Quan điểm về nghèo nói chung

Một phần của tài liệu (Luận án tiến sĩ) Tác động của lao động qua đào tạo nghề đến giảm nghèo đa chiều ở vùng Tây Bắc (Trang 37 - 40)

2.2.1.1. Quan điểm về nghèo trên thế giới

Có rất nhiều quan niệm, khái niệm về nghèo. Theo Waltts (1968), nghèo được hiểu là thiếu khả năng thỏa mãn đối với các loại hàng hóa thông thường; còn theo Sen (1987) nghèo là thiếu khả năng hoạt động và kém phát triển, nghèo đói là vấn đề đa chiều.

Tại Hội nghị bàn về đói nghèo ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương do ESCAP tổ chức tại Băng Cốc - Thái Lan tháng 9/1993 đã đưa ra khái niệm về đói

nghèo như sau: “Đói nghèo là tình trạng một bộ phận dân cư không được hưởng và thoả mãn nhu cầu cơ bản của con người đã được xã hội thừa nhận, tuỳ theo trình độ phát triển kinh tế - xã hội và phong tục tập quán của từng địa phương”.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh thế giới về Phát triển xã hội ở Copenhaghen, Đan Mạch năm 1995 đã đưa ra khái niệm về người nghèo như sau: “Người nghèo là tất cả những ai có thu nhập thấp hơn dưới 1 USD mỗi ngày cho mỗi người, số tiền được coi như đủ mua những sản phẩm thiết yếu để tồn tại”.

Về vấn đề này Ngân hàng Thế giới (WB 2000) đã đưa ra khái niệm về đói nghèo như sau: "Đói nghèo là sự thiếu hụt về mặt phúc lợi", trong đó phúc lợi có thể được đo bằng việc sở hữu của cá nhân về thu nhập, sức khoẻ, dinh dưỡng, giáo dục, tài sản, nhà ở và các quyền nhất định trong xã hội như quyền tự do ngôn luận. Đói nghèo còn là sự thiếu hụt các cơ hội, thiếu quyền lực và nhiều khả năng dễ bị tổn thương.

Từ những khái niệm trên, Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) đã tách riêng hai khái niệm đó là khái niệm đói và khái niệm nghèo:

- Khái niệm đói: “Đói là tình trạng một bộ phận dân cư có mức sống dưới mức tối thiểu và thu nhập không đủ đảm bảo cho nhu cầu về vật chất để duy trì cuộc sống. Đó là những hộ dân cư hàng năm thiếu ăn, thường vay nợ cộng đồng và thiếu khả năng chi trả”. - Khái niệm nghèo: “Nghèo là tình trạng một bộ phận dân cư không có khả năng thoả mãn nhu cầu cơ bản, tối thiểu của cuộc sống và có mức sống thấp hơn mức sống trung bình của cộng đồng xét trên mọi phương diện”.

Nghèo cũng có thể xem xét đơn chiều, như thu nhập, chi tiêu hay đa chiều. Theo Ngân hàng Thế giới (2000), nghèo đa chiều là nghèo được xem xét đồng thời thông qua nhiều khía cạnh không chỉ là thu nhập bao gồm các khía cạnh liên quan đến dinh dưỡng, sức khoẻ, giáo dục, khả năng dễ bị tổn thương, không có quyền phát ngôn và không có quyền lực; khả năng để đáp ứng các tiêu chuẩn đầy đủ các phúc lợi, về mức độ an ninh kinh tế, xã hội và con người, quyền dân sự và chính trị; sức khoẻ, giáo dục và thu nhập ở cấp hộ gia đình (UNCP, 2010); giáo dục, dinh dưỡng, y tế, nhà ở, nước và vệ sinh, lao động trẻ em, giải trí, tham gia và bảo trợ xã hội (UNICEF, 2009).

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra khái niệm về nghèo theo thu nhập là: “Nghèo diễn tả sự thiếu cơ hội để có thể sống một cuộc sống tương ứng với các tiêu chuẩn tối thiểu nhất định”. Thước đo các tiêu chuẩn tối thiểu đế xác định nghèo thay đổi tuỳ theo từng vùng, từng địa phƣơng và theo các giai đoạn thời gian. Có thể được

hiểu một người là nghèo khi thu nhập hàng tháng của họ thấp hơn một nửa thu nhập bình quân theo người trên tháng của mỗi quốc gia. Tuy nhiên các tiêu chí và chuẩn mực đánh giá, phân loại sự nghèo đói còn phụ thuộc và từng vùng, từng điều kiện lịch sử nhất định.

Trên góc độ khác Liên hợp Quốc đã đưa ra hai khái niệm về nghèo đó là nghèo tuyệt đối và nghèo tương đối như sau:

- Nghèo tuyệt đối: là tình trạng một bộ phận dân cư không được hưởng những nhu cầu cơ bản tối thiểu. Nhu cầu cơ bản tối thiểu cho cuộc sống là những đảm bảo ở mức tối thiểu về ăn, mặc, ở, giao tiếp xã hội, vệ sinh, y tế và giáo dục. Ngoài những nhu cầu cơ bản trên, cũng có ý kiến cho rằng nhu cầu tối thiểu bao gồm quyền được tham gia vào các quyết định của cộng đồng.

- Nghèo tương đối: là tình trạng một bộ phận dân cư có mức sống dưới mức trung bình của cộng đồng và ở một thời kỳ nhất định. Nghèo tương đối phát triển theo không gian và thời gian nhất định tuỳ thuộc vào mức sống chung của xã hội. Như vậy, nghèo tương đối gắn liền với sự chênh lệch về mức sống của một bộ phận dân cư so với mức sống trung bình của địa phương ở một thời kỳ nhất định.

Từ những đánh giá trên, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng việc xoá dần nghèo tuyệt đối là công việc có thể làm, còn nghèo tương đối là hiện tượng thường có trong xã hội và vấn đề cần quan tâm là rút ngắn khoảng cách chênh lệch giàu nghèo và hạn chế sự phân hoá giàu nghèo.

Thực tế cho thấy có sự không thống nhất về quan điểm, khái niệm và đối với từng quốc gia khác nhau sẽ có chuẩn mực đánh giá khác nhau. Vì thế, trên cơ sở thống nhất chung về mặt định tính, cần phải xác định thước đo mức nghèo đói của mỗi quốc gia, mỗi vùng, mỗi địa phương.

2.2.1.2. Quan điểm về nghèo tại Việt Nam

Nhìn chung, khái niệm về đói nghèo ở Việt Nam tương đồng với những khái niệm về đói nghèo được thừa nhận rộng rãi trên thế giới. Hiện nay, Việt Nam đã thừa nhận khái niệm chung về đói nghèo do Hội nghị chống đói nghèo khu vực Châu Á - Thái Bình Dương do ESCAP tổ chức tại Băng Cốc, Thái Lan tháng 9/1993: “Nghèo là tình trạng một bộ phận dân cư không được hưởng và thoả mãn các nhu cầu cơ bản của con người mà những nhu cầu này đã được xã hội thừa nhận tuỳ theo trình độ phát triển kinh tế - xã hội và phong tục tập quán của địa phương”.

Giáo trình Kinh tế Nguồn nhân lực, tác giả Trần Xuân Cầu (2013) cho biết nghèo là tình trạng một bộ phận dân cư chỉ có thể thoả mãn một phần nhu cầu tối thiểu cơ bản của cuộc sống và mức sống thấp hơn mức sống trung bình của cộng đồng.

Trong nhiều tài liệu, cụm từ “nghèo khổ“ hay “nghèo đói” cũng hay được sử dụng với nghĩa là nghèo. Mặc dù “đói“ là tình trạng không đủ nhu cầu về lương thực và thực phẩm hay còn gọi là "thiếu đói" hay là tình trạng một bộ phận dân cư có mức sống tối thiểu và thu nhập không đủ đảm bảo nhu cầu vật chất để duy trì cuộc sống; hay là tình trạng một người được cung cấp mức tiêu dùng năng lượng thấp hơn mức tối thiểu (Trần Xuân Cầu, 2013).

Nghèo có thể được xem xét với nghĩa là nghèo tuyệt đối hay tương đối. Theo Trần Xuân Cầu (2013) thì nghèo tuyệt đối là tình trạng một bộ phận dân cư không có khả năng thỏa mãn những nhu cầu cơ bản rất tối thiểu để duy trì cuộc sống như ăn, mặc, ở, nước sạch, vệ sinh môi trường và chăm sóc y tế, giáo dục, đi lại. Còn nghèo tương đối, hay nghèo so sánh là sự nghèo khổ thể hiện sự bất bình đẳng trong quan hệ phân phối của cải xã hội giữa các nhóm xã hội, các tầng lớp dân cư và vùng địa lý.

Như vậy, đói nghèo ở Việt Nam không chỉ được nhìn nhận ở phương diện thiếu thốn những nhu cầu vật chất tối thiểu như ăn mặc, giáo dục, y tế mà ở cả phương diện thiếu những cơ hội tạo thu nhập, dễ bị tổn thương, ít có khả năng tham gia vào việc ra các quyết định liên quan đến bản thân.

Luận án sử dụng khái niệm nghèo của tác giả Trần Xuân Cầu và Mai Quốc Chánh (2008) với quan điểm: “Nghèo là tình trạng một bộ phận dân cư chỉ có thể thoả mãn một phần nhu cầu tối thiểu cơ bản của cuộc sống và mức sống thấp hơn mức sống trung bình của cộng đồng xét trên mọi phương diện” làm khái niệm cơ sở của luận án. Trong khái niệm này vừa phản ánh nghèo tuyết đối: “chỉ có thể thoả mãn một phần nhu cầu tối thiểu cơ bản của cuộc sống”, vừa phản ánh nghèo tương đối: “mức sống thấp hơn mức sống trung bình của cộng đồng”.

Một phần của tài liệu (Luận án tiến sĩ) Tác động của lao động qua đào tạo nghề đến giảm nghèo đa chiều ở vùng Tây Bắc (Trang 37 - 40)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(179 trang)