Quản lý phát triển chất lượng đội ngũ giáo viên

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ quản lý hoạt động dạy học tại các trường trung học phổ thông ở huyện đắk glong, tỉnh đắk nông theo định hướng chương trình giáo dục phổ thông 2018 (Trang 68 - 71)

3.2.3.1. Mục tiêu của biện pháp

Chất lượng đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu của chương trình GDPT 2018 là sự sống còn của mỗi nhà trường trong giai đoạn hiện nay. Thực hiện tốt việc nâng cao chất lượng đội ngũ chính là việc làm có tính quyết định để thực hiện sứ mệnh của nhà trường. Từ đó, đưa nền giáo dục nước nhà nước nhà hòa nhập với nền giáo dục khu vực và thế giới. Hiệu trưởng phải giúp cho đội ngũ GV nhận thức rõ yêu cầu, tính tất yếu và sự cần thiết phải nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kĩ năng dạy học trong giai đoạn hiện nay.

3.2.3.2. Nội dung

Quản lí hoạt động đào tạo giáo viên.

3.2.3.3. Cách thức thực hiện

- Quản lí hoạt động đào tạo giáo viên.

Việc quản lí việc đào tạo giáo viên nhưng vẫn đảm bảo thực hiện các qui định về hành chính ngày, giờ dạy, báo giảng, cho điểm, vào điểm là một thách thức đối với mỗi nhà quản lý cơ sở giáo dục... Chất lượng của đội ngũ giáo viên không chỉ được đánh giá thường xuyên qua từng tiết dạy mà còn phải được đào tạo nâng cao trình độ đáp ứng yêu cầu đổi mới. Để có kế hoạch đào tạo thì người HT cần dựa vào các kênh thông tin học sinh, giáo viên, tổ chuyên môn, ban giám hiệu, phụ huynh học sinh. HT cần xây dựng kế hoạch đào tạo giáo viên đáp ứng tốt yêu cầu của chương trình GDPT 2018, đặc biệt chú ý đến những giáo viên chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo theo luật giáo dục sửa đổi.

-Quản lí việc thực hiện bồi dưỡng giáo viên theo chương trình GDPT mới.

Hiệu trưởng phải giám sát quá trình tự bồi dưỡng các module của chương trình GDPT 2018 theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chú trọng cải thiện chất lượng bồi dưỡng; giúp đỡ, hỗ trợ giáo viên trong quá trình tự học. Khuyến khích mọi người chủ động làm việc. Đối với các môn tích hợp như Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội cần có kế hoạch bồi dưỡng bổ sung lĩnh vực mà giáo viên chưa được đào tạo trước đây. Giúp họ có thể đảm nhận trọn vẹn môn học mà họ được giao nhiệm vụ giảng dạy.

3.2.4. Quản lý việc thực hiện đổi mới phương pháp dạy học

3.2.4.1. Mục tiêu của biện pháp

Quản lý việc đổi mới PPDH nhằm tích cực hóa hoạt động học tập, phát huy tính chủ động, sáng tạo và năng lực tự học, tự nghiên cứu của HS, góp phần nâng cao chất lượng dạy học của nhà trường. Đổi mới PPDH nhằm làm cho HS tiếp thu kiến thức một cách chủ động, tích cực, tự giác và vận dụng kiến thức một cách linh hoạt, sáng tạo trong các tình huống thực. Đổi mới PPDH nhằm khơi dậy, kích thích động cơ thái độ học tập đúng đắn và ý chí quyết tâm vươn lên trong học tập của HS, đồng thời tạo động lực cho đội ngũ GV tự bồi dưỡng kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, PPDH và kỹ năng sư phạm. Vì vậy mà việc học tập trở nên nhẹ nhàng mà kết quả học tập lại cao hơn.

Nâng cao nhận thức cho đội ngũ GV về yêu cầu của việc đổi mới PPDH, làm cho GV nhận thức sâu sắc về tính cấp thiết của yêu cầu đổi mới PPDH trong tình hình hiện nay. Đổi mới PPDH phải hướng vào việc phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học với phương châm dạy học phải xuất phát từ người học và tập trung vào người học: vì người học, của người học và do người học (dạy học lấy người học làm trung tâm).

Đổi mới PPDH phải được tổ chức và chỉ đạo một cách có hệ thống, khoa học, đồng bộ, khả thi.

Tổ chức xây dựng chương trình, kế hoạch đổi mới PPDH. Tổ chức học tập lý luận về PPDH.

Tổ chức cho các tổ chuyên môn dạy thử nghiệm theo chương trình mới. Tăng cường CSVC phục vụ cho việc đổi mới PPDH.

Chỉ đạo GV bồi dưỡng phương pháp học tập bộ môn cho HS.

3.2.4.3. Cách thức thực hiện

Hiệu trưởng phải tổ chức quán triệt cho cán bộ, GV những văn bản hướng dẫn, chỉ đạo đổi mới PPDH của Bộ GD&ĐT, tác dụng to lớn của việc đổi mới PPDH và những hạn chế của PPDH truyền thống. Điều kiện mới và PPDH mới lại đòi hỏi những phẩm chất, năng lực tương ứng của GV.

Hiệu trưởng phải giáo dục để nâng cao nhận thức về PPDH cho cán bộ, GV nhằm vào việc định hướng cho họ xác định ý thức, trách nhiệm và quyết tâm xóa bỏ những chướng ngại về tâm lý, xác định việc đổi mới PPDH là công việc hết sức khó khăn, cần phải thực hiện lâu dài đồng bộ và từng bước mới đạt được hiệu quả. Cụ thể:

Tổ chức xây dựng chương trình, kế hoạch đổi mới PPDH.

Ban giám hiệu, tổ bộ môn xây dựng chương trình chỉ đạo và thực hiện vận dụng đổi mới PPDH, nội dung giải pháp, những điều kiện và dự kiến sản phẩm đổi mới bao gồm: kế hoạch học tập, bồi dưỡng lý luận về các PPDH tích cực, nghiên cứu sử dụng các thiết bị dạy học và ứng dụng CNTT trong dạy học. Chương trình tự bồi dưỡng, các chuyên đề trọng tâm cần thảo luận, trao đổi, thống nhất và quyết tâm thực hiện đổi mới PPDH một cách có hiệu quả.

Tổ chức học tập lý luận về PPDH.

Tổ chức các hội nghị hội thảo về lý luận PPDH, phân tích ưu nhược điểm của từng phương pháp, điều kiện, cách thức, cách lựa chọn PPDH cho phù hợp.

Mỗi môn học, loại bài học đều có đặc thù riêng cho việc lựa chọn các PPDH, PPDH chủ đạo. Chúng phụ thuộc vào nhiều yếu tố như nhận thức, trình độ, năng lực của mỗi GV, nội dung bài giảng, điều kiện thiết bị dạy học. Mặc dù vậy, việc chỉ đạo đổi mới PPDH cần được thử nghiệm, dạy mẫu, đánh giá rút kinh nghiệm để khẳng định tính khả thi của việc khai thác những ưu nhược điểm của các phương pháp cho từng bộ môn, loại bài học. Việc thử nghiệm phải có tính lựa chọn, tránh dàn trải, ôm đồm và phải được đúc kết để áp dụng.

Tăng cường CSVC phục vụ cho việc đổi mới PPDH.

Các phương tiện kỹ thuật dạy học có vai trò quan trọng trong việc đổi mới PPDH, HT phải có kế hoạch và sử dụng nguồn kinh phí thích hợp để củng cố, bổ sung CSVC, TBDH; tổ chức cho GV học tập, nghiên cứu sử dụng các TBDH hiện đại, có như thế mới hỗ trợ đắc lực cho việc đổi mới PPDH.

Chỉ đạo GV bồi dưỡng phương pháp học tập bộ môn cho HS.

Đổi mới phương pháp dạy học không những là cách dạy của thầy mà còn là đổi mới cách học của trò. Mỗi một phương pháp dạy, thường có những phương pháp học phù hợp, tương ứng. Vì vậy, trong quá trình dạy, GV cần chú trọng định hướng, bồi dưỡng cách học, tự học, tự nghiên cứu cho HS nhằm tạo ra sự đồng bộ, thống nhất để nâng cao hiệu quả của HĐGD. Cụ thể là: thông qua giờ dạy trên lớp, tổ chức hội nghị báo cáo kinh nghiệm về phương pháp học tập, tự học của HS, chỉ đạo các tổ bộ môn đúc kết và áp dụng trong toàn trường.

Tăng cường tổ chức các hội thảo, các cuộc thi viết sáng kiến, nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng, đánh giá, tổng kết rút kinh nghiệm về việc đổi mới PPDH sau những lần áp dụng, thử nghiệm.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ quản lý hoạt động dạy học tại các trường trung học phổ thông ở huyện đắk glong, tỉnh đắk nông theo định hướng chương trình giáo dục phổ thông 2018 (Trang 68 - 71)