Chương 1 : TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU
2.1. “Hiện tượng tôn giáo mới” trên thế giới
2.1.3. Một số “hiện tượng tôn giáo mới” trên thế giới
Trong rất nhiều các “hiện tượng tôn giáo mới” trên thế giới, có thể nêu ra đây sơ lược về một số hiện tượng tôn giáo mới tiêu biểu:
1) Giáo phái Mormon, do Joseph Smith (1805 - 1844), xuất thân trong một gia đình nghèo ở Bắc New York, thành lập năm 1820 thế kỷ XIX ở Mỹ. Giáo phái là hội những người tình nguyện gắn bó với nhau qua những trải nghiệm tôn giáo. Họ sống thành nhóm nhỏ tách biệt với thế giới. Họ nhấn mạnh cuộc sống yêu thương theo khuôn phép thay vì cuộc sống nhờ vào sự cứu giúp của thần linh. Việc thờ phụng của tín đồ Mormon tiến hành bí mật, không công khai cho người ngoài biết. Mormon kết hợp thế tục với tâm linh và tuyên truyền chủ nghĩa vật chất và nền chính trị thần quyền, bảo vệ chủ nghĩa dân tộc của Mỹ.
2) Phong trào cánh cửa thiên đường (phái Thiên Môn), ra đời năm 1975 tại bang New Mexico (Mỹ) do Marghall Heff Apple While và Bonnie Lutrusdate Nettles sáng lập. Giáo phái này tuyên truyền cho thuyết hướng niềm tin của tín đồ về một nơi tu luyện của Thượng Đế ngoài vũ trụ và quy định các tín đồ phải từ bỏ gia đình, người thân và dục vọng để được lên Thiên đường. Cuộc sống trần thế là vô vị và tự sát là cách giải thoát nhanh nhất. Giáo phái này đã tổ chức nhiều vụ tự sát tập thể.
3) Phong trào Thời đại Mới, ra đời đầu thập niên 70, thế kỷ XX, phong trào tôn giáo mới này không có tổ chức chuyên biệt, không có kinh điển thống nhất, không có lãnh tụ mà chỉ là một mạng lưới lỏng lẻo bao gồm các đoàn thể, nhóm nhỏ và cá nhân có tư tưởng tín ngưỡng chung. Đặc thù của phong trào Thời đại mới là vừa có tính lý luận, vừa có tính quần chúng, vừa có khái niệm, vừa có thuật ngữ triết học và tôn giáo truyền thống, đồng thời còn có tư tưởng phản truyền thống mạnh mẽ, có nội dung thần học và khoa học tự nhiên phương Tây lại vừa hấp thu thành phần của chủ nghĩa thần bí phương Đông. Đến thập niên 80, thế kỷ XX, nó đã trở thành hoạt động có tính quốc tế lưu hành ở Âu Mỹ. Cuối thập niên 90, thế kỷ XX, những người theo phong trào Thời đại mới ước tính khoảng 3 vạn người [14; tr.366 – 367].
4) Phong trào tôn giáo mới Cơ Đốc giáo khoa học, do Mary Baker Eddy (1821 - 1910), sinh ra ở New England, sáng lập năm 1866. Thành viên của giáo phái này là người duy trì ranh giới giữa mình với thế giới bên ngoài. Họ hiếm khi vượt ranh giới trong những cuộc trao đổi bình thường với người ngoài. Họ chỉ vượt ranh giới trong những lần xác định mối quan hệ với thần linh. Là phong trào
chữa bệnh bằng tâm linh, họ cho rằng trung tâm của sự khám phá chính là Chúa, sự soi sáng của Chúa chính là lý tưởng thiết thực cho người khác noi theo, vì cũng như Chúa mọi người phải khao khát nhận thức đầy đủ mối quan hệ với thần thánh. Điều này đồng nghĩa với soi sáng sự hoàn mỹ trời cho của con người thay vì chấp nhận những mặt hạn chế hiển nhiên. Cơ Đốc giáo khoa học là con đường thoát khỏi thế giới đầy ảo ảnh, thúc đẩy con người hành động trên cơ sở hiểu biết đó.
5) Phong trào Sadan, do Anthon Lavy thành lập năm 1996, tại Califonia, Mỹ. Giáo phái này có nghi lễ dùng đinh đóng lên tượng gỗ “pháp khí”, rồi đọc thần chú độc địa để cho kẻ thù bị chết hoặc bị điên, khuyến khích các tín đồ hành quyết các động vật nhỏ và trẻ em để thực hiện lễ nghi tế thần.
6) Phong trào Đền thờ mặt trời, do Wamanphen người Pháp sáng lập. Đây là tôn giáo mới tuyên truyền về khả năng của con người thay mặt đấng tối cao có thể dẫn dắt linh hồn các tín đồ đã chết bay qua biển lửa và tới Lang tinh – hành tinh hình chó sói. Tín đồ nhiều người thuộc giới trí thức tin theo. Tôn giáo này có
nghi lễ tự sát tập thể.
7) Giáo phái Aum Shinrykyo, xuất hiện ở Nhật Bản năm 1987, do Shoko Ashara sáng lập. Người gia nhập Aum phải nộp toàn bộ tài sản, cắt đứt liên hệ với người thân, hàng ngày tập luyện yoga. Giáo lý Aum là sự hỗn hợp giáo lí của Hinđu, Yoga và Phật giáo Tây Tạng. Năm 1995, Aum gây ra vụ đầu độc ở ga tàu điện ngầm Tokyo làm 12 người chết và hàng nghìn người bị thương. Năm 1998 Aum được chính phủ công nhận, hiện có 33 cơ sở ở 100 địa bàn của Nhật với gần 2000 thành viên. Ngoài ra còn Pháp Luân Công, Thanh Hải Vô Thượng Sư, Sogakai, Nhất Quán Đạo…
Tóm lại, qua bối cảnh thế giới dẫn đến sự ra đời của các “hiện tượng tôn giáo mới” và tình hình, phân loại, đặc điểm của “hiện tượng tôn giáo mới” trên thế giới cho phép chúng ta hình dung về một thời đại mới với những diễn biến phức tạp của niềm tin tôn giáo. Sự chuyển biến đức tin và những thiếu hụt của đời sống tinh thần nhân loại, những thay đổi, rối loạn xã hội trong khoảng thời gian sau chiến tranh thế giới thứ II, cùng với những hậu quả do chiến tranh để lại, sự chuyển biến thiên niên kỷ và đời sống kinh tế, văn hóa xã hội cùng với quá trình
công nghiệp hóa, hiện đại hóa và cao hơn nữa là hậu hiện đại kéo theo xu thế quốc tế hóa làm phá vỡ cấu trúc văn hóa, truyền thống tôn giáo của nhiều quốc gia, khu vực, khiến cho “hiện tượng tôn giáo mới” có dịp bùng phát. Được hình thành và nở rộ ở Mỹ, Nhật, phong trào tôn giáo mới qua không gian và thời gian đã xuất hiện đều đặn trong suốt thế kỷ XIX, XX và XXI, kéo dài cho đến ngày nay. Trên toàn thế giới hiện nay, phương Tây có hơn một nghìn tôn giáo mới đang hoạt động và phương Đông cũng là mảnh đất màu mỡ phát sinh của các hiện tượng tôn giáo mới. Không nằm ngoài quy luật đó, nằm trong bối cảnh quốc tế và khu vực, “hiện tượng tôn giáo mới” ở Việt Nam cũng đang có chiều hướng tăng lên và gây ra những rắc rối, phức tạp, đôi khi là hậu quả khó lường cho đời sống xã hội.