2.2. Sự tiếp nhận và thay đổi trong chế định thừa kế ở Việt Nam
2.2.4.3. Điều kiện có hiệu lực của di chúc
Người lập di chúc:
Pháp luật La Mã và pháp luật Việt Nam đều có những quy định bắt buộc đối với năng lực của người lập di chúc. Không phải bất cứ ai, bất cứ người nào cũng có quyền lập di chúc.
Về vấn đề này luật La Mã có quy định tương đối rõ ràng. Để có thể lập di chúc, người lập di chúc phải có tư cách công dân, có năng lực pháp luật và tự nguyện trong việc lập di chúc. Tuy nhiên trong chế độ chiếm hữu nô lệ ở La Mã không phải tất cả mọi người đều có quyền công dân như nhau. Quyền công dân không đương nhiên mà có. Ngược lại quyền của con người do nhà nước và pháp luật quy định. Ở xã hội La Mã cổ đại, nô lệ là công cụ lao động biết nói của chủ nô và trở thành đối tượng của các loại giao dịch, là đối tượng của việc thực hiện quyền, thậm chí họ không có quyền được sống, tính mạng của họ nằm trong tay chủ nô. Do đó, nô lệ không có quyền được lập di chúc bởi họ không có tài sản riêng, toàn bộ tài sản nô lệ làm ra đều thuộc về chủ nô.
Một thể nhân có đầy đủ năng lực chủ thể phải có đủ ba điều kiện (yếu tố - status): Status libertatis – địa vị tự do, địa vị tự do để phân biệt những người công dân tự do và những người nô lệ; status civitatis – địa vị công dân, địa vị công dân để phân biệt những người La Mã và những người không phải công dân La Mã; status familiae – địa vị gia đình, địa vị gia đình xác định người chi phối quyền lực trong gia đình - gia chủ (Patres familiae).
Về năng lực công dân, công dân La Mã là người có quốc tịch La Mã. Những người được công nhận là công dân La Mã gồm: được sinh ra từ gia đình La Mã, bố mẹ có quan hệ hôn nhân hợp pháp, như vậy những người được sinh ra mà bố mẹ không có quan hệ hôn nhân hợp pháp thì không phải
64
là công dân; nô lệ được trả tự do từ công dân La Mã; người nước ngoài được ban tặng danh hiệu công dân La Mã do được đặc ân từ Hoàng đế.
Về năng lực hành vi, pháp luật La Mã đã có sự phân biệt rạch ròi giữa năng lực pháp luật và năng lực hành vi. Luật tư pháp La Mã quy định độ tuổi và điều kiện của công dân La Mã được tham gia vào các quan hệ tài sản và quan hệ nhân thân. Do vậy độ tuổi của công dân La Mã được coi là một trong những điều kiện bắt buộc của chủ thể tham gia vào quan hệ pháp luật. Trẻ em dưới 7 tuổi không có năng lực hành vi, không được tham gia và thực hiện giao dịch dân sự, trừ những giao dịch phục vụ nhu cầu cần thiết và phù hợp với lứa tuổi. Người từ 7 tuổi đến 14 tuổi đối với nam, 12 tuổi đối với nữ có năng lực hành vi dân sự một phần, được tham gia giao dịch đảm bảo, duy trì lợi ích của mình. Nếu tham gia giao dịch mà phát sinh nghĩa vụ hay chấm dứt quyền thì phải được sự đồng ý của gia chủ hoặc của người đỡ đầu vào thời điểm thực hiện giao dịch đó. Những người thuộc độ tuổi trên phải đặt dưới sự giám hộ của người giám hộ.
Nam trên 14 tuổi và nữ trên 12 tuổi không có dấu hiệu của các bệnh tâm thần thì họ có quyền được tham gia vào tất cả các giao dịch trong có có quyền lập di chúc. Tuy nhiên, một người La Mã chỉ được coi là có đầy đủ năng lực hành vi khi họ từ đủ 25 tuổi trở lên. Trong trường hợp nam từ đủ 14 tuổi, nữ từ đủ 12 tuổi đến dưới 25 tuổi nếu có giao dịch mà sau đó thấy rằng giao dịch đó không mang lại lợi ích cho họ thì họ có quyền hủy bỏ giao dịch với lý do “không chín chắn khi xác lập giao dịch”. Và chỉ riêng đối với nữ từ đủ 12 tuổi đến dưới 25 tuổi vẫn phải có người giám hộ. Như vậy pháp luật La Mã còn phân biệt giữa nam và nữ, giữa người có địa vị và người không có địa vị.
65
Từ đó có thể thấy quy định của pháp luật về thừa kế trong pháp luật La Mã đã thể hiện được sự bất bình đẳng, phân biệt đối xử giữa những công dân La Mã và những người không phải công dân La Mã. Cụ thể như: phạm vi người được quyền lập di chúc bị hạn chế, phải là công dân La Mã và phải tuân thủ các điều kiện trên thì mới được lập di chúc. Công dân La Mã có năng lực pháp luật mà chưa chín mùi về nhận thức, bị điên loạn hoặc phá tán tài sản thì không có quyền lập di chúc. Những người con trai trong các gia đình, nghĩa là sống dưới thẩm quyền của chủ gia đình (pater familiae) cũng có quyền lập di chúc định đoạt của cải do mình dành dụm được. Riêng người phụ nữ La Mã mà có năng lực pháp luật chỉ có quyền lập di chúc từ thời Hoàng đế Justinian. Nói chung chỉ người nào được pháp luật La Mã trao quyền sở hữu đối với tài sản thì mới có quyền lập di chúc.
Pháp luật Việt Nam cũng tiếp thu một số quy định từ pháp luật La Mã. Theo quy định tại Điều 625 BLDS 2015, một người có quyền lập di chúc là người đã thành niên có đủ điều kiện theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 630 của BLDS 2015. Và một yêu cầu quan trọng đối với người lập di chúc đó là họ phải có tài sản thuộc sở hữu của họ thì có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản đó. Nếu họ định đoạt tài sản mà không phải tài sản thuộc sở hữu của mình thì di chúc sẽ bị vô hiệu.
Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam cũng có những sửa đổi tiến bộ để phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội hiện tại của Việt Nam:
- Thứ nhất, về độ tuổi lập di chúc: BLDS 2015 quy định người thành niên (từ đủ 18 tuổi trở lên) có quyền lập di chúc. Đối với người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi có thể lập di chúc nếu được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý. Trong khi đó, pháp luật La Mã quy định nam từ đủ 14 và nữ từ đủ 12 có quyền lập di chúc.
66
- Thứ hai, năng lực công dân. Pháp luật La Mã quy định rất rõ phải là công dân La Mã mới có quyền lập di chúc. Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam không giới hạn quốc tịch đối với người lập di chúc. Theo quy định tại khoản 1 Điều 681 BLDS 2015: “1. Năng lực lập di chúc, thay đổi hoặc huỷ bỏ di chúc được xác định theo pháp luật của nước mà người lập di chúc có quốc tịch tại thời điểm lập, thay đổi hoặc hủy bỏ di chúc”. Như vậy, trong trường hợp người nước ngoài sống tại Việt Nam mà lập di chúc khi pháp luật của quốc gia nơi họ là công dân dẫn chiếu đến pháp luật Việt Nam thì người nước ngoài hoàn toàn có quyền áp dụng pháp luật thừa kế của Việt Nam khi lập di chúc. Ví dụ, ông A là công dân nước X đang sinh sống tại Việt Nam. Theo quy định trong pháp luật nước X quy định, công dân nước X đang sống tại nước ngoài mà lập di chúc phải tuân theo pháp luật nước đó, thì ông A có quyền lập di chúc theo pháp luật Việt Nam.
Hình thức di chúc:
Hình thức của di chúc là phương thức biểu hiện ý chí của người lập di chúc (nội dung di chúc); là căn cứ pháp lý làm phát sinh quan hệ thừa kế theo di chúc, là chứng cứ để bảo vệ quyền lợi cho người được chỉ định trong di chúc, vì vậy di chúc phải được lập dưới một hình thức nhất định. Trong pháp luật La Mã và pháp luật Việt Nam đều quy định hình thức di chúc là một điều kiện bắt buộc để di chúc hợp pháp. Nếu di chúc không thỏa mãn các điều kiện về hình thức, di chúc đó sẽ vô hiệu.
Pháp luật La Mã thừa nhận có hai hình thức của di chúc là di chúc bằng miệng và di chúc bằng văn bản.
Trong luật của Hoàng đế Jusstinian, hình thức di chúc yêu cầu phức tạp, chặt chẽ, phải phù hợp với quy định của pháp luật. Theo đó:
67
- Nếu di chúc miệng đòi hỏi phải có 07 (bảy) người làm chứng. Khi ai đó muốn lập di chúc ràng buộc bởi luật dân sự nhưng không bằng văn bản, dưới sự có mặt của 07 người làm chứng, anh ta sẽ tuyên bố bằng miệng ước nguyện của anh ta. Tuy nhiên, việc lập di chúc bằng miệng phải có sự giám sát, và người thừa kế phải được chỉ định cụ thể, rõ ràng. Hình thái di chúc bằng miệng có hiệu lực tương tự như di chúc bằng văn bản với sự thừa nhận của Luật do Hoàng đế ban hành.
- Di chúc văn bản không bắt buộc hình thức nghiêm ngặt. Di chúc có thể do người lập di chúc tự viết sau đó gửi lưu giữ tại phòng chưởng khế, sau khi người lập di chúc chết thì di chúc đó được công bố. Hoặc di chúc có xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền bằng cách người lập di chúc thể hiện ý chí của mình trước quan tòa. Quan tòa lập biên bản ghi nội dung của di chúc, hoặc người lập di chúc có thể yêu cầu quan chấp chính xác nhận di chúc.
Như vậy hình thức của di chúc được bắt nguồn từ 03 nguồn khác nhau: 1) Nguồn luật dân sự, yêu cầu có các nhân chứng và sự cần thiết phải có mặt liên tục của họ trong việc thực hiện ý chí của người để lại di chúc; 2) Luật do Hoàng đế ban hành, quy định việc ký tên lên bản di chúc và người làm chứng; 3) Chỉ dụ của pháp quan, phải có đủ số lượng người làm chứng và được niêm phong theo ý chí của họ. Một yêu cầu bổ sung của Luật do Hoàng đế ban hành để đảm bảo tính xác thực của di chúc và ngăn chặn di chúc giả mạo, tên của người thừa kế được viết bởi người lập di chúc hoặc người làm chứng.
Trong BLDS Việt Nam 2015, di chúc bằng miệng được quy định khá nghiêm khắc. Di chúc miệng chỉ được thừa nhận nếu trong trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe dọa và không thể lập được di chúc bằng văn bản (khoản 1 Điều 629 BLDS 2015). Ngoài ra, hiệu lực của di chúc miệng sẽ mặc nhiên bị hủy bỏ nếu sau 03 tháng kể từ thời điểm lập di chúc miệng mà
68
người lập di chúc vẫn còn sống, minh mẫn, sáng suốt (khoản 2 Điều 629 BLDS 2015). Di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người lập di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau đó những người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn năm ngày, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng hoặc chứng thực. Có thể nhận thấy, pháp luật Việt Nam vô cùng hạn chế đối với việc lập di chúc bằng miệng.
Di chúc bằng văn bản là hình thức bắt buộc của di chúc. Theo quy định tại Điều 628 BLDS 2015, di chúc bằng văn bản bao gồm 04 dạng: 1). Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng; 2) Di chúc bằng văn bản có người làm chứng; 3) Di chúc bằng văn bản có công chứng; 4) Di chúc bằng văn bản có chứng thực.
Có thể hiểu, di chúc bằng văn bản được lập theo ba cách: 1) Di chúc do chính người lập di chúc tự tay viết (Điều 633 BLDS 2015), 2) di chúc tự mình đánh máy hoặc nhờ người khác viết (Điều 634 BLDS 2015), 3) di chúc nhờ công chứng viên lập hoặc người có thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (Điều 635 BLDS 2015).
Di chúc bằng văn bản phải đảm bảo những thông tin sau:
- Di chúc phải ghi rõ ngày, tháng, năm lập di chúc. Đây là quy định bắt buộc vì thông qua đó xác định được tại thời điểm đó người lập di chúc có năng lực hành vi dân sự, có minh mẫn sáng suốt hay không. Ngoài ra cũng để xác định tại thời điểm đó nếu di chúc do người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi viết cần phải có sự đồng ý của những ai; xác định đâu là bản di chúc biểu hiện ý chí sau cùng của người chết.
69
- Di chúc phải ghi rõ họ tên nơi cư trú của người lập di chúc. Bởi vì di chúc là ý chí, là hành vi pháp lý đơn phương của chủ thể. Cho nên trong di chúc cần phải xác định họ tên của người có ý chí đơn phương đó, địa điểm mở thừa kế, nơi đăng kí từ chối nhận di sản, thẩm quyền giải quyết của toà án khi có tranh chấp đều được xác định thông qua nơi cư trú của người lập di chúc. Ngoài ra, xác định nơi cư trú của người lập di chúc sẽ đảm bảo lựa chọn đúng địa điểm cũng như thẩm quyền của Tòa án giải quyết nếu có tranh chấp về thừa kế.
- Di chúc phải ghi rõ họ tên cá nhân hoặc tên cơ quan tổ chức được hưởng di sản hoặc xác định rõ các điều kiện để cá nhân, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản. Di chúc cũng phải ghi rõ di sản để lại gồm những gì và nơi có di sản. Quy định như vậy nhằm xác định người lập di chúc có những tài sản gì, được phân định như thế nào; dễ dàng xác định được địa điểm tồn tại của di sản; là cơ sở để xác định địa điểm mở thừa kế nếu mở tại nơi có di sản.
- Di chúc phải ghi rõ việc chỉ định nghĩa vụ và nơi thực hiện nghĩa vụ, nội dung của việc thực hiện nghĩa vụ. Về quy định này luật La Mã cho phép chỉ định người thừa kế được hưởng thừa kế theo điều kiện phát sinh nếu những điều kiện đó xảy ra. Trong trường hợp này thừa kế chưa được mở vào thời điểm người lập di chúc chết mà được mở khi điều kiện xảy ra. Pháp luật không cho phép người lập di chúc với các điều kiện đình chỉ trong trường hợp này coi như không có điều kiện đó. Ví dụ, di chúc chỉ định người thừa kế được hưởng dụng tài sản suốt đời, nếu vi phạm nghĩa vụ chăm sóc phần mộ của người lập di chúc thì không được hưởng lợi ích từ di sản.
70
- Di chúc không được viết tắt hoặc viết bằng kí hiệu; nếu di chúc gồm nhiều trang thì mỗi trang phải được đánh số thứ tự và có chữ kí hoặc điểm chỉ của người lập di chúc.
Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng
Đối với di chúc bằng văn bản không có người làm chứng, theo quy định tại Điều 633 BLDS 2015, di chúc phải được viết tay, có chữ kí của người lập và phải đảm bảo đầy đủ các nội dung theo quy định tại Điều 631 BLDS 2015.
Di chúc bằng văn bản có người làm chứng
Di chúc bằng văn bản có người làm chứng được quy định như sau: trong trường hợp người lập di chúc không thể tự mình viết bản di chúc có thể nhờ người khác viết, nhưng phải có ít nhất hai người làm chứng. Người lập di chúc phải kí tên hoặc điểm chỉ vào bản di chúc trước mặt người làm chứng; những người làm chứng xác nhận chữ kí, điểm chỉ của người lập di chúc và kí vào bản di chúc. Việc công chứng chứng thực di chúc là quyền của người lập di chúc. Theo quy định về việc di chúc có công chứng, chứng thực tại Điều 657 BLDS 2005 có ghi: “Người lập di chúc có thể yêu cầu công chứng hoặc chứng thực bản di chúc”. Trong BLDS 2015 quy định về di chúc bằng văn bản có người làm chứng đã có sự bổ sung so với quy định trong BLDS 2005. Trong BLDS 2015, trong trường hợp người lập di chúc không tự mình viết