Thời điểm mở thừa kế

Một phần của tài liệu Sự tiếp nhận các giải pháp pháp lý của luật la mã trong chế định thừa kế ở việt nam (Trang 58 - 61)

2.2. Sự tiếp nhận và thay đổi trong chế định thừa kế ở Việt Nam

2.2.2. Thời điểm mở thừa kế

 Trong pháp luật La Mã:

Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết. Việc xác định thời điểm mở thừa kế có ý nghĩa rất quan trọng trong việc xác định khối di sản của người chết để lại; xác định sự gia tăng hay giảm sút di sản để xác định trách nhiệm cho người bảo quản, xác định thời hiệu khởi kiện.

Trong pháp luật La Mã, quan hệ thừa kế phát sinh khi người để lại di sản chết. Thời điểm mở thừa kế được thực hiện từ khi người để lại di sản chết và chỉ được phép hưởng thừa kế sau khi người đó chết. Theo đó, luật La mã không quy định về cái chết pháp lý, tức là không có cái chết do Tòa án tuyên bố. Chỉ khi có một thông tin chính xác xác nhận người đó đã chết thì quan hệ thừa kế sẽ được mở tại thời điểm đó. Theo như pháp luật La Mã, vào thời điểm mở thừa kế, những người thừa kế chưa phải là chủ sở hữu tài sản hay là những con nợ theo trách nhiệm của người chết. Hay nói một cách khác, vào thời điểm mở thừa kế, tài sản chưa thuộc về người thừa kế mà quyền thừa kế xuất hiện khi người đó tiếp nhận tài sản thừa kế theo ý chí của họ. Tuy nhiên việc tiếp nhận đó chỉ dành cho những người thừa kế không dưới quyền gia

52

chủ (người thừa kế không bắt buộc). Đối với những người thừa kế dưới quyền gia chủ (thừa kế bắt buộc), họ không có quyền từ chối trở thành người thừa kế cũng như từ chối nghĩa vụ mà người chết để lại.

 Trong luật dân sự Việt Nam:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 611 BLDS 2015, thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết. Trong trường hợp tòa án tuyên bố một người đã chết thì thời điểm mở thừa kế là ngày được xác định theo quy định tại khoản 2 Điều 71 BLDS 2015. Theo quy định trên, thời điểm mở thừa kế được xác định theo hai trường hợp:

- Thời điểm người có tài sản chết (đây được hiểu là cái chết sinh học). Thời điểm này thường được tính cụ thể từng giờ, từng phút và từng ngày. Tuy nhiên, có một số trường hợp không nắm rõ thời gian cụ thể thì có thể xác định thời điểm mở thừa kế là ngày người để lại tài sản chết. Do đó, khi xác định thời điểm mở thừa kế sẽ căn cứ vào thời gian ghi trong giấy chứng tử.

- Thời điểm Tòa án tuyên bố một người đã chết (hay gọi là cái chết pháp lý). Thời điểm này được xác định dựa vào khoản 2 Điều 71 BLDS 2015, theo đó “tùy từng trường hợp, Tòa án xác định ngày chết của người bị tuyên bố là đã chết căn cứ vào các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này”. Theo khoản 1 Điều 71, có bốn trường hợp sẽ tuyên bố là đã chết đối với một cá nhân gồm:

+ Cá nhân đã bị Tòa án tuyên bố mất tích nhưng sau 03 năm kể từ ngày quyết định tuyên bố mất tích của Tòa án có hiệu lực pháp luật mà vẫn không có tin tức xác thực là người đó còn sống.

53

+ Cá nhân biệt tích trong chiến tranh mà sau 5 năm kể từ ngày cuộc chiến tranh đó kết thúc nhưng vẫn không có tin tức xác thực là họ còn sống.

+ Cá nhân biệt tích trong vụ tai nạn hoặc thảm họa, thiên tai mà sau 1 năm kể từ ngày tai nạn hoặc thiên tai, thảm họa đó chấm dứt nhưng vẫn không có tin tức xác thực là họ còn sống.

+ Cá nhân biệt tích 5 năm liền trở lên mà không có tin tức xác thực là còn sống kể từ ngày có tin tức cuối cùng của người đó.

Trong Điều 614 BLDS 2015 quy định: “Kể từ thời điểm mở thừa kế, những người thừa kế có các quyền, nghĩa vụ tài sản do người chết để lại”.

Như vậy, theo pháp luật thừa kế của Việt Nam, ngay từ thời điểm thừa kế thì người thừa kế đã có quyền cũng như nghĩa vụ đối với tài sản do người chết để lại. Quyền ở đây là quyền xác định sở hữu đối với tài sản và các nghĩa vụ đối với tài sản như: nghĩa vụ trả nợ,… Pháp luật Việt Nam không có sự ép buộc như pháp luật La Mã quy định đối với người thừa kế dưới quyền gia chủ. Nếu như pháp luật La Mã tước quyền từ chối nhận di sản của người thừa kế dưới quyền gia chủ thì pháp luật Việt Nam đồng ý cho người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật đều có quyền từ chối nhận di sản. Và quyền từ chối đó chỉ không có hiệu lực nếu như việc từ chối nhằm trốn tránh nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác (Điều 620 BLDS 2015).

Có thể thấy, việc xác định thời điểm mở thừa kế rất quan trọng, bởi lẽ đây là thời điểm phát sinh quan hệ thừa kế, xác định được chính xác phần di sản thừa kế, quyền và nghĩa vụ về tài sản của người để lại thừa kế gồm những gì và đến khi chia di sản thì chia cho ai. Thời điểm mở thừa kế cũng là căn cứ để xác định những người thừa kế của người đã chết, vì người thừa kế là cá nhân phải còn sống tại thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời

54

điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Hay người thừa kế là cơ quan, tổ chức thì phải còn tồn tại tại thời điểm mở thừa kế. Đối với trường hợp tòa án tuyên bố một người đã chết, thời điểm mở thừa kế càng quan trọng hơn, bởi khi đó việc xác định ngày chết lại phụ thuộc vào tòa án, và việc làm tăng hay giảm sút giá trị tài sản để xác định trách nhiệm của người quản lí.

Một phần của tài liệu Sự tiếp nhận các giải pháp pháp lý của luật la mã trong chế định thừa kế ở việt nam (Trang 58 - 61)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(123 trang)