Đặc điểm lực lượng lao động vùng Tây Bắc

Một phần của tài liệu (Luận án tiến sĩ) Tác động của lao động qua đào tạo nghề đến giảm nghèo đa chiều ở vùng Tây Bắc (Trang 58 - 64)

3.1.2.1. Đặc điểm lực lượng lao động theo khu vực

Lực lượng lao động là những người từ 15 tuổi trở lên có việc làm. Có thể nói lực lượng lao động vùng Tây Bắc trong giai đoạn 2014-2018 thay đổi không nhiều qua các năm trong đó tập trung chủ yếu ở khu vực nông thôn, số lao động ở nông thôn thường chiếm trên 82% tổng số lao động của toàn vùng và có xu hướng tăng qua các năm. Trong vòng 5 năm từ 2014 đến 2018, đã có thêm 105.942 người tham gia vào lực lượng lao động của vùng trong đó số lao động ở khu vực thành thị chỉ tăng thêm 34.658 người, còn lại là ở khu vực nông thôn. Qua đây có thể thấy, với hơn 3 triệu người trong lực lượng lao động hàng năm nhưng lại tập trung chủ yếu ở nông thôn, làm những công việc giản đơn, không cần nhiều đến chuyên môn kỹ thuật là một trong những nguyên nhân dẫn đến kinh tế vùng Tây Bắc trong những năm qua còn rất nhiều khó khăn. Bởi trong giai đoạn nền kinh tế phát triển như vũ bão, cách mạng công nghiệp 4.0 đang ngày càng len lỏi vào đời sống của người dân, nếu chỉ dựa vào nông nghiệp, nông thôn, không đưa khoa học kỹ thuật vào đời sống thì cuộc sống của người dân sẽ rất khó được cải thiện nếu như không muốn nói sẽ là nguyên nhân dẫn đến đói nghèo. Chính vì vậy, cần lắm những chính sách dạy nghề, đào tạo nghề hướng tới lực lượng lao động ở nông thôn để người dân nông thôn tiếp cận được những công nghệ hiện đại, học được nhiều ngành, nghề bổ ích để không chỉ áp dụng trong nông nghiệp, mà còn có thể mở rộng sang các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ

Bảng 3.1: Lực lượng lao động vùng Tây Bắc theo khu vực giai đoạn 2014-2018

Đơn vị tính: Người

Năm Thành thị Nông thôn Tổng

2014 549.936 2.594.662 3.144.598 2015 557.337 2.570.142 3.127.479 2016 577.228 2.693.567 3.270.795 2017 583.825 2.701.176 3.285.001 2018 584.594 2.665.946 3.250.540

Nguồn: Tính toán từ điều tra lao động việc làm của TCTK

3.1.2.2. Đặc điểm lực lượng lao động theo giới tính

Không có sự khác biệt quá lớn trong lực lượng lao động theo giới tính ở vùng Tây Bắc giai đoạn 2014-2018 tuy nhiên có thể thấy rằng thường thì số lượng lao động nữ lớn hơn lao động nam, trong đó năm 2017 lao động nữ lớn hơn lao động nam khoảng 80.453 người, nhưng đến năm 2018 sự chênh lệch giữa lao động nữ và lao động nam chỉ còn khoảng 21.795 người. Cùng với sự tăng lên của lực lượng lao động của toàn vùng thì số lượng lao động nam và nữ đều tăng lên, nhưng qua 5 năm thì số lượng lao động nam tham gia vào lực lượng lao động cao hơn lao động nữ cụ thể có thêm 71.185 lao động nam trong khi đó số lượng lao động nữ chỉ tăng thêm 34.755 người. Có thể thấy rằng, lực lượng lao động của vùng tập trung chủ yếu ở nông thôn, những công việc này phù hợp với lao động nữ nhiều hơn vì vậy số lượng lao động nữ nhiều hơn lao động nam là điều tất yếu. Với việc không mất cân đối về giới tính trong lực lượng lao động của vùng như hiện nay sẽ là yếu tố để triển khai các hoạt động đào tạo nghề được tiến hành một cách thuận lợi, rộng rãi.

Đơn vị tính: Người

Hình 3.1: Lực lượng lao động vùng Tây Bắc theo giới tính giai đoạn 2012-2018

Nguồn: Tính toán từ điều tra lao động việc làm của TCTK

3.1.2.3. Đặc điểm lực lượng lao động theo nhóm tuổi

Lực lượng lao động của vùng Tây Bắc giai đoạn 2014-2018 chủ yếu là lao động trẻ, dưới 35 tuổi chiếm tới 50% tổng số lao động của cả vùng. Đây là lực lượng đầy tiềm năng, thuộc độ tuổi vàng trong cơ cấu lao động giúp phát triển kinh tế của cả vùng. Một lực lượng chiếm tỷ lệ không nhỏ đó là lao động trung niên từ 35 đến 54 tuổi, tỷ lệ trong tổng số lao động của cả vùng của đối tượng này dao động từ 35% đến 40%. Lực lượng này tuy không phải là lực lượng lao động trẻ nhưng lại là những người có kinh nghiệm, được tích lũy rất nhiều kiến thức thực tế do đó họ có thể kết hợp giữa kiến thức học được từ đào tạo nghề với kỹ năng vốn có để không chỉ làm nghề mà còn tư vấn cho những lao động trẻ làm việc tốt hơn trong công việc. Những lao động trên 55 tuổi chiếm tỷ lệ không nhiều khoảng 15% đến 20% tổng số lực lượng lao động, tuy vậy đây là những người lao động mặc dù đã tới tuổi nghỉ hưu nhưng họ vẫn còn sức lao động. Nếu chính sách đào tạo nghề hướng tới đối tượng này, dạy cho họ những nghề phù hợp với sức khỏe và độ tuổi sẽ là một cách làm tốt để vẫn phát huy được sức lao động của họ, giúp người lao động ổn định được thu nhập của chính mình, tránh lệ thuộc vào con cái và không trở thành gánh nặng cho xã hội.

Đơn vị tính: Người

Hình 3.2: Lực lượng lao động vùng Tây Bắc theo nhóm tuổi giai đoạn 2014-2018

Nguồn: Tính toán từ điều tra lao động việc làm của TCTK

3.1.2.4. Đặc điểm lực lượng lao động theo trình độ chuyên môn kỹ thuật

Lực lượng lao động của vùng Tây Bắc tuy lớn nhưng trình độ của lao động lại không cao, đa số lao động của vùng là những lao động không có trình độ chuyên môn (chiếm khoảng trên 83% tổng số lao động của cả vùng). Đây là một trong những cản trở rất lớn trong việc phát triển kinh tế chung của cả vùng. Tỷ lệ người lao động học sơ cấp nghề và cao đẳng nghề cũng rất ít. Số lượng người lao động học trung cấp nghề có xu hướng giảm trong giai đoạn 2014-2018 nhưng người lao động tham gia học đại học lại tăng lên 59.093 người trong vòng 5 năm. Phải chăng đang có sự dịch chuyển lao động từ trình độ thấp lên trình độ đào tạo cao hơn, tuy vậy số lượng lao động có trình độ đại học cũng vẫn chiếm tỷ lệ rất thấp, đến năm 2018 cũng mới chỉ chiếm khoảng 6% trong lực lượng lao động của toàn vùng. Với một vùng với nền kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng lại có một lực lượng lao động đông đảo như vùng Tây Bắc cần có tập trung hơn nữa vào đào tạo nghề cho người lao động. Số lượng người không có trình độ chuyên môn kỹ thuật chiếm tới trên 80% như hiện nay, việc đào tạo nghề tập trung ở trình độ trung cấp nghề là hợp lý, sau đó từng bước chuyển đổi dần sang các trình độ cao hơn để nâng cao tay nghề cũng như trình độ người lao động trong tương lai.

Đơn vị tính: Người

Hình 3.3: Lực lượng lao động vùng Tây Bắc theo trình độ chuyên môn kỹ thuật giai đoạn 2014-2018

Nguồn: Tính toán từ điều tra lao động việc làm của TCTK

3.1.2.5. Đặc điểm lực lượng lao động theo tình trạng việc làm

Nếu chia lực lượng lao động vùng Tây Bắc giai đoạn 2014-2018 theo tình trạng việc làm thì có thể thấy lao động ở đây hầu hết có việc làm, chỉ khoảng 1% số người ở độ tuổi lao động thất nghiệp. Cùng với sự phát triển của lực lượng lao động thì số lao động có việc làm cũng như số lao động thất nghiệp cũng tăng lên trong giai đoạn nghiên cứu cụ thể trong vòng 5 năm số người thất nghiệp tăng 3.430 người và số người có việc làm tăng gần 122.000 người. Như đã phân tích ở trên, lao động ở vùng này chủ yếu ở nông thôn, lại không có chuyên môn kỹ thuật vì thế mặc dù được xét vào những người có việc làm nhưng những công việc này chủ yếu xuất phát từ nông nghiệp, không đòi hỏi kỹ năng kỹ xảo vì thế thu nhập lại không cao, không tương xứng tiềm năng sẵn có của cả vùng. Đó là lý do mà khu vực này tuy số người thất nghiệp không nhiều nhưng kinh tế lại kém phát triển, mức sống của người dân không cao, thu nhập không ổn định phụ thuộc nhiều thời tiết, đất đai, thổ nhưỡng của vùng. Vì thế, để cải thiện tình trạng việc làm hiện nay, cần có sự chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang các ngành công nghiệp, dịch vụ đòi hỏi trình độ chuyên

môn nhằm nâng cao thu nhập cho người lao động, đáp ứng nhu cầu lao động chất lượng cao của nền kinh tế.

Bảng 3.2: Tình trạng việc làm vùng Tây Bắc giai đoạn 2014-2018

Đơn vị tính: Người

Năm Thất nghiệp Có việc làm Tổng cộng

2014 10.534 2.782.892 2.793.426 2015 26.617 2.697.820 2.724.438 2016 22.074 2.851.223 2.873.297 2017 13.327 2.884.513 2.897.840 2018 13.964 2.904.667 2.918.630 Tổng cộng 112.290 19.490.199 19.602.489

Nguồn: Tính toán từ điều tra lao động việc làm của TCTK

Để hiểu rõ hơn về tình trạng việc làm của những lao động thuộc khu vực này, luận án tiếp tục đi phân tích sâu hơn về công việc của những người được coi là có việc làm ở đây. Một điểm sáng trong cơ cấu lao động của vùng Tây Bắc trong giai đoạn nghiên cứu là số lao động có việc làm được trả lương tăng tới đáng kể với hơn 195.415 lao động, trong khi đó số lao động có việc làm nhưng không hưởng lương có lại có xu hướng giảm khoảng hơn 73.000 người. Có thể thấy rằng nhưng lao động có việc làm nhưng không được hưởng lương đang dần tìm cách chuyển sang đi làm được hưởng lương với mong muốn được có thêm thu nhập.

Trong số những người lao động có việc làm thì chủ yếu là những lao động làm việc nhưng lại không được trả lương (chiếm tới 80%) tức là họ sản xuất, canh tác và có được thu nhập trên mảnh đất của chính mình theo kiểu tự cung tự cấp. Hình thức sản xuất này chỉ phù hợp trong nền kinh tế tập trung, bao cấp ngày xưa, còn trong nền kinh tế thị trường hiện nay người lao động cần chuyển mình sang hình thức sản xuất chuyên môn hóa, cần áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất lao động, cải thiện quy trình sản xuất, tiếp cận với quá trình sản xuất quy mô lớn từ đó mới có thể cải thiện thu nhập, từng bước nâng cao mức sống và dần thoát khỏi đói nghèo. Để làm được điều này không còn cách nào khác là người lao động phải được đào tạo, được học nghề, được trải nghiệm kỹ năng nghề qua thực tiễn cuộc sống để không chỉ tích lũy kinh nghiệm lao động mà còn có cơ hội để tiếp thu những tinh hoa, công nghệ mới của thế giới.

Đơn vị tính: Người

Hình 3.4: Tình trạng việc làm vùng Tây Bắc theo hình thức trả lương giai đoạn 2014-2018

Nguồn: Tính toán từ điều tra lao động việc làm của TCTK

Một phần của tài liệu (Luận án tiến sĩ) Tác động của lao động qua đào tạo nghề đến giảm nghèo đa chiều ở vùng Tây Bắc (Trang 58 - 64)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(179 trang)