Từ những hạn chế trong các quy định pháp luật về vị trí, vai trò của các cơ quan thanh tra Nhà nước nói chung và TTCP nói riêng, cần nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ, Quốc hội về việc sửa đổi, bổ sung Luật Thanh tra những nội dung sau:
Một là, để tăng cường hiệu lực, hiệu quả của hoạt động thanh tra, một mặt cần phải đề cao vai trò, trách nhiệm Tổng TTCP, mặt khác phải đảm bảo tính độc lập tương đối của TTCP với chính cơ quan quản lý cùng cấp, tăng cường tính hệ thống theo ngành giữa TTCP với cơ quan thanh tra cấp dưới.
Hai là, bổ sung các quy định về các biện pháp đảm bảo việc thi hành các kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra nhằm nâng cao hiệu lực hoạt động thanh tra PCTN.
Việc sửa đổi Luật Thanh tra năm 2010 cần phải theo hướng nâng cao địa vị pháp lý, vai trò, tính độc lập và tự chịu trách nhiệm của TTCP nói riêng và
của cơ quan thanh tra nói chung về các hoạt động, quyết định của mình. Đây chính là định hướng đã được xác định rõ tại Nghị quyết số 48/2005/NQ/TW ngày 24/05/2005 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 21/2009/NQ-CP ngày 12/5/2009 về chiến lược quốc gia PCTN đến năm 2020.
Ngoài ra, TTCP phải tăng cường hiệu quả thực hiện việc tham mưu cho Chính phủ ban hành pháp luật, chính sách PCTN.
Quốc hội là cơ quan thực hiện quyền lập hiến và lập pháp ở nước CHXHCN Việt Nam. Tuy vậy, một văn bản luật được ra được có sự phối hợp giữa rất nhiều cơ quan khác nhau trong bộ máy nhà nước, mà đầu tiên chính là các bộ, cơ quan ngang bộ. Bộ, cơ quan ngang bộ là cơ quan của Chính phủ, có trách nhiệm quản lý ngành, lĩnh vực trong đời sống xã hội. Vì đây là nhóm cơ quan trực tiếp tiến hành hoạt động nên sẽ hiểu rõ nhất những điểm hạn chế, thiếu sót của quy định pháp luật hiện hành cũng như xu thế phát triển của ngành, lĩnh vực do mình phụ trách. Nhưng năm qua, TTCP về cơ bản đã tích cực, chủ động trình Chính phủ ban hành Nghị định, dự thảo luật Chính phủ trình Quốc hội có nội dung liên quan đến phòng, chống tham nhũng nói chung và vai trò của thanh tra nhà nước trong phòng ngừa tham nhũng nói riêng. Tuy nhiên, thực tế chứng minh rằng, hệ thống pháp luật quy định về vai trò của TTCP trong PCTN hiện vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Do vậy, trong thời gian tới, cần tăng cường hiệu quả thực hiện việc tham mưu Chính phủ quy định pháp luật, chính sách PCTN của hệ thống thanh tra nhà nước nói chung, TTCP nói riêng.
Thanh tra Chính phủ phải luôn chủ động, linh hoạt, kịp thời, nhanh chóng tiến hành tổng kết, báo cáo, rà soát nhằm phát hiện sơ hở hoặc những nội dung thiếu sót quy định vai trò của TTCP trong PCTN. Để từ đó có kế hoạch tham mưu, kiến nghị xây dựng luật, pháp lệnh, nghị định trình Chính phủ xem xét. TTCP cần tiến hành tổng kết việc thi hành pháp luật, đánh giá
các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành có liên quan đến đề nghị xây dựng nghị định; khảo sát, đánh giá thực trạng quan hệ xã hội liên quan đến đề nghị xây dựng nghị định. Trong trường hợp cần thiết, đề nghị cơ quan, tổ chức có liên quan tổng kết, đánh giá việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực do cơ quan, tổ chức đó phụ trách có liên quan đến đề nghị xây dựng nghị định.
Tổ chức nghiên cứu thông tin, tư liệu, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có liên quan đến đề nghị xây dựng nghị định. Trong trường hợp cần thiết, yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp tài liệu, thông tin liên quan đến đề nghị xây dựng nghị định. Xây dựng nội dung của chính sách trong đề nghị xây dựng nghị định; đánh giá tác động của chính sách; dự kiến nguồn lực, điều kiện bảo đảm cho việc thi hành nghị định sau khi được Chính phủ thông qua.
TTCP đề nghị xây dựng nghị định được xây dựng trên các căn cứ sau: a) Đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước;
b) Chương trình hành động của Chính phủ; yêu cầu quản lý, điều hành của Chính phủ cần phải điều chỉnh bằng nghị định;
c) Kết quả nghiên cứu, tổng kết lý luận và thực tiễn;
d) Cam kết trong điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên (Điều 84, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015).