4.3. Giải pháp phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ tại Maritime Bank Thá
4.3.4. Thay đổi cách thức bán hàng, bán chéo sản phẩm
Trong phạm vi biên độ giá cả sản phẩm dịch vụ cho phép, Maritime Bank Thái Nguyên nên thiết kế và cung cấp các gói sản phẩm dịch vụ NHBL cho khách hàng. Trong tất cả hợp đồng tín dụng phải lưu ý các điều khoản kết hợp huy động vốn và sử dụng các sản phẩm dịch vụ khác của Maritime Bank.
Đối với các khách hàng doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng sản phẩm dịch vụ tín dụng, phòng tín dụng cần lưu ý về việc khuyến khích khách hàng sử dụng sản phẩm dịch vụ thanh toán, trả lương qua tài khoản để tạo điều kiện quản lý được dòng tiền, huy động vốn tạm thời nhàn rỗi của doanh nghiệp và cá nhân. Trong một số thời điểm khan vốn, có thể coi đây là một trong những điều kiện để xem xét cấp tín dụng.
Đối với khách hàng mới, phòng dịch vụ sẽ làm đầu mối để giới thiệu với khách hàng các sản phẩm dịch vụ khác và phối hợp với các phòng có liên quan để phục vụ khách hàng. Vì vậy, cần phối hợp chặt chẽ giữa các phòng chuyên môn nghiệp vụ trong việc phục vụ khách hàng.
Maritime Bank Thái Nguyên nên thành lập tổ công tác chịu trách nhiệm trong việc cung cấp sản phẩm dịch vụ theo đó tổ công tác phải chịu trách nhiệm từ khâu tiếp thị khách hàng đến khâu phục vụ khách hàng. Trong quá trình phục vụ, khi khách hàng có yêu cầu thì sẽ được các thành viên trong tổ công tác xử lý trực tiếp, rút ngắn thời gian phục vụ khách hàng, như vậy cách thức này tương đồng với “Giao dịch một cửa”.
Luôn bố trí giao dịch viên, cán bộ tư vấn khách hàng chủ động tìm hiểu nhu cầu của khách hàng và giới thiệu, tư vấn các sản phẩm dịch vụ của Maritime Bank tại quầy. Các cán bộ nhân viên làm ở bộ phận tín dụng, kế toán, hành chính… cũng phải nắm vững đặc tính sản phẩm dịch vụ để có thể giới thiệu, tư vấn cho khách hàng khi tiếp xúc.