Một số khái niệm công cụ của luận án

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) hiện tượng tôn giáo mới ở một số tỉnh đồng bằng bắc bộ hiện nay luận án TS triết học 62 22 03 02 (Trang 33 - 39)

Chương 1 : TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU

1.4. Các vấn đề nghiên cứu đặt ra, khung lý thuyết và một số khái niệm

1.4.3. Một số khái niệm công cụ của luận án

1.4.3.1. Khái niệm tôn giáo, tín ngưỡng và tôn giáo truyền thống

- Khái niệm tôn giáo, theo từ nguyên học, thuật ngữ tôn giáo (religion), bắt

nguồn từ tiếng Latin mang nghĩa là sự tồn tại của một quyền lực bên ngoài mà con người phải tuân theo; cảm giác mộ đạo và tuân theo quyền lực đó, hay mối quan hệ, sự ràng buộc, nối liền giữa con người với thần linh. Về cơ bản khái niệm này có nghĩa là thu lượm thêm sức mạnh siêu nhiên. Đối với Việt Nam, tín ngưỡng, tôn giáo được hiểu là “thờ” hay “thờ cúng”, còn Trung Quốc được hiểu là “đạo” hay “giáo”. Khái niệm này cũng gây nhiều tranh luận vì nội hàm và cách hiểu còn khác nhau, tùy theo mỗi ngành khoa học cụ thể tiếp cận nghiên cứu về tôn giáo đều cố gắng đưa ra một định nghĩa theo mục đích nghiên cứu của mình. Trong luận án này, tác giả lựa chọn khái niệm tôn giáo theo quan điểm Mác xít làm cơ sở lý luận nghiên cứu về “hiện tượng tôn giáo mới” xét về mặt kết cấu tôn giáo.

Theo quan niệm của Ph.Ăngghen, “Tất cả mọi tôn giáo chẳng qua chỉ là sự phản ánh hư ảo vào đầu óc của con người - của những lực lượng ở bên ngoài chi phối cuộc sống hàng ngày của họ; chỉ là sự phản ánh trong đó những lực lượng trần thế đã mang hình thức những lực lượng siêu trần thế” [25; tr.437].

- Khái niệm tôn giáo truyền thống, là khái niệm thường để chỉ một số tôn

giáo có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời gắn với nền tảng văn hóa, văn minh của một cộng đồng, một dân tộc và trở thành một bộ phận cấu thành ý thức xã hội, một tiểu hệ thống kiến trúc thượng tầng xã hội.

- Khái niệm tín ngưỡng, theo từ nguyên học, thuật ngữ tín ngưỡng hay

do về niềm tin tôn giáo (croyance religious). Phần đông các nhà nghiên cứu tiếp cận theo 2 nghĩa: (1) tín ngưỡng chính là niềm tin/đức tin tôn giáo, (2) tín ngưỡng chỉ một loại hình thờ cúng như tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, tín ngưỡng thờ Mẫu, tín ngưỡng thờ Thành hoàng. Theo Từ điển Tiếng Việt thì tín ngưỡng có nghĩa là lòng tin và sự ngưỡng mộ một tôn giáo hay một chủ nghĩa: “tín ngưỡng là tin theo một tôn giáo nào đó” [134; tr.960]. Một trong những quan điểm cụ thể và sát hợp nhất cho rằng: “tín ngưỡng là biểu hiện của ý thức về một hiện tượng thiêng, một sức mạnh thiêng do con người tưởng tượng ra hoặc do con người suy tôn, gán cho một hiện tượng, một sức mạnh chỉ cảm thụ được mà chưa nhận thức được” [118; tr.7].

- Khái niệm tín ngưỡng truyền thống, cũng giống như khái niệm tôn giáo

truyền thống, đây là thuật ngữ dùng để chỉ các loại hình tín ngưỡng có lịch sử lâu đời gắn với truyền thống văn hóa, văn minh của một cộng đồng, một dân tộc. Tín ngưỡng tồn tại, phát triển cùng với lịch sử hình thành, phát triển của xã hội và được toàn thể xã hội, Nhà nước công nhận.

1.4.3.2. Khái niệm “hiện tượng tôn giáo mới”

Về tên gọi, ở phương Tây thường dùng cụm từ Phong trào tôn giáo mới,

“hiện tượng tôn giáo mới”, tôn giáo mới, các giáo phái… Còn ở nước ta, hiện

tượng tôn giáo này cũng được gọi với không ít tên, như: Giáo phái, “hiện tượng

tôn giáo mới”, tôn giáo mới, đạo lạ, tà giáo, tà đạo, tạp đạo...

Như đã nêu ở trên cho thấy tính phức tạp của vấn đề nghiên cứu, trong cách sử dụng thuật ngữ vẫn có những tranh luận còn chưa ngã ngũ. Tuy nhiên, trong luận án của mình, chúng tôi không đặt ra mục đích đi sâu vào tranh luận định nghĩa “hiện tượng tôn giáo mới”, chỉ xin nêu ra ở đây một số quan điểm nhìn nhận của các học giả trong và ngoài nước về vấn đề này làm cơ sở để luận giải cho lý do chúng tôi chấp nhận thuật ngữ “hiện tượng tôn giáo mới” được sử dụng trong luận án.

Thuật ngữ “hiện tượng tôn giáo mới”,“tôn giáo mới”, “phong trào tôn giáo

- Tác giả Đỗ Quang Hưng, trong ba từ nêu trên, từ được số đông giới

nghiên cứu trong và ngoài nước chấp nhận đó là: Các hiện tượng tôn giáo mới

(Phenomena - các hiện tượng). Đây là thuật ngữ được xem là rất mềm đối với

Việt Nam. Còn nếu dùng từ phong trào tôn giáo mới (movement), thì đã có nghĩa

khẳng định sự phát triển, đang rất phát triển. Từ tôn giáo mới (new religion) thì

trung tính về mặt khoa học, có khi đơn giản quá, người ta lại không hiểu được [132; tr.223 – 262]. Tác giả cho rằng, “hiện tượng tôn giáo mới” để chỉ những hiện tượng mới có tính tôn giáo [59; tr.3 – 10]. Tác giả cũng tán đồng với quan điểm của Champion, một học giả người Pháp, nổi tiếng bậc nhất đi tiên phong nghiên cứu phong trào tôn giáo mới. Quan điểm của Champion đưa ra 3 tiêu chí cơ bản nhận diện tôn giáo mới: Tôn giáo của những niềm tin song song, tôn giáo hướng tới niềm tin của cá thể và tôn giáo coi trọng cái gọi là Cứu thế luận [132; tr.223-262].

Để hiểu được thuật ngữ “hiện tượng tôn giáo mới”, theo tác giả phải đặt thuật ngữ này trong mối quan hệ với các thuật ngữ: giáo hội, giáo phái, chính đạo, tà giáo [68; tr.223 – 243].

Giáo hội, hiểu theo nghĩa rộng là chỉ những cộng đoàn của các tôn giáo cụ

thể. Hay nói cách khác, giáo hội như là một tổ chức cộng đoàn (chức sắc và tín đồ) cùng với 3 yếu tố khác: Giáo chủ sáng lập, giáo lí - giáo luật và hệ thống nghi lễ, tạo nên một tôn giáo. Theo nghĩa hẹp, chỉ những cộng đoàn trong một tổ chức của các nhóm phái, các giáo phái.

Giáo phái, là những biến thể từ một tôn giáo gốc mà ra, tách ra về mặt tổ

chức giáo hội, có sự khác biệt ít nhiều về giáo lí, phương thức tu trì, nhưng nói chung vẫn giữ căn gốc về thần học, giáo lí của tôn giáo gốc. Với Phật giáo, giáo phái thường được dùng bằng các từ như: tông phái, bộ phái, hệ phái, chi phái… Với Công giáo, vấn đề giáo phái gần như không được đặt ra, bởi đây là một tôn giáo có tính thống nhất chặt chẽ theo mô hình tôn giáo độc thần, nhất thể chế.

Chính giáo và tà giáo, là những từ thường được các cộng đồng tôn giáo sử

dụng để ám chỉ nhau, không phản ánh bản chất của tôn giáo, ít được sử dụng chính thức trong các công trình khoa học và văn bản pháp quy. Tà giáo, từ ngữ mà các

nhà thần học thuộc tôn giáo độc thần dùng chỉ chung các tín ngưỡng, tập tục, lễ nghi phát triển trong nhiều thế kỷ trước khi nhất thần giáo ra đời… Trong chế độ phong kiến, tất cả các hiện tượng và tổ chức tôn giáo không được triều đình thừa nhận là “chính giáo” đều bị gọi là “tà giáo” [48; tr.553].

Tà giáo hiện đại, bên cạnh các tôn giáo, tín ngưỡng xuất hiện trong những

điều kiện khách quan, lúc nào cũng có thể có những “hiện tượng” khoác danh tôn giáo hoặc tín ngưỡng, nhưng mang theo nhiều biểu hiện, khuynh hướng dị đoan, cực đoan, chống lại con người, chống lại xã hội. Thế giới hiện đại hôm nay cũng đang có hàng chục nghìn tà giáo sớm nở tối tàn [48; tr.554].

- Tác giả Trương Văn Chung lại sử dụng thuật ngữ Tôn giáo mới trên cơ sở

quan điểm của Saliba trong công trình nghiên cứu, tìm hiểu tôn giáo mới đã cố gắng đưa ra những định nghĩa theo ba nguyên tắc tiếp cận:

1) Định nghĩa Triết học - Tôn giáo (định nghĩa Thần học), theo quan điểm của Wanter Raston Martin (1928 - 1989), tôn giáo mới là một nhóm tín đồ tự phát, bao quanh một lãnh tụ tinh thần hay một nhóm giảng dạy phủ nhận hoặc giải thích sai lệch giáo lý thiết yếu của Kinh Thánh.

Đây là định nghĩa chỉ bao quát “hiện tượng tôn giáo mới” có nguồn gốc từ Kitô (Công giáo, Chính thống giáo và Tin lành), mà không chứa đựng các “hiện tượng tôn giáo mới” có nguồn gốc từ các tôn giáo truyền thống khác như Phật giáo, Đạo giáo, các tín ngưỡng dân gian.

2) Định nghĩa Xã hội học tôn giáo: Tôn giáo mới là tổ chức xã hội có một lãnh tụ tinh thần và một nhóm tín đồ có đời sống tâm linh và sinh hoạt tôn giáo khép kín hoặc cách ly với xã hội thông thường.

3) Định nghĩa Tâm lý học tôn giáo: Tôn giáo mới là hình thức tôn giáo đặc biệt phản kháng từ tâm thức lo âu, chán nản, bất lực trước những biến động, những thay đổi quá lớn của xã hội làm tổn thương đời sống tinh thần của một nhóm người.

Trên cơ sở đó, tác giả Trương Văn Chung đưa ra cách hiểu về “Tôn giáo

mới” theo nhóm nghiên cứu của tác giả: “Những hình thức tổ chức, giáo lý, nghi

lễ và niềm tin khác biệt, độc lập với tôn giáo thông thường, chúng phản ánh những biến động lớn của đời sống văn hóa, tinh thần xã hội đương đại và nhu cầu chuyển đổi tâm linh của một nhóm người trong môi trường văn hóa - xã hội cụ thể” [132;

- Tác giả Nguyễn Quốc Tuấn, cho rằng thuật ngữ “hiện tượng tôn giáo mới” theo nghĩa hẹp là chủ ý phân biệt với tôn giáo truyền thống, theo nghĩa rộng để chỉ các hiện tượng tâm linh, thần bí, giả khoa học… đang xuất hiện ngày một nhiều, không chỉ ở một tầng lớp nào nhất định [126; tr.9 – 22].

- Từ việc nghiên cứu và có kế thừa những quan điểm nghiên cứu của các học giả trên, theo mục đích nghiên cứu của luận án, chúng tôi lựa chọn khái niệm “hiện tượng tôn giáo mới” là thuật ngữ được sử dụng chính. “Hiện tượng tôn giáo

mới” theo chúng tôi hiểu một cách chung nhất:

Theo nghĩa rộng, chỉ những niềm tin song song khác biệt nảy sinh từ các hiện tượng có tính chất tôn giáo của một bộ phận quần chúng nhân dân. Chúng do một người, nhóm người khởi xướng trên cơ sở tích hợp, vay mượn giáo lý, lễ nghi của các tôn giáo, tín ngưỡng truyền thống để hình thành niềm tin mang tính “hỗn tạp”, thực dụng. Hiện tượng tôn giáo mới, vận động theo một xu hướng khác hẳn với tôn giáo truyền thống, phản ánh những biến động lớn của đời sống vật chất - văn hóa tinh thần xã hội và nhu cầu chuyển đổi tâm linh của một nhóm người trong những điều kiện lịch sử, xã hội nhất định.

Theo nghĩa hẹp,“hiện tượng tôn giáo mới” là niềm tin có tính chất tôn giáo của một nhóm người trong xã hội, nhằm hướng đến các mục đích cứu thế luận, tin vào lực lượng siêu nhiên, vay mượn từ các tôn giáo, tín ngưỡng truyền thống để sáng tạo nên “nội dung mới". Hiện tượng tôn giáo mới, khác với các tôn giáo, tín ngưỡng truyền thống. Các hiện tượng này nhằm cầu xin về sức khỏe, tài lộc, chữa bệnh và những nhu cầu thực tiễn của xã hội hiện tại.

Hiện tượng tôn giáo mới nội sinh, là những “hiện tượng tôn giáo mới” ra

đời trong nước vào một thời điểm nhất định của lịch sử xã hội, xuất hiện lâu dài nhưng cũng có thể mất đi trong thời gian ngắn và có phạm vi, tác động trong một nhóm người ở địa phương nhất định.

Hiện tượng tôn giáo mới ngoại nhập, là những “hiện tượng tôn giáo

mới” được du nhập từ nước ngoài vào trong nước tại một thời điểm nhất định của lịch sử xã hội, cũng có thể xuất hiện lâu dài nhưng cũng có thể mất đi trong thời gian ngắn.

1.4.3.3. Khái niệm đạo lạ, tạp đạo, mê tín dị đoan

Khái niệm đạo lạ, hiện cũng có một số quan điểm khác nhau về thuật

ngữ này:

- Đạo lạ chỉ những hình thức tín ngưỡng mà người ta chưa hề biết đến trước đó, mới xuất hiện trong những năm gần đây, tập hợp một số người xung quanh một nhân vật tự cho là có “thiên tính”, có trách nhiệm với “thần linh”, được “thần linh” trao nhiệm vụ đứng ra lập đạo. Đạo có những tín điều riêng được nhào nặn, lắp ghép từ nhiều nguồn (một số nội dung trong giáo lý của các tôn giáo có sẵn được cải biên, xuyên tạc gắn với một số yếu tố đời sống tín ngưỡng của xã hội thực tại). Nó không có tổ chức hoặc có tổ chức nhưng lỏng lẻo; có quy ước lễ nghi riêng hay những quy định về cách thức thực hành nghi lễ đối với những người tin theo [3; tr.8 - 9].

- Theo Mai Thanh Hải, đạo lạ là đạo mới, nhóm tôn giáo thiểu số, các tôn giáo bồng bềnh, đạo kỳ dị. Các đạo này xuất hiện ở hầu khắp các địa phương trong cả nước nhưng khá tập trung ở đồng bằng Bắc Bộ và thủ đô Hà Nội… Các đạo lạ Việt Nam thường chứa đựng nhiều tiềm ẩn chưa thể biết trước được về mặt ổn định trật tự xã hội, cho nên không thể không để mắt tới, cũng không thể khoanh tay ngồi chờ các đạo lạ “tự tiêu vong” [48; tr.215 - 216].

- Khái niệm tạp đạo (tạp giáo), theo chúng tôi đó là sự pha trộn của những

yếu tố tín ngưỡng, tôn giáo hình thành nên những “hiện tượng”, thậm chí là tôn giáo có tính chất bất ổn định, phức tạp và khó bóc tách, khó định đoán được xu hướng phát triển và biến đổi.

- Khái niệm mê tín dị đoan: Theo Từ điển Tiếng Việt, mê tín là tin một

cách mù quáng vào cái thần bí, vào những chuyện thần thánh, ma quỷ, hoặc ưa chuộng, tin một cách mù quáng, không biết suy xét [133; tr.976]. Dị đoan, là điều quái lạ, huyễn hoặc do tin nhảm nhí mà có, hoặc tin vào dị đoan [133; tr. 261]. Mê tín dị đoan là khái niệm chung chỉ những hiện tượng con người quá tin vào những biểu tượng siêu nhiên dẫn đến mất lý trí, mê muội, với những hành vi cực đoan, thái quá, hủy hoại tiền của và sức khỏe, thậm chí cả sinh mạng con người. Hay nói các khác, mê tín dị đoan là niềm tin mù quáng và mê muội vào những điều được xem là nhảm nhí, mơ hồ, không rõ ràng, không hợp lẽ tự nhiên, dẫn đến những hậu quả xấu cho cá nhân, gia đình và xã hội.

Chương 2:

“HIỆN TƯỢNG TÔN GIÁO MỚI” TRÊN THẾ GIỚI VÀ VIỆT NAM

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) hiện tượng tôn giáo mới ở một số tỉnh đồng bằng bắc bộ hiện nay luận án TS triết học 62 22 03 02 (Trang 33 - 39)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(190 trang)