CHƯƠNG 1 : TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU
4.2. GỢI MỞ ĐỐI VỚI VIỆT NAM
4.2.2.3. Những giải pháp cụ thể
Trên cơ sở những gợi mở và phân tích nêu trên, luận án mạnh dạn đề xuất một số giải pháp mang tính tham khảo để phát triển ngành công nghiệp văn hoá Việt Nam như sau:
(1) Thành lập Cục Công nghiệp văn hoá trực thuộc Bộ Văn hoá – Thể thao và Du lịch. Mặc dù hiện nay, Bộ Văn hoá – Thể thao và Du lịch đã thành lập cơ
quan phụ trách các vấn đề liên quan đến công nghiệp văn hoá của Việt Nam, song
đơn vị này đang dưới dạng một phòng và trực thuộc Cục bản quyền tác giả. Bản quyền là một trong những vấn đề mang tính cốt lõi trong phát triển công nghiệp
văn hoá. Nhưng xét về phạm vi, vấn đề công nghiệp văn hoá rộng và bao trùm hơn vấn đề bản quyền vì vậy nếu đặt bộ máy quản lý ngành công nghiệp văn hoá trong Cục bản quyền tác giả thì sẽ không tương xứng với tiềm năng và quy mô của ngành này.
(2) Xây dựng Báo cáo phát triển công nghiệp văn hoá Việt Nam thường niên. Báo cáo này sẽ là cơ sở để đánh giá quy mô hàng năm của ngành công nghiệp văn hoá, từ đó đưa ra định hướng cho những năm kế tiếp. Việc xây dựng Báo cáo thường niên cũng đòi hỏi công tác quản lý từ phía các Bộ, ban ngành liên quan phải ngày càng hoàn thiện và chuyên nghiệp.
(3) Xây dựng chính sách và các cơ chế ưu đãi về nguồn vốn, thuế giá trị
gia tăng đối với các doanh nghiệp văn hoá. Các doanh nghiệp văn hoá Việt Nam
đang ở giai đoạn đầu của quá trình chuyển đổi từ doanh nghiệp sự nghiệp sang doanh nghiệp kinh doanh vì vậy mà sự ưu đãi về cơ chế thu hút nguồn vốn là hết sức cần thiết. Sự hợp tác giữa “Nhà nước + Doanh nghiệp + Ngân hàng” sẽ đưa lại cho doanh nghiệp sự tự tin và mạnh dạn đầu tư khai thác các giá trị, tài nguyên văn hoá phong phú của Việt Nam.
(4) Phát triển nguồn nhân lực về công nghiệp văn hoá thông qua hệ thống các trường đại học, cao đẳng. Nhân lực là yếu tố mang tính quyết định trong phát triển công nghiệp văn hoá, song hiện nay, lực lượng này ở Việt Nam còn tương
đối mỏng, chưa có chuyên ngành hoặc bộ môn riêng về công nghiệp văn hoá. Vì vậy, cần phải đẩy mạnh thành lập các chuyên ngành đào tạo về công nghiệp văn hoá tại các trường đại học và cao đẳng trong cả nước. Ngoài ra, việc khuyến khích thanh niên Việt Nam khởi nghiệp từ lĩnh vực công nghiệp văn hoá cũng là một cách thức làm phong phú hơn lực lượng lao động của ngành này.
(5) Nuôi dưỡng và phát triển ý thức về văn hoá nghệ thuật của người dân. Tăng cường giáo dục về văn hoá nghệ thuật và tư duy sáng tạo đối với người dân từ những bậc học thấp nhất. Đây là phương thức quan trọng để kích thích nhu cầu tiêu dùng văn hoá của người dân và là cơ sở để hình thành thị trường tiêu dùng văn hoá, tạo thành động lực phát triển cho ngành công nghiệp văn hoá. Đồng thời,
tăng cường các hình thức đưa văn hoá nghệ thuật truyền thống vào đời sống của người dân cũng là cần thiết để các giá trị truyền thống không bị mai một trước sự
phát triển của công nghệ thông tin và văn hoá mạng.
(6) Đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm ngành công nghiệp văn hoá Việt Nam, nhằm gia tăng sức mạnh mềm của Việt Nam trong trường quốc tế. Việt Nam có một nền văn hoá giàu bản sắc, trong lịch sử phát triển hàng nghìn năm đã hấp thu có chọn lọc tinh hoa văn hoá nhân loại để tạo nên những giá trịđặc sắc trong cấu trúc văn hoá của mình. Mặc dù cũng nằm trong ảnh hưởng của Vòng văn hoá chữ
Hán, song từ chữ viết đến các phong tục, tín ngưỡng, người Việt Nam luôn có những giá trị sáng tạo riêng. Văn hoá Việt Nam còn gắn liền với chính nghĩa và tinh thần yêu chuộng hoà bình được đúc rút ra từ lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc. Đây là vốn quý để những người làm công nghiệp văn hoá Việt Nam mạnh dạn khai thác, kết hợp với khoa học công nghệ để tạo ra những sản phẩm đặc sắc. Các ngành như phim ảnh, truyền hình, thiết kế sáng tạo, xuất bản phẩm…cũng cần đẩy mạnh sự hợp tác với bên ngoài để vừa phát huy được tiềm năng văn hoá Việt vừa hấp thu những yếu tố quốc tế hiện đại, nhằm tăng cường sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp văn hoá Việt Nam./.
Tiểu kết chương 4:
Trong chương 4, Luận án đã tập trung đánh giá triển vọng phát triển của ngành công nghiệp văn hóa Trung Quốc trong thời gian tới và rút ra một số gợi mở đối với ngành công nghiệp văn hoá Việt Nam. Luận án đã đưa ra những phân tích về thời cơ và thách thức của ngành công nghiệp văn hoá Trung Quốc, đặc biệt sau khi kết thúc Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Tập Cận Bình tiếp tục giữ vai trò điều hành đất nước và nỗ lực thực hiện “giấc mơ Trung Quốc”. Trong đó, điểm đáng chú ý trong giai đoạn tiếp theo của ngành công nghiệp văn hoá Trung Quốc là những động thái trong quá trình tham gia sâu rộng vào hợp tác với các quốc gia trong Vành đai và con đường. Đây cũng sẽ là không gian để
ngành công nghiệp văn hoá phát huy nhiều hơn vai trò gia tăng sức mạnh mềm cho Trung Quốc.Từ việc nghiên cứu sự phát triển của ngành công nghiệp văn hoá Trung Quốc trong giai đoạn 2002 – 2017, bằng cái nhìn biện chứng, Luận án đã chỉ ra hai nhóm ý kiến gợi mở gồm kinh nghiệm để phát triểnngành công nghiệp văn hóa Việt Nam và ứng xử với những thách thức và cơ hội trong tương quan với sức mạnh mềm từ sản phẩm công nghiệp văn hoá Trung Quốc. Trên cơ sở sự
mở đường của “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam
đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, nước ta với sự đi đầu của các cơ quan quản lý, doanh nghiệp văn hóa và đội ngũ văn nghệ sỹ cần phải tích cực, chủ động đẩy mạnh sáng tạo, gia tăng hợp tác...nhằm tạo ra thị trường văn hóa sôi nổi, giàu sức cạnh tranh quốc tế. Sự phát triển của ngành công nghiệp văn hóa trong nước sẽ góp phần giảm đi những thách thức từ làn sóng xâm nhập của sản phẩm văn hóa Trung Quốc và các nước khác.
KẾT LUẬN
Qua nghiên cứu sự phát triển của ngành công nghiệp văn hóa Trung Quốc trong bối cảnh gia tăng sức mạnh mềm, luận án đi đến một số kết luận và kiến nghị sau:
Thứ nhất, sự phát triển nhanh chóng của ngành công nghiệp văn hóa Trung Quốc trong thời gian qua có vai trò định hướng của nhà nước thông qua hệ thống chính sách. Sau khi nhận thấy vai trò tích cực của ngành công nghiệp văn hóa trong kinh tế, chính trị, ngoại giao, Trung Quốc đã sớm đưa ra các văn bản chỉ đạo nhằm khuyến khích, hỗ trợ tạo điều kiện cho ngành này phát triển. Cùng với quá trình cải cách thể chế văn hóa trong nước, Trung Quốc đã đẩy mạnh việc cải cách đơn vị sự nghiệp văn hóa, chuyển đổi loại hình sản xuất, kinh doanh cũng như coi trọng vấn đề giải phóng sức sản xuất, kích thích khả năng sáng tạo của giới văn nghệ sỹ. Có thể thấy rằng, hệ thống chính sách của Trung Quốc đã tương
đối hoàn bị, đề cập đến nhiều khía cạnh (thuế, vốn, ...), với nhiều nhóm ngành cụ
thể. Vấn đề bảo hộ các doanh nghiệp nội trong cơ chế hợp tác với đối tác nước ngoài cũng được Trung Quốc quy định chặt chẽ. Là một thị trường đông dân nhất thế giới, Trung Quốc thu hút nhiều doanh nghiệp bên ngoài tham gia đầu tư, khai thác nguồn lợi ở đây. Do vậy, với tư cách là một nước đi sau và ngành công nghiệp văn hóa vẫn đang trong nhóm thế yếu, việc Trung Quốc đưa ra chính sách bảo hộ doanh nghiệp là một điểm mà Việt Nam có thể tham khảo, học hỏi. Trung Quốc cũng đưa ra nhiều chính sách khuyến khích xuất khẩu sản phẩm công nghiệp văn hóa, coi đây là một hướng đi cần thiết để gia tăng tính cạnh tranh và phát huy ảnh hưởng mềm ra bên ngoài.
Thứ hai, từ đầu thế kỷ XXI đến nay, dưới sự tác động của các nhân tố
khách quan và chủ quan khác nhau, đặc biệt là bối cảnh Trung Quốc đưa ra chiến lược gia tăng sức mạnh mềm trên bình diện văn hóa, ngành công nghiệp văn hóa của Trung Quốc đã có sự phát triển nhanh chóng cả về quy mô, cơ cấu. Từ một nhóm ngành xuất hiện muộn, công nghiệp văn hóa Trung Quốc đã từng bước cho thấy vai trò là điểm sáng mới với mức đóng góp vào GDP ngày càng tăng trong nền kinh tế. Công nghiệp văn hóa Trung Quốc có sự phát triển tương đối đồng
đều giữa các ngành truyền thống và các ngành mới xuất hiện. Bên cạnh giá trị
ngành, sản phẩm công nghiệp văn hóa Trung Quốc còn góp phần đưa giá trị văn hóa – văn minh Trung Hoa đến với thế giới, trở thành kênh ngoại giao quan trọng trong chiến lược xây dựng ảnh hưởng mềm ở hải ngoại của Trung Quốc.
Thứ ba, thực tiễn phát triển ngành công nghiệp văn hóa Trung Quốc trong thời gian qua cho thấy, bên cạnh những thành tựu đạt được, nước này vẫn phải
đối diện với nhiều vấn đề bất cập, cần phải được giải quyết. Trong đó, đáng chú ý
là vấn đề quy mô doanh nghiệp nhỏ, sức cạnh tranh yếu và vấn đề bảo hộ bản quyền tác giả. Mặc dù so với những năm cuối thế kỷ XX, ngành công nghiệp văn hoá Trung Quốc đã có một bước phát triển dài song về cơ bản, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và sản phẩm văn hoá trên thị trường quốc tế vẫn còn yếu. Sự phát triển của công nghiệp văn hoá vẫn chưa tương xứng với tiềm năng về văn hoá và ưu thế của tiềm lực kinh tế. Bên cạnh đó, vấn đề bản quyền – một trong những thành tố quan trọng đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp văn hóa thì vẫn đang là một khâu yếu của Trung Quốc. Không những hiện tượng vi phạm bản quyền diễn ra tràn lan, Trung Quốc còn gặp khó khăn trong vấn đề bảo hộ tài nguyên văn hóa của mình. Nhiều giá trị văn hóa vốn xuất phát từ Trung Quốc lại trở thành nguồn cảm hứng trong sản phẩm công nghiệp văn hóa của nước khác. Thực tiễn của Trung Quốc cũng là một bài học quý báu với ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Có lẽ ngay từ những bước đi đầu tiên này, chúng ta cần hết sức chú trọng công tác bảo vệ bản quyền cho sản phẩm văn hóa.
Thứ tư, quá trình phát triển của ngành công nghiệp văn hóa Trung Quốc cho thấy nhiều điểm mạnh, nhưng cũng bộc lộ không ít điểm yếu và hiện nay yếu tố về cơ hội, thách thức đang cùng song hành. Điểm mạnh lớn nhất của ngành công nghiệp văn hóa Trung Quốc chính là lợi thế giá cả. Sức mạnh hàng hóa giá rẻđã góp phần đưa làn sóng sản phẩm văn hóa Trung Quốc chiếm lĩnh thị trường nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước trong khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, thế
yếu về sự sáng tạo, trình độ quốc tế hóa sản phẩm văn hóa đã hạn chế khả năng lan tỏa của sản phẩm công nghiệp văn hóa Trung Quốc. Ngoài ra, việc Chính phủ
cũng phần nào giảm đi tính xung kích trong khai thác thị trường của các doanh nghiệp văn hóa Trung Quốc. Trong tương lai, các chiến lược mở rộng hợp tác ra khu vực, thế giới của Trung Quốc như BRI sẽ là cơ hội của ngành công nghiệp văn hóa. Tuy nhiên, điều đó cũng có nghĩa rằng, một khi thuyết về cơ hội tăng thì thuyết về mối đe dọa của Trung Quốc cũng tăng, do vậy, sự hoài nghi của cộng
đồng quốc tếđối với tham vọng và sự trỗi dậy không hòa bình cũng là một thách thức đối với việc quảng bá sản phẩm văn hóa của nước này.
Thứ năm, từ đầu thế kỷ XXI cho đến nay, mặc dù sức mạnh mềm Trung Quốc có diễn biến theo biểu đồ hình sin, lên xuống không ổn định nhưng đứng từ
góc nhìn ngành công nghiệp văn hóa, việc Trung Quốc chú trọng vào chiến lược này, đã tạo ra nhiều cơ hội về chủ trương, chính sách và lợi thế riêng của ngành công nghiệp văn hóa. Ông Tập Cận Bình đã khẳng định “tự tin văn hoá” là một trong bốn tự tin của Trung Quốc bên cạnh tự tin vềđường lối, tự tin về lý luận và tự tin về chếđộ vì vậy, trong thời gian tới, việc đi sâu khai thác những giá trị văn hoá truyền thống sẽđược ngành công nghiệp văn hoá chú trọng hơn nữa. Ngoài ra, với tiềm năng thị trường Internet không ngừng được mở rộng, những ngành công nghiệp văn hoá theo hướng sử dụng Internet làm phương tiện sẽ liên tục phát triển, góp phần bổ sung và đa dạng cơ cấu ngành nghề. Một điểm đáng chú ý trong triển vọng ngành công nghiệp văn hoá Trung Quốc giai đoạn tiếp theo đó là hướng khai thác thị trường trong khuôn khổ hợp tác của chiến lược Vành đai con đường BRI sẽ được đẩy mạnh. Tất cả những động thái đó cho thấy, mối quan hệ giữa ngành công nghiệp văn hoá Trung Quốc và vai trò gia tăng sức mạnh mềm sẽ
ngày càng chặt chẽ hơn.
Thứ sáu, thực tiễn phát triển của ngành công nghiệp văn hóa Trung Quốc trong bối cảnh gia tăng sức mạnh mềm đưa lại nhiều gợi mở quan trọng đối với ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Rõ ràng, với vị thế của một nước nhỏ có nền kinh tếđang phát triển, Việt Nam có lẽ còn rất lâu mới khẳng định được chỗ đứng về sức mạnh cứng. Tuy nhiên, là một quốc gia có bề dày văn hóa truyền thống lâu đời, nhiều tài nguyên văn hóa được công nhận là di sản thế giới, cùng những trang sử dựng nước và giữ nước bi hùng... Việt Nam hoàn toàn có thể tăng
cường sức mạnh mềm trong sức mạnh tổng hợp quốc gia. Những sản phẩm văn hóa nếu làm tốt vai trò của nó, sẽ là con đường hiệu quả nhất để giới thiệu và quảng bá hình ảnh đất nước ta. Đứng cạnh một nước lớn như Trung Quốc vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội đối với Việt Nam. Nếu như chúng ta phát huy tốt sức mạnh và bản lĩnh thì sẽ hóa giải được những ảnh hưởng của sản phẩm công nghiệp văn hóa Trung Quốc. Muốn làm được như vậy, Việt Nam sẽ còn một hành trình dài phải phấn đấu, tuy nhiên, trước hết, cần phải thống nhất trong nhận thức và hành động về vai trò của các ngành công nghiệp văn hóa, tăng cường đầu tư và gia tăng các chính sách khuyến khích đối với doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là khối doanh nghiệp trẻ, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Một số lĩnh vực nếu được khai thác hợp lý sẽ là thế mạnh đặc biệt của Việt Nam như ngành sản xuất phim hoạt hình, thiết kế thời trang, ẩm thực – du lịch và ngành nghề thủ công truyền thống...Thế giới càng vận động nhanh thì vấn đề phát triển bền vững lại càng
được coi trọng, bảo tồn sự đa dạng về bản sắc truyền thống các dân tộc trên thế
giới sẽ càng trở nên cấp thiết hơn.
Thứ bảy, áp lực cạnh tranh thị trường của sản phẩm công nghiệp văn hóa Việt Nam đang ngày càng mạnh mẽ. Hiện nay, doanh nghiệp văn hóa trong nước không chỉ phải đối diện với sự “lấn sân” của sản phẩm công nghiệp văn hóa Trung Quốc mà còn có sức ép của làn sóng văn hóa từ Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và cả Ấn Độ. Do vậy, để phát triển ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam cần phải có sự chung sức đồng lòng của toàn xã hội. Trong đó, vấn đề đẩy mạnh nghiên cứu khoa học về lĩnh vực công nghiệp văn hóa cũng cần được chú trọng