nghèo đa chiều
2.3.1. Cơ sở lý thuyết tác động của lao động qua đào tạo nghề đến giảm nghèo đa chiều đa chiều
Trước kia, các nhà kinh tế thường quan tâm đến ba yếu tố quan trọng nhất trong sản xuất: đất đai, nhân công và vốn. Vào những năm 1960, người ta bắt đầu quan tâm hơn đến trình độ giáo dục của công nhân. Thuật ngữ “vốn con người” xuất hiện từ đó. Nó được định nghĩa như là một tổ hợp tất cả những khả năng bẩm sinh và những kỹ năng, kỹ xảo tích luỹ được thông qua việc học. Tuy nhiên, trong kinh doanh nó được hiểu hẹp hơn: chỉ bao gồm những kỹ năng, kỹ xảo có liên quan trực tiếp đến sự thành công của doanh nghiệp. Hiểu theo nghĩa hẹp này, có thể nói nguồn vốn con người bị đánh đồng với khả năng nhận thức hình thành chủ yếu từ giáo dục chính quy (formal training); vì thế, nó trở thành một định nghĩa không đầy đủ. OECD (2001) định nghĩa nguồn vốn con người là “kiến thức, kỹ năng, năng lực và những thuộc tính tiềm tàng trong mỗi cá nhân, góp phần tạo nên sự thịnh vượng kinh tế, xã hội và của bản thân người ấy”. Theo đó, định nghĩa này ngầm bao hàm sức khoẻ của con người vì nếu không có nó thì các cá nhân không thể sống khỏe mạnh để cống hiến với những phẩm chất mà họ có. Nếu chúng ta xem xét định nghĩa này theo quan điểm học tập suốt đời, nguồn vốn con người luôn nằm dưới một tiến trình biến đổi không ngừng từ lúc sinh ra đến lúc cá nhân đó mất đi. Vì con người luôn thay đổi và làm mới chính mình (thậm chí chính họ cũng không thể nhận thấy điều đó), kiến thức tiềm tàng trong họ cũng thay đổi theo. Kiến thức, kỹ năng, và năng lực được kết tinh từ giáo dục dưới nhiều hình thức: học chính quy ở trường hoặc các khoá học vừa học vừa làm, không chính quy ở nơi làm việc hoặc chỉ đơn giản là thông qua các hoạt động thường ngày, thậm chí chỉ thông qua việc suy ngẫm những điều vừa xảy ra để rút ra kinh nghiệm cho những lần tới. Những kiến thức đó có thể là tổng quát hoặc cụ thể cho một hoạt động, có thể tiềm ẩn không thấy được trong hoạt động sản xuất nhưng cũng có thể biểu hiện rất cụ thể rõ ràng.
Cũng cần hiểu rằng, cùng được truyền thụ kiến thức như nhau, thời gian thực tập như nhau, nhưng vốn con người của hai cá nhân là hoàn toàn không giống nhau, một phần do khả năng nhận thức như đã nói ở trên. Nguồn vốn con người chịu sự chi phối của thời gian và sự thao tác của mỗi cá nhân. Vì trong sản xuất, mỗi cá nhân sẽ phải chịu trách nhiệm cho một khâu cụ thể nào đó, nên những kỹ năng và kiến thức tương ứng với nó sẽ luôn được củng cố và phát triển, ngược lại sẽ bị hao mòn dần theo thời gian. Hơn nữa, con người phát triển đến một lúc nào đó sẽ già đi, mặc dù có rất nhiều kinh nghiệm, nhưng khả năng thao tác sẽ giảm hiệu quả; nói cách khác có năng
lực nhưng không thể biểu hiện hoàn toàn. Nói tóm lại, sẽ không chính xác nếu chúng ta xem nguồn vốn con người như một vật thể đồng nhất và bất biến vì nó luôn được “nâng cấp” hoặc “phân huỷ” tuỳ thuộc vào hoạt động học tập của mỗi cá nhân.
OECD (2001) cho rằng những kỹ năng và phẩm chất sau đây là hết sức quan trọng trong việc phát triển nguồn nhân lực: Khả năng giao tiếp bao gồm khả năng đọc, viết, nghe, nói không chỉ bằng tiếng mẹ đẻ mà bao gồm cả ngoại ngữ; Khả năng số học, hay là những kỹ năng đòi hỏi tính logic của toán học; Khả năng tự thấu hiểu, điều chỉnh chính bản thân mình như sự kiên trì, sự tiên phong, khả năng tự học, tự điều tiết bản thân, khả năng đánh giá sự việc dựa trên những chuẩn mực đạo đức nhất định và mục tiêu sống của chính cá nhân người đó; Khả năng thấu hiểu người khác bao gồm khả năng làm việc theo nhóm và khả năng lãnh đạo; Các phẩm chất khác bao gồm kiến thức tiềm ẩn, khả năng giải quyết vấn đề, khả năng làm việc chân tay, thao tác tốt đối với các thiết bị công nghệ thông tin
Như đã đề cập bên trên, vốn con người được hình thành suốt quãng đời của một con người; vì thế, đo lường vốn con người chỉ mang giá trị tạm thời tại thời điểm đo lường. Với các nhà kinh tế học, để làm điều này họ mượn cấp độ giáo dục như thời gian một cá nhân theo đuổi việc học, hoặc phần trăm số người có bằng cấp trên giáo dục phổ thông làm công cụ đo dù họ hiểu rằng công cụ đó không thật hoàn hảo (OECD, 2007).
2.3.1.1. Lý thuyết về vốn con người và tăng trưởng kinh tế
Có ba yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến năng suất. Đó là vốn vật chất (physical capital), vốn con người (human capital), và tiến bộ công nghệ (technological progress). -Vốn vật chất là những tài nguyên do con người tạo ra như máy móc, nhà xưởng, để phục vụ sản xuất.
- Vốn con người là những kiến thức và kỹ năng của lực lượng lao động do giáo dục, đào tạo và học hỏi mang lại.
- Tiến bộ công nghệ là những phương tiện kỹ thuật hỗ trợ cho quá trình sản xuất hàng hóa và dịch vụ, bao gồm các phát minh sáng chế sản phẩm mới, cho đến những đổi mới, phát kiến trong quá trình sản xuất.
Trong một số mô hình tăng trưởng kinh tế phổ biến, thường sử dụng hàm số tổng sản lượng dạng Cobb Douglas Y = AKaLb trong đó K là vốn, L là lao động, A = TFP là yếu tố thể hiện năng suất, hiệu quả của việc sử dụng K và L, do vậy nếu dùng quá nhiều vốn (K) có nghĩa là nền kinh tế dựa phần lớn vào yếu tố vốn vật chất để tăng
trưởng, hàm ý là năng suất biên của vốn thấp, và do vậy sự tăng trưởng không thể bền vững, còn yếu tố L có thể chỉ là lao động giản đơn như trong các mô hình cổ điển, đến lao động có kỹ thuật, có tri thức, hàm chứa công nghệ như trong các mô hình tân cổ điển, mô hình tăng trưởng nội sinh.
Mô hình của Mankiw và cộng sự (1992) Y = KaHb(AL)1-a-b (với H là vốn con người), có hàm chứa nhân tố vốn con người (human capital), yếu tố A = TFP là do các cải tiến của nguồn vốn con người tác động trên công việc, quản lý, thể hiện yếu tố hiệu suất để duy trì tăng trưởng kinh tế dài hạn. Cách tính như vậy cho ta biết mức độ đóng góp của vốn và lao động đối với tăng trưởng. Phần còn lại của tăng trưởng được gọi là đóng góp của TFP. Suy luận cho rằng lao động không thể tăng quá nhiều theo thời gian, và vốn có năng suất biên giảm dần hàm ý rằng phần đóng góp quan trọng nhất cho tăng trưởng phải đến từ công nghệ, hay TFP đo lường từ hệ số A. Theo cách hiểu rộng, thuật ngữ “tiến bộ kỹ thuật” hay “năng suất nhân tố tổng hợp” bao gồm toàn bộ sự gia tăng sản lượng trong điều kiện các yếu tố đầu vào không thay đổi. Theo cách hiểu hẹp hơn, “tiến bộ kỹ thuật” hay TFP chính là sự gia tăng tính hiệu quả trong sử dụng các yếu tố đầu vào.
Vốn vật chất, lao động, vốn con người và tiến bộ kỹ thuật là bốn nguồn cơ bản của tăng trưởng kinh tế. Các nhà kinh tế học cổ điển nhấn mạnh vốn (được hiểu là tài sản tài chính và vật chất được tích lũy) chính là động cơ hoạt động của cả nền kinh tế. Cũng cần nhắc lại rằng, đây là một tư tưởng mang tính cách mạng trong một thời đại mà đất đai được coi là thứ tài sản lớn nhất. Phải mất tới gần 100 năm, các chính trị gia mới chấp nhận tư tưởng mới mẻ này và từ bỏ lối suy nghĩ rằng đất đai và tài nguyên thiên nhiên là thứ tài sản duy nhất cần tích lũy và cần gây chiến tranh để đạt được (Piazza-Georgi, 2002).
Tuy nhiên, khi mô hình tăng trưởng tân cổ điển của Solow (1956) ra đời, nó đã trở thành chỗ dựa chủ yếu cho mọi nghiên cứu và hạch toán tăng trưởng kinh tế suốt 30 năm sau đó. Theo mô hình này, con người không thể giải thích tăng trưởng kinh tế mà chỉ dựa trên sự gia tăng vốn vật chất và lao động. Yếu tố “số dư” hàm chứa vô vàn nhân tố không xác định, một trong số đó (và có thể là nhân tố quan trọng nhất) là sự nâng cao chất lượng của các yếu tố đầu vào. Ngay từ cách đây hơn 50 năm, Schultz (1961) đã dự báo “đầu tư vào vốn con người có lẽ là lời giải thích cơ bản cho sự chênh lệch” giữa tăng trưởng đầu ra và tăng trưởng các đầu vào vốn vật chất và lao động. (Trần Thọ Đạt, 2007).
Chính nguồn vốn con người dẫn đến năng suất tăng dần theo quy mô, trong đó chính phủ, xã hội dân sự và thị trường cùng cộng tác để thiết lập thể chế, chính sách phát triển nguồn vốn con người, khuyến khích đầu tư nước ngoài trong các ngành công nghiệp tri thức (phần mềm, viễn thông...) duy trì động lực tăng trưởng, vì nếu chỉ dựa vào vốn vật chất sẽ bị rơi vào bẫy tăng trưởng kém. Theo mô hình Tăng trưởng Quốc gia của Michael Porter, có ba giai đoạn tăng trưởng: tăng trưởng dẫn dắt bởi nhân tố, tăng trưởng dẫn dắt bởi hiệu suất và tăng trưởng dẫn dắt bởi đổi mới, vai trò chất lượng của nguồn nhân lực càng quan trọng trong các giai đoạn hai và ba (Nguyễn Văn Dung, 2011)
2.3.1.2. Lý thuyết về vốn con người và thu nhập của người lao động
Khoa học về vốn con người có thể truy ngược từ thế kỷ XVIII khi Adam Smith viết tác phẩm “Nguồn gốc của cải của các quốc gia” (The wealth of the Nation - 1776). Trong lịch sử phát triển kinh tế học, đã có nhiều nhà kinh tế nổi tiếng quan tâm đến vốn con người và vai trò của giáo dục. Adam Smith chú ý tới tầm quan trọng của giáo dục theo hai phương diện: (i) “Giáo dục có thể là một cách thức tốt nhằm chống lại sự khốn cùng do phân công lao động liên tục gây ra”, và (ii) Giáo dục có thể đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra sự hài hòa xã hội. Alfred Marshall lại coi giáo dục là một loại đầu tư quốc gia và ủng hộ giáo dục nhằm cải tiến kỹ thuật. Ông chỉ ra rằng mặc dù giáo dục cơ bản ít mang lại lợi ích trực tiếp đối với tiến bộ kỹ thuật, nhưng nó khiến con người trở nên thông minh hơn, đáng tin cậy hơn trong những công việc thông thường. Karl Marx chia sẻ những quan điểm truyền thống này khi ông viết giáo dục có vai trò chủ chốt trong việc thúc đẩy hòa bình và hài hòa xã hội, cải thiện bản thân và trong quá trình tạo ra của cải ( Cai, 1996).
Tuy nhiên, chính Schultz (1961) mới là một trong những nhà nghiên cứu đầu tiên coi giáo dục như một khoản đầu tư vào con người và nó cũng có tác động như một loại vốn - “vốn con người”. Ông rất chú trọng đến những vấn đề chính sách liên quan đến đầu tư vào vốn con người và cho rằng việc loại bỏ những rào cản đối với đầu tư vào vốn con người sẽ mang lại nhiều lợi ích cho xã hội. Có thể kết luận rằng Schultz là nhà tiên phong và người khởi xướng cho ít nhất hai loại nghiên cứu: một là những phân tích chi phí - lợi ích của giáo dục; và hai là nghiên cứu mối quan hệ giữa tăng trưởng và vốn con người (Cai, 1996).
Lý thuyết về vốn con người cho rằng “tất cả các hành vi của con người đều xuất phát từ những nhu cầu lợi ích kinh tế cho chính các cá nhân hoạt động tự do trong thị trường mang tính cạnh tranh. Các dạng biểu hiện khác đều bị cho là không
thuộc phạm vi hoặc sự biến dạng của lý thuyết này” (Fitzimons, 1999). Nội dung chính của lý thuyết cho rằng các cá nhân tự đầu tư nhằm tích luỹ những kỹ năng và kiến thức (một phần của vốn con người), những cái có thể mang lại lợi ích lâu dài sau đó cho bản thân họ. Sự đầu tư này cũng mang lại lợi ích kinh tế quốc dân và thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế. (Trần Lê Hữu Nghĩa, 2008).
Giáo dục nghề nghiệp, tạo ra “vốn con người cụ thể” (Becker 1964). Giáo dục nghề nghiệp cho lao động là một bước quan trọng trong việc phát triển vốn nhân lực. Vì thông qua đào tạo nghề, người lao động có tay nghề thấp có cơ hội tìm kiếm việc làm mới để nâng cao thu nhập (Nickell, 2004). Đào tạo nghề cho người lao động sẽ tạo ra các cơ hội việc làm mới và cũng đòi hỏi các phương pháp tiếp cận mới đối với các cơ sở đào tạo nghề để đáp ứng nhu cầu về các kỹ năng mới (Cucllari Frederik, 2010) cho rằng: (i) Việc xác định và áp dụng chính sách phát triển lao động qua đào tạo nghề phải phù hợp và bổ sung cho các chính sách kinh tế xã hội khác dựa trên các đối thoại xã hội, đồng thời phản ánh vai trò khác nhau của chính phủ và các đối tác xã hội. (ii) Tạo điều kiện học tập suốt đời và khả năng làm việc là một phần của một loạt các biện pháp chính sách được thiết kế để phát triển kinh tế xã hội một cách bền vững.
Becker (1964) tìm ra nhiều cách thức khác nhau để đầu tư cho vốn con người, nhưng chủ yếu vẫn thông qua giáo dục đào tạo. Ông cũng đưa ra bằng chứng về mối tương quan giữa trình độ học vấn và thu nhập: học vấn càng cao, thu nhập càng tăng. Tuy nhiên, điều này cũng chỉ tương đối vì định lượng trình độ học vấn của một người không chỉ đơn giản là xem bao nhiêu bằng cấp mà người đó có được như đã đề cập ở phần trên. Đầu tư vào vốn con người lại có thể tạo ra sự thịnh vượng cho một quốc gia vì:
Một là, giáo dục mang lại cho mỗi cá nhân ở một trình độ nhất định việc làm và thu nhập (lợi ích cá nhân). Người có học vấn cao có cơ hội tìm được việc làm tốt hơn và ít có nguy cơ thất nghiệp. Nghiên cứu của Krueger và Lindahl (1999) cho thấy nếu trình độ học vấn cao hơn thì thu nhập trung bình một năm tăng từ 5 - 15% . Ví dụ ở New Zealand và Ðan Mạch, những người có bằng cấp đại học thu nhập cao hơn 15% so với những người chỉ tốt nghiệp phổ thông trong suốt quãng đời làm việc của họ. Nghiên cứu của Becker trước đó cũng công bố kết quả tương tự nhưng ông nhấn mạnh thêm giữa những người có cùng trình độ, thu nhập trung bình cũng khác nhau tuỳ thuộc vào giới tính và chủng tộc.
Hai là, vốn con người thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế. Dĩ nhiên, sự tăng trưởng này phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, nhưng nếu chúng ta hiểu đơn giản là sản xuất được
nhiều hàng hoá thì sẽ bán được nhiều, sẽ thu được nhiều lãi thì trong dây chuyền sản xuất, con người là một yếu tố không thể thiếu. Nếu trước kia, sản xuất phụ thuộc vào cơ bắp, người ta không chú trọng đến việc người lao động học giỏi đến mức nào, chỉ cần họ có sức khoẻ là được thì ở giai đoạn công nghiệp hoá, với dây chuyền sản xuất hiện đại, nhân công cần có kiến thức để hiểu việc mình đang làm, để có thể vận hành máy móc, hoặc để khắc phục sự cố nơi công xưởng. Thậm chí trong tương lai, khi tất đều được thay thế bằng robot thì người ta vẫn cần những cái đầu vĩ đại để tạo ra những con robot tốt hơn nhằm tăng gia sản xuất. Nhiều nghiên cứu đã chỉ rõ trong một tổ chức nếu các cá nhân càng có năng lực thì khả năng tạo ra sự cải tiến, sự sáng tạo trong sản xuất càng cao. Vậy rõ ràng, chất lượng nguồn lao động (tức là vốn con người) có yếu tố quyết định đối với sự tăng trưởng kinh tế.
Ba là, vốn con người góp phần tạo nên sự bền vững xã hội. Trở lên trên, liênhệ