Trong công tác QLNN về PCTN, TTCP đã đạt được những kết quả sau đây:
- Trong vòng 10 năm từ khi Luật PCTN 2005 có hiệu lực, TTCP đã trình Chính phủ các dự án luật, nghị định của Chính phủ đầy đủ theo chương trình, kế hoạch xây dựng pháp luật hàng năm. Đến năm 2018 TTCP đã trình Chính phủ 06 dự án luật, bao gồm: Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Tiếp công dân, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCTN; Luật Tố cáo sửa đổi, Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi; xây dựng và trình Chính phủ ban hành 35 Nghị định. Ngoài ra, hầu hết các văn bản quan trọng, có ý nghĩa chiến lược, dài hạn hoặc liên quan đến nhiều biện pháp PCTN đều do TTCP chủ trì xây dựng như Chiến lược quốc gia PCTN đến năm 2020; Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Luật PCTN, thực hiện Nghị quyết của Đảng về PCTN…
- Thanh tra Chính phủ cũng đã ban hành theo thẩm quyền 10 Thông tư, Thông tư Liên tịch và 02 Quyết định quy phạm pháp luật về PCTN; thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc kiểm tra việc thực hiện chiến lược, định hướng chương trình về PCTN đã được phê duyệt và thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN. Hàng năm TTCP đều ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương thực hiện công tác thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật đồng thời phê duyệt kế hoạch thanh tra trách nhiệm đối với các bộ, ngành, địa phương theo định hướng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cũng như thanh tra đối với các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, tham nhũng.
- Thanh tra Chính phủ đã tăng cường kiểm tra, thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về PCTN của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Qua thanh tra, kiểm
tra trách nhiệm đã phát hiện, chấn chỉnh, kiến nghị xử lý nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân có vi phạm, thiếu trách nhiệm trong tổ chức thực hiện pháp luật về PCTN.
- Xây dựng hệ thống dữ liệu chung về PCTN và có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Quốc hội về kết quả công tác PCTN.
Thực hiện nhiệm vụ được giao, thời gian qua TTCP đang phối hợp với các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về PCTN. Tuy nhiên, đến nay hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia chưa chính thức được vận hành và phải chờ phê duyệt của cấp có thẩm quyền. Cùng với việc xây dựng Đề án cơ sở dữ liệu về minh bạch tài sản, thu nhập, TTCP thời gian qua cũng tập trung hoàn thiện các quy định về chế độ thông tin, báo cáo về PCTN. Thông tư số 03/2013/TT-TTCP ngày 10/6/2013 quy định chế độ báo cáo công tác thanh tra, giải quyết KNTC và PCTN, trong đó tập trung vào xác định các loại báo cáo mà TTCP sẽ báo cáo Chính phủ và giúp Chính phủ báo cáo Quốc hội, từ đó yêu cầu các bộ, ngành, địa phương báo cáo về TTCP để TTCP có dữ liệu xây dựng Báo cáo. Các quy định đã tập trung vào làm rõ các tiêu chí, chỉ tiêu; thời kỳ lấy số liệu, thời hạn gửi báo cáo; hình thức báo cáo; phương thức gửi báo cáo; chế độ quản lý, sao chụp báo cáo... Những quy định này thiết lập cơ sở pháp lý cho việc xây dựng các dữ liệu báo cáo về công tác của TTCP, ngành thanh tra và của hoạt động PCTN. Từ những dữ liệu, thông tin báo cáo giúp cho chúng ta có cái nhìn khách quan về thực trạng tham nhũng và tổ chức PCTN của các cơ quan nhà nước.
Bên cạnh việc xây dựng Đề án và hoàn thiện các quy định về chế độ thông tin, báo cáo về PCTN, thời gian qua TTCP cũng đã tổ chức nhiều các hoạt động tổng kết thực tiễn PCTN và kinh nghiệm quốc tế về PCTN, cụ thể hàng năm TTCP chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan tham mưu với Chính phủ xây dựng Báo cáo của Chính phủ về công tác PCTN; tham mưu với Thủ tướng Chính phủ tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng và chủ trì,
phối hợp với các cơ quan hữu quan tăng cường hợp tác quốc tế về PCTN, dịch thuật các tài liệu kinh nghiệm của một số nước trong công tác PCTN.
- Hợp tác quốc tế trong phòng, chống tham nhũng của Thanh tra Chính phủ Trong thời gian qua và nhiều năm tới, hợp tác quốc tế nói chung và hợp tác quốc tế về PCTN có vị trí, vai trò và tầm quan trọng đặc biệt trong sự nghiệp phát triển của TTCP và ngành Thanh tra. Điều này được thể hiện: [46]
Thứ nhất, hợp tác quốc tế của TTCP là hoạt động cụ thể nhằm thực hiện chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta trong việc mở rộng hợp tác quốc tế để phát triển toàn diện đất nước. Các hoạt động hợp tác quốc tế mang lại lợi ích cho ngành Thanh tra nói riêng và Việt Nam nói chung đều có ý nghĩa quan trọng, phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và nguyện vọng của nhân dân.
Thứ hai, hợp tác quốc tế là diễn đàn lớn để TTCP Việt Nam thực hiện việc tuyên truyền về chủ trương, chính sách, pháp luật, những tiến bộ trong QLNN của Việt Nam trong lĩnh vực PCTN, từ đó góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, tạo dựng sự tin tưởng của bạn bè quốc tế và các nhà đầu tư.
Thứ ba, thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế là phương thức để TTCP thực hiện những cam kết, nghĩa vụ của quốc gia thành viên trong các điều ước, thỏa thuận quốc tế về PCTN, tổ chức quốc tế mà Việt Nam tham gia, ký kết, trong đó đáng chú ý có Công ước Liên hợp quốc về Chống tham nhũng.
Thứ tư, thông qua hợp tác quốc tế, TTCP có thể tiếp cận được kinh nghiệm tốt về PCTN của các quốc gia trên thế giới, nhất là các nước phát triển để nâng cao trình độ, năng lực thực hiện nhiệm vụ; đồng thời tranh thủ được sự hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật và các hỗ trợ khác để có thể tăng cường năng lực hoạt động trên các lĩnh vực quản lý của ngành.
Với tinh thần trên, trong nhiều năm qua, TTCP đã không ngừng củng cố, mở rộng, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động hợp tác quốc tế song phương, đa phương về PCTN. Những kết quả đạt được có thể kể đến là:
Một là, nội dung hợp tác theo các thỏa thuận song phương đi vào chiều sâu ngày càng được chú trọng nhằm khai thác thế mạnh của các cơ quan đối tác, phát huy hiệu quả của các thỏa thuận hợp tác đã ký kết, góp phần phục vụ đắc lực cho việc hoàn thành các nhiệm vụ chính trị của TTCP và toàn ngành Thanh tra.
Bên cạnh các nội dung hợp tác truyền thống (trao đổi đoàn để chia sẻ thông tin, học tập kinh nghiệm công tác thanh tra, giải quyết KNTC và PCTN; cử công chức tham gia các khóa đào tạo, tập huấn ngắn hạn), TTCP đã và đang chú trọng đẩy mạnh các hoạt động hợp tác về đào tạo cán bộ, công chức phối hợp tổ chức các hội thảo chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, trao đổi và phối hợp hành động song phương trong các khuôn khổ đa phương, cũng như hỗ trợ thiết lập quan hệ hợp tác ở cấp địa phương.
Đến nay, TTCP đã ký 17 Bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực PCTN với 17 đối tác thuộc nhiều khu vực trên thế giới; tổ chức 66 đoàn cán bộ, công chức đi thăm, trao đổi kinh nghiệm về công tác PCTN ở nước ngoài và đón 82 đoàn của cơ quan đối tác sang thăm, làm việc tại Việt Nam; tổ chức 19 khóa đào tạo nghiệp vụ cơ bản và nâng cao cho cán bộ, công chức của TTCP Lào và Bộ Quan hệ với Quốc hội - Thượng viện và Thanh tra Campuchia với tổng số 268 lượt cán bộ, công chức được đào tạo; hoàn thành 02 dự án đào tạo trung hạn tăng cường năng lực do Nhật Bản (giai đoạn 2015-2017) và Hàn Quốc (giai đoạn 2014-2016) tài trợ, với tổng số 106 lượt cán bộ, công chức được đào tạo; tổ chức 04 khóa đào tạo ngắn hạn tại nước ngoài (từ 2-3 tuần) cho 91 lượt cán bộ, công chức; 01 đoàn cán bộ cấp cao đi đào tạo, bồi dưỡng về PCTN tại Vương quốc Anh (năm 2011) và 05 đoàn đi Cộng hòa liên bang Đức (năm 2012, 2013, 2014, 2015 và 2019) theo chương trình Đề án 165; cử nhiều lượt cán bộ, công chức tham gia các khóa tập huấn về công tác PCTN theo lời mời của các đối tác song phương; tổ chức 4 hội thảo chia sẻ kinh nghiệm của Cộng hòa Pháp trong công tác PCTN; hỗ trợ Thanh tra một số địa phương bao gồm TP. Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Hòa Bình, Kiên Giang,
Khánh Hòa, Lạng Sơn tổ chức 15 đoàn đi nghiên cứu, học tập kinh nghiệm về công tác PCTN ở Malaysia, Singapore, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc, Hồng Kông - Ma Cao (Trung Quốc) với các đối tác của TTCP.
Hai là, hoạt động hợp tác đa phương phát triển mạnh mẽ, với sự mở rộng đáng kể về đối tượng, phạm vi, hình thức và nội dung hợp tác cũng như sự nâng cao không ngừng về chất lượng, hiệu quả hợp tác; qua đó góp phần thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại rộng mở của Đảng và Nhà nước ta. TTCP đã thực hiện tốt vai trò là cơ quan đầu mối quốc gia về thực thi Công ước Liên hợp quốc về Chống tham nhũng (UNCAC), đặc biệt là tổ chức thành công việc xây dựng Báo cáo tự đánh giá trong 02 chu trình đánh giá và hoàn thành việc đánh giá thực thi Công ước đối với Cộng hòa Áo, Trung Quốc (cuộc đánh giá lớn nhất trong tổng số hơn 100 cuộc đánh giá đối với các quốc gia thành viên thuộc Chu trình thứ nhất) và Quốc đảo Solomon trong chu trình 2. Phối hợp với các đối tác phát triển và cơ quan đại diện ngoại giao tại Hà Nội tổ chức 13 kỳ Đối thoại về PCTN về nhiều chủ đề; tổ chức các cuộc thi Sáng kiến PCTN Việt Nam (VACI từ 2011-2015), trao giải và hỗ trợ thực hiện 102 Sáng kiến, chủ yếu là các Đề án PCTN ở cấp địa phương, cơ sở; thúc đẩy hỗ trợ kỹ thuật về xây dựng thể chế, hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về PCTN (xuất bản 05 đầu sách tham khảo phục vụ xây dựng thể chế và đào tạo, bồi dưỡng). Tham gia chủ động, tích cực vào các hoạt động hợp tác PCTN của APEC, đặc biệt là đã đăng cai, chủ trì thành công ACTWG (Nhóm công tác về Chống tham nhũng và đảm bảo minh bạch) trong năm APEC Việt Nam 2017; tham gia tích cực và có trách nhiệm trong các hoạt động của Nhóm các cơ quan chống tham nhũng ASEAN (ASEAN-PAC), đặc biệt là việc chuẩn bị cho công tác đăng cai Hội nghị Cấp cao của Nhóm lần thứ 16 và Hội thảo tập huấn bên lề năm 2020; tham gia tích cực và đã chủ trì đăng cai tổ chức thành công Hội nghị khu vực lần thứ 10 của Sáng kiến ADB/OECD về chống tham nhũng khu vực châu Á - Thái Bình Dương và các
sự kiện bên lề năm 2019; duy trì và tăng cường hợp tác với các cơ quan đại diện của các tổ chức quốc tế tại Việt Nam nhằm tranh thủ hỗ trợ của các cơ quan, tổ chức này phục vụ thiết thực cho công tác của Ngành.
Hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ trong PCTN cũng được đẩy mạnh qua việc nghiên cứu, ứng dụng nhiều đề tài khoa học. Ngoài ra, qua công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm, các đơn vị tiến hành thanh tra đều đã tổ chức rút kinh nghiệm để nâng cao chất lượng hoạt động nghiệp vụ.