Mục tiêu của sự kết hợp giữa đạo đức và pháp luật trong xây dựng nhà nước của dân, do dân, vì dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh là nhằm đảm bảo quyền lực, quyền lợi trong nhà nước đều thuộc về nhân dân. Hay nói cách khác, kết hợp giữa đạo đức và pháp luật trong xây dựng nhà nước là phương thức để thực hiện các chu trình xây dựng bộ máy và quản lý nhà nước phù hợp với yêu cầu và nguyện vọng của nhân dân. “Đạo nghĩa là chính sách của Chính phủ đối với dân chúng - chính sách này phải hợp với nguyện vọng và quyền lợi của dân chúng”[92, tr.258], “nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi, nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi, nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi” [97, tr.518], vì “nghĩ cho cùng, vấn đề tư pháp cũng như mọi vấn đề khác, trong lúc này là vấn đề ở đời và làm người. Ở đời và làm người là phải thương nước, thương dân, thương nhân loại đau khổ bị áp bức” [85, tr.187]. Trên cơ sở mục tiêu chung, có thể thấy các mục tiêu cụ thể:
Thứ nhất là, sự kết hợp giữa đạo đức và pháp luật là nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhân dân. Tất cả mọi người dân làm chủ quyền lực của mình thông qua hoạt động của bộ máy nhà nước và đều được bình đẳng trước pháp luật, được pháp luật bảo vệ. Hồ Chí Minh luôn lấy lợi ích của tập thể đặt lên trên lợi ích cá nhân; lấy sự thống nhất giữa quyền lợi và nghĩa vụ của công dân để định nghĩa đạo đức công dân; lấy pháp luật bảo vệ quyền, lợi ích của đa số nhân dân trong xã hội để làm căn cứ phân định bản chất của pháp luật cũ và pháp luật mới – pháp luật xã hội chủ nghĩa: “Luật pháp cũ... chỉ có lợi cho thực dân, phong kiến...”, “Pháp luật của ta hiện nay bảo vệ quyền lợi của hàng triệu người lao động” [85, tr.187].
Thư hai là, sự kết hợp giữa đạo đức và pháp luật phản ánh bản chất của nhà nước kiểu mới – nhà nước của dân, do dân, vì dân. Trước đây, thực dân, phong kiến
dùng đạo đức để che giấu bản chất giai cấp của pháp luật trong quản lý nhà nước: “Nếu để pháp luật đứng một mình thì bộ mặt áp bức của nó lộ rõ quá”, kết hợp pháp luật với đạo đức là nghệ thuật của quyền lực chính trị: “luật pháp dựa vào đạo đức, mặt khác luật pháp bảo vệ đạo đức” [85, tr.187], đồng thời Hồ Chí Minh lấy dẫn chứng pháp luật phong kiến và pháp luật tư sản đều dựa vào và bảo vệ đạo đức phong kiến, đạo đức tư sản, nhấn mạnh pháp luật và đạo đức đều là vũ khí của giai cấp thống trị, biểu hiện ra thành các thủ đoạn đàn áp và xoa dịu; lừa bịp và bóc lột. Chính vì vậy, Hiến pháp được thành lập phải hướng theo “những lý tưởng dân quyền”, nghĩa là bên trong, bảo đảm quyền con người và quyền công dân, bên ngoài không xâm phạm đến những dân tộc khác để lập nên một nền dân chủ. Hiến pháp năm 1946 là cơ sở pháp lý đầu tiên bảo đảm “lý tưởng dân quyền”, quản lý đất nước bằng pháp luật – nội dung cốt lõi trong xây dựng nhà nước của dân, do dân, vì dân.
Thứ ba là, trên cơ sở nghiên cứu đường lối trị nước bằng pháp luật (pháp trị) và bằng đạo đức (đức trị, nhân trị) phương Đông và phương Tây, đối chiếu với thực tiễn Việt Nam, Hồ Chí Minh nhận định: “Những người An Nam chúng ta hãy tự hoàn thiện mình, về mặt tinh thần bằng cách đọc các tác phẩm của Khổng Tử và về mặt cách mạng thì cần đọc các tác phẩm của Lênin” [90, tr.563]. Luận điểm này có thể xem như cơ sở lý luận và khoa học của sự kết hợp giữa đạo đức và pháp luật trong suốt thời kỳ Hồ Chí Minh lãnh đạo, xây dựng nhà nước. Người là tấm gương mẫu mực, đồng thời cũng là sự phản chiếu của quá trình xác lập những công cụ quản lý nhà nước bằng việc kết hợp linh hoạt đạo đức và pháp luật. Coi đây là những công cụ không thể thiếu của một nhà nước Việt Nam mới. Điều này, thể hiện rõ trong Quốc lệnh ban hành ngày 26/01/1946, Hồ Chí Minh đã đưa ra 10 điều khen thưởng (đạo đức) và 10 điều hình phạt (pháp luật) và Người nhấn mạnh thưởng - phạt phải nghiêm minh thì nhân dân mới yên ổn, kháng chiến mới thành công, sự nghiệp xây dựng nhà nước mới vững mạnh.
Thứ tư là, kết hợp đạo đức và pháp luật xét đến cùng chính là vì con người và mối quan hệ giữa con người với con người và các mối quan hệ khác trong xã hội. Hồ Chí Minh viết “vô luận việc gì, đều do người làm ra và từ nhỏ đến to, từ gần đến xa, đều thế cả” [93, tr.281]. Do vậy, trong công tác xây dựng chính quyền nhà nước
Người đặc biệt coi trọng vai trò của cán bộ và công tác cán bộ - Coi đây là công tác gốc của Đảng, Chính phủ. Vì, “bất cứ chính sách, công tác gì nếu có cán bộ tốt thì thành công….. Không có cán bộ tốt thì hỏng việc…” [94, tr.356]. Cho nên trong quan điểm của Hồ Chí Minh, cán bộ là lực lượng nòng cốt truyền bá, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với mọi tầng lớp nhân dân, đồng thời Người lưu ý, cán bộ ngoài hiểu biết chuyên môn nghiệp vụ còn phải nắm chắc pháp luật, am hiểu pháp luật và vận dụng nhuần nhuyễn trong lĩnh vực hoạt động của mình, tránh làm sai gây hậu quả cho dân, cho nước.