7. Bố cục của luận văn
3.2.2.2. Ngành công nghiệp dệt bông hiện đại
Đầu thời Minh Trị, Nhật Bản đã nhập khẩu một lượng lớn sợi bông để làm nguyên liệu đầu vào cho sản xuất vải bông trong nước. Chính phủ coi việc thay thế nhập khẩu sợi bông là một mục tiêu quan trọng. Các nhà máy kiểu mẫu về kéo sợi bông được thành lập vào những năm 1870, nhưng lại không thành công về mặt thương mại. Lý do của sự thất bại bao gồm: (1) thiếu vốn; (2) công suất nhỏ chỉ 2.000 cọc sợi; (3) sử dụng năng lượng nước bị hạn chế bởi địa điểm và thời gian hoạt động; và (4) thiếu chuyên môn.
Bước ngoặc đến khi Công ty kéo sợi Osaka tư nhân (Osaka Boseki Kaisha) được thành lập vào năm 1883 bởi sáng kiến mạnh mẽ của Shibusawa Eiichi (渋沢 栄一,1840-1931). Lo lắng về việc nhập khẩu sợi bông tăng, Shibusawa quyết định thành lập một công ty kéo sợi mới có thể khắc phục những khiếm khuyết của các doanh nghiệp nhà nước. Ông huy động một số vốn khá lớn là 25 vạn yên, sau đó liên kết với Yamanobe Takeo (山辺丈夫,1851-1921) (sau này Yamanobe được gọi là “cha đẻ của ngành dệt Nhật Bản”) để lập nên công ty kéo sợi Osaka. Sự hợp tác giữa Shibusawa và Yamanobe được xem là sự kết hợp giữa kỹ thuật và tiền vốn, nếu không có sự kết hợp này thì sự nghiệp cách mạng công nghiệp có lẽ không giành được thắng lợi tốt đẹp. Đặc biệt, Công ty kéo sợi Osaka đã đưa ra những điểm đổi mới sau:
Công ty được đăng ký bởi các thương gia lớn và các Daimyo trước đây, những người đã được đích thân Shibusawa thuyết phục đầu tư.
Về vốn lưu động và các khoản vay từ Ngân hàng do Shibusawa làm chủ tịch. Công suất đủ lớn 10.500 cọc sợi để tận hưởng lợi thế về quy mô.
Sử dụng động cơ hơi nước cho phép hoạt động 24 giờ.
Nằm trong khu đô thị, thuận lợi cho việc tuyển dụng lao động. Yamanobe Takeo được thuê làm kỹ sư trưởng.
Sử dụng bông nhập khẩu giá rẻ của Trung Quốc. Sử dụng máy móc tiên tiến hơn.
Kinh nghiệm của Công ty kéo sợi Osaka là khả năng cạnh tranh phụ thuộc rất nhiều vào việc lựa chọn công nghệ thích hợp, bao gồm quy mô, địa điểm và phương thức hoạt động. Ngoài ra, nếu chỉ mua máy móc đắt tiền sẽ không đạt được hiệu quả mà nhờ vào sự kết hợp của khả năng lãnh đạo quản lý mạnh mẽ (Shibusawa) và kiến thức thực tế sâu sắc (Yamanobe) là công cụ. Sự thành công của công ty kéo sợi Osaka đã có một hiệu ứng minh chứng mạnh mẽ. Ngay sau đó, một số nhà máy kéo
sợi theo mô hình của công ty kéo sợi Osaka được thành lập. Lớn nhất trong số đó là các công ty kéo sợi của Hirano, Amagasaki, Settsu và Kanegafuchi (sau này được đổi tên thành Kanebo). Các nhà máy kéo sợi bông quy mô lớn này tập trung ở khu vực Kansai, miền Tây Nhật Bản. Ban đầu, sản phẩm của các công ty này (tức là sợi sản xuất từ bông) được bán cho các thợ dệt truyền thống trong nước và góp phần thúc đẩy nhập khẩu. Sau đó, sản phẩm của họ cũng được xuất khẩu, cũng như được sử dụng nội bộ để dệt vải bông trong các nhà máy này.
Như vậy, sự thay đổi mạnh mẽ xảy ra khi ngành công nghiệp bông sợi đã thành công trong việc thay thế nhập khẩu. Ban đầu, thành phẩm (quần áo) được nhập khẩu sau đó, nhập khẩu chuyển sang đầu vào trung gian (sợi bông) và sau cùng là nguyên liệu thô (bông thô). Trong biểu đồ 3.3, chúng ta có thể thấy sự phát triển của ngành bông sợi là một chu kỳ sản phẩm rõ ràng của ngành này chuyển từ nhập khẩu sang sản xuất trong nước và cuối cùng là xuất khẩu. Sản xuất trong nước cũng chuyển từ kéo sợi sang dệt cũng như từ sản phẩm chất lượng thấp đến chất lượng cao. Lúc đầu, Anh là nước xuất khẩu máy móc và thành phẩm dệt chính sang Nhật Bản, nhưng theo thời gian Nhật Bản đã tăng cường khả năng cạnh tranh một cách hiệu quả trước các sản phẩm dệt của Anh và đẩy chúng ra khỏi thị trường châu Á.
Biểu đồ23.3: Sự phát triển của ngành dệt bông
Đơn vị tính: Triệu bảng Anh
Vào đầu Minh Trị, mô hình thương mại của Nhật Bản là một mô hình “dọc” điển hình của một nước đang phát triển. Xuất khẩu tơ lụa, vải bông và các mặt hàng chính khác sang châu Âu và châu Mỹ; nhập khẩu hàng dệt may thành phẩm và máy móc từ họ. Đến cuối Minh Trị, Nhật Bản đã phát triển thành một mô hình thương mại phức tạp hơn, so với các nước trong khu vực châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc và Ấn Độ, thì Nhật Bản bắt đầu xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp nhẹ như sợi bông, quần áo bông, diêm, ô, đồng hồ, đèn, sản phẩm thủy tinh, hàng dệt kim,... và nhập khẩu nguyên liệu cần thiết để sản xuất chúng, đặc biệt là bông thô sợi ngắn của Ấn Độ.
Để khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân bỏ vốn ra kinh doanh chính phủ đã bãi bỏ thuế xuất khẩu sợi bông vào năm 1894 và thuế nhập khẩu bông vào năm 1896. Để thiết lập vị thế độc quyền trong nhập khẩu bông Ấn Độ, các công ty dệt may Nhật Bản đã thành lập một tập đoàn và chỉ sử dụng công ty vận tải bưu chính Nhật bản và công ty Menka Shosha làm nhà vận chuyển và phân phối bông Ấn Độ duy nhất đến Nhật Bản. Điều này đảm bảo nguồn cung bông ổn định với giá thấp cho các công ty dệt may Nhật Bản.
Sơ đồ3.2: Cơ cấu thương mại vào đầu và cuối thời Minh Trị
Sau khi các nhà máy xe sợi quy mô lớn được thiết lập, việc xe sợi bằng tay dần mất đi thay thế bằng máy móc hiện đại thì Nhật Bản đã thành công không chỉ trong việc nâng cao năng suất sản xuất mà còn đáp ứng nhu cầu trong nước, thủ tiêu việc nhập khẩu. Không những thế, năm 1891 Nhật Bản bắt đầu xuất khẩu sang Trung Quốc và tiếp đó vào năm 1897 lần đầu tiên lượng xuất khẩu đã vượt nhập khẩu. Vào cuối thời kỳ này, ngành công nghiệp bông sợi đã được thiết lập vững chắc như là một ngành công nghiệp xuất khẩu.
Từ năm 1887 đến 1900 là thời gian đồng hóa những công nghệ hiện đại mới được áp dụng. Số lượng nhà máy hiện đại tăng từ 21 nhà máy năm 1887 lên 79 nhà máy năm 1900. Vào năm 1886, tổng số vốn lưu chuyển của sản phẩm sợi là 11,9 triệu yên; cho đến năm 1897 con số này đã tăng lên 14 lần, lên đến 176 triệu yên. Tỷ phần nhập khẩu trong tổng cầu là khoảng 62% năm 1886. Như vậy việc thay thế nhập khẩu đã hoàn thành vào năm 1902. Trong khoảng thời gian này, đồng thời sợi xuất khẩu bắt đầu diễn ra và mở rộng nhanh chóng. Vào năm 1897 kim ngạch sợi xuất khẩu sang Hàn Quốc và miền nam Trung Quốc là 41,2 triệu yên đã vượt nhập khẩu là 12,6 triệu yên. Thời điểm chuyển giao thế kỷ là dấu mốc của ngành bông sợi.
Cải tiến phương pháp truyền thống bằng công nghệ mới. Sản xuất trong nước được thúc đẩy bởi công nghệ xe sợi bằng bàn đạp, đây là một phiên bản cải tiến của phương pháp truyền thống, dần dần nó lan rộng ra khắp cả nước bởi chỉ cần đầu tư ít vốn, tận dụng nguồn thủy điện sẵn có ở các guồng nước và ứng dụng được lợi thế so sánh của việc sử dụng bông nội địa. Chính nhờ những yếu tố này mà sản xuất truyền thống có thể thành công trong việc thu hoạch trái vụ cho các nông hộ và cùng tồn tại với các nhà máy sản xuất với công nghệ hiện đại được nhập từ nước ngoài. Tuy nhiên vào khoảng giữa thập niên 1890, các nhà máy sử dụng công nghệ hiện đại có phần chiếm ưu thế hơn vì tính ưu việt về chất lượng, mức độ đồng bộ, sức mạnh và giá cả của sản xuất hiện đại. Từ khoảng cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, sản xuất cơ giới hóa trong ngành quay tơ bắt đầu chiếm thế chủ đạo. Đây chính là điểm kết hợp giữa yếu tố truyền thống và hiện đại khi tiến hành CNH ở Nhật
Bản, là công nghệ truyền thống và hiện đại song song cùng tồn tại, nhưng công nghệ hiện đại vẫn chiếm ưu thế hơn.
Từ năm 1885 – 1890 là giai đoạn áp dụng công nghệ dệt máy, sản xuất vải bông của các xí nghiệp và sợi bông đã bắt đầu vào khoảng năm 1896. Nhờ sự phát triển có tính cạnh tranh của cả công nghệ truyền thống lẫn công nghệ cơ giới hóa mới. Đối với các nhà sản xuất vải bông nhỏ, khung cửi dệt tay truyền thống, một số bộ phận đơn giản của nước ngoài có tính hấp dẫn hơn khung dệt máy bởi việc cơ giới hóa cần có một lượng vốn đầu tư lớn. Một số bộ phận của khung dệt tay cải tiến được thợ mộc làm ra nhờ đó mà giá thành không đắt và sản xuất truyền thống có cải tiến đã được mở rộng. Sau đó, nhiều cải tiến hơn đã cho ra đời máy dệt bàn đạp, được sử dụng rộng rãi trong quá trình chuyển đổi từ cách tổ chức giao thương buôn bán truyền thống sang hiện đại và đến năm 1900 phát triển có tính cạnh tranh vẫn tiếp tục chiếm ưu thế ngày càng tăng của máy dệt hiện đại (xem thêm hoạt động của ngành sợi bông giai đoạn 1896 – 1937 ở Phụ lục 9).
Việc tồn tại song song của máy dệt và khung dệt tay là kết quả của hai nhân tố có quan hệ tương hỗ với nhau là giá máy nhập khẩu giữ ở mức cao và sự phổ biến của khung dệt đơn giản có cải tiến. Khung dệt tay có cải tiến đã dùng gỗ thay thế cho một số bộ phận chính bằng thép khiến chúng càng rẻ hơn. Sản xuất bằng khung dệt tay vẫn tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của ngành sản xuất bông dệt vải, đây là một kiểu lai ghép, kết hợp những yếu tố truyền thống và hiện đại trong việc đưa vào áp dụng công nghệ nước ngoài. Mặc dù độ chính xác và độ bền không bằng các bộ phận bằng thép nhập khẩu nhưng khung dệt tay phù hợp hơn với sản xuất địa phương và việc thâm dụng lao động rẻ. Bông xuất khẩu đã tăng nhanh với mức bình quân hàng năm là 38,4% và dựa trên sự mở rộng sản xuất với tốc độ trung bình hàng năm là 8%. Công nghiệp bông sợi đã phát triển bền vững và duy trì vị trí thống trị của nó trong việc mở rộng xuất khẩu. Năm 1910, lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu vượt nhập khẩu, và chính sách thay thế nhập khẩu trong ngành công nghiệp bông sợi hoàn thành vào năm 1919 (Kazushi Ohkawa & Hirohisa Kohama, 2004, trang 91-95).