Muốn hoạt động dạy học trong nhà trường có chất lượng, có hiệu quả thì nhà quản lý cần phải nghiên cứu kỹ đặc điểm tâm sinh lí của học sinh trong độ tuổi, trong cấp học, trong đặc thù của địa bàn để có các biện pháp quản lý phù hợp.
Học sinh tại các trường THPT ở huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông là con em của các bậc phụ huynh từ nhiều dân tộc, miền quê, nhiều tỉnh thành về lập nghiệp và sinh sống tại đây. Đặc biệt, trong số đó có các học sinh là người dân tộc thiểu số tại chỗ như: người Mạ, người M’Nông nên có nhiều điểm khác biệt về văn hóa vùng miền, văn hóa truyền thống, quan niệm sống, thói quen, hành vi ứng xử và trình độ nhận thức. So với người Kinh, thì học sinh người Mạ, người M’Nông có trội hơn về sức khỏe, thể lực và kỹ năng lao động tốt hơn; sự phát triển nhân cách của các em đã tương đối ổn định nên sẵn sàng đối diện với cuộc sống tự lập, sẵn
sàng tham gia lao động. Học sinh người Mạ, M’Nông có độ nhạy cảm về thính giác và thị giác cao nên đã giúp các em thuận lợi trong tri giác, dễ phát hiện dấu hiệu đơn lẻ bề ngoài. Vì vậy, tư duy trực quan hình tượng khá tốt. Các em rất hăng hái và nhiệt tình với phong trào hoạt động bề nổi như văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao. Phần lớn các em thường có cuộc sống nội tâm với bề ngoài trầm lặng, kín đáo nhưng lại ẩn chứa bên trong tình cảm chân thành.
Phần đông các em chưa xác định được động cơ và mục đích học tập đúng đắn, chưa có hứng thú trong học tập bởi nhiều lý do như: vì bị mất căn bản từ cấp học dưới, vì bị yếu kiến thức ở một số bộ môn, vì bất đồng ngôn ngữ, vì hoàn cảnh kinh tế gia đình, vì quan niệm truyền thống của dân tộc thiểu số. Đặc biệt, trong tư duy của các em là phần đông chưa có thói quen lao động trí óc, ngại động não, thích sự suy nghĩ giản đơn. Khả năng phân tích, tổng hợp và khái quát hóa còn kém phát triển, các em chỉ nắm được những thuộc tính mang tính chất cảm xúc và nhận thức cảm tính. Từ đó, dẫn tới việc lĩnh hội và nhận thức bản chất khái niệm của các em gặp nhiều khó khăn, sự định hướng tri giác theo nhiệm vụ đặt ra chưa cao, khả năng kết hợp các tri giác khi quan sát chưa phát triển, các em thường có mặc cảm về bản thân nên đã ngại phấn đấu để vươn lên.
Đối với học sinh là người Kinh ở đây cũng có sự khác biệt, do điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế - xã hội của huyện Đắk Glong nên học sinh ở đây đã có nhiều nét tính cách, tâm lý, quan niệm và lối sống rất khác so với học sinh nơi khác. Đó chính là do các em đã được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Tây Nguyên được ảnh hưởng bởi sự giao thoa về văn hóa của các dân tộc bản địa, dân tộc các vùng miền khác, chịu ảnh hưởng nhiều bởi điều kiện tự nhiên và xã hội của vùng Nam Tây Nguyên. Ngoài sự khác biệt vừa nêu trên, học sinh tại các trường THPT ở huyện Đắk Glong cũng như người dân nơi đây choáng ngợp với những đổi thay hàng ngày của địa phương nên bắt nhịp không kịp với cuộc sống mới, tự mình cảm thấy xa lạ với chính mảnh đất đã sinh ra mình, hoặc đã nuôi lớn mình. Học sinh bắt đầu tập ăn chơi, đua đòi theo lối sống thành thị nhưng là thành thị nửa mùa vì họ chưa đủ độ chín theo đúng nghĩa của người dân thành thị. Con cái tỏ ra hiểu biết hơn cha mẹ, tỏ ra sành điệu hơn người, bắt đầu khó dạy bảo kể cả ở nhà cũng như ở trường. Tư tưởng không cần học cũng có thể kiếm sống vì có rất nhiều công việc để làm đã xuất hiện trong nhiều học sinh. Vì vậy, để hiểu được tâm lý học sinh của
nhà trường có tính đặc thù như các trường THPT ở địa phương là một công việc hết sức khó khăn, nhưng đó là điều cần thiết phải làm để hoạt động dạy học đạt được hiệu quả.