Chương 1 : TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU
3.1. Điều kiện ra đời và phát triển của “hiện tượng tôn giáo mới” ở đồng
3.1.2. Đồng bằng Bắc Bộ là nơi tồn tại nhiều tôn giáo đặc biệt là Phật giáo
Đồng bằng Bắc Bộ có thể xem là một vùng đặc thù của Việt Nam, có đời sống tôn giáo rất phong phú, thể hiện qua sự phát triển của các loại hình tôn giáo, trước hết là đạo Phật. Nói vùng Đồng bằng Sông Hồng là nói đến mảnh đất của rất nhiều chùa chiền, với những ngôi chùa nổi tiếng như chùa Một Cột, chùa Trấn Quốc, chùa Trầm, chùa Đa Sĩ, chùa Đại Bi, chùa Thầy, chùa Trăm Gian, chùa Tây Phương, chùa Phổ Minh, chùa Keo… Các chùa ở đây được xây dựng trong sự hòa hợp với môi trường tự nhiên, sơn thủy hữu tình, đáp ứng với quan niệm về thế giới quan và thẩm mĩ truyền thống của nhân dân. Phật giáo đã đi vào đời sống của
người dân địa phương, hầu như làng nào cũng có chùa và những sinh hoạt lễ hội xung quanh ngôi chùa.
Vùng đồng bằng sông Bắc Bộ nơi du nhập từ Phật giáo từ rất sớm, những năm đầu công nguyên. Ở thế kỷ II, một trung tâm Phật giáo lớn được hình thành tại Luy Lâu (Thuận Thành, Bắc Ninh), trở thành vùng đất tổ của Phật giáo Việt Nam. Từ nơi đây, Phật giáo Việt Nam xuất hiện và phát triển trải qua nhiều thăng trầm hòa quyện cùng lịch sử dân tộc. Phật giáo vùng đồng bằng Bắc Bộ có lịch sử và truyền thống lâu đời gắn liền với lịch sử Phật giáo Việt Nam. Các trung tâm chính của Phật giáo Bắc Bộ trong lịch sử và hiện tại tập trung ở các tỉnh thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Nam Định, Hải Dương, Thái Bình… Đây đều là các tỉnh thành có dân cư đông đúc, kinh tế - xã hội phát triển, trong đó có Hà Nội là thủ đô, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội của cả nước. Hơn nữa, các tỉnh thành trên lại là những địa phương có ảnh hưởng nhiều và thể hiện tập trung, tiêu biểu cho Phật giáo Bắc Bộ. Suốt chiều dài lịch sử cho đến ngày nay, về cơ bản Phật giáo vùng đồng bằng Bắc Bộ vẫn phổ biến và tiêu biểu, mang đậm nét của Phật giáo Bắc tông, với các yếu tố tông phái chính yếu: Thiền tông, Tịnh độ tông, Mật tông. Sự phân định và ảnh hưởng cụ thể của từng tông phái nơi đây luôn mang tính tương đối, khó xác định rạch ròi, bởi các tông phái đó có sự giao thoa, hòa quyện lẫn nhau. Tuy nhiên, giới tăng ni vùng đồng bằng Bắc Bộ chịu ảnh hưởng nhiều bởi Thiền tông, còn đại đa số tín đồ, Phật tử lại chịu ảnh hưởng nhiều bởi Tịnh độ tông và Mật tông. Điều này được thể hiện trong quan niệm thường có sự đồng nhất “chùa” với chốn “Thiền môn”. Trong khi đại đa số Phật tử khi ở chùa cũng như khi ở nhà thường tụng niệm kinh chủ yếu là Cứu khổ chân kinh, Kinh A Di Đà, Kinh Dược Sư, Kinh Bồ Tát giới… Mặt khác, Phật giáo ở vùng đồng bằng Bắc Bộ cũng thể hiện rất rõ tính hỗn dung và lai tạp nói chung của Phật giáo Việt Nam. Đó là sự hòa đồng vào phong tục tập quán, văn hóa dân gian một cách tự nhiên. Trong khoảng hơn 20 năm trở lại đây, số lượng tăng ni và chùa ở đồng bằng Bắc Bộ không ngừng gia tăng. Đặc biệt, vùng đồng bằng Bắc Bộ xuất hiện những tỉnh thành có số lượng tu sĩ xuất gia chiếm tỉ lệ lớn so với các địa phương khác trong cả nước, tiêu biểu như Hải Dương, Nam Định. Có nhiều Tăng Ni xuất gia từ các tinh này tu tập ở nhiều nơi trong cả nước và giữ nhiều chức vụ quan trọng
trong tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Trong những năm qua, Phật giáo các tỉnh thành vùng đồng bằng Bắc Bộ luôn nêu cao tinh thần nhập thế gắn với chủ trương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam “Đạo Pháp – Dân tộc và Chủ nghĩa xã hội”. Phật giáo đồng bằng Bắc Bộ đã tích cực tham gia sản xuất, phát triển kinh tế, tuyên truyền, giáo dục, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước một cách sâu rộng tới nhân dân. Đặc biệt, tham gia vào các công tác từ thiện, an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa với những người có công với cách mạng, bà mẹ Việt Nam anh hùng, các gia đình thương binh liệt sĩ….Tổ chức các khóa lễ, tu, khóa cầu siêu nhằm giáo dục đạo đức, văn hóa xã hội, gia đình, truyền thống yêu nước cho thanh thiếu niên, phật tử…Điều đó, đã góp phần giữ vững ổn định an ninh trật tự xã hội và phát triển kinh tế - xã hội của vùng.
Sự phát triển mạnh mẽ của Phật giáo ở đồng bằng Bắc Bộ là cơ sở cho phép chúng ta lý giải được tại sao ở vùng này, đồng thời với Phật giáo lại có nhiều tôn giáo mới được ra đời trên cơ sở tiếp thu giáo lý, nghi lễ của Phật giáo để biến đổi như Long Hoa Di Lặc, Hoàng Thiên Long (Đạo Bà Điền), hay Ngọc Phật Hồ Chí Minh được ra đời ở các tỉnh thành phố Hà Nội, Hải Phòng, và việc lợi dung danh Hồ Chí Minh để thánh hóa, đồng nhất Hồ Chí Minh với Đức Ngọc Phật.
Bên cạnh sự phát triển của Phật giáo, các tôn giáo truyền thống khác như Công giáo, Tin Lành… cũng được phát triển mạnh ở nhiều tỉnh thành vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Công giáo du nhập vào Việt Nam năm 1533, trong các tỉnh thành vùng đồng bằng Bắc Bộ thì Nam Định là nơi du nhập đầu tiên và tồn tại, phát triển cho đến ngày nay. Đạo Công giáo trong vùng đồng bằng Bắc Bộ tới hàng nghìn nhà thờ lớn nhỏ. Trong đó, tập trung nhiều nhất ở tỉnh Nam Định, Hải Phòng, Hải Dương và Hà Nam… Đội ngũ chức sắc và tín đồ Công giáo trong vùng cũng không ngừng gia tăng, có nhiều tỉnh thành có những giáo xứ Công giáo toàn tòng như Nam Định, Hải Phòng, Hà Nam… Với đường hướng hành đạo “sống phúc âm giữa lòng dân tộc”, tư tưởng “Kính Chúa yêu nước”, cùng với đồng bào Công giáo Việt Nam, đồng bào Công giáo vùng đồng bằng Bắc Bộ đã tham gia rất tích cực vào các hoạt động kinh tế, văn hóa, giáo dục và từ thiện, nhân đạo, xây dựng đời
sống văn hóa mới, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Đối với đạo Tin Lành ở vùng đồng bằng Bắc Bộ cũng khá phát triển. Tin Lành ở Bắc Bộ thuộc Hội thánh Tin Lành Việt Nam (Miền Bắc). Vùng đồng bằng Bắc Bộ có hàng chục hội thánh Tin Lành đang hoạt động ở nhiều tỉnh thành phố, trong đó tập trung ở những khu công nghiệp như khu Công Nghiệp Quang Minh, Bắc Thăng Long (Hà Nội), Thuận Thành, Từ Sơn (Bắc Ninh), Nomura, Hải An (Hải Phòng)… và khu dân cư, khu đô thị mới.
Nhìn chung trong những năm qua, hoạt động của hội thánh Tin Lành ở các tỉnh thành đồng bằng Bắc Bộ diễn ra theo đúng luật pháp của Nhà nước và quy định của các địa phương. Ngoài ra, vùng đồng bằng Bắc Bộ còn có các hệ phái Tin Lành và giáo phái tôn giáo lạ chưa được đăng kí hoạt động như: Ngũ tuần, Tin Lành Si ôn, Nhân chứng Giêhôva, Phúc Âm toàn vẹn Việt Nam..
Bên cạnh đó, số lượng tín đồ theo các tôn giáo khác như Hồi giáo, Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo, Đạo Thần tiên, B’hai, Tịnh độ cư sỹ Phật hội, Minh lý đạo, Minh sư đạo… cũng đang có xu hướng gia tăng tại các tỉnh thành vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Chính sự phong phú và đa dạng của đời sống tôn giáo như đã nói trên ở đồng bằng Bắc Bộ đã cho thấy phần nào minh chứng về sự màu mỡ, điểm đến tâm linh thu hút các tôn giáo truyền thống, các tôn giáo được nhà nước thừa nhận tư cách pháp nhân hoạt động và các tổ chức tôn giáo đến đây truyền bá và hoạt động. Mà còn chứng tỏ tâm thức của cư dân Bắc Bộ nói riêng và cư dân Việt Nam nói chung với tín ngưỡng, tôn giáo là đa phức, nên dễ tiếp nhận hiện tượng tôn giáo mới. Là cơ sở lý tưởng cho sự ra đời của các hiện tượng tôn giáo mới trong vùng những năm gần đây.