2.2. Sự tiếp nhận và thay đổi trong chế định thừa kế ở Việt Nam
2.2.5. Thừa kế theo pháp luật
Thừa kế theo pháp luật là một chế định dân sự có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm điều chỉnh các quan hệ phát sinh trong đời sống xã hội. Nhờ có chế định này mà việc phân chia di sản, giải quyết tranh chấp trên thực tế được thực hiện, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân.
Thừa kế theo pháp luật là việc dịch chuyển tài sản của người chết cho những người còn sống theo hàng thừa kế, điều kiện và thủ tục thừa kế do pháp luật quy định. Cá nhân có quyền sở hữu với tài sản của mình, sau khi chết, số tài sản còn lại sau khi trừ đi nghĩa vụ được chia đều cho những người thừa kế.
Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong những trường hợp người để lại di sản mất nhưng không lập di chúc; tài sản không định đoạt trong di chúc; di chúc vô hiệu; những người thừa kế theo di chúc chết trước người lập di
82
chúc; những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối quyền hưởng di sản.
Trong luật La Mã cổ đại tồn tại hình thức thừa kế theo pháp luật. Trình tự thừa kế theo pháp luật được thực hiện đối với những tài sản mang tính chất chung của gia đình và đối với những người có quan hệ huyết thống trực hệ. Trong luật 12 Bảng quy định những người được thừa kế theo pháp luật bao gồm những người thân thích theo huyết thống. Trường hợp người chết không lập di chúc định đoạt tài sản của mình cho người thừa kế thì di sản được chia cho những người thân thuộc theo thứ tự huyết thống.
Trong pháp luật Việt Nam, chế định về thừa kế cũng có sự thay đổi đáng kể qua mỗi thời kì lịch sử bởi xã hội luôn vận động, mọi quan hệ trong xã hội không ngừng biến đổi do đó pháp luật cũng có sự thay đổi theo. Pháp luật Việt Nam quy định cụ thể vấn đề thừa kế theo pháp luật trong 07 Điều từ Điều 649 đến Điều 655 BLDS 2015.