Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc

Một phần của tài liệu Sự tiếp nhận các giải pháp pháp lý của luật la mã trong chế định thừa kế ở việt nam (Trang 80 - 86)

2.2. Sự tiếp nhận và thay đổi trong chế định thừa kế ở Việt Nam

2.2.4.4. Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc

Vào thời kì cổ đại, Luật 12 Bảng không hạn chế quyền định đoạt tài sản của người lập di chúc. Người lập di chúc phân chia tài sản như thế nào thì những thân thích sẽ phải thực hiện ý nguyện của người chết một cách đầy đủ. Tuy nhiên, sau này khi nền lập pháp phát triển, kèm theo đó là thực trạng gia chủ đôi khi định đoạt tài sản một cách vô lí khiến cho những người bỏ công sức đóng góp vào khối tài sản đó nhưng lại bị tước quyền hưởng tài sản do chính mình làm ra. Chính vì thế mà pháp luật đã hạn chế quyền định đoạt của gia chủ trong vấn đề lập di chúc định đoạt tài sản. Pháp luật quy định và bảo vệ quyền lợi của một số người thừa kế theo pháp luật trong trường hợp họ không được hưởng thừa kế theo di chúc, họ sẽ được hưởng một phần tối thiểu của di sản thừa kế. Phần tối thiểu này được gọi là kỷ phần bắt buộc.

Theo quy định ở thời kỳ cổ đại, người lập di chúc phải trao tài sản của mình cho những người phụ thuộc vào mình (các con). Trong di chúc phải chỉ định họ được hưởng hoặc trực tiếp truất quyền thừa kế của người phụ thuộc. Vào thời kỳ này, di chúc được lập trước hội nghị gia tộc, vì vậy nếu người lập di chúc truất quyền thừa kế của những người thân thích mà không có lý do chính đáng sẽ bị gia tộc phản đối.

Việc truất quyền thừa kế của những người còn gái không cần thiết phải nói rõ họ tên, có thể nói rằng: “Tôi truất quyền thừa kế của các con gái tôi”. Trong trường hợp này không ai có quyền phản đối. Trường hợp truất quyền

74

thừa kế của con trai thì phải nêu tên cụ thể, nếu nói chung chung trong di chúc, di chúc đó sẽ vô hiệu.

Quá trình phát triển của xã hội cho thấy những yêu cầu đối với người lập di chúc phải chỉ định những người thân là người thừa kế là cần thiết mà nếu truất quyền thừa kế của họ thì ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của những người đó. Vì vậy, thông qua các hoạt động tố tụng giải quyết tranh chấp về thừa kế, các quan tòa đã quyết định phải dành cho những người thân thích một kỷ phần bắt buộc (tối thiểu). Người lập di chúc phải chỉ định người thân thích được hưởng di sản của mình hoặc cho họ hưởng một phần tối thiểu. Nếu vi phạm điều này thì những người thân thích có quyền yêu cầu quan tòa cho hưởng một kỷ phần bắt buộc vì người lập di chúc đã vi phạm nghĩa vụ mang tính chất đạo lý.

Theo quan điểm của các quan tòa thì phạm vi những người thân thích được hưởng kỷ phần bắt buộc là tất cả những người phụ thuộc. Tuy nhiên pháp luật chỉ công nhận những người con ruột của người lập di chúc sẽ được hưởng kỷ phần bắt buộc.

Theo luật của Hoàng đế Jusstinian kỷ phần bắt buộc được xác định là:

- Nếu chia thừa kế theo pháp luật mà người được hưởng kỷ phần bắt buộc được hưởng lớn hơn ¼ của di sản thừa kế, thì kỷ phần bắt buộc người đó được hưởng là 1/3 của suất thừa kế theo pháp luật lẽ ra họ được hưởng. Có thể hiểu, nếu người chết có ít hơn 04 người con thì kỉ phần bắt buộc bằng 1/3 một suất thừa kế theo pháp luật. Ví dụ 1: Ông A có 03 người con là B, C, D. Ông A chết để lại toàn bộ tài sản là 900 as cho B . Như vậy, nếu chia theo pháp luật thì một suất thừa kế là 900 as : 3 = 300 as. Như vậy, C và D sẽ được hưởng kỉ phần

75

bắt buộc là 1/3 x 300 as = 100 as, còn B là 700 as. Ví dụ 2: Nếu ông A để di chúc cho B 800 as, C = D = 50 as thì B sẽ phải trích từ di sản mà mình được thừa kế ra 100 as để trả cho B và C mỗi người 50 as.

- Nếu chia thừa kế theo pháp luật mà người đó được hưởng một suất nhỏ hơn ¼ di sản thừa kế, thì người đó được hưởng kỷ phần bắt buộc bằng ½ của một suất thừa kế lẽ ra theo pháp luật họ được hưởng. Có thể hiểu, nếu người chết có từ 4 người con trở lên thì kỷ phần bắt buộc là ½ của một suất thừa kế chia theo pháp luật. Ví dụ: A có 5 người con là B, C, D, E, F. A viết di chúc cho B, C toàn bộ tài sản là 1000 as và truất quyền thừa kế của D, E, F. Nếu chia theo pháp luật thì một suất thừa kế là 1000 as : 5 = 200 as. Vì một suất thừa kế nhỏ hơn ¼ di sản (250 as) nên một kỉ phần bắt buộc là ½ x 200 as = 100 as. Vậy D, E, F mỗi người được nhận 100 as, B và C là 1000 as – (3 x 100 as) = 700 as.

Nếu những người thừa kế hưởng kỷ phần bắt buộc này vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ của mình đối với người lập di chúc thì có thể theo quyết định của quan tòa, người đó sẽ không được hưởng kỷ phần bắt buộc. Ví dụ, quan tòa sẽ truất quyền hưởng kỷ phần bắt buộc đối với người thừa kế gây thiệt hại nghiêm trọng đến sức khỏe của người lập di chúc hoặc con gái dưới 25 tuổi lấy chồng mà không có sự đồng ý của cha mẹ. Những nguyên nhân chính đáng khác để tước quyền thừa kế bắt buộc của các con do quan tòa xác định khi chia thừa kế.

Như vậy, kỷ phần bắt buộc là phần di sản tối thiểu mà người thừa kế được hưởng trong những trường hợp người để lại thừa kế không cho hưởng di sản hoặc cho hưởng ít hơn phần di sản tối thiểu mà họ đáng được hưởng. Trường hợp này người hưởng di sản thừa kế bắt buộc có quyền khởi kiện yêu

76

cầu quan tòa cho hưởng kỷ phần bắt buộc hoặc yêu cầu được hưởng bổ sung di sản thừa kế để đủ kỷ phần bắt buộc.

Trong pháp luật Việt Nam, quy định về thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc được quy định tại Điều 644 BLDS 2015: “Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật, nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó, trừ khi họ là những người từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 620 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 621 của Bộ luật này:

1. Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;

2. Con đã thành niên mà không có khả năng lao động.”

Có thể thấy rằng, pháp luật Việt Nam đã kế thừa và phát triển rất nhiều từ pháp luật của Hoàng đế Justinian khi quy định đến vấn đề thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc. Trong pháp luật Việt Nam cũng có rất nhiều điểm tương đồng so với pháp luật La Mã như:

- Thừa nhận kỷ phần bắt buộc là phần di sản tối thiểu mà người thừa kế đáng được hưởng và tính phần được hưởng dựa trên một suất thừa kế theo pháp luật.

- Khi người thừa kế không được hưởng hoặc hưởng ít hơn phần di sản tối thiểu thì họ có quyền yêu cầu Tòa án cho hưởng kỷ phần bắt buộc hoặc yêu cầu hưởng bổ sung để đủ kỷ phần bắt buộc.

- Đều quy định những người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ của mình đối với người lập di chúc như xâm hại sức khỏe, tính mạng của người lập di chúc sẽ không được hưởng kỷ phần bắt buộc.

77

Pháp luật Việt Nam đã có nhiều học hỏi trong pháp luật La Mã về vấn đề thừa kế không phụ thuộc vào di chúc. Sự học hỏi những điểm tiến bộ của pháp luật La Mã đã đáp ứng được những nhu cầu không nhỏ mong muốn của những người thừa kế theo pháp luật.

Tuy nhiên ngoài những điểm tương đồng được kể trên, pháp luật La Mã và pháp luật Việt Nam cũng tồn tại nhiều điểm khác biệt như:

- Kỉ phần bắt buộc trong pháp luật La Mã chỉ dành cho người thừa kế là con của người lập di chúc. Trong đó việc truất quyền thừa kế của những người con gái không cần thiết phải nói rõ họ tên, có thể nói rằng: “Tôi truất quyền thừa kế của các con gái tôi”. Trường hợp truất quyền thừa kế của con trai thì phải nêu tên cụ thể, nếu nói chung chung trong di chúc, di chúc đó sẽ vô hiệu. Còn trong quy định của pháp luật Việt Nam, kỉ phần bắt buộc được dành cho 3 nhóm đối tượng: cha, mẹ đẻ; vợ/chồng; con chưa thành niên hoặc con đã thành niên không có khả năng lao động. Như vậy, theo pháp luật Việt Nam, nếu con đã thành niên và có khả năng lao động sẽ không được hưởng kỷ phần bắt buộc. Đây là một điểm khác biệt nổi bật trong pháp luật La Mã và pháp luật Việt Nam khi quy định về kỷ phần bắt buộc trong thừa kế.

- Sự khác nhau về mức kỉ phần bắt buộc. Theo luật của Hoàng đế Justinian, kỷ phần bắt buộc được chia thành 02 trường hợp: 1) Nếu chia thừa kế theo pháp luật mà người được hưởng kỷ phần bắt buộc được hưởng lớn hơn ¼ của di sản thừa kế, thì kỷ phần bắt buộc người đó được hưởng là 1/3 của suất thừa kế theo pháp luật lẽ ra họ được hưởng. 2) Nếu chia thừa kế theo pháp luật mà người đó được hưởng một suất nhỏ hơn ¼ di sản thừa kế, thì người đó được hưởng kỷ phần bắt buộc bằng ½ của một suất thừa kế lẽ ra theo pháp luật họ được hưởng. Luật của Hoàng đế Justinian đã có sự phân chia cụ thể thành hai trường hợp

78

khi quy định về kỉ phần bắt buộc. Còn trong pháp luật Việt Nam, không chia thành 02 trường hợp như Luật La Mã mà quy định cụ thể 01 mức là 2/3 của một suất thừa kế theo pháp luật.

- Có thể nhận thấy, pháp luật Việt Nam đã trao cho người thừa kế kỷ phần bắt buộc cao hơn và cũng đơn giản hơn so với pháp luật La Mã. Tuy nhiên pháp luật Việt Nam có điểm hạn chế ở chỗ, nếu hàng thừa kế thứ nhất chỉ có một người (ví dụ như có vợ mà không có con, không còn cha mẹ) thì khi đó người được nhận kỷ phần bắt buộc sẽ được hưởng 2/3 di sản. Như vậy dẫn đến tình trạng quá lạm quyền định đoạt của người để lại thừa kế di sản theo di chúc trong trường hợp người đó không muốn để lại di sản cho vợ mình hoặc cho vợ hưởng ít hơn phần kỉ phần bắt buộc. Rõ ràng pháp luật La Mã phân chia hai trường hợp để khắc phục chính những hạn chế mà pháp luật Việt Nam đang gặp phải. - Ngoài ra, pháp luật của Hoàng đế Justinian có sự nhân đạo hơn so với

pháp luật La Mã cổ đại khi quy định: người vợ không có tài sản riêng hoặc không có của hồi môn để sống thì người vợ là người thừa kế bắt buộc của người chồng và được hưởng ¼ di sản thừa kế. Nếu người chết có từ 3 người con trở lên thì người vợ được hưởng một suất bằng với người thừa kế. Người chồng không có quyền tước kỷ phần bắt buộc trên của người vợ. Ví dụ, ông A có 3 người con là B, C, D. Ông A chết để lại di chúc chia đều tài sản là 1200as cho 03 người con mỗi người 400as. Vợ ông A không có tài sản riêng, do đó có quyền yêu cầu được hưởng kỷ phần bắt buộc là 1200as : 4 = 300as. Như vậy, người vợ được nhận 300as và B, C, D mỗi người 300as.

Có thể thấy rằng, bên cạnh việc kế thừa từ pháp luật La Mã, song pháp luật Việt Nam cũng đã có nhiều tiến bộ hơn so với pháp luật La Mã khi đã thể hiện được tính công bằng, bình đẳng hơn cho cả người con trai và con gái và

79

sự bình đẳng giữa người vợ và chồng. Đặc biệt pháp luật Việt Nam đã thể hiện được truyền thống “nhân hiếu” giữa người con và bố mẹ của mình. Họ có trách nhiệm chăm lo cho bố mẹ khi họ còn sống và ngay cả khi đã chết, họ cũng phải có trách nhiệm chăm lo cho bố mẹ bằng chính tài sản mình để lại.

Một phần của tài liệu Sự tiếp nhận các giải pháp pháp lý của luật la mã trong chế định thừa kế ở việt nam (Trang 80 - 86)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(123 trang)