Di sản thừa kế

Một phần của tài liệu Sự tiếp nhận các giải pháp pháp lý của luật la mã trong chế định thừa kế ở việt nam (Trang 61 - 65)

2.2. Sự tiếp nhận và thay đổi trong chế định thừa kế ở Việt Nam

2.2.3. Di sản thừa kế

Di sản là một từ ngữ Hán Việt, theo cách hiểu thông thường, di sản nhằm để chỉ những của cải, sản nghiệp, cái mà đời trước để lại cho đời sau. Trong Từ điển tiếng việt, “di sản” được hiểu với nghĩa là:

- Tài sản của người chết để lại

- Của cảu thời trước để lại: ví dụ như di tích lịch sử, di vật lịch sử,… Hiểu theo nghĩa rộng, di sản là toàn bộ tài sản mà người chết để lại cho người còn sống, bao gồm:

- Các giá trị vật chất là các tài sản đáp ứng nhu cầu nào đó của con người

- Các giá trị tinh thần thuộc về đời sống nội tâm, những tư duy, ý tưởng, ý nghĩ định hướng cho hoạt động của con người.

Quan niệm về di sản thừa kế từ tục lệ, cổ luật, luật cận đại cho đến luật hiện đại luôn có sự thay đổi trong việc nhận thức về nghĩa vụ tài sản có phải là di sản thừa kế hay không. Từ luật La mã cho đến các bộ luật hiện nay như BLDS 2015 hay BLDS của một số quốc gia trên thế giới chưa đưa ra một khái niệm cụ thể về di sản thừa kế mà chỉ quy định di sản thừa kế gồm những tài sản nào.

55  Trong pháp luật La Mã

Pháp luật La Mã quy định di sản bao gồm toàn bộ tài sản và nghĩa vụ của người chết để lại. Nói cách khác, di sản trong pháp luật La mã ngoài tài sản do người chết để lại thì còn có quyền đòi nợ đối với con nợ và nghĩa vụ trả nợ trong hợp đồng. Đối với các khoản nợ do vi phạm tư pháp thì không để lại thừa kế. Pháp luật La Mã quy định khoản nợ do vi phạm tư pháp không để lại thừa kế, bởi lẽ, ở La Mã người có tài sản để lại thừa kế thường là người nắm quyền gia trưởng. Việc vi phạm tư pháp là vi phạm cá nhân, và nghĩa vụ trả nợ phải do cá nhân đó trả. Trong khi đó tài sản mà người chết để lại để phục vụ nhu cầu chung của gia đình, có sự đóng góp công sức của các thành viên trong gia đình. Do đó, những người thừa kế không có nghĩa vụ dùng tài sản phục vụ nhu cầu chung để trả cho nghĩa vụ vi phạm tư pháp của gia chủ.

Theo pháp luật La Mã, di sản chỉ là tài sản riêng, bởi pháp luật La Mã không chấp nhận chế độ tài sản chung của vợ chồng, người phụ nữ sau khi kết hôn được coi là thuộc về người chồng, không có quyền hành trong gia đình cũng như không có tài sản riêng (trừ trường hợp tài sản là của hồi môn được cho trước khi người phụ nữ kết hôn). Bởi vì toàn bộ tài sản người vợ làm ra trong thời kì hôn nhân đều thuộc về gia chủ, cho nên vợ chồng theo pháp luật La Mã không có tài sản chung. Không giống với pháp luật Việt Nam thừa nhận phần tài sản trong khối tài sản chung là di sản thừa kế. Theo pháp luật hôn nhân và gia đình, tài sản của vợ chồng làm ra trong thời kỳ hôn nhân là tài sản chung hợp nhất. Cả vợ và chồng đều có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt đối với khối tài sản chung đó.

Trong pháp luật La Mã, nếu một người tiếp nhận quyền thừa kế tức là anh ta đã chấp nhận các quyền cũng như nghĩa vụ của người chết. Quyền đó bao gồm quyền sở hữu đối với tài sản của người quá cố, quyền là chủ nợ đối

56

với con nợ. Song song với đó, nếu người quá cố là con nợ của ai đó thì người thừa kế cũng bắt buộc trở thành con nợ khi tài sản của người chết không đủ để thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Tuy nhiên, đến thời kì Hoàng đến Justinian, ông nhận thấy những hậu quả của việc thừa kế nghĩa vụ và hậu quả này chỉ tránh được nếu không chấp nhận thừa kế. Trong khi đó, đối với người thừa kế dưới quyền gia chủ là người thừa kế bắt buộc, họ không có quyền từ chối nhận di sản, do đó cũng không có quyền từ chối nghĩa vụ. “Hoàng đế Justinian đã thực hiện một trong những cải cách nổi tiếng nhất về thừa kế của ông bằng cách cho người thừa kế được kiểm kê tài sản của người chết và không phải trả nhiều tiền hơn số tiền họ đã nhận thừa kế”.

 Trong luật dân sự Việt Nam

Theo quy định tại Điều 612 BLDS 2015, di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong khối tài sản chung với người khác. Như vậy, di sản bao gồm 02 nguồn:

- Thứ nhất: từ tài sản riêng của người chết. Tài sản riêng của người chết là phần tài sản mà thông thường cá nhân nào cũng có. Bởi nó gắn liền với các quyền và nghĩa vụ lao động của mỗi cá nhân trong xã hội, gắn liền với những nhu cầu tất yếu về vật chất cho cuộc sống của con người. Tuy nhiên, tài sản của cá nhân công dân Việt Nam về phạm vi và thành phần qua mỗi giai đoạn phát triển kinh tế xã hội khác nhau thì có sự thay đổi và có sự khác nhau trong quy định của pháp luật. Vì thế, di sản thừa kế qua các thời kỳ đó cũng được quy định khác nhau về thành phần cũng như phạm vi của nó. Tài sản riêng của người chết được hiểu phần tài sản mà về phương diện pháp lý không bị chi phối hay phải chịu một ràng buộc nào với các chủ thể khác trong việc chiếm hữu, sử dụng và thực hiện quyền định đoạt. Tài sản riêng được sử dụng

57

trong Điều 612 Bộ luật dân sự nhằm để xác định tài sản nào là tài sản riêng của người vợ, người chồng. Trong quan hệ hôn nhân và gia đình, tại Điều 43 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định tài sản riêng của vợ/chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng.

- Thứ hai: phần tài sản của người chết trong khối tài sản chung với người khác. Đây là phần tài sản của người chết nằm trong tài sản thuộc sở hữu chung hợp nhất của vợ chồng hoặc nằm trong khối tài sản thuộc sở hữu chung theo phần với nhiều người khác, tuỳ theo cách thức và căn cứ xác lập nên các hình thức sở hữu đó. Trong khối tài sản chung của vợ chồng, Điều 33 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định tài sản chung của vợ, chồng bao gồm: tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

Cũng theo quy định tại điều 105 BLDS 2015, tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản khá. Như vậy, từ quy định trong BLDS 2015, có thể hiểu di sản là toàn bộ tài sản của người chết để lại, tài sản đó có thể là tài sản riêng và phần tài sản trong khối tài sản chung.

Bên cạnh đó, pháp luật Việt Nam vẫn thừa nhận khoản nợ do vi phạm tư pháp có để lại thừa kế trong giới hạn di sản mà người chết để lại như nghĩa

58

vụ tài sản, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại, đối với nghĩa vụ nhân than không được thừa kế.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 615 BLDS 2015 về thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại: “những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thoả thuận khác.” Như vậy, pháp luật Việt Nam cũng giống pháp luật La Mã trong thời kì của Hoàng đế Justinian trong việc nếu người thừa kế chấp nhận hưởng thừa kế thì cũng chỉ phải thực hiện nghĩa vụ của người chết trong giới hạn di sản do người chết để lại.

Một phần của tài liệu Sự tiếp nhận các giải pháp pháp lý của luật la mã trong chế định thừa kế ở việt nam (Trang 61 - 65)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(123 trang)