Chương 1 : TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU
1.4. Các vấn đề nghiên cứu đặt ra, khung lý thuyết và một số khái niệm
1.4.1. Các vấn đề nghiên cứu đặt ra
Tổng quan chung về tình hình nghiên cứu, luận án rút ra một số vấn đề trong nghiên cứu về “hiện tượng tôn giáo mới” như sau:
- Những vấn đề liên quan đến lý luận chung về “hiện tượng tôn giáo mới” được các nghiên cứu đề cập đến trên nhiều phương diện tiếp cận như văn hóa, đạo đức, chính trị, tôn giáo... còn nhiều tranh luận. Đối với mỗi hướng tiếp cận nghiên cứu về vấn đề này có những cách tiếp cận, sử dụng thuật ngữ rất đa dạng: Các
thuật ngữ được sử dụng phổ biến là “phong trào tôn giáo mới”, "tôn giáo mới”, “hiện tượng tôn giáo mới”; “đạo lạ”, “tà đạo”, “tà giáo”, “tạp giáo”, “đạo mới”,… Tuy nhiên, trên cơ sở khảo cứu tư liệu nghiên cứu và khảo sát thực tiễn, tác giả xin
được phép sử dụng thống nhất trong luận án của mình là khái niệm “hiện tượng
tôn giáo mới” theo quan điểm của các nhà nghiên cứu phương Tây và Việt Nam.
- Vấn đề nhận diện, tiêu chí phân loại các “hiện tượng tôn giáo mới” cũng được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm. Ở mỗi cách phân loại, tiêu chí nhận diện đều có những điểm tương đồng và khác biệt. Đây là cơ sở để tác giả khái quát và hệ thống hóa, kế thừa các quan điểm nghiên cứu, đồng thời đưa ra một số tiêu chí cơ bản, cách phân loại về “hiện tượng tôn giáo mới” trong luận án này. Về “hiện
tượng tôn giáo mới” ở Việt Nam hiện đã có khá nhiều bài viết. Tuy nhiên các bài
viết phần lớn mới chỉ dừng lại ở sự miêu tả về các “hiện tượng tôn giáo mới” đã xuất hiện và đang tồn tại, nguyên nhân xuất hiện và ít nhiều bàn đến ảnh hưởng của chúng, đặc biệt nhấn mạnh đến những ảnh hưởng tiêu cực là chính. Chưa có
những nguyên cứu đi sâu phân tích về những vấn đề liên quan đến“hiện tượng tôn
giáo mới” một cách hệ thống. Đây là nội dung mà luận án sẽ tập trung làm rõ. - Phần lớn cũng giống như khi nghiên cứu về “hiện tượng tôn giáo mới” ở Việt Nam, các nghiên cứu về “hiện tượng tôn giáo mới” ở đồng bằng Bắc Bộ hiện không nhiều. Cách tiếp cận vấn đề và lý giải vấn đề là sự tổng hợp, miêu tả, thống kê, phần nào cũng cho chúng ta thấy bức tranh về “hiện tượng tôn giáo mới” ở vùng này. Trên cơ sở kế thừa những thành quả các nghiên cứu đi trước, luận án sẽ chỉ tập trung vào một số “hiện tượng tôn giáo mới” mà theo tác giả phạm vi ảnh hưởng và mức độ “lây lan” của chúng hiện nay trong cộng đồng dân cư một số tỉnh ở đồng bằng Bắc Bộ là không nhỏ. Đó là các “hiện tượng tôn giáo mới” thuộc về các nhóm tiêu biểu nội sinh như: Nhóm Long Hoa Di Lặc, nhóm Ngọc Phật Hồ Chí Minh và Tổ Tiên Chính Giáo Đại Đạo Sinh Tồn. Và một số “tôn giáo mới” ngoại nhập như: Thanh Hải Vô Thượng Sư, Pháp Luân Công.
Trên cơ sở đó, luận án dựa trên cơ sở lý luận CNDVBC&DVLS, về mối quan hệ giữa tồn tại xã hội và ý thức xã hội. Xem xét “hiện tượng tôn giáo mới” như một bộ phận của hình thái ý thức xã hội, trên tinh thần của Nghị quyết 24/NQ
- TW, xem tôn giáo như một nhu cầu tinh thần còn tồn tại lâu dài, và “hiện tượng tôn giáo mới” cũng là một nhu cầu tinh thần “bộc phát” của một bộ phận quần chúng nhân dân trong xã hội.
Trong bối cảnh hiện nay, sự cởi mở về đường lối, chính sách, pháp luật quốc tế cũng như trong nước về vấn đề tự do tín ngưỡng tôn giáo, theo tác giả luận án, sự cần thiết phải có cái nhìn khách quan và khoa học về các “hiện tượng tôn giáo mới” đang tồn tại như một thực thể, một bộ phận của đời sống tinh thần xã hội, tránh thái độ kỳ thị, thiển cận, thiếu khách quan và siêu hình về chúng.
Đồng bằng Bắc Bộ là khu vực xuất hiện nhiều “hiện tượng tôn giáo mới” (còn gọi là “đạo lạ”). Bên cạnh những đặc trưng chung, “hiện tượng tôn giáo mới” ở khu vực này cũng có một số đặc trưng, xu hướng riêng, do sự quy định bởi bối cảnh kinh tế, văn hóa và xã hội, chính trị. Diễn biến của các hiện tượng này ở nhiều địa phương trong vùng như: Thủ đô Hà Nội, Nam Định, Hải Dương, Thái Bình, Hải Phòng… có chiều hướng phức tạp, gây không ít khó khăn trong việc giải quyết vấn đề này. Thực tế kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy, việc cấm đoán, thậm chí đàn áp đối với “hiện tượng tôn giáo mới” thường không mấy thành công; hoặc tỏ thái độ mềm mỏng, xem “hiện tượng tôn giáo mới” bình đẳng với các tôn giáo khác cũng vấp phải những khó khăn, nan giải. “Hiện tượng tôn giáo mới” luôn là một trong những vấn đề thời sự không chỉ của thế giới hiện nay, của Việt Nam nói chung và đồng bằng Bắc Bộ nói riêng. Việc nghiên cứu “hiện tượng tôn giáo mới” ở đồng bằng Bắc Bộ nhằm bóc tách những sắc thái, biểu hiện, hệ luận và sự vận động của nó, để từ đó đi đến những nhận biết quan trọng về sự chuyển biến tín ngưỡng, tôn giáo ở một số địa phương trong khu vực và cả nước là cần thiết, góp thêm một tiếng nói chung trong nghiên cứu về diễn trình tôn giáo qua các thời đại lịch sử nhân loại.