Quản lý giáo dục đạo đức

Một phần của tài liệu Quản Lý Hoạt Động Giáo Dục Đạo Đức Cho Học Sinh Ở Các Trường Tiểu Học Huyện Ngọc Hiển Tỉnh Cà Mau (Trang 26 - 29)

8. Bố cục của luận văn

1.2. Các khái niệm chính của đề tài

1.2.5. Quản lý giáo dục đạo đức

Quản lý là sự tác động liên tục, có tổ chức, có định hướng của chủ thể quản lý lên đối tượng quản lý về các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội... thông qua các luật lệ, các chính sách, các quy định theo những nguyên tắc, phương pháp nhằm tạo ra môi trường và điều kiện cho sự vận động của đối tượng theo đúng yêu cầu của chủ thể quản lý, đạt được mục tiêu quản lý đã đề ra.

Mọi người trong xã hội đều hoạt động trong những tổ chức xã hội, những nhóm và cộng đồng. Trong khi đó, mỗi người là một nhân cách độc đáo, không lặp lại. Vì thế, khi cần hướng đến một mục tiêu chung, mong muốn đạt được kết quả

chung thì phải có sự phối hợp thống nhất trong suy nghĩ, trong hành động của tất cả các thành viên trong tổ chức, nhóm hay cộng đồng đó. Đúng như một nhà tư tưởng đã nói: “Một người độc tấu thì tự điều khiển lấy mình, còn một giàn nhạc thì cần phải có nhạc trưởng”.

Có thể khái quát, quản lý là quá trình tác động có tổ chức, có mục đích của chủ thể quản lý lên đối tượng quản lý bằng các phương tiện quản lý làm cho đối tượng quản lý nỗ lực tự giác thực hiện các hành vi và hoạt động theo ý định của nhà quản lý để đạt được các mục tiêu đã đặt ra trong điều kiện hoàn cảnh cụ thể.

Xét về lịch sử thì khoa học quản lý giáo dục xuất hiện sau khoa học quản lý kinh tế. Hiện nay, quản lý giáo dục là bộ phận quan trọng của hệ thống quản lý xã hội. Bằng nhiều cách tiếp cận khác nhau, các nhà khoa học đã đưa ra những cách định nghĩa khác nhau, tương ứng là các quan điểm khác nhau về quản lý giáo dục.

- Tác giả Phạm Minh Hạc khái quát: “Quản lý giáo dục là quản lý trường học, thực hiện đường lối giáo dục của Đảng trong phạm vi trách nhiệm của mình, tức là đưa nhà trường vận hành theo nguyên lý giáo dục để tiến tới mục tiêu giáo dục, mục tiêu đào tạo đối với ngành giáo dục, với thế hệ trẻ và với từng học sinh”. Ở đây, tác giả nhấn mạnh đường lối chính trị mà công tác quản lý phải quán triệt khi tác động vào đối tượng quản lý. Tuy nhiên, cách thức, phương tiện tác động chưa được đề cập. [9]

Một số tác giả khác cũng có những cách định nghĩa riêng. Mỗi cách định nghĩa quản lý giáo dục đều quan tâm làm nổi bật những khía cạnh nhất định liên quan đến mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu của mình. Tuy nhiên, chúng tôi thấy, bản chất của quản lý giáo dục là quá trình tác động có ý thức của chủ thể quản lý và các thành tố khác trong hệ thống quản lý bằng những công cụ, phương tiện nhất định, nhằm làm cho kết quả quá trình giáo dục đạt mục tiêu đã định, phù hợp với đường lối quan điểm của Đảng và nhà nước về giáo dục. Đây là một công việc rất quan trọng trong đào tạo nguồn nhân lực nhằm chuẩn bị cho thế hệ trẻ có đầy đủ kiến thức và kỹ năng, phẩm chất để đảm nhận các chức năng xã hội.

Chủ thể quản lý giáo dục là nhà quản lý, tập thể các nhà quản lý hay bộ máy quản lý giáo dục. Trong trường đó là Hiệu trưởng (cùng với bộ máy giúp việc của Hiệu trưởng) đến tập thể giáo viên, các tổ chức đoàn thể.

Khách thể quản lý giáo dục bao gồm trường học hoặc là hoạt động giáo dục trên một địa bàn (cơ quan quản lý giáo dục các cấp), trong đó có bốn thành tố của một hệ thống xã hội: Tư tưởng (quan điểm đường lối, nguyên lý chính sách chế độ, giáo dục...) con người ( giáo viên, cán bộ công nhân viên và các hoạt động của họ...) quá trình giáo dục ( diễn ra trong không gian và thời gian ), vật chất, tài chính (trang

thiết bị kỹ thuật phục vụ cho giáo dục, ngân sách, ngân quỹ...).

Trong quản lý giáo dục, chủ thể quản lý tác động đến khách thể quản lý một cách có ý thức để đạt được mục tiêu quản lý đã đề ra và chính sự thực hiện thành công mục tiêu quản lý giáo dục lại bảo đảm cho thực hiện được các mục tiêu giáo dục nói chung của nhà trường.

Quản lý hoạt động giáo dục đạo đức là bộ phận của quản lý giáo dục nói chung trong nhà trường hướng vào mục tiêu cụ thể là giáo dục đạo đức cho học sinh. Mục tiêu giáo dục cụ thể này trong mối quan hệ với các mục tiêu quá trình giáo dục bộ phận khác như giáo dục phát triển trí tuệ, giáo dục phát triển thể chất, giáo dục ý thức bảo vệ môi trường, giáo dục đạo đức...

Trong quản lý hoạt động giáo dục đạo đức, việc xây dựng kế hoạch quản lý là phân tích đánh giá tình hình giáo dục đạo đức đang tiến hành trong nhà trường, thấy được vai trò thực tế của từng lực lượng tham gia hoạt động giáo dục đạo đức thực hiện nhiệm vụ theo chức trách của mình thế nào, mối quan hệ, hợp tác phối hợp của các lực lượng với nhau thực hiện hiệu quả các tác động giáo dục; thấy được những điều kiện phương tiện, tài chính, quỹ thời gian bảo đảm... để từ đó đề ra mục tiêu mới về nhận thức và hành vi đạo đức của học sinh cần phải đạt được; kịp thời có những chủ trương và quyết tâm hành động đạt được mục tiêu; xác định những yêu cầu mới đối với các thành phần và lực lượng; những điều kiện, phương tiện và tương ứng để thực hiện mục tiêu.

Về tổ chức thực hiện kế hoạch hoạt động giáo dục đạo đức, nhiệm vụ của quản lý trước hết là, quán triệt rõ mục tiêu giáo dục đạo đức cho các lực lượng giáo dục, cho học sinh, nhằm tạo ra sự thống nhất trong nhận thức; làm cho họ nắm chắc nội dung các biện pháp tiến hành, các điều kiện và thời gian thực hiện, các kết quả phải đạt được qua giáo dục đạo đức cho học sinh. Từ đó bố trí lực lượng, phân công trách nhiệm, giao chỉ tiêu, xác định yêu cầu thực hiện cho từng đối tượng, từng bộ phận theo kế hoạch giáo dục đạo đức cho học sinh đã xác định.

Quá trình chỉ đạo thực hiện kế hoạch giáo dục đạo đức, các quyết định quản lý được ban hành dưới dạng các mệnh lệnh, chỉ thị bằng các văn bản hoặc lời nói yêu cầu các lực lượng, cá nhân thực hiện theo nhiệm vụ, chức trách đã được phân công. Tùy theo phân cấp trách nhiệm, chức trách nhiệm vụ của từng cá nhân và tổ chức, các quyết định quản lý trong quản lý hoạt động giáo dục đạo đức cho học sinh ở các trường trung học phổ thông có thể do Hiệu trưởng, các thầy cô trong Ban giám hiệu ban hành; các yêu cầu, các hướng dẫn chỉ đạo của cán bộ đoàn đội, của thầy cô giáo trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo mệnh lệnh của Hiệu trưởng và Ban Giám hiệu, theo chương trình kế hoạch giáo dục đạo đức đã ban hành.

Công tác kiểm tra, đánh giá và điều chỉnh trong quản lý hoạt động giáo dục đạo đức là xem xét nội dung các hoạt động giáo dục và rèn luyện đạo đức đang thực hiện so với kế hoạch, đối chiếu với chương trình đặt ra có đúng không, sai lệch như thế nào; đánh giá mức độ ảnh hưởng của các sai lệch đến mục tiêu giáo dục đạo đức, ảnh hưởng đến kết quả và chất lượng giáo dục đào tạo nói chung. Những phát hiện này là căn cứ quan trọng để chủ thể quản lý chủ trương, biện pháp điều chỉnh kịp thời về lực lượng, về tổ chức, về biện pháp, phương tiện thực hiện, bảo đảm cho kết quả giáo dục đạo đức đạt được phù hợp với mục tiêu đã đề ra. Đây một chức năng quan trọng của quản lý, đồng thời cũng là một khâu cơ bản của toàn bộ quá trình quản lý đặt ra.

Trên đây là những vấn đề cơ bản trong khái niệm quản lý hoạt động giáo dục đạo đức. Khi xem xét quản lý hoạt động giáo dục đạo đức cho một đối tượng cụ thể, những chủ thể, đối tượng quản lý được xác định; những mục tiêu, cách thức tổ chức tiến hành được cụ thể hóa cho đối tượng đó.

Một phần của tài liệu Quản Lý Hoạt Động Giáo Dục Đạo Đức Cho Học Sinh Ở Các Trường Tiểu Học Huyện Ngọc Hiển Tỉnh Cà Mau (Trang 26 - 29)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(120 trang)