Pháp luật nhượng quyền thương mại luôn là chủ đề hấp dẫn trong nhiều năm trở lại đây. Có rất nhiều công trình nghiên cứu về hoạt động này, tuy nhiên không nhiều
25
nhà nghiên cứu chỉ ra pháp luật NQTM là gì. Lý giải về điều này, tác giả khóa luận đưa ra hai lý do. Thứ nhất, khi nói về pháp luật NQTM, có rất nhiều học giả cho rằng đây là một khía cạnh trừu tượng, phạm vi rộng, khó có thể chỉ rõ và bao quát cụ thể trong một vài dòng định nghĩa đơn thuần. Thứ hai, rất nhiều nhà nghiên cứu nghiễm nhiên mặc định pháp luật nhượng quyền thương mại đơn thuần là tất cả những quy định về hoạt động nhượng quyền, nên không phải định nghĩa. Điều này đúng, nhưng chưa đủ. Xuất phát từ tính chất tương đối phức tạp của hoạt động NQTM, mỗi quốc gia ban hành khung pháp lý nhất định để ràng buộc các chủ thể tham gia quan hệ nhượng quyền. Mục đích của các hệ thống quy tắc ứng xử đó là hướng tới bảo vệ hoạt động NQTM phát triển, đáp ứng yêu cầu của thương nhân, kiến tạo môi trường nhượng quyền an toàn, văn minh. Vậy nên, việc xác định định nghĩa pháp luật NQTM là gì không chỉ giúp việc nghiên cứu khoanh vùng cụ thể các nội hàm của nó mà còn xác định hệ quy chiếu điều chỉnh lĩnh vực này, đem đến cái nhìn tổng thể về khía cạnh pháp lý của hoạt động nhượng quyền thương mại đặc thù. Trong bài viết đăng trên tạp chí quốc tế mang tên “Quy định về nhượng quyền thương mại trên toàn thế giới”, hai tác giả Abell và Mark đã gián tiếp định nghĩa pháp luật nhượng quyền thương mại thông qua cách thức liệt kê như sau: “luật nhượng quyền thương mại thường được phân thành ba loại luật / quy định, đều có một mục đích và tính chất. Gồm có: (i) Luật cạnh tranh; (ii) Các quy định thương mại và đầu tư nước ngoài; và(iii) Các quy định nhượng quyền thương mại mang tính “cốt lổi”[15] Tại bài viết “Tổng hợp về nhượng quyền thương mại” đăng trên trang học thuật Academic, tác giả Hoàng Nhật đã định nghĩa: “Pháp luật về NQTM chính là tổng hợp các quy phạm pháp luật do Nhà nước ban hành và thừa nhận nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình tổ chức và thực hiện hoạt động thương mại. ”[16]
Tiếp thu những quan điểm học thuật từ các nghiên cứu đã tồn tại, trong công trình nghiên cứu này, tác giả khóa luận đưa ra định nghĩa pháp luật NQTM như sau:
“Pháp luật nhượng quyền thương mại là hệ thống các quy phạm pháp luật điều chỉnh mối quan hệ của các chủ thể trong hoạt động nhượng quyền thương mại. Các quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của các bên, hợp đồng nhượng quyền thương mại, thủ tục đăng ký nhượng quyền thương mại có sự liên kết rõ ràng với nhau nhằm kiểm soát những biểu hiện của hoạt động thương mại đặc thù này. ”
26