phòng, chống tham nhũng từ năm 2010 đến nay
Luật Thanh tra năm 2010 đã xác định rõ vai trò, trách nhiệm của TTCP trong đó có nhiệm vụ QLNN về PCTN với quy định cụ thể như sau:
“Thanh tra Chính phủ là cơ quan của Chính phủ, chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng trong phạm vi cả nước; thực hiện hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật” (Điều 14).
Luật PCTN 2018 không quy định cơ quan được giao QLNN về PCTN nhưng cũng đã có một số quy định cụ thể về trách nhiệm của TTCP trong công tác PCTN, cụ thể như sau: “Trong Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao có đơn vị chuyên trách về chống tham nhũng” (Điều 83);
TTCP có trách nhiệm: “a) Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng;b) Quản lý việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng theo thẩm quyền;c) Thanh tra, kiểm tra công tác phòng, chống tham nhũng theo thẩm quyền; tổ chức, chỉ đạo, hướng dẫn công tác thanh tra việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng;d) Quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập;đ) Phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tham nhũng;e) Xây dựng báo cáo hằng năm về công tác phòng, chống tham nhũng.” (Khoản 2, Điều 84)
“Thanh tra Chính phủ phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an và cơ quan khác thực hiện hợp tác quốc tế về nghiên cứu, đào tạo, xây dựng chính sách, hỗ trợ tài chính, trợ giúp kỹ thuật, trao đổi thông tin, kinh nghiệm trong phòng, chống tham nhũng.” (Khoản 1, Điều 90).
Thực hiện Luật thanh tra, Luật PCTN, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành một số Nghị định, Quyết định trong đó có quy định về vai trò và nhiệm vụ của TTCP trong QLNN về PCTN.
Tiếp đó, Chính phủ ban hành Nghị định số 59/2013/NĐ-CP ngày 17/6/2013 quy định chi tiết một số điều của Luật PCTN, trong đó quy định trách nhiệm cụ thể của TTCP là: Giúp Chính phủ xây dựng báo cáo hàng năm về PCTN trong phạm vi cả nước; khi cần thiết, bộ, ngành, địa phương đề nghị TTCP cung cấp thông tin để phục vụ cho công tác PCTN của bộ, ngành, địa
phương mình. TTCP có trách nhiệm cung cấp thông tin trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị cung cấp thông tin của bộ, ngành, địa phương. Trong trường hợp thông tin được yêu cầu cung cấp phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực thì thời hạn trên có thể kéo dài nhưng không quá 20 ngày; trường hợp không cung cấp hoặc chưa cung cấp được thì phải trả lời bằng văn bản cho cơ quan đề nghị biết và nêu rõ lý do; hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện chế độ thông tin, báo cáo công tác PCTN; phối hợp với Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước trong việc định kỳ trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu, kinh nghiệm về công tác PCTN trong hoạt động thanh tra, điều tra, kiểm sát, xét xử, kiểm toán; phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, cơ quan báo chí thường xuyên trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu về PCTN thông qua hoạt động của các tổ chức đó; thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN đối với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; doanh nghiệp nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập; hằng năm, TTCP có trách nhiệm hướng dẫn bộ, ngành, địa phương trong việc xây dựng kế hoạch thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN; quản lý, sử dụng quỹ khen thưởng về PCTN theo pháp luật về ngân sách nhà nước.
Tại Nghị định số 50/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của TTCP, TTCP là cơ quan ngang bộ của Chính phủ, thực hiện chức năng QLNN về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết KNTC và PCTN trong phạm vi cả nước; thực hiện hoạt động thanh tra, giải quyết KNTC và PCTN theo quy định của pháp luật. (Điều 1)
Trong lĩnh vực PCTN, TTCP thực hiện các nhiệm vụ cụ thể như sau: trình Chính phủ dự án luật, dự thảo nghị quyết của Quốc hội, dự án pháp lệnh,
dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; dự thảo nghị quyết, nghị định của Chính phủ về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết KNTC và PCTN theo Chương trình, kế hoạch xây dựng pháp luật hàng năm của TTCP đã được phê duyệt và các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật khác theo sự phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; ban hành thông tư, quyết định, chỉ thị và các văn bản khác về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết KNTC và PCTN; chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, định hướng Chương trình đã được phê duyệt về thanh tra, giải quyết KNTC và PCTN; thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết KNTC và PCTN; tổ chức, chỉ đạo, hướng dẫn công tác thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN và PCTN trong công tác thanh tra; thanh tra việc thực hiện pháp luật về PCTN tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo thẩm quyền hoặc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; chủ động phối hợp với các cơ quan, tổ chức trong việc phát hiện hành vi tham nhũng; thanh tra vụ việc có dấu hiệu tham nhũng; đôn đốc việc xử lý người có hành vi tham nhũng theo quy định của pháp luật và theo phân cấp quản lý cán bộ, công chức của Đảng và Chính phủ; chủ trì, phối hợp với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xây dựng hệ thống dữ liệu chung về PCTN; phối hợp với Kiểm toán Nhà nước, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao và Ban Nội chính Trung ương trong việc cung cấp, trao đổi thông tin, tài liệu, kinh nghiệm về công tác PCTN; tổng hợp, đánh giá, dự báo tình hình tham nhũng và kiến nghị chính sách, giải pháp PCTN.- Tổng hợp, báo cáo kết quả về công tác PCTN thuộc phạm vi QLNN của Chính phủ; tổng kết kinh nghiệm về công tác PCTN; yêu cầu bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo tình hình, kết quả công tác thanh tra, giải quyết KNTC và PCTN; tổng hợp, báo cáo kết quả về công tác thanh tra, giải quyết KNTC và PCTN
thuộc phạm vi QLNN của Chính phủ; tổng kết kinh nghiệm về công tác thanh tra, giải quyết KNTC và PCTN; thực hiện chức năng cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng; hợp tác quốc tế về công tác thanh tra, giải quyết KNTC và PCTN; tổ chức, chỉ đạo thực hiện Chương trình, kế hoạch nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ trong lĩnh vực thanh tra, tiếp công dân, giải quyết KNTC và PCTN.
Nhìn chung, các quy định của pháp luật về vai trò, trách nhiệm của TTCP trong QLNN về PCTN đã được quy định khá rõ ràng, chi tiết, tạo cơ sở pháp lý cần thiết để TTCP có thể triển khai thực hiện có hiệu quả chức năng QLNN về PCTN.
Ngoài các quy định chủ yếu đã được nêu trên, trong một số văn bản quy phạm pháp luật khác như Nghị định số 78/2013/NĐ-CP ngày 17/7/2013 của Chính phủ về minh bạch tài sản và thu nhập (trước đây là Nghị định số 37/2007/NĐ-CP ngày 09/3/2007 của Chính phủ về minh bạch tài sản và thu nhập, được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 68/2011/NĐ-CP của Chính phủ), Nghị định số 90/2013/NĐ-CP ngày 8/8/2013 của Chính phủ quy định trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao; Quyết định số 31/2012/QĐ-TTg ngày 26/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế phối hợp thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng; Thông tư Liên tịch số 12/2011/TTLT của TTCP, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Tòa án Nhân dân Tối cao, Kiểm toán Nhà nước, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng; một số Nghị quyết của Chính phủ như Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 12/5/2009 ban hành Chiến lược quốc gia PCTN đến năm 2020, Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 6/12/2012 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Kết luận hội nghị Trung ương 5, Khóa XI… đều có đề cập đến vai trò, nhiệm vụ của TTCP trong PCTN nhưng cơ bản đều tương tự hoặc cụ thể hóa các quy định đã được trình bày cụ thể ở trên.