục thường xuyên cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, giáo viên toàn trung tâm về vai trò, ý nghĩa của công tác bồi dưỡng. Các trung tâm giáo dục thường xuyên cần chủ động trong việc xây dựng kế hoạch và triển khai công tác bồi dưỡng, đặc biệt coi trọng hình thức bồi dưỡng tại chỗ, khuyến khích các giáo viên đi học nâng cao trình độ, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ thông qua tự học, tự bồi dưỡng. Đồng thời với việc tổ chức bồi dưỡng nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên hiện có, thực hiện tuyển dụng mới với các chỉ tiêu đảm bảo đúng chuẩn trình độ theo từng vị trí việc làm.