Phần 2 Cơ sở lý luận và thực tiễn về gắn giáo dục với đào tạo nghề
2.2. Cơ sở thực tiễn
2.2.3. Giới thiệu sơ lược về các Trung tâm giáo dục thường xuyên của các
huyện vùng cao tỉnh Hà Giang
Về nguồn lực gắn giáo dục với đào tạo nghề, theo Đề án 844, Hà Giang có 11 Trung tâm giáo dục thường xuyên bao gồm Trung tâm giáo dục thường xuyên Tỉnh Hà Giang, Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Bắc Quang, Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Quang Bình, Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Vị Xuyên, Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Hoàng Su Phì, Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Xín Mần, Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Bắc Mê, Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Quản Bạ, Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Yên Minh, Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Đồng Văn và Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Mèo Vạc.
Các trung tâm giáo dục thường xuyên có tổng số 292 cán bộ, giáo viên. Một Trung tâm kĩ thuật tổng hợp - hướng nghiệp tỉnh Hà Giang có 29 cán bộ, giáo viên. Có 2 cơ sở đào tạo nghề là Trường cao đẳng nghề tỉnh Hà
Giang và Trường Trung cấp nghề Bắc Quang. Trường Cao đẳng nghề Hà Giang có 70 giáo viên, trong đó có 10 giáo viên dạy thực hành, 70 giáo viên dạy tích hợp. Trường Trung cấp nghề Bắc Quang có 35 giáo viên, trong đó có 4 giáo viên dạy lý thuyết, 7 giáo viên dạy thực hành, 24 giáo viên dạy tích hợp. 13 trung tâm dạy nghề được phép dạy nghề trình độ sơ cấp và liên kết dạy nghề hệ trung cấp.
Các Trung tâm giáo dục thường xuyên có 112 phòng học, trong đó có 92 phòng kiên cố, 7 phòng thí nghiệm, 10 phòng thư viện, 184 máy tính. Trung tâm kỹ thuật tổng hợp-hướng nghiệp tỉnh có 16 phòng học, trong đó có 14 phòng kiên cố, 7 phòng học bộ môn, 1 thư viện, 70 máy tính, 1 xưởng thực hành.
Trường Cao đẳng nghề Tỉnh Hà Giang và Trường Trung cấp nghề Bắc Quang được đầu tư đầy đủ về phòng học, trang thiết bị phục vụ học tập và giảng dạy.
Trước khi thực hiện Đề án 844, việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức xã hội về nghề nghiệp còn nhiều hạn chế, bất cập. Do điều kiện kinh tế, phần lớn các học viên gặp khó khăn trong việc đóng học phí để vừa học văn hóa, vừa học nghề nên tỷ lệ theo học thấp.
Hoạt động của các trung tâm, cơ sở dạy nghề chưa thường xuyên, nề nếp, hiệu quả chưa cao, kế hoạch đào tạo chưa mang tầm chiến lược, nhiều ngành nghề chất lượng còn thấp, đầu ra không có hoặc không đáp ứng được thị trường lao động do học viên chưa chủ động tham gia học nghề, chưa xác định học nghề để lập thân, lập nghiệp.
Công tác tuyển sinh, tổ chức đào tạo chưa gắn với địa chỉ sử dụng, chất lượng đào tạo còn thấp nên nhiều học viên ra trường không có việc làm hoặc không đáp ứng thị trường lao động.
Công tác đào tạo nghề của huyện còn nhiều hạn chế, do thiếu cán bộ quản lý, giáo viên, kinh phí hỗ trợ cho công tác dạy nghề còn thấp. Tuy nhiên, những năm gần đây, công tác dạy nghề của huyện đã được chú trọng và có nhiều chuyển biến tích cực, hiệu quả. Với đặc thù lao động nông thôn có trình độ hạn chế, tập quán và tư tưởng lạc hậu, chưa quen, thích ứng ngay với kiến thức mới nên phương pháp truyền đạt được cán bộ Trung tâm lựa chọn và áp dụng là “cầm tay chỉ việc”, học đến đâu thực hành đến đấy, nhờ vậy mà học viên nắm bắt nhanh nội dung bài giảng.
Qua các lớp dạy nghề, nhiều học viên mạnh dạn áp dụng kiến thức được học vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng - vật nuôi, mở rộng quy mô sản xuất, phát triển kinh tế hộ. Đặc biệt, nhiều học viên sau khi học lớp xây dựng dân dụng đã tham gia xây dựng các công trình nhỏ tại xã mình, từ đó tạo việc làm cho bản thân và gia đình, góp phần tăng thu nhập. Qua khảo sát, số lao động được học nghề hầu hết đều có việc làm phù hợp, thu nhập ổn định từ 2-2,5 triệu đồng/người/tháng.
Nhờ đẩy mạnh công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động địa phương, hạn chế tình trạng thất nghiệp và thiếu việc làm ở lao động nông thôn nên tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đã có nhiều khởi sắc.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác dạy nghề và giải quyết việc làm tại Hà Giang còn một số hạn chế. Ở một số địa phương, cấp uỷ, chính quyền cơ sở chưa coi việc thực hiện chương trình mục tiêu về giải quyết việc làm là nhiệm vụ chính trị nên chưa thực sự vào cuộc. Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người lao động về học nghề, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động chưa được thường xuyên, liên tục. Đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc thực hiện chương trình đào tạo nghề và giải quyết việc làm đạt hiệu quả chưa cao. Đối tượng đào tạo nghề và giải quyết việc làm chủ yếu của tỉnh Hà Giang là thanh niên dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, nhận thức của một bộ phận thanh niên, nhất là cư trú ở vùng sâu, vùng xa về học nghề và giải quyết việc làm còn hạn chế. Mặt khác, trình độ văn hoá của người lao động còn thấp, kinh tế khó khăn, tâm lý ngại đi xa, sợ không an toàn là những trở lực lớn trong việc thực hiện chương trình dạy nghề và giải quyết việc làm tại địa phương. Trong những năm qua, các doanh nghiệp, hợp tác xã phát triển nhanh về số lượng nhưng quy mô sản xuất nhỏ, chủ yếu là lĩnh vực xây dựng cơ bản, tính ổn định việc làm không cao, khả năng thu hút lao động không lớn nên việc bố trí việc làm sau dạy nghề cho người lao động còn thấp, chưa thu hút được lực lượng lao động tích cực tham gia học nghề.
- Giáo dục
Chương trình đổi mới công tác quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo được triển khai thực hiện đồng bộ và đạt được những kết quả quan trọng, có nhiều chuyển biến tích cực. Chất lượng giáo dục toàn diện được cải thiện,việc rèn luyện nhân cách, đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh được chú trọng, đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý từng bước được nâng cao trình độ.
Tỷ lệ huy động trẻ 0-2 tuổi đi nhà trẻ đạt 31%, trẻ 3-5 tuổi đi mẫu giáo đạt 98%, trẻ từ 6 đến 14 tuổi đến trường đạt 98,3%. Phổ cập giáo dục tiểu học, chống mù chữ, phổ cập tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục trung học cơ sở được duy trì tốt, 100% xã, phường, thị trấn được công nhận đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi.
Việc huy động nguồn lực xã hội cho giáo dục, đào tạo, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm. Mạng lưới trường, lớp học tiếp tục được củng cố, phát triển nhất là việc xây dựng các trường chuẩn quốc gia, xây dựng và thành lập các trường phổ thông dân tộc bán trú. Toàn tỉnh có 853 trường học và cơ sở giáo dục, trong đó có: 124 trường phổ thông dân tộc bán trú; 138 trường đạt chuẩn quốc gia (mầm non 46 trường, tiểu học 46 trường, trung học cơ sở 41 trường, trung học phổ thông 5 trường), tăng 95 trường so với năm 2010. Triển khai thực hiện hiệu quả Đề án kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ giáo viên giai đoạn 2010 - 2013.
Công tác giáo dục thường xuyên, khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập được đẩy mạnh, 195 trung tâm học tập cộng đồng được củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động phục vụ nhu cầu học tập của mọi người dân. Hoạt động hợp tác, liên kết đào tạo, ký kết triển khai các chương trình phối hợp được thực hiện có hiệu quả.
Chất lượng giáo dục của các cấp học nhìn chung còn thấp, việc duy trì sĩ số học sinh nhất là trung học cơ sở chưa bảo đảm, tình trạng học sinh bỏ học, nghỉ học dài ngày còn xảy ra tương đối lớn, đặc biệt là sau các dịp tết nguyên đán, vào thời điểm mùa vụ sản xuất và các buổi chợ phiên. Cơ sở vật chất của một số trường học chưa bảo đảm, việc ăn ở, sinh hoạt của học sinh bán trú còn gặp nhiều khó khăn, cấp ủy, chính quyền một số xã chưa thực sự quan tâm và chỉ đạo quyết liệt công tác giáo dục. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở đi học trung học phổ thông, bổ túc trung học phổ thông và học nghề chưa cao.
Các huyện vùng cao của tỉnh Hà Giang có các dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ lớn nên còn tồn tại nhiều phong tục tập quán như canh tác nương rẫy, sản xuất nhỏ theo kiểu tự nhiên còn phổ biến. Tâm lý trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng còn tồn tại trong một bộ phận dân cư. Một số phong tục trong ma chay, cưới xin còn lạc hậu. Những phong tục, tập quán đã làm ảnh hưởng tới hoạt động giáo dục và đào tạo nghề của địa phương.