phòng, chống tham nhũng
Chiến lược phát triển ngành thanh tra đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 [99] đã xác định các định hướng lớn, mục tiêu và giải pháp thực hiện nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả, hiệu lực của công tác thanh tra trên cơ sở xác định đúng vị trí, vai trò và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ
quan thanh tra trong việc giá sát các hoạt động hành chính, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của sự nghiệp phát triển của đất nước và hội nhập quốc tế. Những định hướng lớn của TTCP nói riêng và ngành thanh tra nói chung phải có giải pháp thực hiện trong thời gian tới, đó là: Các cơ quan thanh tra nhà nước chuyển mạnh sang xem xét, đánh giá hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan và người có thẩm quyền trong cơ quan quản lý hành chính nhà nước; xác định rõ ràng thẩm quyền thanh tra trong hoạt động động kiểm soát việc thực hiện quyền lực, thực thi công vụ của cơ quan quản lý hành chính nhà nước và đội ngũ cán bộ, công chức; kiện toàn cơ cấu tổ chức các cơ quan thanh tra nhà nước cho phù hợp với việc thực hiện chức năng giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý hành chính nhà nước; xây dựng hệ thống cơ quan thanh tra nhà nước độc lập để hoạt động có hiệu quả.
Trước mắt, từ nay đến năm 2030, cần sửa đổi Luật Thanh tra 2010, khắc phục những hạn chế, bất cập trong các quy định của pháp luật về tổ chức và hoạt động thanh tra, nâng cao vị trí, vai trò của các cơ quan thanh tra nhà nước và người đứng đầu cơ quan thanh tra nhà nước nói chung, của TTCP nói riêng; xác lập tính độc lập tương đối của các cơ quan thanh tra, ít phụ thuộc vao thủ trưởng cơ quan QLNN cùng cấp; tăng thẩm quyền cho các cơ quan thanh tra, nhất là thẩm quyền xử lý vi phạm, kể cả quyền điều tra ban đầu; tăng cường tính hệ thống trong các cơ quan thanh tra, TTCP là cơ quan đứng đầu ngành thanh tra, có quyền chỉ đạo trực tiếp các cơ quan thanh tra cấp dưới cả về tổ chức, nhân sự, hoat động; đổi mới chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của TTCP để TTCP trở thành một cơ quan mạnh, làm tốt nhiệm vụ PCTN theo quy định của pháp luật; củng cố tổ chức và hoạt động của Cục Phòng, chống tham nhũng, cơ quan chuyên trách về chống tham nhũng của TTCP; đổi mới hoạt động của TTCP, nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra, giải quyết KNTC, PCTN...
Về lâu dài, cần tập trung nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, cung cấp luận cứ khoa học, tham mưu cho Đảng và Nhà nước xem xét thay đổi vị trí của TTCP sang vị thế của một cơ quan giám sát, thực hiện chức năng giám sát của Nhà nước với trách nhiệm xem xét, đánh giá chính sách, hiệu quả, hiệu lực hoạt động của các cơ quan quản lý hành chính nhà nước và các cơ quan, tổ chức ngoài hệ thống của Chính phủ.
Vì vậy, theo nghiên cứu sinh thì giải pháp quan trọng cần hướng tới đó là thay đổi vị trí pháp lý của TTCP chuyển sang là cơ quan của Quốc hội. Hiến pháp 2013 đã hiến định cơ quan Kiểm toán nhà nước là cơ quan của Quốc hội, tuy nhiên có thể thấy rõ bản chất của Kiểm toán nhà nước là đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị đối với việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công [92, Điều 9, Điều 10, Điều 11]. Chúng ta cũng khá là khó phân biệt giữa chức năng thanh tra tài chính chuyên ngành và kiểm toán nhà nước. Khi là cơ quan của Quốc hội thì cơ quan thanh tra của Quốc hội thực hiện thẩm quyền giám sát tối cao của Quốc hội, thanh tra việc thực hiện pháp luật đối với tất cả các lĩnh vực của đất nước. Nhiệm vụ thì tập trung vào ba lĩnh vực chủ yếu: thanh tra các hoạt động công vụ của các cơ quan nhà nước, thanh tra kinh tế - xã hội và thanh tra PCTN.
Việc thay đổi vị trí của TTCP là hợp lý, bới những lý do:
Thứ nhất, TTCP không thể hoạt động hiệu quả, hiệu lực khi nằm trong thiết chế quản lý hành chính, mà ở đây là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất – Chính phủ. Nếu sắp xếp vị trí theo cơ chế kiểm soát quyền lực bên trong như hiện nay thì đã bộc lộ những điểm yếu khách quan khi thực hiện thẩm quyền của mình.
Thứ hai, bảo đảm được tính độc lập nhằm tránh được sự can thiệp bằng quyền lực hành chính của các cơ quan hành chính khi thực hiện thẩm quyền thanh tra, đặc biệt là trong lĩnh vực PCTN vốn tồn tại nhiều bất cập trong thời gian qua.
Thứ ba, Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, có quyền giám sát tối cao đối với hoạt động của nhà nước [44], khi thành lập cơ quan thanh tra thuộc Quốc hội thì Quốc hội có một công cụ giám sát thiết thực, trực tiếp, không phải qua các khâu trung gian để từ đố có quyết sách đúng đắn, kịp thời.
Thứ tư, hiện nay TTCP chỉ có chức năng thanh tra PCTN với những đối tượng trong hệ thống cơ quan hành chính nhà nước mà toàn bộ khu vực hoạt động của các cơ quan, tổ chức từ trước đến nay không nằm trong khu vực quản lý hành chính nhà nước của cơ quan hành pháp không nằm trong sự điều chỉnh của thiết chế thanh tra. Nếu cơ quan thanh tra của Quốc hội được thành lập thì đương nhiên đây sẽ là đối tượng thanh tra của Quốc hội, từ đó Quốc hội có công cụ, điều kiện để giám sát hoạt động của khu vực này.
Thứ năm, qua tham khảo quá trình hình thành và phát triển của thiết chế thanh tra trong cũng như ngoài nước như thiết chế Ngự sử đài của Nhà nước phong kiến, thanh tra đặc biệt, Phái viên đặc uỷ đoàn, một số thiết chế thanh tra của một số nước trên thế giới,... chúng ta có thể thấy rằng khi nào tổ chức thanh tra có vị trí tương đối độc lập, được trao các thẩm quyền độc lập thì hiệu lực, hiệu quả hoạt động rất cao.
Thứ sáu, về mặt hình thức cũng có thể điều chỉnh tên gọi TTCP thành “Thanh tra Nhà nước”.
Ngoài ra, việc xây dựng cơ quan chuyên trách về PCTN là một yêu cầu khá tất yếu khi chúng ta gia nhập Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng. Việc thiết kế, xây dựng cấu trúc bộ máy là tiền đề quyết định đến hoạt động của bất cứ cơ quan nhà nước nào. Nếu tổ chức bộ máy hoàn chỉnh và khoa học thì hoạt động của cơ quan, tổ chức sẽ có hiệu quả và ngược lại. Như vậy, tổ chức là vấn đề quan trọng liên quan đến hoạt động của các cơ quan nhà nước và việc xây dựng tổ chức là nhiệm vụ quan trọng để phục vụ cho công tác QLNN. Chính vì vậy mà Công ước của Liên hợp quốc đã nhấn mạnh
vấn đề này tại Điều 6 và Điều 36, đó là cần phải tập trung xây dựng cơ quan chuyên trách về PCTN, đảm bảo thực thi có hiệu quả các chính sách về PCTN, đồng thời phải xây dựng được đội ngũ cán bộ có trình độ, năng lực để thực hiện được những nhiệm vụ đó. Có hai nội dung cần được bàn kỹ đó là cơ quan PCTN và nguyên tắc hoạt động:
Một là, ở nhiều nước đã có cơ quan chuyên trách về chống tham nhũng, có thể được đặt độc lập để thỏa mãn nguyên tắc hoạt động độc lập theo Công ước, hoặc là được thành lập nhưng chức năng được giao cho một số cơ quan khác nhau. Dù thành lập riêng hay không nhưng hoạt động đều mang tính độc lập và là những cơ quan chuyên trách riêng biệt. Sở dĩ cần phải thành lập cơ quan chuyên trách là bởi tính phức tạp của nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng và các mối quan hệ của tội phạm tham nhũng rất đa dạng, liên quan đến quyền lực nhà nước, được thực hiện bởi các chủ thể và phương tiện đặc biệt. Để chứng minh hành vi tham nhũng thật khó vì đa số hành vi được che dấu tinh vi và những cơ quan thực hiện nhiệm vụ phòng ngừa, phát hiện, điều tra,... có thể bị chi phối bởi các chủ thể tham nhũng đó. Vì vậy, việc có chứng cứ đấu tranh là vấn đề khó khăn và nếu các cơ quan chống tham nhũng không chuyên trách và hoạt động không độc lập thì khó có thể thu thập bằng chứng, khó có thể chứng minh hành vi tham nhũng và không thể có những tài liệu khách quan để làm rõ hành vi tham nhũng.
Hai là, khi xây dựng được cơ quan chuyên trách thì cần phải tạo ra sự đồng bộ về mặt hoạt động. Theo đó, các cơ quan này phải được hoạt động một cách tương đối độc lập, chỉ chịu trách nhiệm trước pháp luật và không bị ràng buộc bởi các yếu tố như lương bổng hoặc việc bổ nhiệm chức vụ của họ. Nếu như hoạt động của các cơ quan này mà không độc lập thì những chứng cứ, tài liệu, kết quả điều tra,... khó bảo đảm tính khách quan hoặc là phản ánh ngược lại với thực tế, hoặc là chỉ phản ánh được một phần, có khi bỏ lọt tội phạm.
Như vậy, chỉ có xác định được vị trí pháp lý, chức năng, nhiệm vụ của TTCP thì mới là tiền đề để PCTN ở nước ta có hiệu quả.
4.3.3. Tăng cường các hoạt động giám sát của Quốc hội, Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đối với hoạt động của Thanh tra