Chương 1 : TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU
4.2. Xu hướng biến đổi của “hiện tượng tôn giáo mới” ở một số tỉnh đồng
4.2.1. Tính tất yếu của sự đa dạng hóa “hiện tượng tôn giáo mới”
Trong bối cảnh hiện nay, cùng với sự hội nhập, giao lưu quốc tế, nhu cầu không ngừng gia tăng về đời sống tinh thần, đời sống tâm linh của một bộ phận dân chúng ở nước ta hiện nay là không nhỏ. Cùng với chính sách cởi mở, tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta, sự đa dạng, đa nguyên hóa tôn giáo ở Việt Nam nói chung là một tất yếu, bên cạnh những tôn giáo truyền thống, “hiện tượng tôn giáo mới” ngày càng gia tăng.
Quá trình đa dạng và đa nguyên hóa tôn giáo tác động mạnh mẽ tới các “hiện tượng tôn giáo mới” ở đồng bằng Bắc Bộ. Các “hiện tượng tôn giáo mới” xuất hiện ngày càng nhiều hơn. Trình độ dân trí được nâng cao, không gian xã hội của cá nhân đã vượt ra khỏi biên giới quốc gia, của khu vực. Con người không chỉ tiếp cận với các tôn giáo truyền thống mà còn với các tôn giáo khác. Sự tiếp cận ấy không hề thụ động mà còn có sự phê phán, tiếp thu và thậm chí là sáng tạo. Từ đó dẫn đến sự phân hóa tín đồ các tôn giáo thành 3 loại: khô đạo, nhạt đạo, đậm đạo và nảy sinh hiện tượng song hành tôn giáo trong một con người hay các hiện tượng tôn giáo cá nhân, tôn giáo mới [98;tr21-32]. Nghĩa là một cá nhân cùng một lúc theo nhiều tôn giáo khác nhau, đặc biệt đối với Việt Nam nói chung và miền Bắc nói riêng, mặc dù trong xã hội hiện đại nhưng ảnh hưởng của tín ngưỡng đa thần và tư duy nông nghiệp vẫn chế ngự. Trong điều kiện đó không chỉ trong tôn giáo truyền thống mới có sự phân rẽ thành các giáo phái, thậm chí có giáo lý xa lạ với giáo lý ban đầu. Nội bộ các tôn giáo bị phân rẽ thành 3 bộ phận: bộ phận hoàn toàn thống trị, bộ phận bảo thủ cực đoan, bộ phận ôn hòa. Và bên cạnh đó xuất hiện các “hiện tượng tôn giáo mới” là một xu hướng tất yếu.
Đa dạng và đa nguyên hóa “hiện tượng tôn giáo mới” ở một số tỉnh đồng bằng Bắc Bộ là một thách thức đối với việc quản lý Nhà nước về tôn giáo và là sự phản ảnh của phân tầng xã hội, của cơ sở hạ tầng xã hội về mặt nhu cầu và niềm tin tôn giáo. Các hiện tượng tôn giáo mới theo xu hướng đơn giản về nghi lễ, hình thức thờ cúng nhằm giảm chi phí cho các dịch vụ tâm linh, hoạt động tôn giáo là lựa chọn của những nhóm xã đối tượng nghèo đói, bệnh tật và yếu thế trong xã hội.
Sự đa dạng và đa nguyên hóa các “hiện tượng tôn giáo mới” ở Việt Nam nói chung và đồng bằng Bắc Bộ nói riêng nhằm mục đích thỏa mãn xu hướng “cá nhân hóa” hay sự phát triển của “chủ nghĩa cá nhân”, “con người cá nhân”, đề cao cái tôi theo tinh thần của chủ nghĩa hiện sinh và những tư tưởng dung hợp của xã hội hiện đại đang xuất hiện ở nhiều người trong xã hội. Đồng thời, đó còn là quá trình hiện đại hóa, khoa học hóa, xã hội hóa về mọi mặt từ tổ chức hoạt động, quy mô hoạt động, đến phạm vi hoạt động. Đa dạng hóa trên mọi bình diện của “hiện tượng tôn giáo mới” trong bối cảnh hiện nay chính là quá trình linh động và là phương thức hoạt động, phương thức lựa chọn tối ưu nhất mà các “tôn giáo bên lề” xã hội này đang lựa chọn nhằm phát triển tín đồ, thể hiện sự “khôn khéo” của các tôn giáo mới. Theo khảo sát của chúng tôi, phần lớn các “hiện tượng tôn giáo mới” được truyền bá, phát tán bằng rất nhiều hình thức khác nhau như: Internet, facebook, băng đĩa và file mềm… bên cạnh hệ thống tờ rơi, sách báo được phát miễn phí. Đây chính là con đường “lan truyền” nhanh nhất để truyền bá và mở rộng địa bàn hoạt động.
Đa dạng hóa “hiện tượng tôn giáo mới” còn được thể hiện nay cả trong nội dung hoạt động, bên cạnh vấn đề chính là niềm tin hướng tới thì các “hiện tượng tôn giáo mới” này còn nhấn mạnh tới sự đa dạng trong tầng lớp xã hội, không chỉ tập trung vào tầng lớp “yếu thế”, “dễ bị tổn thương”, “bên lề xã hội”, những người nông dân, công nhân, dân nghèo…, mà còn hướng đến sự phong phú trong đối tượng truyền bá đó là các tầng lớp trí thức, hướng tới mọi đối tượng, không phân biệt tuổi tác, trình độ, nghề nghiệp…Trong bối cảnh đa dạng tôn giáo hiện nay, sự ra đời các hiện tượng tôn giáo mới mang tính tất yếu:
“Hiện tượng tôn giáo mới ở Việt Nam luôn đứng trước hai thách thức: thứ nhất, các tôn giáo lớn sẽ không coi những nhóm mới xuất hiện là tôn giáo; thứ hai, các nhà quản lý xã hội không coi chúng là những thực thể nghiêm chỉnh về mặt quản lý pháp luật” [126; tr.9 -22].
Mặc dù số lượng tín đồ chưa nhiều, lực lượng còn yếu, nhưng các tôn giáo mới ở Việt Nam nói chung và miền Bắc nói riêng, kể cả du nhập hoặc nội sinh, còn có sự đa dạng hóa theo xu hướng trên phương diện ứng xử: tránh đối đầu, xung đột với chính quyền, tìm cách tạo sự thân thiện ngoài mặt với chính quyền
(như tham gia một số hoạt động cứu trợ, từ thiện, an sinh xã hội…). Vừa tìm cách công khai hóa có mức độ (đa dạng hóa mọi mặt để được hợp pháp hóa hoàn toàn, tuy nhiên đây là điều không thể trong điều kiện nước ta hiện nay), vừa tìm cách hạn chế những bất lợi do việc công khai hóa mang lại, bằng cách tìm kiếm những hình thức vỏ bọc thích hợp tùy theo hoàn cảnh, từng thời cơ và thách thức của những biến động xã hội. Chẳng hạn như, trong số đó, có những “hiện tượng tôn giáo mới” vay mượn từ các tôn giáo truyền thống như Phật giáo, hay Công giáo, các tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, thờ quốc tổ Hùng Vương, anh hùng dân tộc (Hồ Chí Minh)… thì đa dạng hóa bằng cách triệt để khai thác những yếu tố của các tín ngưỡng, tôn giáo truyền thống bằng nhiều biện pháp, theo những cách thức đã từng được sử dụng thành công, đến những cách thức mới, danh xưng mới (cư sĩ đoàn, ban hộ niệm, đạo hội, đạo tràng, hội đoàn, tổ chức…) nhưng vẫn “ý thức” và tránh né dùng từ “giáo hội” (do những rào cản về pháp lý), còn lại thì dùng theo nhiều kiểu khác nhau. Trong bối cảnh hiện nay, tạm thời, sự đa dạng theo các hình thức hoạt động này chưa có cơ sở riêng công khai, nhưng cũng đủ hình thức trụ sở như điện thờ tư gia, nhóm kín, các hội đoàn kín... Tuy nhiên, những yếu tố được chú trọng, đa dạng hóa để chuẩn bị cho một tôn giáo mới sẽ được tích cực chuẩn bị: lãnh đạo, bộ máy nhân sự, nghi lễ, giáo lý, điều lệ, kinh sách… Chỉ chờ cơ hội thì các “hiện tượng tôn giáo mới” này sẽ công khai hóa.
Hiện nay, quá trình đa dạng hóa mọi mặt đang được các “hiện tượng tôn giáo mới” tiến hành, đó là chủ trương tiến từng bước trong hoạt động xây dựng đồng thời với sự thăm dò phản ứng từ chính quyền, xã hội và các tôn giáo truyền thống đang hoạt động. Đó có thể là một dạng đồng phục mới tạo sự khác biệt, một số hình thức nghi lễ mới, tôn xưng một kiểu giáo chủ mới, hay tung ra một số nội dung giáo lý mới. Cũng có thể, các “hiện tượng tôn giáo mới” cũng tìm mọi cách lợi dụng các khâu quản lý Nhà nước về hoạt động xuất bản, mượn danh cá nhân, tổ chức có uy tín để “trá hình” xuất bản kinh sách thay vì truyền bá, lan truyền, tuyên truyền trên mạng hoặc những sách báo in, copy, lưu hành nội bộ… Hay xin phép mở công ty văn hóa để xây dựng khung nhân sự (công ty cũng có giấy phép kinh doanh), cậy nhờ cơ quan nào đó đứng tên chủ quản để lập trung tâm nghiên cứu...
Có thể thấy được xu hướng đa dạng hóa “hiện tượng tôn giáo” không chỉ đơn thuần là về mặt hình thức, về số lượng mà còn quan trọng là về nội dung với những thủ đoạn hết sức tinh vi, thậm chí là kích thích tò mò để dung nạp tín đồ bằng những cách như tạo scandal thu hút sự chú ý, sự tìm hiểu của những người có nhu cầu, lợi dụng những sơ hở của pháp luật để tạo vỏ bọc an toàn… Chính vì vậy, các “hiện tượng tôn giáo mới” đã đạt được một số kết quả trong xu hướng tìm cách công khai hóa từng phần, tiến đến hợp thức hóa từng phần, chuẩn bị cho bước hợp thức hóa tôn giáo mới toàn phần, hoàn chỉnh, với quy mô đã qua thời gian chuẩn bị chu đáo và tăng thêm số lượng tín đồ.