Khuyến khích tư nhân bỏ vốn kinh doanh

Một phần của tài liệu Công nghiệp hóa ở nhật bản thời minh trị (Trang 56 - 62)

7. Bố cục của luận văn

2.2.2.3. Khuyến khích tư nhân bỏ vốn kinh doanh

Khuyến khích, động viên các sĩ tộc đầu tư vào hoạt động thương mại, nên chính phủ đã chi tới 9 triệu yên cho việc đào tạo quản lý và kinh doanh cho các sĩ tộc.

Trong chính sách tài chính của Matsukata Masayoshi (松方正義, 1835 – 1924) đưa ra, để nhằm khuyến khích tư nhân kinh doanh ông đã đưa ra giải pháp là bán các xí nghiệp quốc doanh cho các tư nhân với giá thấp, trừ các xí nghiệp thuộc ngành công nghiệp chiến tranh, thông tin liên lạc và dịch vụ công cộng. Nhưng những người mua được phải là công chức từng gắn bó chặt chẽ với chính phủ, những người có năng lực kinh doanh và trung thành với sự nghiệp HĐH đất nước.

Từ năm 1884 đến năm 1896, chính phủ Nhật Bản đã bán 3 xí nghiệp sản xuất và 23 xí nghiệp khai khoáng cho các hãng buôn lớn như Mitsui, Mitsubishi và Furukawa. Kết quả của những chính sách này là nền tài chính và tiền tệ của Nhật

Bản được phục hồi nhanh chóng. Biện pháp tư nhân hóa các ngành công nghiệp không những góp phần to lớn vào sự nghiệp CNH đất nước mà còn giúp chính phủ thu được lợi nhuận đáng kể từ việc thu thuế. Đây là một bước ngoặc trong nền kinh tế Nhật Bản, từ nguồn thu tập trung vào thuế nông nghiệp sang thuế từ các doanh nghiệp làm chủ yếu, giúp Nhật Bản chuyển sang thời kỳ đẩy nhanh tiến trình CNH và đạt được những kết quả to lớn (Nguyễn Tiến Lực, 2010, trang 111).

Những thành quả mà chính phủ thu được từ việc bán các xí nghiệp nhà nước cho tư nhân là trong vòng một thập kỷ hầu hết các ngành công nghiệp được bán đã có thể có lãi ngang với những ngành kinh tế khác. Đồng thời, nguồn tài chính của chính phủ đã ổn định nhờ các khoản thuế mới cao, lượng tiền giấy lưu thông đã giảm được khoảng ¼, lãi suất giảm, dự trữ tiền tệ tăng và tiền giấy đã khôi phục được giá trị của nó vào năm 1886. Do đó thu nhập thực tế từ thuế đất cũng được khôi phục, nền kinh tế nói chung đã được phục hồi và phát triển còn nhanh hơn trước. Như vậy từ đầu năm 1880 bằng việc bán các xí nghiệp nhà nước cho tư nhân, Nhà nước đã tự mình rời bỏ quyền can dự trực tiếp vào nền kinh tế. Nhà máy, xí nghiệp bây giờ là của tư nhân, họ có quyền quyết định sản xuất gì với số lượng bao nhiêu theo cung cầu của thị trường và lỗ lãi, hơn là do mệnh lệnh của Nhà nước. Mặc dù vậy, Nhà nước vẫn tác động đến nền kinh tế bằng nhiều biện pháp khác nhau một cách gián tiếp bằng những cách thức sau:

(1) Nhà nước tiếp tục đảm bảo sự ổn định chính trị, xã hội và luật pháp để tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế.

(2) Sử dụng các đòn bẩy kinh tế như miễn giảm thuế, cấp tín dụng và cho vay với lãi suất thấp, bảo hộ và trợ cấp cho các ngành, các xí nghiệp được ưu tiên phát triển.

(3) Nhà nước thông qua các đơn đặt hàng của chính phủ, các hội công thương nghiệp, các tập đoàn zaibatsu (財閥, tài phiệt) gắn bó với chính phủ và hệ thống ngân hàng để định hướng sự phát triển của giới kinh doanh tư nhân.

(4) Nhà nước tiếp tục đầu tư và thành lập các xí nghiệp nhà nước ở những nơi xét thấy cần thiết, nơi mà tư nhân chưa muốn đầu tư.

Bằng chính sách điều chỉnh mới như thế, chính phủ Minh Trị đã huy động được đáng kể nguồn lực đầu tư cho đất nước vào quá trình CNH. Đồng thời để khắc phục nguồn vốn hạn chế của mỗi cá nhân, nhằm tập trung những nguồn vốn lớn tạo ra những xí nghiệp hiện đại quy mô lớn, chính phủ cũng đã khuyến khích thành lập các công ty cổ phần. Kết quả là đến năm 1885, đã có 1.279 công ty có số vốn lên tới 50 triệu yên. Những sĩ tộc có công lao to lớn trong sự nghiệp chấn hưng công thương phải kể đến là 2 nhân vật tiêu biểu là: Shibusawa Eiichi và Iwasaki Yataro.

Shibusawa Eiichi (渋沢栄一, 1840 – 1931) – Cha đẻ của Triết lý kinh doanh Nhật Bản

Nhờ các chính sách khuyến khích tư nhân bỏ vốn kinh doanh của chính phủ mà những thương nhân, doanh nhân Nhật Bản tăng lên nhanh chóng. Trong đó nhà tư bản lỗi lạc bậc nhất thời Minh Trị, người đại diện cho nền kinh tế tập đoàn phải kể đến là Shibusawa Eiichi.

Điều kiện hình thành phẩm chất của một doanh nhân tài năng của Nhật Bản

Ông sinh ra trong một gia đình phú nông ở tỉnh Saitama, từ nhỏ ông được học văn, học võ, học kinh doanh buôn bán, được giao lưu với các chí sĩ trên khắp mọi miền đất nước. Với tố chất thông minh nên ông lĩnh hội được kiến thức rất nhanh. Cùng với những gì được nhìn thấy tận mắt khi sang châu Âu, có 2 lĩnh vực mà ông dành sự quan tâm đặc biệt hơn cả là việc thành lập công ty và hoạt động của hệ thống ngân hàng. Hơn nữa, chứng kiến đất nước đứng trước nguy cơ bị mất nước do phương Tây xâm chiếm, thì trong ông càng trỗi lên tinh thần yêu nước mãnh liệt

Hình 2.2: Shibusawa Eiichi (渋沢栄一)(1840 – 1931)

Nguồn:

https://www.ndl.go.jp/portrait/datas/104. html

trong một doanh nhân hào kiệt. Đó là những điều kiện để tích lũy vốn kiến thức và kinh nghiệm hình thành nên những phẩm chất kinh doanh của ông.

Nhà khởi nghiệp vĩ đại

Năm 1868, sau khi chính quyền Minh Trị lật đổ được Mạc phủ, lúc này ông đang ở Pháp. Ông được triệu tập về Shizuoka làm việc, ông về phụ trách vấn đề tài chính của huyện Sunpu. Lúc này ông vay tiền để lập ra Phòng Thương mại Shizuoka – đây là một loại hình ông ty cổ phần đầu tiên ở Nhật Bản. Điều này được xem như là bước khởi đầu để sau này ông liên tục lập ra những công ty cổ phần trên khắp các ngành nghề khác nhau thúc đẩy kinh tế Nhật Bản phát triển, tạo đà đẩy mạnh cho sự thành công của sự nghiệp CNH đất nước.

Năm 1869, ông lên Tokyo làm việc tại Ủy ban cải cách của Bộ Tài chính. Công lao lớn nhất của ông khi làm việc cho chính phủ là góp phần soạn thảo và ban hành quy định về đơn vị đo lường thống nhất và đặc biệt là Điều lệnh thành lập Ngân hàng Quốc lập (đây là ngân hàng tư nhân không phải ngân hàng Nhà nước; được Nhà nước cho đặc quyền phát hành tiền tệ, vốn huy động từ tư nhân và không được ngân sách Nhà nước bảo lãnh) với mục đích là thiết lập hệ thống lưu thông tiền tệ đồng thời loại bỏ những tiền giấy phi hối đoái đã phát hành từ trước. Đây là một điểm thể hiện sự ứng biến linh hoạt của tinh thần Nhật Bản, ngân hàng Quốc lập vừa là sự tiếp nhận cách thức thành lập và vận hành theo kiểu phương Tây, vừa phù hợp với điều kiện lịch sử Nhật Bản.

Sau 3 năm làm việc ở Bộ Tài chính, ông đã giúp đỡ chính phủ rất nhiều trong việc tiến hành các cải cách liên quan đến tài chính, tiền tệ và công nghiệp. Ông xin nghỉ việc công và ra ngoài hoạt động với tư cách là một nhà doanh nghiệp tư nhân. Khi biết ông từ chức để ra làm thương nghiệp, một người bạn của ông đã viết thư mắng ông hám tiền nên “từ bỏ chức quan cao quý trong triều đình để đi theo bọn con buôn”. Ông viết thư trả lời “Công thương nghiệp là nền tảng của quốc gia. Chọn những kẻ tầm thường làm quan chức triều đình thì cũng chẳng sao. Nhưng doanh

nhân phải là bậc hiền tài. Nếu lực lượng doanh nhân là những bậc hiền tài thì sẽ bảo vệ được sự phồn thịnh của quốc gia” (Lam Điền, 2019).

Có thể nói Shibusawa là cha đẻ của triết lý kinh doanh Nhật Bản. Triết lý đó chính là mối quan hệ giữa đạo đức và kinh doanh. Trong suốt cuộc đời của mình ông đã thành lập, chỉ đạo thành lập, góp vốn thành lập hơn 500 công ty trong hầu hết các lĩnh vực tài chính ngân hàng, giao thông vận tải, công thương nghiệp, công nghiệp quốc phòng với các ngành nghề trải dài từ ngân hàng tư nhân đến đường sắt, vận tải đường biển, xí nghiệp chế tạo, công ty mậu dịch, công ty dệt,... chính những công ty này đã thúc đẩy các ngành liên quan phát triển và tạo nên nguồn tư bản khá lớn cho quá trình đi lên CNH thời Minh Trị.

Iwasaki Yataro (岩崎弥太郎,1835 – 1885) – Cha đẻ của Tập đoàn Mitsubishi

Iwasaki Yataro là một lãnh chúa phong kiến và doanh nhân Tosa, ông đã có những đóng góp cho sự nghiệp CNH Nhật Bản thời Minh Trị với tư cách là một doanh nhân, một nhà tư bản với sự hỗ trợ của chính phủ dành cho tầng lớp võ sĩ sau khi bị mất đi quá nhiều đặc quyền trong cuộc giải phóng xã hội “Tứ dân bình đẳng” trong ngành vận tải đường biển. Ông là người sáng lập (tổng giám đốc đầu tiên) của Mitsubishi Zaibatsu, đặt nền móng cho Tập đoàn Mitsubishi hiện tại.

Năm 1869, công ty vận tải đường biển Mitsubishi do Iwasaki Yarato sáng lập đã đi

vào hoạt động góp phần to lớn cho chiến thắng của quân đội chính phủ trong chiến tranh Tây Nam. Trong cuộc nổi dậy Satsuma năm 1877, Mitsubishi đã điều 38 tàu của công ty vào vận tải quân sự để đáp lại sự tuyển mộ của chính phủ, vận chuyển thuận lợi 70.000 quân chính phủ, đạn dược và lương thực. Sau cuộc trấn áp,

Hình 2.3: Iwasaki Yataro (岩崎弥太郎) (1835 – 1885)

Nguồn:

https://www.ndl.go.jp/portrait/datas/237 .html

Mitsubishi được trao một con dấu vàng và một cúp bạc, và trong tổng chi phí chiến tranh là 41,56 triệu yên, tổng thu nhập từ hoạt động tàu của Mitsubishi là 2,99 triệu yên và thu nhập ròng là 930.000 yên (vượt quá ngân sách hàng năm của Thành phố Tokyo), một thu nhập rất lớn. Sau khi trả 1,2 triệu yên cho 30 tàu được cung cấp miễn phí, Mitsubishi đã mua thêm tàu để sở hữu 61 tàu, chiếm 73% tổng số tàu hơi nước của Nhật Bản.

Năm 1878, Toshimichi Okubo bị ám sát do sự thay đổi ở Kioisaka, và năm 1881, Shigenobu Okuma bị lật đổ do thay đổi chính trị, và Iwasaki mất đi một người ủng hộ mạnh mẽ. Kaoru Inoue và Yajiro Shinagawa, những người xung đột với Okuma, đã tăng cường chỉ trích Mitsubishi là công ty độc quyền vận chuyển và bành trướng như một doanh nhân chính trị.

Năm 1880, ông mua lại cổ phần của tàu buồm kiểu Tokyo và mua lại cổ phần của Sở Giao dịch Chứng khoán Tokyo. Năm 1881, ông mua mỏ than Takashima để hỗ trợ Shojiro Goto và những người đang mắc nợ, đồng thời có được nhà máy đóng tàu và máy móc Nagasaki. Vào tháng 7 năm 1882, các tập đoàn chống Mitsubishi như Shibusawa Eiichi, Takashi Masuda của Mitsui Zaibatsu, và Kihachiro Okura của Okura Zaibatsu đã cùng nhau đầu tư để thành lập một công ty vận tải chung, đặt tên là công ty vận tải cộng đồng (Kyodo Unyu) bắt đầu vận chuyển hàng hóa giữa Tokyo và Osaka để chống lại công ty Mitsubishi của Iwasaki. Cuộc chiến giữa Mitsubishi và Kyodo Unyu về ngành vận tải biển tiếp tục kéo dài hai năm, khiến giá cước vận tải giảm xuống còn 1/10 so với trước khi cuộc cạnh tranh bắt đầu.

Năm 1885, Iwasaki qua đời vì bệnh ung thư dạ dày ở tuổi 50. Sau cái chết của Iwasaki, nhờ vào sự can thiệp của chính phủ mà hai công ty Mitsubishi Shokai hợp nhất với Kyodo Unyu Kaisha, và trở thành công ty tàu bưu chính Nhật Bản (日本郵 船株式会社 - Nippon Yusen Kabushiki Kaisha, còn có cách gọi khác là Japan Mail Shipping Line, NYK Line) với số tiền vốn 11 triệu yên. Công ty hợp nhất có một đội tàu gồm 58 tàu hơi nước và mở rộng hoạt động nhanh chóng, đầu tiên là

đến các cảng châu Á khác và sau đó là trên toàn thế giới, với tuyến đến Luân Đôn được khánh thành vào năm 1899.

Việc khuyến khích tư nhân bỏ vốn kinh doanh là biện pháp tư nhân hóa các ngành công nghiệp không những góp phần to lớn vào sự nghiệp CNH đất nước mà còn giúp chính phủ thu được lợi nhuận đáng kể từ việc thu thuế. Đây là một bước ngoặc trong nền kinh tế Nhật Bản, từ nguồn thu tập trung vào thuế nông nghiệp sang thuế từ các doanh nghiệp làm chủ yếu, giúp Nhật Bản chuyển sang thời kỳ đẩy nhanh tiến trình CNH và đạt được những kết quả to lớn.

Một phần của tài liệu Công nghiệp hóa ở nhật bản thời minh trị (Trang 56 - 62)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(160 trang)