Quan hệ thừa kế giữa con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi và cha

Một phần của tài liệu Sự tiếp nhận các giải pháp pháp lý của luật la mã trong chế định thừa kế ở việt nam (Trang 108 - 111)

3.1. Một số bất cập của chế định thừa kế 2015

3.1.3.2. Quan hệ thừa kế giữa con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi và cha

đẻ

Ngoài Điều 652 BLDS 2015, BLDS năm 2015 còn dành Điều 653 quy định về quan hệ thừa kế thế vị giữa con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi: “Con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi được thừa kế di sản của nhau và còn được thừa kế di sản theo quy định tại Điều 651 và Điều 652 của Bộ luật này”

102

Quy định này còn khá chung chung dẫn đến việc có những cách hiểu khác nhau như:

(1) Khi con đẻ của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản, thì người con nuôi của người con đẻ của người để lại di sản có được hưởng thừa kế thế vị hay không? (2) Khi con nuôi của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời

điểm với người để lại di sản, thì con đẻ của người con nuôi đó có được hưởng thừa kế thế vị không?

(3) Con nuôi của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản, thì con nuôi của người con nuôi đó có được hưởng thừa kế thế vị không?

Bên cạnh quy định tại Điều 653 BLDS 2015, tại tiểu mục đ Mục 4 Nghị quyết số 02/HĐTP ngày 19/10/1990 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định của Pháp lệnh Thừa kế năm 1990 (Nghị quyết 02/HĐTP): “Con nuôi không đương nhiên trở thành cháu của cha, mẹ của người nuôi dưỡng và cũng không đương nhiên trở thành anh, chị, em của con đẻ của người nuôi. Do đó, con nuôi không phải là người thừa kế theo pháp luật của cha, mẹ và con đẻ của người nuôi”. Và tại tiểu mục a Mục 6 Nghị quyết 02/HĐTP quy định: “Về phía gia đình cha nuôi, mẹ nuôi: con nuôi chỉ có quan hệ thừa kế với cha nuôi, mẹ nuôi mà không có quan hệ thừa kế với cha, mẹ và con đẻ của người nuôi. Trong trường hợp người có con nuôi kết hôn với người khác thì người con nuôi không đương nhiên trở thành con nuôi của người khác đó cho nên họ không phải là người thừa kế của nhau theo pháp luật”. Tại tiểu mục b Mục 5 Nghị quyết số 02/HĐTP quy định: “Trong trường hợp con nuôi chết trước cha nuôi, mẹ nuôi, thì con của người nuôi (tức là cháu của cha nuôi, mẹ nuôi) được hưởng phần di sản mà

103

đáng lẽ cha, mẹ của chắt được hưởng nếu cha, mẹ của chắt còn sống vào thời điểm mở thừa kế”.

Theo đó, trường hợp (2) được hưởng thừa kế thế vị, còn trường hợp (1) và (3) không được hưởng thừa kế thế vị (do con nuôi không phải là người thừa kế theo pháp luật của cha, mẹ và con đẻ của người nuôi).

Cũng tại quy định của Điều 653 BLDS 2015 thì theo đó con của người con nuôi vẫn được thừa kế thế vị khi người con nuôi đó chết trước hoặc chết cùng một thời điểm với người cha nuôi, mẹ nuôi của người con nuôi đó. Như vậy, con nuôi của người con nuôi đó cũng được thế vị để hưởng di sản của người nhận nuôi cha nuôi, mẹ nuôi của mình do Điều 651 và Điều 652 BLDS năm 2015 chỉ quy định là con mà không xác định rõ là con đẻ hay con nuôi. Tuy nhiên, như đã phân tích trên thì giữa con nuôi của người con nuôi và người nhận nuôi cha nuôi, mẹ nuôi của người đó không có bất kỳ mối quan hệ huyết thống hay chăm sóc, nuôi dưỡng nào, nên theo các quy định trên thì con nuôi của người con nuôi đó vẫn được hưởng thừa kế thế vị khi cha nuôi, mẹ nuôi của người con nuôi chết trước hoặc chết cùng một thời điểm với người nhận nuôi cha nuôi, mẹ nuôi của người đó. Do đó, đây là một quy định bất hợp lý, thiếu cơ sở và còn gây khá nhiều tranh cãi, nhưng do chưa có hướng dẫn cụ thể nên việc hiểu và áp dụng quy định này vẫn là khó khăn, vướng mắc của Tòa án.

Ngoài ra quy định trên còn cho thấy, nội dung chỉ thể hiện về quan hệ thừa kế giữa “con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi” mà không có nội dung nào quy định liên quan đến trường hợp của “cha đẻ, mẹ đẻ”. Tuy nhiên, tiêu đề của điều luật lại thể hiện là “Quan hệ thừa kế giữa con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi và cha đẻ, mẹ đẻ”. Có thể thấy giữa tiêu đề và nội dung của điều luật đã không có sự thống nhất với nhau.

104

Như vậy, Điều 653 của BLDS 2015 cũng có những hạn chế nhất định, từ việc quy định “chung chung” đến việc không thống nhất giữa tiêu dề và nội dung, tất cả đã tạo ra những cách hiểu trái chiều dẫn đến sự không thống nhất trong quá trình áp dụng luật vào thực tiễn. Chính vì vậy mà quyền, lợi ích hợp pháp của các đối tượng được đề cập trong điều luật nêu trên đôi khi không được đảm bảo và thiếu sự công bằng, bình đẳng giữa các vụ việc hay ngay trong cùng một vụ việc cụ thể.

Một phần của tài liệu Sự tiếp nhận các giải pháp pháp lý của luật la mã trong chế định thừa kế ở việt nam (Trang 108 - 111)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(123 trang)