7. Bố cục của luận văn
2.2.2.2. Bành trướng, khai thác tài nguyên các nước láng giềng
Bên cạnh việc Nhật Bản từng bước thuyết phục được các nước phương Tây đồng ý sửa đổi những điều khoản bất bình đẳng, chính phủ Minh Trị chủ trương bành trướng thế lực sang cách nước Đông Á, xác lập vị trí cường quốc của mình trong khu vực và trên thế giới. Và khi bắt đầu công cuộc Duy tân, Nhật Bản đã nuôi tham vọng thôn tín Triều Tiên.
Mở cửa Triều Tiên (1875 – 1876)
Sau khi giải quyết xung đột ở Đài Loan, năm 1875 Nhật Bản đưa tàu chiến đến chiếm đảo Kanghwa và buộc triều đình Triều Tiên ký hiệp ước mở cửa. Kết quả, tháng 2 năm 1876, Nhật Bản và Triều Tiên ký hiệp định ngoại giao và thông thương, Triều Tiên phải mở cửa các cảng Busan, Inchon, Wonsan cho Nhật Bản tự do buôn bán. Bên cạnh đó Nhật Bản còn được hưởng những đặc quyền về kinh tế và ngoại giao như: thiết lập sứ quán ở Seoul, có quyền thuế quan, quyền lãnh sự tài phán. Với hiệp ước này Nhật Bản đã chính thức mở cửa Triều Tiên, từng bước biến Triều Tiên lệ thuộc vào mình (Nguyễn Tiến Lực, 2010, trang 117-118).
Chiến tranh Nhật – Thanh (1894 – 1895)
Nguyên nhân dẫn đến chiến tranh Nhật – Thanh là sự xung đột quyền lợi của Nhật và Trung Quốc ở bán đảo Triều Tiên. Nhật là nước mở cửa Triều Tiên nhưng Trung Quốc lại không chấp nhận điều đó, Trung Quốc vẫn coi Triều Tiên là nước “Triều cống” của nhà Thanh.
Tháng 7 năm 1894 Nhật Bản không tuyên bố đã tấn công vào hạm đội nhà Thanh và chiến tranh Nhật – Thanh bùng nổ. Nhờ có sự chuẩn bị tốt, trang bị vũ khí hiện đại đã nhanh chóng đánh bại quân Thanh. Tháng 4 năm 1895, Hiệp ước Nhật – Thanh được ký kết, xác nhận sự thắng lợi to lớn thuộc về Nhật Bản với nội dung như sau:
1. Trung Quốc thừa nhận Triều Tiên là một nước “độc lập”, thực chất là từ bỏ quyền lợi ở Triều Tiên và công nhận quyền lợi của Nhật Bản.
2. Trung Quốc đồng ý cắt nhường đảo Đài Loan, đảo Bành Hồ và bán đảo Liêu Đông (có Lữ Thuận) cho Nhật Bản.
3. Bồi thường chiến tranh cho Nhật Bản khoảng 200 triệu lượng bạc (khoảng 360 triệu yên).
4. Ký hiệp ước thông thương và hiệp ước hàng hải Nhật Bản như các nước phương Tây. Mở các hải cảng như: Sa Thị, Trùng Khánh, Tô Châu, Hàng Châu để tàu bè Nhật Bản được đi lại tự do buôn bán trên sông Dương Tử.
5. Nhật Bản được hưởng quyền tối huệ quốc.
Như vậy, chiến tranh Nhật – Thanh có thể nói là cuộc thử sức giữa nỗ lực cận đại hóa giữa hai nước, đặc biệt về phương diện quân sự. Nhật Bản được công nhận là một cường quốc ở châu Á đối với các nước phương Tây do đó quyền lợi của Nhật Bản trên trường quốc tế không còn thua thiệt với các nước phương Tây và được tôn trọng hơn.
Fukuzawa Yukichi (福澤諭吉,1835 – 1901) là một trong những người từ lâu chủ trương cần phân thắng bại với Trung Quốc để phương Tây khỏi “lẫn lộn” Nhật Bản là “một nước bình thường ở châu Á” dễ bị Tây phương lấn áp như Trung Quốc. Ông gọi chiến tranh Nhật – Thanh là cuộc chiến tranh giữa “văn minh” và “dã man” và ủng hộ 10 ngàn yên (một số tiền lớn vào lúc đó) vào ngân quỹ chiến tranh (Vĩnh Sính, 2014, trang 187).