(Sinh năm 709 - mất năm 785)
_ "Lời là tâm của tiếng, chữ viết là tâm của hội hoạ" (ngôn vi tâm thanh, thư vi tâm hoạ). Nghệ thuật thư pháp (nghệ thuật viết chữ Hán đẹp) của Trung Quốc là bảo vật của văn hoá dân tộc. Điểm đặc biệt đột xuất đặc trưng của nó là thông qua nghệ thuật sáng tạo cuả thư gia (người viết chữ), nó chuyền hoá thành "bài ca của người và tự nhiên, của tình tự và cảm thụ, của cấu kết nội tâm và vũ trụ bên ngoài (bao quát xã hội), của trật tự kết cấu trực tiếp đấu tranh, điều tiết, giúp đỡ nhau tấu lên khúc ca "sinh mệnh vĩ đại". Danh thần đời Đường Nhan Chân Khanh là một thư pháp gia có tài năng chuyền hoá như thế.
_ Nhan Chân Khanh, tên tự Thanh Thần, là người đất Kinh Triệu (nay thuộc Thiểm Tây), ông sinh ra trong một gia đình sĩ đại phu phong kiến có truyền thống nghệ thuật thư pháp gia nhiều đời tinh thông văn học. Ông tổ năm đời của ông là Nhan Chi Thôi, một nhân vật trứ danh đời Bắc Tề, đã trứ thuật sách Nhan thị gia huấn, trong ấy có luật thụât liên quan đến thư pháp. Cha ông là Nhan Duy Trinh giữ chức quốc tử tế tửu (tương đương hiệu trưởng viện đại học ngày nay), quản lí giáo dục cao cấp trong toàn quốc cũng nổi tiếng giỏi thư pháp. Thời thiếu niên, Nhan Chân Khanh đã đọc nhiều sách vở, tinh thông từ chương, đối với thư pháp ông đã sớm có bãn lãnh nhất định.
_ Chủ yếu cuộc đời Nhan Chân Khanh sống giữa đời thịnh Đường và trung Đường. Trong phogn trào lớn đổi mới văn hoá thời ấy, ông trải qua vài chục năm nghiên cứu và thực hành thư pháp "Tiếp nạp phép tắc cổ vào ý mới, sinh ra phép tắc mới ngoài ý cổ". Kế thừa truyền thống của Vương Hi Chi, học tập ưu điểm của bốn đại thư pháp gia đời Đường, hấp thụ sự dinh dưỡng của thư pháp dân gian, thu thập sở truờng của các nơi, ông sáng tạo ra thư pháp hình thể, tức cái gọi là Nhan thể. Nhan thể về chất tố đoan chính, hùng hồn xương kính, đặc trưng bút pháp là "đuôi tằm đuôi yến" (đây là những khái niệm về cách viết chữ Hán, không thể dịch thành nghĩa đen), tức khởi đầu bút pháp tròn trịa trơn nhuận như đầu con tằm, bút kéo tới cuối cùng nhẹ nhấc lên để nét bút nhọn như đuôi con chim én. Bút lực như vậy giống như xuyên thấu qua tờ giấy. Nhan thể dùng mực với những nét nhẹ khác nhau khiến mỗi chữ đều có độ dầy như được chạm nổi lên. Năm 63 tuổi và năm 72 tuổi, ông viết hai bài Đại tự ma cô nữ cô tiên đàn ký và Nhan Duy Trinh gia miếu bi đủ làm điển hình cho thư pháp họ Nhan. Hai bài ấy, chữ viết đại biểu cho phong cách độc sáng của Nhan thể, về mặt nghệ thuật đã đạt tới sự hoàn chỉnh cao độ.
_ Nghệ thuật thư pháp ưu tú thể hiện một cách không tách rời với tinh thần nhân cách của thư pháp gia. Luận về phép viết chữ, Trung Quốc cực lực tán dương "Thư, nghĩa là Như, như cái học ấy, như cái tài ấy, như cái chí ấy, tóm lại là như người ấy". (Thư, như đã. Như kỳ học, như kỳ tài, như kỳ chí, tổng chi viết như kỳ nhân nhi dĩ). Nhan Chân Khanh làm quan rất cương chính, ông dám đối đầu với bọn quyền gian lúc ấy là Dương Quốc Trung, Lô Kỷ, đồng thời về chính trị, ông cương quyết ủng hộ chính sách trung ương tập quyền và thống nhất quốc gia, truớc sau ông dũng liệt đấu trnah với các thế lực phản loạn An Lộc Sơn, Lý Hi Liệt, cuối cùng, ông tuẫn tiết.
_ Năm Thiên Bảo thứ 14 (năm 755), truớc khi An Lộc Sơn nổi loạn, Nhan Chân Khanh làm thái thú Bình Nguyên (nay thuộc Sơn Đông), ông dự liệu nguy cơ nên cho sửa sang thành trì, dồn chứa quân lương, chiêu mộ đinh tráng. Rồi ông viết một bức thư chữ Khải (một trong bốn thứ chữ chủ yếu của Trung Quốc: Chân, Thào (hoặc Khải), Triện, Lệ) Đông Phương Sóc hoạ tán bi với lời lẽ hồn hậu hùng kiện, giữa những hàng chữ đầy khí chất kiên nghị cuơng chính. Điều đó biểu hiện hình tượng hoá của lòng trung quân ái quốc ủng hộ quốc gia thống nhất của ông. Loạn An Lộc Sơn nổi lên, một đứa cháu của ông chết trong lonạ ấy, ông đau thương viết bài Tế điệt Quý Minh văn cảo bằng chữ hành, được đời sau liệt vào Thiên hạ đệ nhị hành thư.
_ Trong khá nhiều thư pháp của Nhan Chân Khanh, đều thể hiện nhân cách cao lớn của ông khiến người xem đến bất giác phải nghiêm trang kính trọng. Hơn ngàn năm nay, chữ viết của Nhan Chân
Khanh được mọi người chiêm ngưỡng. Thể chữ của ông (Nhan thể) có ảnh hưởng lớn tới hậu thế. Sau ông, đời Đường lại có một đại thư pháp gia Liễu Công Quyền, chính nhờ học tập họ Nhan, mà cũng có sáng tạo riêng nên được đời gọi chung là "Nhan Liễu". Phong cách "Nhan cân Liễu cốt" (chữ của Nhan cứng như có gân, chữ của Liễu vững như xương) được đời sau tôn sùng, đó là điểm được sử sách xưng tụng là "đến Nhan và Liễu đời Đường mới tập đại thành bút pháp cổ kim và phát triển ra làm thay đổi lớn, thiên hạ ùa nhau xưm họ như tông sư". Nhan Chân Khanh là nhân vật trong văn hoá sử Trung Quốc đã đem "thư phẩm" kết hợp cao độ với "nhân phẩm" đạt tới mức điển hình, ông có cống hiến lớn với thư pháp nghệ thuật.
ĐỖ PHỦ