Di chúc chung của vợ chồng

Một phần của tài liệu Sự tiếp nhận các giải pháp pháp lý của luật la mã trong chế định thừa kế ở việt nam (Trang 86 - 88)

2.2. Sự tiếp nhận và thay đổi trong chế định thừa kế ở Việt Nam

2.2.4.5. Di chúc chung của vợ chồng

Pháp luật La Mã không quy định quyền lập di chúc chung của vợ chồng. Bởi pháp luật La Mã không thừa nhận quyền sở hữu tài sản chung của vợ chồng. Tài sản người vợ làm ra trong thời kì hôn nhân thuộc về gia chủ, gia chủ là người duy nhất có quyền định đoạt tài sản trong gia đình, người vợ không có quyền định đoạt trong khối tài sản đó. Chính vì vậy, pháp luật La Mã không tồn tại quy định về di chúc chung của vợ chồng trong pháp luật về thừa kế.

Trong khi đó, tại Việt Nam việc lập di chúc chung của vợ, chồng lại được thừa nhận trong tục lệ của ta từ lâu. Thực tiễn tục lệ của Việt Nam trong các xã hội trước đây cho thấy, di chúc chung của vợ, chồng là hình thức di chúc thông dụng và việc vợ chồng cùng nhau lập di chúc chung, là hiện tượng phổ biến thời bấy giờ. Quan niệm truyền thống của người Việt Nam vốn rất coi trọng đạo nghĩa vợ chồng và luôn muốn củng cố tình thương yêu, đoàn kết trong gia đình, nên cũng khuyến khích việc vợ, chồng cùng nhau lập di chúc chung để định đoạt tài sản chung, và coi đó như là một biểu hiện cao đẹp của sự đoàn kết, yêu thương giữa vợ chồng. Có thể nói trong trường hợp này, tục lệ đã có sự diễn biến sinh động và dường như “tiến bộ” hơn so với khuôn khổ khô cứng của pháp luật phong kiến khi không coi trọng quan hệ hôn nhân cũng như sự bình đẳng giữa vợ và chồng.

Vấn đề di chúc chung của vợ, chồng được quy định khá rõ trong Bộ luật dân sự 1995 và Bộ luật dân sự 2005 và Bộ luật dân sự 2015. Bộ luật dân

80

sự 1995 thừa nhận vợ chồng có quyền lập di chúc chung để định đoạt tài sản chung. Việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc chung chỉ xảy ra khi hai bên còn sống và có sự nhất trí với nhau. Khi một bên chết, chỉ phần di chúc liên quan tới tài sản của người đó có hiệu lực pháp luật.

Nói tóm lại, tuy pháp luật Việt Nam ngày xưa không có quy định về di chúc của vợ - chồng, nhưng việc vợ chồng cùng lập di di chúc chung để định đoạt tài sản chung là một tục lệ phổ biến trong đời sống nhân dân. Pháp luật của Nhà nước ta thừa nhận quyền sở hữu của vợ chồng đối với tài sản chung. Do đó, pháp luật cũng thừa nhận việc vợ chồng được lập di chúc chung và công nhận hiệu lực pháp luật của di chúc nếu di chúc chung của vợ chồng được lập hợp pháp. Pháp luật hiện hành không thừa nhận di chúc chung của những người không phải là vợ chồng của nhau.

Khi quyền lập di chúc chung của vợ chồng được thừa nhận, pháp luật cũng cần phải dự liệu các nội dung pháp lý có liên quan đền vấn đề di chúc chung của vợ, chồng như: cách thức lập di chúc chung; sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ di chúc chung; xác định hiệu lực pháp luật của di chúc chung và sự thực hiện di chúc chung… Theo quy định của Bộ luật dân sự 2005, những nội dung này được thể hiện như sau:

- Pháp luật thừa nhận vợ chồng có thể cùng nhau lập di chúc chung để định đoạt tài sản chung (Điều 663 Bộ luật dân sự).

- Khi còn sống, vợ chồng có thể thỏa thuận về việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc chung bất cứ lúc nào. Nếu một bên muốn thực hiện các hành vi kể trên thì phải được bên kia đồng ý (Điều 664, khoản 1 và 2 Bộ luật dân sự). Điều này cũng có nghĩa, một bên không thể tự mình sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc chung nếu không sự thỏa thuận hoặc giữa vợ chồng hoặc không được sự đồng ý của người kia.

81

- Khi một bên vợ hoặc chồng chết, thì người còn sống chỉ được sửa đổi, bổ sung di chúc liên quan tới phần tài sản của mình (Điều 664 khoản 2, Bộ luật dân sự).

- Di chúc chung của vợ, chồng có hiệu lực từ thời điểm người sau cùng chết hoặc cả hai vợ, chồng đều đã chết (trong trường hợp cả hai chết cùng một thời điểm, Điều 669 Bộ luật dân sự).

Đây là những vấn đề pháp lý cơ bản về di chúc chung, đảm bảo cho di chúc chung được lập, hiệu chỉnh, có hiệu lực và được thực thi trên thực tế. Tuy nhiên, BLDS 2015 đã bỏ quy định về di chúc chung của vợ chồng trong phần thừa kế nhưng không có điều khoản nghiêm cấm vợ chồng lập di chúc chung. Việc bỏ quy định di chúc chung của vợ chồng của BLDS 2015 có thể dẫn đến nhiều vấn đề vướng mắc khó giải quyết khi trong thực tế nhiều cặp vợ chồng vẫn muốn lập di chúc chung.

Một phần của tài liệu Sự tiếp nhận các giải pháp pháp lý của luật la mã trong chế định thừa kế ở việt nam (Trang 86 - 88)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(123 trang)