CHƯƠNG 1 : CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ NGHÈO VÀ GIẢM NGHÈO
1.2. Nội dung và tiêu chí đánh giá giảm nghèo
1.2.2. Các tiêu chí đánh giá giảm nghèo
Từ phân tích những nội dung của giảm nghèo ở trên, chúng ta có thể rút ra những tiêu chí cơ bản sau đây để đánh giá kết quả giảm nghèo như sau:[10]
a. Tăng thu nhập bình quân hộ nghèo.
- Hiện nay, thu nhập của hộ vẫn là tiêu chí được sử dụng để đánh giá xem hộ có thuộc diện hộ nghèo hay không. Bởi vậy, thu nhập là một trong những tiêu chí quan trọng phản ánh giảm nghèo trong giai đoạn hiện nay.
- Giảm nghèo không chỉ là tăng thu nhập bình quân đơn thuần cho người nghèo mà phải tăng tương ứng với mức chi tiêu chung của xã hội; tăng theo sự thay đổi của chuẩn nghèo.
b. Tăng số hộ thoát nghèo.
- Số hộ thoát nghèo hằng năm tăng lên có ý nghĩa là công tác giảm nghèo tại địa phương có hiệu quả. Tuy nhiên, tiêu chí này cũng khó đạt được trong thời gian dài vì chuẩn nghèo thường xuyên thay đổi theo thời gian.
c. Giảm tỉ lệ hộ tái nghèo.
- Giảm nghèo đã khó, làm sao để tránh tình trạng tái nghèo lại càng khó hơn. Một tình trạng phổ biến ở các địa phương đó là khi có sự điều chỉnh tăng chuẩn nghèo thì số
người tái nghèo tăng nhanh. Có những người chỉ mới thoát nghèo được vài năm đã tái nghèo trở lại. Do vậy, muốn đánh giá một cách toàn diện về giảm nghèo thì cần xem xét đến tỉ lệ tái nghèo. Mỗi địa phương cần có các chính sách cụ thể để giảm tối thiểu hộ tái nghèo.
- Có thể giúp đỡ những hộ thoát nghèo trong 1,2 năm trở lại bằng cách duy trì tiếp các khoản vay ưu đãi, cấp thẻ bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh miễn phí,… các khoản nợ vay không còn là nỗi bận tâm của họ và họ đã có một công việc làm tạo ra thu nhập thường xuyên thì tỉ lệ hộ tái nghèo chắc chắn sẽ giảm.
d. Điều kiện nhà ở và sinh hoạt được cải thiện.
- Người nghèo thường sống trong những ngôi nhà tạm bợ, không kiên cố, không đầy đủ các điều kiện về sinh hoạt như: nhà vệ sinh tự hoại, nước sạch,…nhiều hộ nghèo không có nhà ở, phải đi thuê nhà. Khi hộ nghèo được hỗ trợ xây dựng nhàở hay cấp kinh phí để sữa chữa nhà khi hư hỏng; hỗ trợ xây dựng nhà vệ sinh, nước sinh hoạt…Họ sẽ yên tâm hơn và đảm bảo sức khỏe hơn để tập trung vào việc tìm và tạo nguồn thu nhập cho gia đình.
e. Cơ hội được chăm sóc sức khỏe và tiếp cận dịch vụ giáo dục được nâng cao.
- Tỷ lệ hộ nghèo đến khám bệnh và chăm sóc sức khỏe định kỳ tại các cơ sở y tế cũng là một nhân tố để phản ánh mức độ tiếp cận các dịch vụ y tế của hộ nghèo.
- Thông thường những hộ nghèo ít chú ý trong việc chăm sóc sức khỏe cho bản thân cũng như gia đình họ. Với sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương, hộ nghèo sẽ được khám bệnh và cấp thuốc miễn phí cũng như được tư vấn trực tiếp về sức khỏe. Làm cho nhiều người nghèo quan tâm đến vấn đề sức khỏe của bản thân là thành công bước đầu trong việc giảm nghèo.
- Số trẻ em con hộ nghèo được đi học và trẻ em đi học đúng độ tuổi không chỉ là nỗ lực từ các hộ nghèo mà còn có sự giúp đỡ tích cực từ chính quyền địa phương thông qua việc miễn giảm, hỗ trợ học phí, sách vở, dụng cụ học tập…
f. Giảm thiểu nguy cơ bị tổn thương và rủi ro cho các đối tượng nghèo.
- Các hộ nghèo rất dễ bị tổn thương, vì những khó khăn hàng ngày và những biến động bất thường xảy ra đối với họ hay cộng đồng. Do nguồn thu nhập của họ thấp, lại bấp bênh nên khả năng tích lũy kém, khó có khả năng chống trọi với những biến cố xảy ra trong cuộc sống (mất mùa, mất việc làm, mất sức khỏe, mất nguồn lao động). Nếu các nguy cơ bị tổn thương của các hộ nghèo giảm đi hay khả năng chống đỡ rủi ro của các hộ nghèo tăng lên thìđiều đó có nghĩa là giảm nghèo bền vững hơn.