Chương 1 : TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU
3.2. Thực trạng “hiện tượng tôn giáo mới” ở một số tỉnh thành đồng Bằng
3.2.2. Thực trạng “hiện tượng tôn giáo mới” ngoại nhập
Một số hiện tượng tôn giáo mới khác như Bạch Chân Không (Đạo Sex), Thanh Hải Vô Thượng Sư, Pháp Luân Công…đều không phải là những hiện tượng phát sinh tại chỗ ở vùng đồng bằng Bắc Bộ mà được du nhập từ nơi khác vào.
Thanh Hải Vô Thượng Sư
Hiện tượng này do bà Đặng Thị Trinh (còn gọi là Thanh Hải) sinh năm 1948 tại Quảng Ngãi khởi xướng từ năm 1989 khi đang ở Đài Loan với tên gọi ban đầu là “Hội Thiền Định Thanh Hải Vô Thượng Sư”. Dựa vào hoạt động từ thiện, cứu trợ nhân đạo, hội này đã nhanh chóng lôi kéo được người theo từ nhiều quốc gia khác nhau, thành lập được 25 chi nhánh ở 14 nước trên thế giới chỉ sau một thời gian ngắn.
Thanh Hải Vô Thượng Sư du nhập vào Việt Nam từ đầu những năm 1990 và vào miền Nam trước tiên. Năm 1993, có đoàn 7 người Đài Loan dưới danh nghĩa cứu trợ cho tỉnh Long An, đồng thời đã mang theo nhiều tài liệu để tuyên truyền “Thanh Hải Vô Thượng Sư”. Đến năm 1994, hiện tượng này còn lập một chi nhanh tại Campuchia gần vùng biên giới với Việt Nam để lôi kéo người Việt theo. Từ đó, Thanh Hải Vô Thượng Sư mở rộng phát triển không chỉ ở các tỉnh phía Nam mà còn mở rộng ra các tỉnh miền Trung và miền Bắc.
Trong khoảng từ năm 1993-1994, Thanh Hải Vô Thượng Sư đã bắt đầu xuất hiện ở Hà Nội. Đầu những năm 2000, ở Hà Nội có khoảng hơn 20 người theo “Thanh Hải Vô Thượng Sư”. Họ vẫn thường xuyên gặp nhau, tổ chức ngồi Thiền, ăn chay và truyền bá “Thanh Hải Vô Thượng Sư” [18; tr.28]. Hiện nay, Hà Nội có khoảng 25 người theo [140;tr103]. Trong khi đó ở Hải Phòng, hoạt động của Thanh Hải Vô Thượng Sư hiện vẫn diễn ra âm thầm tại hai địa điểm chính đó là phố Lạch Tray, Lê Chân, Hải Phòng và quán cơm Âu Lạc ở phố Hai Bà Trưng, đối diện với trụ sở Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Hải Phòng. Hiện ở Hải Phòng, Thanh Hải Vô Thượng Sư có khoảng trên dưới 1000 người theo [Tư liệu điền dã tại thành phố Hải Phòng, ngày 27/7 và ngày 19/5 năm 2014].
Thanh Hải Vô Thượng Sư chủ trương thực hành tu theo Pháp Môn Quán Âm, mỗi ngày hành thiền nửa tiếng đồng hồ và ăn chay trường, cho đến khi được truyền “Tâm ấn” chính thức làm đệ tử Thanh Hải. Đặc điểm quan trọng của tín đồ Thanh Hải Vô Thượng Sư là việc thực hành ăn chay trường. Điều này bắt buộc với cả vợ và chồng cùng theo Thanh Hải Vô Thượng Sư.
Một số nội dung kinh sách của Thanh Hải Vô Thượng Sư:
Thanh Hải Vô Thượng Sư không có giáo lý chính thống mà chỉ là những bài viết, bài giảng được kết hợp với giáo lý của Phật giáo, thu hút tín đồ bằng “pháp môn quán âm” với hình thức “tức khắc khai ngộ, một đời giải thoát”. Thanh Hải tự xưng là Phật hiện tại nên có thể truyền “Tâm ấn” và làm phép “Tâm ấn” phái tâm binh đến khống chế người vào đạo.
Về các quy định của Thanh Hải Vô Thượng Sư có sự tiếp thu giáo luật của Phật giáo, người theo đạo phải thực hiện Ngũ giới cấm, ngồi thiền, ăn chay trường,
chủ nhật, mồng một (âm lịch) hàng tháng các thành viên trong tổ đến nhà tổ trưởng để đồng tu.
Nghi thức thờ phụng của Thanh Hải Vô Thượng Sư là lập bàn thờ ở nhà, có ảnh Thanh Hải, trên bàn thờ thường đặt 5 ngọn nến khi làm lễ, lễ vật dâng cúng là hoa tươi, bánh, kẹo và nước lã.
Người theo Thanh Hải Vô Thượng Sư thường thực hiện ngồi thiền vào ban đêm, không cúng ông bà, tổ tiên, trong gia đình có người chết không khóc, không để tang, giỗ chạp.
Kinh sách chủ yếu của Thanh Hải Vô Thượng Sư gồm:
1 - Kinh “Tức khắc khai ngộ, một đời giải thoát”, nội dung kinh này nhấn mạnh rằng: “Mọi người đều có “Thượng Đế Bên Trong”, và bí quyết để câu thông cùng Thượng Đế ấy, qua đó đạt giác ngộ, là vô cùng đơn giản: Giữ ngũ giới, và hàng ngày tọa thiền 2 tiếng rưỡi. Giữ giới và thiền như thế tức là tu tập Pháp Môn Quán Âm, tập cho đến khi nghe và thấy được…Âm Thanh Thiên Đàng và Ánh Sáng Thiên Đàng là đắc đạo…Pháp Môn Quán Âm Là pháp môn cứu cánh nhất…Phương pháp quán "Ngôi Lời" bên trong, Âm thanh nội tại và Ánh sáng thiên đàng bên trong. Đây là phương pháp tốt nhất và tối thượng bởi vì cuối cùng chúng ta phải đến với ánh sáng của Thượng Đế và "Thánh Âm" của Ngài để đạt được trí huệ…Quý vị sẽ thấy ánh sáng và nghe âm thanh ngay vào lúc được truyền Tâm Ấn. Với những phương pháp khác quý vị phải tốn rất nhiều thời gian hay nhiều năm, và phải chịu nhiều khổ hạnh hay hy sinh mới đạt được đến đó”[136; tr.62].
2 - Ngoài ra còn tập thơ: Hội Thiền định Đài Loan, Tạp san ra hàng tháng, tranh ảnh và hoạt động của Thanh Hải, băng cassettes giảng Đạo Tràng…
Nhìn chung, kinh sách của Thanh Hải Vô Thượng Sư chủ yếu được viết do Thanh Hải dưới hình thức mập mờ chế biến từ pháp môn tu của Bồ Tát Quán Thế Âm, vốn có tên gọi là Nhĩ Căn Viên Thông, được giới thiệu trong kinh Thủ Lăng Nghiêm, thành Pháp Môn Quán Âm của Thanh Hải Vô Thượng Sư, khiến cho một số người không đọc kinh sách Phật, nhầm tưởng đó là đạo Phật theo pháp môn tu hành của ngài Bồ Tát Quán Thế Âm. Thực chất lối tu Quán Âm của Thanh Hải không phải xuất xứ từ đạo Phật mà chính là của Sant Mat hay còn có tên gọi khác là Surat Shabd Yoga và vị Thầy truyền cho Thanh Hải là Sant Thakar Singh
(26/3/1929 – 6/3/2005), được biết đến với cái tên là Sant Mat Master. Ông đã truyền phương pháp ấn tâm, năm câu chú hay năm danh hiệu God (thần chú bí ẩn): Dốt Nê Răng Danh, Ông Ca, Ra Rông Ca, Sô Hăn và Sát Nam. (jyot naranjan, onkar, raronkar, sohang, satnam), và pháp tu “Thanh Sắc Quang Ảnh” cho đệ tử Thanh Hải trước khi rời Ấn Độ.
Pháp Luân Công:
Pháp Luân Công hay còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp do ông Lý Hồng Chí sáng lập tại Trung Quốc vào năm 1992. Lý Hồng Chí sinh ngày 13 tháng 5 năm 1951 tại thành phố Công Chủ Lĩnh, tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc. Vào những năm 1980, các môn phái khí công ở Trung Quốc rất phát triển với khoảng 2000 môn phái khác nhau được hàng chục triệu người tập luyện. Lúc đó, Lý Hồng Chí là người theo phái Pháp Luân Tu Phật Đại Pháp. Sang năm 1984, Lý Hồng Chí quyết định thành lập một môn phái riêng là Pháp Luân Công và bắt đầu truyền dạy cho một số ít học viên vào năm 1989.
Tới ngày 13 tháng 5 năm 1992, ông Lý Hồng Chí đã bắt đầu truyền Pháp Luân Công ra công chúng ở thành phố Trường Xuân, đông bắc Trung Quốc với khoảng 180 người tham dự. Sau đó, Lý Hồng Chí tiếp tục truyền giảng Pháp Luân Công ở khắp nơi trong nước Trung Quốc. Những người tham dự các buổi thuyết giảng đó lại truyền cho bạn bè và gia đình [112; tr.3].
Đến tháng 9 năm 1992, Pháp Luân Công chính thức được công nhận là một công phái dưới sự bảo trợ và quản lý của Hiệp hội nghiên cứu Khoa học Khí công Trung Quốc và ông Lý Hồng Chí được công nhận là “Khí công sư”. Từ năm 1992- 1994, Lý Hồng Chí đã giảng 54 khóa học Pháp Luân Công trên khắp Trung Quốc, thu hút số người tham dự từ vài trăm đến 6 nghìn người mỗi lần. Mỗi khóa học kéo dài từ 8 đến 10 người, gồm một giờ rưỡi dành cho giảng pháp (các nguyên lý chỉ đạo việc tập luyện, giữ gìn tâm tính của học viên) và nửa giờ cho thực hành.
Năm 1994, lần đầu tiên Lý Hồng Chí giảng pháp ở nước ngoài tại Thụy Điển. Rồi tháng 9 năm 1995, ông Lý Hồng Chí giảng pháp tại Đại sứ quán Trung Quốc ở thủ đô Paris, Pháp. Sau đó, Lý Hồng Chí tiếp tục truyền bá Pháp Luân Công ra nhiều nước và khu vực trên thế giới như: Úc, Canada, Đức, NewZealand,
Hồng Kông, Singapore, Thụy Sỹ, Đài Loan và Mỹ. Sang năm 1999, số học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc đã lên đến con số 70 triệu người [140; tr.107].
Ngày 20 tháng 7 năm 1999, Đảng và Nhà nước Trung Quốc, lúc đó do ông Giang Trạch Dân làm chủ tịch nước, đã chính thức cấm Pháp Luân Công hoạt động do liên quan đến chống đối chính trị [140;tr107]. Theo thống kê của Pháp Luân Công thì đến nay có khoảng 3.500 học viên của môn phái này ở Trung Quốc đã bị xét xử vì tham gia Pháp Luân Công [112; tr.13]. Tuy nhiên, Pháp Luân Công vẫn tìm nhiều cách sinh hoạt ở Trung Quốc và đẩy mạnh truyền giáo ra nước ngoài dưới nhiều hình thức. Hiện nay, Pháp Luân Công có khoảng hơn 100 triệu học viên theo tập ở hơn 140 quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam [112; tr.9].
Hiện Pháp Luân Công đang hoạt động chủ yếu ở các tỉnh như Hà Nội, Hải Phòng và Hải Dương. Ở Hà Nội, Pháp Luân Công du nhập vào khoảng đầu năm 2000, tập trung phát triển ở khu vực đô thị vào các thành phần sinh viên, người nghỉ hưu. Hiện tượng này tổ chức hoạt động công khai chủ yếu ở các địa điểm
công cộng như công viên Thống Nhất; công viên hồ Thành Công; hồ Hoàn Kiếm;
công viên Bách Thảo; hồ Đền Lừ; công viên nước Hồ Tây; khu đô thị Trung Hòa Nhân Chính; công viên Dịch Vọng; Long Biên; vườn hoa Hà Đông; khu đô thị Văn Quán; công viên Hòa Bình; vườn hoa 7,2ha phố Vĩnh Phúc. Số người theo Pháp Luân Công không ổn định, dao động khoảng trên dưới 200 người. Ở Hải Phòng, Hải Dương, Pháp Luân Công cũng chủ yếu phát triển ở khu vực đô thị với địa điểm hoạt động cũng là các công viên như công viên Hồ An Biên (thành phố Hải Phòng), công viên Bạch Đằng (thành phố Hải Dương), khu sinh thái hồ Mật Sơn (thị xã Chí Linh, Hải Dương).
Mỗi điểm nhóm sinh hoạt của Pháp Luân Công có ít nhất là hai đến bốn người hướng dẫn tập công chính. Kết hợp đồng thời với quá trình này là sự truyền giảng kinh sách, phát tờ rơi truyền bá Pháp Luân Công. Đối tượng tham gia sinh hoạt Pháp Luân Công gồm nhiều tầng lớp, độ tuổi khác nhau từ thanh niên đến người già, sinh viên, trí thức. Nhưng chiếm số lượng nhiều hơn cả là những người già, trung niên và phụ nữ muốn tập luyện để nâng cao sức khỏe.
Theo khảo sát của tác giả luận án, có 60% người tham gia tập luyện tin, việc tập các bài công pháp của Pháp Luân Công có tác dụng về sức khỏe. Đồng thời, có 45% số người dược hỏi cho rằng việc tập luyện những bài tập công đòi hỏi mất rất nhiều sức lực mà không phải ai cũng có thể tham gia tập liên tục được [Tư liệu tổng hợp kết quả khảo sát của tác giả tại một số tỉnh thành đồng bằng Bắc Bộ năm 2014 – 2015].
Hệ thống giáo lý của Pháp Luân Công ảnh hưởng rất lớn bởi tư tưởng của các tôn giáo như Phật giáo và Đạo giáo ở Trung Quốc. Đặc điểm này thể hiện rõ qua các phạm trù trung tâm của Pháp Luân Công như Pháp Luân trong Phật giáo,
Âm dương ngũ hành trong Đạo giáo (Được thể hiện rõ nhất trong nội dung kinh
sách - Xem phụ lục một số 3: Một số nội dung kinh sách của Pháp Luân Công).
Như vậy, bức tranh thực trạng hiện tượng tôn giáo mới ở Đồng bằng Bắc Bộ hiện nay rất đa dạng và phức tạp. Có những hiện tượng tôn giáo mới được du nhập ở những vùng khác vào nhưng cũng có không ít hiện tượng tôn giáo mới được sinh ra ngay tại vùng đồng bằng Bắc Bộ. Điểm nổi bật ở chỗ, các hiện tượng tôn giáo mới phát sinh tại chỗ lại đang có ưu thế cả về số lượng và tiềm lực hoạt động. Trong đó, mạnh nhất là thuộc về nhóm Tâm Linh Hồ Chí Minh, gồm của bà Lương, bà Xuyến và bà Điền.
Điểm chung của đa số các hiện tượng tôn giáo mới đang hoạt động mạnh ở đồng bằng Bắc Bộ hiện nay là do phụ nữ ở nông thôn sáng lập nên. Về điểm này, sự hình thành các hiện tôn giáo mới dường như đi theo một xu hướng khác với các tôn giáo truyền thống chủ lưu và kể cả truyền thống đề cao vai trò của người đàn ông trong văn hóa tôn giáo ở Việt Nam, đặc biệt là vùng địa văn hóa Bắc Bộ vốn chịu ảnh hưởng mạnh bởi Nho giáo.
Thậm chí theo nghiên cứu của Đỗ Quang Hưng, xu hướng hình thành như vậy của các tôn giáo mới hiện nay ở Bắc Bộ cũng khác so với các hiện tượng tôn giáo mới trước đây. Trong khi giống như nhiều nước trên thế giới, hiện tượng tôn giáo mới ở Việt Nam trước đây đều do các “Guru (giáo chủ) là đàn ông thành lập và điều khiển”. Ngược lại, các tôn giáo mới ở Việt Nam “trong khoảng 20 năm trở lại đây phần lớn các Guru lại là phụ nữ” [70; tr.13].
Các hiện tượng tôn giáo mới ở đồng bằng Bắc Bộ chủ yếu thu hút những người dân thuộc tầng lớp yếu thế trong xã hội (người nghèo, nông dân, các cựu binh, người về hưu, bị bệnh tật, người già mất sức lao động, người sinh sống ở những vùng kém phát triển…). Đồng thời, điểm chung đáng chú ý nữa là các nhóm tôn giáo mới đang phát triển mạnh lại dựa chủ yếu vào việc tôn thờ những người có công, các anh hùng dân tộc.
Bên cạnh các nhóm tôn giáo mới phát sinh tại chỗ thì một số hiện tượng tôn giáo mới được du nhập từ vùng khác vào cũng còn có những hoạt động âm ỉ mạnh. Nổi trội nhất vẫn là Pháp Luân Công, Thanh Hải Vô Thượng Sư.
Ngoài ra còn có các nhóm khác như Bạch Chân Không, Hội tâm minh tu đức thì dường hoạt động không còn đáng kể. Ngay cả một số hiện tượng tôn giáo mới phát sinh tại chỗ hiện nay cũng trở nên bị tàn lụi như Hội Tiên Rồng. Đó cũng là những bằng chứng cho thấy, hiện tượng tôn giáo mới mang tính chất không ổn định, dễ tan biến. Tất nhiên nếu có một sự so sánh giữa những hiện tượng tôn giáo mới dễ tàn lụi với những hiện tượng tôn giáo mới cùng xuất hiện, thậm chí xuất hiện sớm hơn nhưng vẫn tồn tại và ảnh hưởng đến ngày nay, thì sẽ thấy những khác biệt nhất định. Phần đa các tôn giáo mới bị tàn lụi lại lấn sâu vào các hoạt động trục lợi, phi nhân tính, phản văn hóa trong khi không chú trọng củng cố tổ chức và hệ thống kinh sách cũng như triết lý tôn giáo của mình. Trong khi đó, các hiện tượng tôn giáo mới vẫn đang có ảnh hưởng đều có những hoạt động tập trung vào xây dựng hệ thống kinh sách, hình thành đường lối hoạt động ngày càng chặt chẽ, gắn với những vấn đề thời sự của xã hội và có xu hướng nâng cao hệ thống tư tưởng trong nội dung truyền bá của mình hơn.