2.2. Sự tiếp nhận và thay đổi trong chế định thừa kế ở Việt Nam
2.2.4.2. Người thừa kế theo di chúc
Sau thời điểm mở thừa kế, nếu có di chúc và di chúc hợp pháp thì di sản được chia cho người thừa kế theo di chúc.
Đầu tiên, phải nói đến sự tiếp thu và kế thừa từ pháp luật La mã của pháp luật Việt Nam trong những quy định về điều kiện bắt buộc về năng lực của người thừa kế theo di chúc. Theo đó, người được chỉ định trong di chúc là người thừa kế theo di chúc nếu họ có đủ năng lực hưởng di sản (không mất
60
quyền hưởng di sản). Người thừa kế theo di chúc có thể là người trong hàng thừa kế, hoặc ngoài hàng thừa kế. Trong pháp luật La Mã cũng như pháp luật Việt Nam đều quy định người thừa kế phải là người còn sống tại thời điểm mở thừa kế, hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế. Nếu anh chết trước hoặc tại thời điểm thừa kế thì anh sẽ không trở thành người thừa kế.
Bên cạnh sự kế thừa từ pháp luật La Mã, pháp luật Việt Nam đã có sự sửa đổi phù hợp về quy định người thừa kế trong BLDS:
Thứ nhất, theo pháp luật La Mã, người thừa kế phải là cá nhân. Trong thời kì La Mã, khái niệm tổ chức còn chưa được hình thành, vì vậy pháp luật La Mã không quy định việc trao quyền thừa kế cho một tổ chức. Trong khi đó, BLDS 2005 và BLDS 2015 đã có những quy định mở rộng hơn về điều này. Tại Điều 635 BLDS 2005 quy định rõ về người thừa kế có thể là cá nhân hoặc cơ quan, tổ chức: “trong trường hợp người thừa kế theo di chúc là cơ quan, tổ chức thì phải là cơ quan, tổ chức tồn tại vào thời điểm mở thừa kế”. Đến BLDS 2015 tại Điều 613 quy định: “Người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Trường hợp người thừa kế theo di chúc không là cá nhân thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế”. Như vậy, từ sự tiếp thu về khái niệm người thừa kế trong luật La Mã thì BLDS 2005 và BLDS 2015 ngoài sự khác biệt trong cách diễn đạt “người thừa kế theo di chúc không phải là cá nhân” của BLDS 2015 so với thuật ngữ “cơ quan, tổ chức” quy định tại BLDS 2005 thì về cơ bản, quy định về người thừa kế của hai văn bản trên là giống nhau. Cụ thể, cá nhân có thể là người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật; còn người thừa kế không phải là cá nhân thì chỉ có thể là người thừa kế theo di chúc. Mặc dù BLDS 2015 không quy định rõ người thừa kế “không là cá nhân” bao gồm những chủ thể nào, nhưng có thể hiểu đó có thể là cơ quan nhà nước, doanh
61
nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức xã hội… Có thể thấy, cùng với sự phát triển của nhân loại, khi các chủ thể của pháp luật dân sự mở rộng, đồng nghĩa với việc người thừa kế theo di chúc không còn giới hạn cho mỗi cá nhân nữa mà các cơ quan, tổ chức tồn tại vào thời điểm thời kế, cũng hoàn toàn có thể trở thành người thừa kế theo ý chí của người để lại di chúc.
Thứ hai, pháp luật La Mã chỉ thừa nhận người thừa kế là người La Mã. Như đã phân tích phía trên, trong thời kì đầu, pháp luật La Mã là pháp luật chỉ dành riêng cho người La Mã, không chấp nhận cho bất cứ cá nhân nào được pháp luật La Mã bảo vệ mà không phải công dân La Mã. Quy định này chỉ được bãi bỏ sau một thời gian dài khi những người nhập cư, người buôn bán đến La Mã để làm ăn, kinh doanh và lãnh thổ La Mã được mở rộng khắp khu vực Châu Âu lục địa. Pháp luật Việt Nam khác với pháp luật La Mã tại điểm này. Trong BLDS Việt Nam không giới hạn người thừa kế phải là người có quốc tịch Việt Nam. Người nước ngoài hoàn toàn có quyền thừa kế tài sản nếu họ được chỉ định là người thừa kế trong di chúc hoặc họ thuộc một trong các hàng thừa kế theo pháp luật thừa kế.
Thứ ba, theo pháp luật La Mã, di chúc chỉ định cho con của những người phạm tội quốc gia (tội chống lại nhà nước) thì những người này không được hưởng thừa kế. Trong pháp luật Việt Nam không giới hạn quyền hưởng di sản của người được chỉ định là người thừa kế. Theo đó, tại khoản 2 Điều 621 BLDS 2015 quy định “Những người quy định tại khoản 1 Điều này vẫn được hưởng di sản, nếu người để lại di sản đã biết hành vi của những người đó, nhưng vẫn cho họ hưởng di sản theo di chúc”. Như vậy các trường hợp bị tước quyền hưởng di sản thừa kế theo quy định của pháp luật Việt Nam chỉ áp dụng đối với thừa kế theo pháp luật.
62
Thứ tư, pháp luật La Mã phân biệt hai nhóm người thừa kế: 1) Nhóm người thừa kế dưới quyền gia chủ, với nhóm người này, họ buộc phải nhận thừa kế di sản và cũng buộc phải nhận cả các khoản nợ của người chết mà không có quyền từ chối. Những người này bao gồm: con cái sống chung với gia chủ, vợ của người chết mà kết hôn theo chế độ cum manu và các con dâu cum manu mà chồng đã chết trước người để lại di sản, cháu nội trực hệ của người để lại di sản mà cha chúng đã chết (thừa kế thế vị). 2) Nhóm người thừa kế không dưới quyền gia chủ, những người này không sống cùng người để lại di sản và không dưới quyền gia chủ của người để lại di sản. Và nếu người để lại di sản viết di chúc cho những người này hưởng di sản thì những người này có quyền nhận hoặc không nhận, họ phải trả lời trong vòng 100 ngày kể từ thời điểm mở thừa kế.
Trong khi đó, pháp luật Việt Nam không có sự phân biệt rạch ròi giữa những người thừa kế theo di chúc. Những người thừa kế này có thể là bất cứ ai, có thể là con, cháu, ông bà, bố, mẹ…hoặc cả những người không có mối quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng với người để lại di sản. Những người được chỉ định là người thừa kế theo di chúc có quyền từ chối nhận thừa kế. Việc từ chối phải được lập thành văn bản, người từ chối phải thông báo cho những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản, cơ quan công chứng hoặc Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có địa điểm mở thừa kế về việc từ chối nhận di sản. Nếu BLDS 2005 quy định “thời hạn từ chối nhận di sản là 06 tháng kể từ ngày mở thừa kế” thì đến BLDS 2015 tại Khoản 3 Điều 620 quy định “Việc từ chối nhận di sản phải được thể hiện trước thời điểm phân chia di sản”.
63