Chương 1 : TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU
1.4. Các vấn đề nghiên cứu đặt ra, khung lý thuyết và một số khái niệm
1.4.2. Khung lý thuyết nghiên cứu
Khung lý thuyết cơ bản của luận án được tác giả sử dụng bao gồm:
1) Lý thuyết cấu trúc, cho phép xem xét diện mạo các loại hình “tôn giáo
mới”. Thuyết cấu trúc là một hệ hình lý thuyết khẳng định rằng các yếu tố của nền văn hóa phải được hiểu trong mối quan hệ của chúng với một hệ thống hay cấu
trúc bao quát, rộng hơn. Nó được dùng để làm bộc lộ ra các cấu trúc làm cơ sở cho tất cả những gì con người làm, suy nghĩ, tri giác, cảm nhận. Nói khác, như cách lý giải của triết gia Simon Blackburn [171], thuyết cấu trúc là niềm tin cho rằng các hiện tượng của đời sống con người là không thể hiểu được nếu ta không căn cứ vào các mối quan hệ của họ. Các mối quan hệ này cấu thành một cấu trúc, và đằng sau những biến đổi bộ phận trên bề mặt các hiện tượng có những quy luật bất biến của nền văn hóa trừu tượng.
2) Lý thuyết nhân học tôn giáo, cho phép người nghiên cứu có thể lý giải về
nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của “tín đồ” gia nhập tôn giáo mới. Các nhà nhân học đều thừa nhận tôn giáo là một hiện tượng tồn tại trong mọi xã hội của loài người. Trong lý thuyết nhân học họ đưa ra bốn cách giải thích về tôn giáo, đó là:
(1) Nhu cầu hiểu biết: Thuyết này do Erward Taylor, người được xem là
ông tổ của Nhân học hiện đại đưa ra. (2) Sự bù đắp lại cảm giác thời thơ ấu:
Thuyết này chủ yếu được phát triển bởi Sigmund Freud. (3) Sự lo lắng và không
chắc chắn: Thuyết này do Malinowski, nhà nhân học của trường phái chức năng,
phát triển. Theo Ông, con nguời trong mọi xã hội đều phải đối mặt với những lo lắng và không chắc chắn đến từ những hiện tượng như thiên tai, ốm đau, tai nạn mà họ không có đủ kiến thức để giải thích và kiểm soát. Do đó tôn giáo như là một giải pháp để giảm sự lo lắng và không chắc chắn. Tôn giáo khiến cho con người tin rằng cái chết không có thật hay không phải là kết thúc. (4) Nhu cầu cộng đồng: Các thuyết giải thích về tôn giáo dù khác về cách định nghĩa nhưng đều đồng ý ở một điểm là tôn giáo thỏa mãn nhu cầu tâm lý của các thành viên trong xã hội. Tuy nhiên Durkheim nhà xã hội học gốc Pháp lại có quan điểm cho rằng tôn giáo tồn tại để phục vụ nhu cầu xã hội hơn là tâm lý. Theo Ông, niềm tin và lễ nghi tôn giáo giúp khẳng định vị trí của cá nhân trong xã hội. Tôn giáo giúp tăng tính cộng đồng, khiến các thành viên tự tin hơn. Tôn giáo như là xi măng gắn kết xã hội. Xã hội chính là "bái vật" của tôn giáo.
3) Lý thuyết chức năng tôn giáo, là một “hiện tượng” phức tạp và nhạy cảm
trong đời sống tôn giáo nhân loại. “Hiện tượng tôn giáo mới” còn có nhiều cách nhìn nhận, tiếp cận nghiên cứu và những tranh luận gay gắt của các học giả. Tuy tất cả các cuộc tranh luận ấy đưa ra những ý kiến rất khác nhau, thậm chí đối lập nhau về sự hình thành, phát sinh, phát triển của “hiện tượng tôn giáo mới”, nhưng
đều ít nhiều thừa nhận vai trò xã hội của “hiện tượng tôn giáo mới”. Các phương diện khoa học, chính trị, luật pháp, văn hóa, đạo đức… khi nghiên cứu về “hiện tượng tôn giáo mới” đều thấy tính hai mặt của “hiện tượng tôn giáo mới” và cắt nghĩa theo hướng xem chúng là một hiện tượng xã hội phức tạp, phản ánh niềm tin của một bộ phận nhân dân. Vì vậy, có khi chúng đóng vai trò tích cực (hỗ trợ hay đền bù xã hội, “an ủi” cuộc sống của một bộ phận nhân dân) nhưng cũng có khi trở thành nhân tố cản trở sự phát triển (phản văn hóa, phi đạo đức, ảnh hưởng đến kinh tế, sức khỏe và an ninh, trật tự xã hội, nhạy cảm chính trị, gây khó khăn cho công tác quản lý xã hội).
4) Lý thuyết thực thể tôn giáo, (tính cấu trúc và tính lịch sử, tính tập thể,
tính tài liệu, tính biểu tượng, tính kinh nghiệm và nhạy cảm). Nghiên cứu “hiện tượng tôn giáo mới” không thể tách khỏi tính lịch sử của tôn giáo và lịch sử xã hội cũng như tính cộng đồng, tập thể. Tính cấu trúc cho phép người nghiên cứu nhận diện được hình thái bên ngoài, cách thức sinh hoạt, tổ chức và thờ phụng của “hiện tượng tôn giáo mới”. Bên cạnh đó tính tài liệu là nhân tố quan trọng giúp cho người nghiên cứu có được những luận cứ khoa học trong nghiên cứu, đánh giá và nhận định vấn đề nghiên cứu. Tính biểu tượng cho phép lý giải những nội dung liên quan đến sự thờ cúng và lễ nghi của các “hiện tượng tôn giáo mới”. Tính kinh nghiệm cho phép người nghiên cứu dấn thân, xâm nhập và trải nghiệm khi nghiên cứu “hiện tượng tôn giáo mới” nhằm lý giải những vấn đề thuộc nguồn gốc tâm lý, nguồn gốc nhận thức của chúng. Và tính nhạy cảm là yếu tố quan trọng trong nghiên cứu tôn giáo nói chung và đặc biệt là trong “hiện tượng tôn giáo mới” nói riêng. Sự nhạy cảm của tôn giáo nói chung và “hiện tượng tôn giáo mới” nói riêng không chỉ trên lĩnh vực kinh tế, văn hóa, đạo đức mà đặc biệt hơn cả là tính nhạy cảm của “hiện tượng tôn giáo mới” với chính trị. Sự nở rộ của các “hiện tượng tôn giáo mới” trong thời gian gần đây ở nhiều nơi trên thế giới đang là thách thức đối với thể chế chính trị của nhiều quốc gia. Mô hình nhà nước thế tục dần dần được định hình, thể hiện ngày càng rõ nét tính pháp quyền mối quan hệ giữa Nhà nước và tôn giáo nói chung, đặc biệt “hiện tượng tôn giáo mới” nói riêng. Quá trình phân định và ứng xử của Nhà nước đối với hoạt động của “hiện
tượng tôn giáo mới” ở nhiều nước hiện gặp không ít những lúng túng về chính sách và pháp luật cụ thể. Bởi “hiện tượng tôn giáo mới” khá phức tạp, vì vậy, cần có một cách ứng xử mềm dẻo và khéo léo, đảm bảo phù hợp với xu thế chung của quốc gia và thời đại.
Các lý thuyết này được luận án vận dụng trong nghiên cứu theo hướng tích hợp, hỗ trợ và bổ sung cho nhau, nhằm tìm hiểu một cách toàn diện về sự hiện tồn của “hiện tượng tôn giáo mới” trong đời sống xã hội Việt Nam nói chung và đồng bằng Bắc Bộ nói riêng trên cả hai phương diện lý luận và thực tiễn.