Vai trò của TTCP trong PCTN ở Việt Nam hiện nay đã được định hình, có đóng góp nhất định vào kết quả PCTN nói chung, nhưng thực tế vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập, cả về quy định của pháp luật, cả trong tổ chức thực hiện, khả năng đóng góp của cơ quan này trong công tác PCTN còn chưa đạt được kỳ vọng.
Việc nâng cao vai trò, tính độc lập tương đối, phát huy tốt vai trò của TTCP trong PCTN sẽ góp phần nâng cao hiệu quả PCTN ở Việt Nam hiện nay.
Kết luận Chương 1
Thông qua khảo cứu các công trình trong cũng như ngoài nước về tổ chức và hoạt động của thanh tra; về tham nhũng và phòng, chống tham nhũng có liên quan đến thanh tra; về vai trò của thanh tra nhà nước trong phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam, trong đó có Thanh tra Chính phủ đã được các nhà khoa học trong và ngoài nước nghiên cứu, bàn luận với nhiều mức độ và góc độ khác nhau.
Chúng ta có thể thấy rằng, Thanh tra Chính phủ là tổ chức đứng đầu ngành thanh tra, có vai trò quan trọng trong vận hành hệ thống thanh tra, trong đó có yêu cầu thực tiễn về công tác phòng, chống tham nhũng hiện nay. Việc thực hiện vai trò phòng, chống tham nhũng của Thanh tra Chính phủ những năm qua đạt nhiều thành tựu, kết quả quan trọng, góp phần làm giảm bớt các điều kiện tham nhũng, nâng cao hiệu quả, hiệu lực của các thể chế phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, hoạt động của thiết chế này còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được sự kỳ vọng như mong đợi.
Trong bối cảnh Đảng và Nhà nước đang tăng cường phòng, chống tham nhũng, việc xem xét vai trò của Thanh tra Chính phủ trong phòng, chống tham nhũng là cần thiết, có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc, góp phần cung cấp luận cứ khoa học cho việc điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn của thiết
chế này trong thời gian tới.
Kết quả nghiên cứu khoa học cho thấy, vấn đề đổi mới tổ chức và phòng, chống tham nhũng của Thanh tra Chính phủ đã được đặt ra, bàn luận, nghiên cứu ở những mức độ khác nhau. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu chuyên biệt nào về vai trò của Thanh tra Chính phủ trong phòng, chống tham nhũng, đặt trong bối cảnh nhiều thay đổi về thể chế chính trị, thể chế pháp lý về phòng, chống tham nhũng ở nước ta thời gian qua.
Việc khảo sát tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài cho phép tác giả có những căn cứ khoa học vững chắc trong xác định định hướng nghiên cứu riêng và các nội dung nghiên cứu của đề tài, cũng như xác định rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn cần tiếp tục nghiên cứu.
Chương 2: CƠ SỞ KHOA HỌC VỀ VAI TRÒ CỦA THANH TRA CHÍNH PHỦ TRONG PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG