Khái niệm cộng đồng và quản lý dựa vào cộng đồng

Một phần của tài liệu (Luận án tiến sĩ) Quản lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị dựa vào cộng đồng nghiên cứu điển hình ở Thành phố Hà Nội (Trang 38 - 39)

3. Mục tiêu nghiên cứu

1.2.1. Khái niệm cộng đồng và quản lý dựa vào cộng đồng

1.2.1.1. Khái niệm cộng đồng

"Cộng đồng" là một khái niệm được sử dụng nhiều trong các lĩnh vực liên quan đến chính sách xã hội và phát triển cộng đồng. Giống như nhiều thuật ngữ khác, hiện vẫn chưa có sự đồng thuận giữa các học giả về khái niệm cộng đồng. Một số nhà nghiên cứu định nghĩa cộng đồng thông qua việc xem xét các mối quan hệ trong đó. Chaskin (1997) cho rằng "cộng đồng là sự kết nối giữa những có cùng niềm tin, hoàn cảnh, ưu tiên, mối quan hệ hoặc mối quan tâm chia sẻ". Một số học giả khác coi "cộng đồng là những người ở trong một ranh giới địa lý hoặc nhóm người có cùng sở thích, mục đích, hoặc giá trị" (Falk & Harrison, 1998). Chaskin (1997) lập luận: "cộng đồng là một nhóm người trong xã hội có các mối liên kết, như: liên kết xã hội (thân nhân, tình bạn và mạng lưới người quen); liên kết chức năng (tiêu dùng và chuyển giao hàng hoá và dịch vụ); liên kết văn hoá (tôn giáo, truyền thống, hoặc sắc tộc". Như vậy, dù là cộng đồng địa lý hay cộng đồng các mối quan tâm thì các học giả đều thừa nhận trong cộng đồng tồn tại một mối liên kết để tạo ra cơ hội nhận diện nhóm và tạo ra cơ hội cho các hoạt động tập thể.

Bray (1996) định nghĩa cộng đồng là "một nhóm người sống trong một khu vực địa lý cụ thể (xã, thôn, huyện,) cùng có một vài giá trị chung, cùng đối diện những thách thức chung mặc dù họ có thể khác nhau về nền tảng, kinh nghiệm và kỹ năng".

Anschutz, J., (1996) định nghĩa "cộng đồng bao gồm những người sống cùng nhau trong một số hình thức tổ chức xã hội và sự gắn kết. Mặc dù có sự khác nhau về đặc điểm chính trị, kinh tế, xã hội và văn hoá, nhưng các thành viên trong cộng đồng cùng có khả năng tiếp cận, sử dụng và mối quan tâm tới dịch vụ môi trường".

Điểm chung của các tác giảđều cho rằng: cộng đồng là "một tập hợp công dân cư trú trong một khu vực địa lý nhất định, hợp tác với nhau vì những lợi ích chung, cùng chia sẻ trách nhiệm trong việc giải quyết những vấn đề liên quan đến cuộc sống và sự phát triển của cộng đồng".Định nghĩa này về cộng đồng phù hợp để tác giả áp dụng vào bối cảnh QLCTRSHĐT dựa vào cộng đồng bởi lẽ dân cư ởđây được phân bố theo đơn vị hành chính (phường, xã), có ranh giới địa lý rõ ràng, có những lợi ích chung về bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, đảm bảo sự hài hòa, cân đối từ góc độ kinh tế, xã hội, môi trường, thể chế/ quản lý.

1.2.1.2. Khái niệm quản lý dựa vào cộng đồng

Hiện nay, khái niệm Quản lý dựa vào cộng đồng (QLDVCĐ) được nhiều tác giả và tổ chức đưa ra với những quan điểm khác nhau tùy thuộc vào đối tượng quản lý.

Trong lĩnh vực tài nguyên, theo Christie, P. (1997), QLDVCĐ là "quá trình khuyến khích người sử dụng tài nguyên và các thành viên trong cộng đồng tham gia quản lý một cách chủ động và chịu trách nhiệm về tài nguyên". Cách tiếp cận này dựa trên giả định rằng: nếu được giao trách nhiệm, thì những người sử dụng tài nguyên ởđịa phương sẽ quản lý nguồn lực của họ theo cách bền vững và thực thi các quy tắc hướng về cộng đồng.

Trong lĩnh vực môi trường, Douglass và các cộng sự (1994) định nghĩa:

"QLDVCĐ là những hành động thực thi của hộ gia đình để cải thiện điều kiện môi trường và các nỗ lực tập thể của họ nhằm tăng khả năng tiếp cận các nguồn lực và giảm thiểu rủi ro về sức khỏe". Định nghĩa này nhấn mạnh nhiều đến mục tiêu cải thiện môi trường địa phương và sử dụng các dịch vụ môi trường cơ bản của thành phố

Mặc dù có nhiều định nghĩa khác nhau, song có thể khái quát QLDVCĐ là hình thức quản lý có sự tham gia trực tiếp của cộng đồng và được hưởng lợi từ việc tham gia quản lý đó (Phạm Phương Nam, 2015).

Như vậy, cộng đồng là trọng tâm trong quản lý, bắt đầu tham gia từ lên kế hoạch thực hiện, triển khai thực hiện, nhật xét, đánh giá sau khi kết thúc thực hiện. QLDVCĐ là hình thức quản lý từ dưới lên (bottom-up) và được thực hiện theo nhu cầu, nguyện vọng của chính cộng đồng.

Một phần của tài liệu (Luận án tiến sĩ) Quản lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị dựa vào cộng đồng nghiên cứu điển hình ở Thành phố Hà Nội (Trang 38 - 39)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(200 trang)